Đại Thủ Ấn Quy y, lễ lạy và Bồ Ðề Tâm
__________________________________________________ ______________________________________
Quy y, lễ lạy và Bồ Ðề Tâm
Giải nghĩa về cách thức tu tập Ðại Thủ Ấn của trường phái Kagyu bao gồm ba phần: dự bị tu tập, tu tập chính yếu và kết luận.
Phần thứ nhất bắt đầu bằng sự quy y và phát triển tâm Bồ Ðề.
Các cách thức dự bị tu tập được chia làm hai loại: chung (căn bản) và riêng. Quán chiếu về thân người khó được, về vô thường và chết, về nghiệp báo hay luật nhân quả, về sự đau khổ của luân hồi, là những pháp quán căn bản và chung cho tất cả các trường phái Phật Giáo. Riêng Kim Cang thừa có thêm bốn pháp dự bị tu tập đặc biệt (ngeun-dro): vừa lạy Phật vừa quy y (quy lạy), Kim Cang quán (méditation de Vajrasattva), cúng dường Mạn Ðà La (offrande du Mandala) và Bổn Sư Du Già (Guru-yoga). Bốn pháp này có thể được tu tập theo nhiều cách, nhưng thông thường nhất là thực hành 100.000 lần mỗi pháp theo thứ tự trong một thời gian ấn định như (ba, bốn năm) với một sự tinh tấn không gián đoạn. Còn có một cách tu tập khác là phân chia đều bốn pháp trên thành số lượng nhỏ và ấn định làm thời khóa thường nhật. Số lượng này không nhất định, có thể thay đổi, nhưng phải thực hành liên tục cho tới khi thấy được hảo tướng mới thôi. Ngoài ra các pháp dự bị tu tập cũng có thể thay đổi, tùy theo vị Thầy (Lama) quyết định xem cái nào phù hợp hơn với căn tánh của đệ tử.
Sau đây là những pháp dự bị tu tập tổng quát của trường phái Karma-Kagyu. Về những lời chỉ thị đặc biệt và tỉ mỉ cần phải được giảng dạy từ vị Thầy riêng của mỗi người.
Mục đích của sự dự bị tu tập là tẩy trừ những nghiệp xấu làm chướng ngại cho việc tu tập, và tích tụ nhiều công đức để tiến nhanh đến đạo quả. Sự quy lạy và Kim Cang quán thuộc mục đích thứ nhất, cúng dường Mạn Ðà La và Bổn Sư Du Già thuộc mục đích thứ hai. Trong khi quán chiếu về luật nhân quả, về những nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ và sự đau khổ kham chịu trong kiếp hiện tại, ta cần phải phát tâm sám hối trở về nương tựa nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Cúng dường lễ lạy Tam Bảo sẽ giúp ta thanh lọc những mầm mống của đau khổ. Ngoài ra cũng cần quán chiếu và ghi nhận rằng tất cả chúng sinh đều muốn xa lánh đau khổ nhưng lại luôn luôn làm điều độc ác và ích kỷ, muốn có hạnh phúc nhưng không bao giờ hành động đạo đức hay từ bi, bởi thế nên vẫn đau khổ triền miên. Quán chiếu như vậy xong, ta làm khởi lên lòng đại bi và nghĩ rằng sự tu tập của ta cũng thanh lọc luôn cả nghiệp chướng của họ. Cuối cùng phối hợp Bồ Ðề Tâm với sự quy lạy, ta nguyện tiêu trừ tất cả nghiệp chướng, sớm thành Phật để có thể thực sự làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.