Đại Thủ Ấn
Cúng dường Mạn Ðà La
__________________________________________________ ______________________________________



Cúng dường Mạn Ðà La

Thông thường, sự cúng dường không có nghĩa là làm vui lòng hay lấy điểm với bề trên, nó thể hiện lòng dâng hiến toàn vẹn cho sự giác ngộ, đại diện bởi các bậc Thầy và ngôi Tam Bảo; đồng thời cũng giúp cho ta gặt hái được nhiều công đức và lợi lạc. Khi ta gieo những hạt giống vào một cánh đồng, chính ta sẽ là người hưởng lợi chứ không phải cánh đồng. Sự cúng dường đến ngôi Tam Bảo cũng giống như vậy.

Có nhiều loại Mạn Ðà La. Những cảnh lâu đài thiên cung, nơi cư ngụ của các vị Bồ Tát, Hộ Pháp, được xem là một loại. Ðó là những kiểu mẫu thường thấy trên tranh ảnh (thangka). Riêng Mạn Ðà La dùng ở đây thuộc loại cụ thể, cấu tạo bằng một nền phẳng với những vòng tròn, gạo, hạt cây hoặc ngọc báu, tất cả tượng trưng cho toàn thể vũ trụ.


Quán tưởng trên hư không trước mặt, có một lâu đài Mạn Ðà La vĩ đại. Ở trung tâm là vị Bổn Sư (dưới hình dạng Vajradhara), phía trước ngài là những vị Thần Linh Quán[3], bên phải là chư Phật, đằng sau là tam tạng giáo điển, và bên trái là toàn thể Tăng Già. Ðây là Mạn Ðà La sơ khởi, đối tượng của sự cúng dường.

Tiếp theo ta cấu tạo một Mạn Ðà La khác với những dụng cụ nhỏ đặc biệt, và tụng lên bài kệ cúng dường.


Dùng một cái dĩa bằng phẳng làm nền tảng cho Mạn Ðà La (vật cúng dường). Một tay cầm dĩa, tay kia lau mặt dĩa và tụng bài chú 100 chữ của Vajrasattva để tẩy trừ mọi lậu hoặc. Sau đó, nhỏ một giọt nước (trong và thơm) lên trên tượng trưng cho Bồ Ðề Tâm hướng và lòng đại bi. Tiếp theo, đặt một cái vòng thứ nhất lên mặt dĩa và đổ đầy những hạt gạo, đậu, v.v..., ở bốn góc một vài hạt kim cương, ngọc báu[4]; sau khi đổ đầy vòng thứ nhất, tiếp tục như vậy cho đến vòng nhỏ cuối cùng, và đặt trên vòng này một bảo vật. Ðây là sự cúng dường cụ thể tượng trưng bên ngoài.

Trong lúc cấu tạo Mạn Ðà La để cúng dường bên ngoài, ta đọc lên bài kệ thích hợp. Ðọc đến đâu, quán tưởng đến đó, đây thuộc về ý cúng dường. Vật mà ta cúng dường tượng trưng cho toàn vũ trụ, thường được miêu tả trong giáo lý A Tỳ Ðàm (Abhidharma).

Vũ trụ thường được miêu tả dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ trường hợp, vì căn cơ và nghiệp báo của thính chúng không đồng, nên khiến mỗi người thấy sự vật khác nhau. Riêng theo sự miêu tả ở đây thì có một dãy đất bằng huỳnh kim, chung quanh bao bọc bởi những bức tường sắt, bên ngoài là biển mặn. Bên trong bức tường, ở bốn góc có bốn châu (lục địa), mỗi châu lại nằm giữa một đại dương. Từ mỗi châu tiến dần vào trung tâm điểm gồm có bảy vòng đai xen kẽ với bảy núi vàng và bảy hồ thanh lương. Ở trung tâm điểm là núi Tu Di (Suméru), hình vuông giống bửu tháp (stupa) bốn tầng. Mặt núi phương đông bằng ngọc pha lê trắng, phương nam bằng ngọc lưu ly, phương tây bằng ngọc hồng bào và phương bắc bằng ngọc bích. Bầu trời và mặt biển ở bốn phía đều mang cùng màu tương hợp với ngọc núi. Lục địa (châu) phương đông hình bán nguyệt, mặt thẳng đối diện núi Tu Di, lục địa phương nam hình thang, lục địa phương tây hình tròn và lục địa phương bắc hình vuông.

Quả đất chúng ta đang ở thuộc phương nam (Nam Thiện Bộ Châu), biển và bầu trời màu xanh lơ. Những châu còn lại (đông, tây, bắc), ta không thể đến được bằng tàu bay hay phi thuyền, trừ khi ta tạo những nghiệp tương ưng với các chúng sinh ở đó.

Bài kệ mà ta phải lập lại 100.000 lần trong lúc thược hành pháp này là: "Hướng về tất cả các cõi Tịnh Ðộ của chư Phật, con xin cúng dường Mạn Ðà La này, làm bằng hoa, dầu thơm, trầm hương, trang hoàng với núi Tu Di, tứ châu và nhật nguyệt. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được sinh về các cõi Tịnh Ðộ."


Bằng sự cúng dường này, ta sẽ tích tụ được hai thứ: phước đức và trí huệ.

Sau khi cúng dường xong, quán tưởng tất cả chư Phật, Bồ Tát trong Mạn Ðà La đối tượng, tan biến thành hào quang và thấm nhập vào ta.

Cúng dường Mạn Ðà La cụ thể và ý tưởng giúp ta gặt hái nhiều công đức. Cùng lúc đó, ta phải quán chiếu luôn về tánh Không của các pháp, tức năng cúng và sở cúng đều trống rỗng, không có thực tánh, nhờ đó trí huệ sẽ tăng trưởng. Tích tụ công đức dẫn đến sự thành tựu Hóa thân (Nirmanakaya) và Báo thân (Sambhogakaya). Những chúng sinh tu hành nhiều đời, gieo tạo căn lành có thể thấy được Hóa thân Phật. Riêng Báo thân Phật, chỉ có hàng đại Bồ Tát, những vị đã thực sự trực nghiệm tánh Không (Sunyata) mới thấy được. Tích tụ Trí Huệ (Bát Nhã) dẫn đến sự chứng đạt Thể Tánh thân (Svabhavakaya) và Pháp thân (Dharmakaya). Theo ý nghĩa tập luận ở đây thì Thể Tánh thân chính là nhất thiết trí của Phật, còn Pháp thân là tổng tánh bất dị của ba thân trước. Tuy nhiên. ở vài nơi khác, sự định nghĩa của hai thân này có thể đổi ngược, nhưng thường thì chỉ có Pháp thân là hay được đề cập đến.

Ðến đây chấm dứt phần dự bị tu tập thứ ba: cúng dường Mạn Ðà La.