PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂNPhần 9__________________________________________________ ______________________________________
Lại nữa, khi ở chùa Nam Hoa, Ngài biết chốn tổ đình dòng Vân Môn, hương khói vô định, tức có lúc nối tiếp có lúc ngừng. Vì vậy, Ngài quyết tâm khôi phục lại dòng thiền Vân Môn. Kiểm lại dòng Vân Môn thì thấy rằng tông này phát khởi từ thiền sư Văn Yển, rồi truyền được mười một đời, cho đến thiền sư KỶ Am Thâm Tịnh tại chùa Quang Hiếu, tỉnh Ôn Châu, thuộc triều Tống thì dừng. Dòng kệ từ tổ Văn Yển truyền đến đời thứ tám là Ưu Hồng Tăng, có hai mươi chữ. Sau này, không biết ai lại thêm vào hai mươi chữ truyền hệ phái. Vì vậy, cổ phái lại phân thành ba. Nay muốn kế tục hoằng truyền, nhưng Ngài lại không biết phải bắt đầu từ chữ nào. Do đó, phải dùng pháp danh của Ngài, ghép với thiền sư Thâm Tịnh, để viết ra năm mươi sáu chữ, hầu mong các bậc hiền sĩ đời sau tấn bước, truyền đăng vô tận. Kệ viết:
"Thâm diễn diệu minh diệu càn khôn
Trạm tịch hư hoài hải ấn dung
Thanh tịnh giác viên huyền trí cảnh
Huệ giám tinh chân đạo đức dung
Từ bi hỷ xả xương phổ hóa
Hoằng khai điểm hoa tích truyền đăng
Kế chấn Vân Môn quan nhất chỉ
Huệ trạch thương sanh pháp vũ long".
Dịch:
"Thâm diễn diệu minh, sáng càn khôn
Lặng lẽ u hoài, hình hải ấn
Thanh tịnh viên giác, kính trí treo
Huệ giám tinh chân, dung đạo đức
Từ bi hỷ xả, xướng độ khắp
Cầm hoa hoằng khai, tiếp truyền đăng
Chấn thừa Vân Môn, chỉ nhất ải
Nguồn huệ dồi dào, mưa pháp tràn".
Mùa xuân năm Quý Dậu, thiền sư Minh Trạm từ Trường Đinh đến Nam Hoa, bảo rằng vừa sáng lập núi Bát Bảo tại Trường Đinh, chí nguyện muốn tiếp nối dòng Pháp Nhãn. Không biết lý do gì, thiền sư Minh Trạm lại khẩn thỉnh Ngài cứu vãn dòng hệ Pháp Nhãn. Đáp lời của thiền sư Minh Trạm, Ngài nói:
- Tông này xuất phát tại núi Thanh Lương ở Kim Lăng, và bị thất truyền đã lâu, nên không dễ dàng mà khôi phục lại. Kể từ đời Tống, Nguyên, tiếp nối lưu truyền. Tra trong bộ điển tịch, thiền sư Văn-ích khai mở hệ phái, truyền được bảy đời, cho đến thiền sư Tường Phù Lương Khánh thì ngưng, nên không thể kiểm duyệt hệ phái được nữa. Từ thiền sư Văn-ích truyền đến thiền sư họ Quang đời thứ sáu, có hai mươi chữ. Sau này, không biết người nào lại thêm bốn mươi chữ. Tuy có hai phái, nhưng con cháu lại ngưng truyền. Tra lại hệ phái thì thấy rằng thiền sư Văn-ích xuất sanh ra quốc sư Đức Thiều ở núi Thiên Thai cùng thiền sư Thái Khâm tại núi Thanh Lương. Điều tra hệ phái thì có hai thuyết: Một là quốc sư Đức Thiều truyền xuống cho thiền sư Luơng Khánh. Một là thiền sư Thái Khâm truyền pháp xuống thiền sư Lương Khánh. Có nơi ghi bảy đời: "Ích, Thiều, Thọ, Thắng, Nguyên, Huệ, Lương".
Có nơi ghi: "Ích, Khâm, Tề, Chiếu, Nguyên, Huệ, Lương".