PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
Phần 9
__________________________________________________ ______________________________________


XXVI. Biểu tướng của Tăng Đồ trong đời mạt pháp

Người thế tục có câu:

- Tú tài là tội nhân của Khổng Tử. Tăng sĩ là tội nhân của Phật đà.

Lời của người xưa thật rất thâm thúy. Làm mất sáu nước là do người của sáu nước, chứ chẳng phải do người nước Tần. Làm nước Tần tan rã là do thân tộc nhà Tần, chứ chẳng do thiên hạ. Diệt Phật pháp là do Tăng sĩ. Hôm nay, để bày tỏ nỗi lòng uẩn khúc, tôi tự hỏi tự đáp những lời như sau.

Hỏi: Hiện tại có thể sửa đổi năm tháng Phật lịch, tức không dùng mồng tám tháng tư là ngày làm lễ Phật đản sinh được không?

Đáp: Vận pháp của Phật Thích Ca có ba thời kỳ là Chánh pháp, Tượng pháp, và Mạt pháp. Đời Chánh pháp có một ngàn năm, và đời Tượng pháp cũng có một ngàn năm.

Mạt pháp có mười ngàn năm. Đời Chánh pháp và Tượng pháp đã qua. Hiện nay là đời Mạt pháp và đã qua chín trăm năm tám mươi hai năm. Thật ra, không có mạt, vì pháp làm sao mạt được? Nếu thường được nhiều người ủng hộ, thì Phật pháp trường tồn muôn năm. Sự tướng có phân biệt là Chánh pháp, Tượng pháp, và Mạt pháp. Song, nếu con người chân chánh thì thời mạt pháp cũng là chánh pháp. Nếu tự sanh thối thất, thì tuy là đời Chánh pháp, nhưng đã trở thành Mạt pháp.

Kinh Mạt Pháp thuyết rất nhiều biểu tướng suy vi, mà hiện nay đã xuất hiện: Tăng cưới vợ; ni lấy chồng; sắc y ca sa biến thành màu trắng. Người bạch y (cư sĩ) ngồi trên tòa, còn Tỳ kheo ngồi dưới tòa. Lúc con người thọ mạng khoảng ba mươi tuổi, thì pháp Đại Thừa sẽ bị diệt mất. Lúc con người thọ mạng chỉ còn hai mươi tuổi, pháp Tiểu thừa cũng bị diệt luôn. Lúc thọ mạng của con người là mười tuổi, thì chỉ còn sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật". Trong đời Mạt pháp, tất cả pháp của Phật thuyết ra, đều bị hoại diệt, mà đầu tiên là kinh Lăng Nghiêm, rồi đến kinh Ban Chu Tam Muội. Ví như ông Âu Dương Cảnh Vô dùng kiến giải của mình, viết trăm lời ngụy thuyết, để phản đối bộ kinh Lăng Nghiêm. Tại Hồng Kông, có ông Pháp sư nọ, bảo rằng kinh Hoa Nghiêm, Viên Giác, Pháp Hoa, Đại Thừa Khởi Tín Luận, v.v... đều là ngụy giả. Đây là biểu tướng của đời Mạt pháp.

Đời quá khứ, Phật Ca Diếp vừa nhập diệt, chư Thiên liền thu góp ba tạng Thánh giáo của Ngài, mà kết thành Tam tạng Kinh điển, rồi lập tháp cúng dường. Trong đời Đường, chư Thiên xuống mách bảo luật sư Đạo Tuyên là thánh giáo tam tạng cùng Kinh tượng của Phật Ca Diếp vẫn còn lưu giữ tại kho tàng thánh tích ở núi Chung Nam, tức Nam Cao Tứ Đài. Hiện tại, có mười ba vị Bồ Tát hàng Viên Giác, đang thủ hộ trong đó. Ngày nay, vào mỗi tháng chạp, dân chúng địa phương thường nghe tiếng chuông khánh vang dội trên hư không.