PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN Phần 6 _ XXII. Thiền thất khai thị lần thứ hai
__________________________________________________ ______________________________________
18/ Ngày hai mươi ba tháng tư
Trong quyển Nguyệt San Phật Giáo viết: "Nhà Phật gặp đại nạn, vì lạm truyền giới pháp. Quy củ thất truyền, chân lý bị mai một".
Điều này tôi cũng thường nhắc đến. Vài thập niên trước, tôi có giảng về việc Phật pháp bị suy đồi vì truyền giới không đúng như giáo pháp. Nếu truyền giới đúng như giáo pháp, và Tăng Ni vẫn còn nghiêm thủ giới luật cẩn mật, thì Phật giáo không đến đỗi bị suy vi như hiện tại. Tôi tự rất xấu hổ. Lúc vừa xuất gia, không biết gì là giới, chỉ cắm đầu tu khổ hạnh, vì cho rằng ăn đọt thông, uống nước suối, chính là tu đạo. Pháp Đại Thừa, Tiểu Thừa, ba Tạng, mười hai phần Kinh, tất cả đều chẳng biết đến.
Núi Cổ Sơn, tỉnh Phước Kiến, là nơi danh lam thắng cảnh, có vài tu viện am tranh, và có hàng trăm Tăng sĩ. Người xa gần đều nghe tiếng, nên tôi mới đến đó xuất gia. Giới kỳ trên núi Cổ Sơn chỉ có tám ngày. Thật ra, tại nơi đó việc truyền giới chỉ có bốn năm ngày thôi. Vào ngày mồng một tháng tư, Tân giới tử mang bản tên vào giới đường. Kế đến, vội vã học quy củ thiền môn, cùng làm rất nhiều thủ tục. Nơi đó, chẳng có giới đàn Tỳ kheo. Tân giới tử không biết họ sẽ thọ những giới gì. Vào ngày thứ tám, Giới tử lên đàn dâng hương, liền tính là đã thọ giới xong. Sau này, tôi đi lưu lạc khắp xứ, nhận biết cách thức truyền giới nơi nơi đều khác nhau. Chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai giới kỳ có năm mươi ba ngày, nhưng chỉ có các tiểu Hòa thượng thọ giới. Giới kỳ tại núi Phổ Đà có mười tám ngày, được gọi là giới A La Hán. Giới kỳ tại chùa Thiên Đồng có mười sáu ngày. Giới kỳ tại chùa Bảo Hoa có năm mươi ba ngày. Phủ Ninh Quốc, tỉnh An Huy, giới kỳ có ba ngày. Ở Huy Châu, có một ngôi chùa tổ chức giới kỳ rất mau, chỉ trong vòng một ngày một đêm, được gọi là Nhất Dạ Thanh.
Sau này, xem lại Kinh Luật, mới biết những cách thức truyền giới như thế, đều không hợp với giới pháp. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Trong mười vị Giới sư (tức tam sư thất chứng), nếu có một vị không thanh tịnh, thì đàn tràng thọ giới đó không thể thành tựu".
Điều này chứng minh rằng một trong mười vị giới sư, nếu không được thanh tịnh, thì giới đàn không thành tựu. Kinh Lăng Nghiêm lại bảo: "Đoan tọa an cư, trải qua một trăm ngày, nếu có người lợi căn, không rời chỗ ngồi, liền đắc quả Tu Đà Hoàn. Thân tâm từ đó, tuy quả Thánh chưa thành, mà quyết tự biết, thành Phật chẳng xa".
Việc truyền giới trong thời cận đại, không xem trọng là các vị thầy truyền giới có thanh tịnh hay không thanh tịnh, và có đúng pháp hay không đúng pháp!
Phật giáo Trung Quốc, từ đời vua nhà Hán cảm mộng thấy sắc thân Như Lai, đến lúc hai tôn giả Mã Thắng, Trúc Pháp Lan sang truyền pháp, vẫn chưa đủ mười vị giới sư, nên chẳng có thể truyền giới cụ túc, nhưng chúng xuất gia được cạo tóc như các đạo sĩ, lại được đắp mạn y, cùng giữ năm giới và mười giới. Đến đời Tào Ngụy Gia Bình năm thứ hai (250), pháp sư Đàm Ma Ca La dịch quyển Tăng Kỳ Giới Bổn, rồi bắt đầu hành pháp truyền giới. Sa môn Châu Sĩ Hành đầu tiên thọ giới cụ túc tại nước Tàu. Kế đến, vua Lương Võ Đế thỉnh các pháp sư truyền giới cụ túc. Công khanh, thái tử, đạo tục, thọ giới Bồ Tát có đến bốn mươi tám ngàn người. Đời Đường, luật sư Đạo Tuyên, tại chùa Tịnh Nghiệp, kiến lập Thạch Giới Đàn, truyền giới cụ túc cho sa môn Nhạc Độc, y theo quyển Giới Đàn Đồ Kinh.