PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
Phần 1
__________________________________________________ ______________________________________


Chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông trong Kinh Lăng Nghiêm viết:

"...Chư Phật trong mười phương thường lân mẫn thương xót nghĩ nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con cứ chạy lẫn trốn thì mẹ có thương nhớ cũng vô ích. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con đều không cách xa. Nếu tâm chúng sanh thường nhớ Phật niệm Phật, thì hiện tiền và tương lai, tất sẽ thấy Phật, và không xa cách Phật. Không cần giả lập phương tiện, tâm vẫn tự được khai ngộ... Nhân địa của con, dùng tâm niệm Phật mà nhập vào Vô sanh pháp nhẫn. Hôm nay tại nơi đây, nhiếp thọ người thường niệm Phật, quy nơi Tịnh Độ".

Có nhân thì có quả, tức là sự và lý không chướng ngại nhau. Đạo Cơ Đốc bảo rằng người hiền lương sẽ sanh qua Thiên Quốc vĩnh viễn. Giáo lý của tông Tịnh Độ bảo rằng vãng sanh Tịnh Độ thì mãi sanh nơi cõi Phật, thấy Phật nghe pháp, liễu ngộ vô sanh pháp nhẫn. Dùng diệt mà hiển thị sanh, nên có sanh diệt đối đãi. Cuối lúc diệt, sanh trong cái vô sanh, tức vốn tự vô sanh, nên không có diệt. Vì vậy, gọi là Vô Lượng Thọ.

Y theo hạnh nguyện của Bồ Tát, chẳng phải chỉ có người xuất gia mới cầu đạo vô thượng, mà người tại gia cũng hành được. Bất quá, người xuất gia chỉ sống xa quốc chủ, rời thân bằng quyến thuộc, xả bỏ ân ái gia đình, ý tại thoát ly tình dục trói buộc. Người xuất gia xả bỏ tình riêng mà phát triển đồng tình Phật tánh. Xả bỏ ân ái riêng tư để trở thành bậc bác ái vĩ đại. Lấy việc cứu độ tất cả chúng sanh làm trung. Dùng sự nhiếp thọ chúng sanh làm hiếu. Đó là ý nghĩa của chủ nghĩa đại đồng. Tiên sinh Tôn Trung Sơn thường nói:

- Phật giáo lấy việc cứu thế gian làm nhân đức. Phật học là mẹ của mọi ngành triết học. Tôn giáo tạo thành nền văn hóa và duy trì hùng khí cùng thiên tánh tự nhiên của dân tộc. Nhân dân chẳng nên không có tư tưởng tôn giáo. Nghiên cứu Phật học giúp bổ xung vào những điểm khiếm khuyết của triết học.

Hôm nay, Ngài (Tưởng Giới Thạch) đã cho phép kết hợp Phật giáo vào nền văn hóa, tức là bổ ích thêm cho tư tưởng học thuật của nước nhà. Hiện tại, Phật giáo đang lan truyền rộng rãi khắp thế giới. Phật giáo luôn chủ trương khuyến tấn đại giáo đại đồng duy nhất. Đây không phải là lời trống rỗng.

Vả lại, ngày nay tự do tôn giáo, chẳng nên cưỡng ép người theo những đạo mê tín, thì mới khiến nhân tâm trung thành khâm phục mà sanh chánh tín. Nếu bỏ Phật giáo thì quy ngưỡng vào nơi nào ?