PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
Phần 1
__________________________________________________ ______________________________________


- Ông nói rằng nếu nó không sáng suốt phân biệt chiếu soi thì không phải là tâm, vì nó không phân biệt được cái gì cả. Vậy ông có hiểu chăng: Nếu có chiếu soi phân biệt thì không phải là chơn, còn không có chiếu soi thì chẳng phải là tâm. Nếu tâm mà không sáng suốt thì không phải là chân tâm thanh tịnh rồi.

Ông nên hiểu rằng chân tâm vẫn sáng suốt; vì ông vọng chấp cái Sáng Suốt Phân Biệt làm tâm, nên thành ra có năng phân biệt (tâm) và bị phân biệt (cảnh).

Chân tâm của ông không phải cái bị phân biệt, nhưng vì ông khởi ra cái năng phân biệt nên nó (chân tâm) trở thành cái bị phân biệt (cảnh). Đã vọng thành cái bị phân biệt thì dĩ nhiên ở nơi ông phải vọng sanh ra cái năng phân biệt.

Thế là ở nơi chân tâm của ông vẫn thanh tịnh, không có năng và sở, mà thoạt nhiên thành ra có năng và sở.

Thể tánh chân tâm vốn không khác biệt. Do vọng niệm phân biệt có năng sở và bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Do có hư không và thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi lẫn nhau nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt xấu, phải trái, v.v... Vì vậy mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới; cái không có hình tướng và yên tịnh là hư không. Khác với hư không và thế giới là chúng sanh.

Ngay trong chân tâm, do vô minh vọng động mà có hư không. Hư không mờ mịt vì vô minh sanh ra. Trong hư không có chất động, vì nó là vọng. Do đó, trong hư không có gió (phong luân) để duy trì thế giới.

Do hư không sanh ra gió và do nơi tâm chúng sanh có tánh cố chấp phân biệt, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có những chất cứng chắc là vàng ngọc (vàng ngọc cứng chắc là vì tâm cố chấp sanh ra. Nó sáng ngời là do tâm phân biệt sanh ra). Đây là nguyên nhân có chất kim khí để bảo trì thế giới.

Vì tâm chúng sanh có tánh cố chấp phân biệt nên sanh ra chất cứng chắc là kim khí, và vì có vọng động mà thành ra gió. Rồi gió thổi kim khí và cọ xát mãi, khiến kim khí đó nóng lên, nên nháng sanh ra ánh sáng là lửa. Đây là nguyên nhân có lửa để nấu đốt các vật.

Chất vàng ngọc vừa sáng ngời và đượm mát. Do lửa xông lên nên có hơi nước rịn ra. Đây là nguyên nhân có nước để bao bọc cả mười phương thế giới.

Vì tánh lửa bốc lên, còn nước thì lại chảy xuống, nên chỗ có thấp ướt thì là sông biển, chỗ cao nổi lên là cồn đảo. Bởi lửa và nước dung hòa nhau, cho nên trong biển thỉnh thoảng bốc lên ánh sáng của lửa, và trong cồn đảo lại có sông rạch thường chảy ra nước.

Vì thế lực của nước yếu hơn lửa, nên bị lửa bốc lên kết thành núi cao. Do đó, đập đá thì có lửa, còn đốt quá nóng thì nó chảy ra nước.

Vì thế lực của đất yếu hơn nước, nên nó bị nước rút lên làm cỏ cây. Vì vậy, nếu đốt cỏ cây thì chúng trở thành tro, còn vò ép thì chúng lại ra nước.

Tóm lại, vì trong tâm chúng sanh có các vọng tưởng xen nhau phát sanh, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có các cảnh vật. Do nhân duyên này mà thế giới tiếp nối nhau sanh ra mãi không dứt.