DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 17/20 ĐầuĐầu ... 71516171819 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 161 tới 170 của 196
  1. #161
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    38/ Ngày hai mươi bảy tháng sáu

    Tại Ấn Độ, lúc Phật chưa ra đời, các tà sư ngoại đạo phân nhóm với nhau, thường được gọi là lục sư ngoại đạo. Mỗi ngoại đạo có mười lăm đệ tử. Thầy trò tính chung, tổng cộng thành chín mươi sáu, tức xưng là chín mươi sáu ngoại đạo. Trong đó, có một tông phái rất tương đồng với Phật giáo, nên trừ ra chỉ còn chín mươi lăm tông. Trong chín mươi lăm tông phái, tông chỉ cách thức tu hành của mỗi tông phái không đồng. Tuy nói tu hành, nhưng lý lẽ đều không rõ ràng, chỉ nghị luận điên điên đảo đảo. Song, vẫn có nhiều người theo học. Xưa kia, ở nước Tàu có hoàng đế Hiên Viên, nhân đi dạo chơi nơi núi Không Động tại Quảng Thành, bảo rằng đến đó để tu hành. Vua Phục Hy vẽ hình bát quái, cũng bảo là tu đạo. Lý Lão Quân vì nhà Chu mà đóng cột trụ làm sự tích, cũng bảo là giảng đạo. Xưa nay, trong và ngoài nước có rất nhiều vị tự xưng là giảng đạo tu hành, nhưng trình độ sâu cạn không đồng, và cùng đạo Phật cách xa diệu vợi.

    Luận bàn về nhân duyên khai sáng Phật giáo: Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni, dòng họ Sát Lợi. Cha tên Tịnh Phạn. Mẹ tên Ma Da. Dòng họ Sát Lợi, từ lúc khai thiên lập địa, đời đời đều làm vua chúa tại cõi Diêm Phù Đề. Bồ Tát trải qua bao kiếp tu hành, được Phật Nhiên Đăng thọ ký thành Phật. Sau đó, trong đời Phật Ca Diếp, Bồ Tát thành đạo, sanh lên nội viện cung trời Đâu Suất, hiệu đại sĩ Hộ Minh. Kế đến, ứng vận giáng thần vào thai hoàng hậu Ma Da. Mồng tám tháng tư năm giáp dần, Thái tử đản sanh tại bắc Ấn Độ. Đương thời, tại nước Tàu chính là đời vua Chu Chiêu Vương, niên hiệu thứ hai mươi bốn. Lúc hạ sanh từ lưng sườn bên phải của hoàng hậu Ma Da, Bồ Tát phóng luồng hào quang sáng chói, chiếu khắp mười phương. Từ dưới đất vọt lên hoa sen vàng đỡ chân Bồ Tát. Khi đó, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, đi bảy bước, mắt nhìn bốn phương, Bồ Tát nói:

    - Trên trời dưới đất, không ai sánh bằng Ta!

    Ngày mồng tám tháng hai năm mười chín tuổi, Bồ Tát đi qua bốn cửa thành, thấy các việc sanh, già, bịnh, chết, nên khởi tâm bi thương ai thán, muốn xuất gia thoát ly sanh tử, tự nghĩ: "Sanh lão bệnh tử này thật rất chán chường".

    Đến tối, trời Tịnh Cư, hiện xuống bảo:

    - Thời điểm xuất gia đã đến. Ngài hãy nên đi!

    Lúc đó, Bồ Tát cỡi ngựa vượt thành Ca Tỳ La. Được chư Thiên đỡ chân, ngựa bay lên hư không. Bồ Tát lại bảo:

    - Nếu chưa đoạn tám khổ, chưa chứng đạo Bồ Đề, chưa Chuyển pháp luân, thề không bao giờ trở lại thành này.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  2. #162
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    Liền đó, Bồ Tát đến núi Đan Đặc tu đạo. Đầu tiên, học bất dụng thiền định nơi ông A Lam Ca Lam ba năm, nhưng Bồ Tát nhận biết thiền định này chưa có thể xả chấp được. Sau đó, Bồ Tát đến học thiền định Phi phi tưởng xứ, nơi ông Uất Đầu Lam Phất ba năm, nhưng cũng nhận biết rằng thiền định này chưa phải là tối thắng. Bồ Tát lại đến núi Tượng Đầu, cùng với các chúng ngoại đạo tu hành; trải qua sáu năm, tu hành khổ hạnh; ngày ngày chỉ ăn một hạt mè. Kế đến, Bồ Tát đến cội Bồ Đề ngồi thiền. Đến đêm thứ bốn mươi chín, thấy sao mai buổi sáng, Bồ Tát liền đại ngộ, thành bậc Đẳng chánh giác, hiệu là đấng Như Lai Thế Tôn. Mồng tám tháng hai, đức Thế Tôn đến thành Ba La Nại, nơi vườn Lộc Uyển, thuyết pháp Bốn Thánh Đế, độ năm anh em ông Kiều Trần Như:

    - Các ông nên biết, đây là khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ, con đường diệt khổ.

    Lúc Phật chuyển pháp luân Bốn Thánh Đế trong ba lần mười hai thời, năm anh em ông Kiều Trần Như liền đắc pháp nhãn thanh tịnh. Lúc đó, năm ông đều cầu xin, theo Phật xuất gia. Đức Thế Tôn bảo:

    - Thiện lai tỳ kheo.

    Râu tóc của năm ông đều tự rơi, y ca sa tự đắp trên thân, tức thành Sa Môn. Phật lại thuyết năm ấm vốn là vô thường, khổ không vô ngã. Năm vị tỳ kheo đều diệt tận các lậu, liễu giải tâm ý Phật, chứng quả A La Hán. Ngay nơi đó, thế gian có năm vị tỳ A La Hán đầu tiên. Kế đến, Phật độ con ông trưởng giả Da Xá cùng năm mươi người bạn của ông. Ngài Ưu Lâu Phả Loa Ca Diếp cùng năm trăm đệ tử, ngài Na Đề Ca Diếp cùng hai trăm năm mươi đệ tử, ngài Già Na Ca Diếp cùng hai trăm năm mươi đệ tử, ngài Xá Lợi Phất cùng một trăm đệ tử, ngài Mục Kiền Liên cùng một trăm đệ tử, tất cả đồng quy y Phật, thọ giới xuất gia làm Tỳ kheo.

    Tổng cộng là một ngàn hai trăm năm mươi vị. Đầu tiên, các ngài tu theo Ngoại đạo, nhưng sau lại được Phật hóa độ, tu chứng quả thánh. Vì cảm kích thâm ân của Phật, nên một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ kheo thường đi theo Phật giáo hóa. Trong những câu đầu của các bài Kinh, thường nói đến các ngài. Hôm nay, chúng ta xuất gia, theo Phật tu học. Song, có bốn hạng người xuất gia: Thứ nhất, thân xuất gia mà tâm chẳng xuất gia, tức thân tuy đi tìm cầu pháp mà tâm chẳng muốn thọ pháp. Thứ hai, thân tại gia mà tâm lại xuất gia, tức tuy vui vầy với vợ con mà không đắm nhiễm. Thứ ba, thân tâm đều xuất gia, tức nơi cảnh dục lạc, thân tâm không đắm nhiễm. Thứ tư, thân tâm không xuất gia, tức vui vầy với vợ con, tâm tham đắm nhiễm trước.

    Chúng ta hãy tự kiểm nghiệm xem coi, trong bốn hạng trên, mình thuộc hạng nào. Tôi xấu hổ muôn phần, thân tuy xuất gia, nhưng trải qua bao thập niên, lừa Phật ăn cơm. Tôi chỉ biểu diễn xuất gia ở bên ngoài, nhưng trong tâm vẫn chưa nhập đạo, chưa chứng lý thể thật tướng, chưa nhận thấy bốn đại là không, chưa đạt đến như như bất động, tức là tâm chưa xuất gia trọn vẹn. Thân tâm xuất gia trọn vẹn là một điều rất khó. Xưa kia, tại Ấn Độ các đại cư sĩ, tuy thân tại gia mà tâm lại xuất gia, như ông Duy Ma Cật, cô Nguyệt Thượng, phu nhân Mạt Lợi, hoàng hậu Vi Đề Hi.

    Tại nước Tàu, có ông Bàng Long Uẩn, vua Tống Nhân Tông, Trương Tương Dương, đều là những vị thâm thông Phật pháp; thân tuy cư tại trần lao mà tâm chẳng nhiễm thế tục. Chư đại Tổ Sư, thân tâm trọn vẹn xuất gia có hằng sa số. Các ngài là những bậc mô phạm trong nhà Phật, khiến hàng hậu lai khâm phục ngưỡng mộ. Các ngài hoằng pháp lợi sanh, làm Phật sự lớn, công đức vô lượng. Vua Thuận Trị đời Thanh sáu tuổi lên ngôi, hai mươi bốn tuổi xuất gia. Thân tâm của ông xuất gia trọn vẹn. Đối với những kẻ thân tâm không xuất gia trọn vẹn, tôi chẳng cần nhắc đến. Bậc chân chánh xuất gia thật hiếm có, và trở thành bậc đại pháp khí cũng không dễ. Ngài Khấu Băng Cổ Phật bảo:

    - Xưa kia, chư thánh hiền tu hành thành công, đều nhờ vào sự tiết chế khổ hạnh.

    Ngài Hoàng Bá bảo:

    - Nếu không chịu lạnh thấu xương cốt, thì hoa mai sao tỏa mùi hương!

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  3. #163
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    Người xuất gia làm được những điều đó thật không phải dễ dàng. Có rất nhiều con đường để thoát ly sanh tử. Kinh Lăng Nghiêm bàn đến hai mươi lăm pháp môn tu hành viên thông. Tuy có hai mươi lăm pháp môn, nhưng không ngoài Thiền tông, Giáo lý, Luật, Tịnh Độ. Tông tức là Thiền tông. Giáo tức là kinh giáo. Luật tức là giới luật. Tịnh tức là tịnh độ. Bốn pháp môn này thậm thâm vi diệu. Thiền tông chỉ thẳng vào việc minh tâm kiến tánh, động tĩnh nhất như, nơi nơi đều là đạo. Bàn về thiền, có rất nhiều loại thiền, tà chánh đại tiểu không đồng. Giảng Kinh cũng như thế, cứu cánh phải đạt đến nơi đại khai viên giải; một niệm vượt ba ngàn cõi, tánh tướng dung thông, sự lý vô ngại.


    Niệm Phật cũng phải niệm đến nhất tâm bất loạn, mới chứng duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà, rồi nhập vào biển khổ Ta Bà, cứu độ chúng sanh. Tất cả pháp môn, đều không xa rời việc trì giới. Kinh Lăng Nghiêm bảo: "Nhiếp tâm là giới. Không đoạn tâm dâm dục, tất phải đọa vào đường ma. Không đoạn tâm giết hại, tất đọa vào thần đạo. Không đoạn tâm ăn cắp, tất đọa vào tà đạo. Không đoạn tâm đại vọng ngữ, nhân địa không chân chánh, thì chiêu quả quanh co. Hôm nay, sơ khởi Ta thuyết về cách nhập tam ma địa, tu pháp môn vi diệu. Muốn cầu đạo Bồ Tát, các ông trước tiên phải nghiêm trì bốn loại giới luật căn bản trên, khiến sáng trong như băng tuyết, tự không sanh cành lá. Tâm phạm ba điều, miệng phạm bốn lỗi, thân phạm ba việc, thì không thể sanh nhân Bồ Đề".

    Giới luật nhà Phật định chế tỳ kheo năm hạ đầu phải tinh chuyên giới luật. Sau năm hạ, đi tham tầm thiện tri thức để nghe giáo Kinh tham thiền. Tại sao? Vì việc tu hành, lấy giới luật làm thể. Giới là bùa hộ thân, xuất ra khỏi sanh tử. Nếu không có giới, nơi biển sanh tử mãi bị trầm luân khổ sở. Phật ví giới như chiếc phao vượt biển, không thể để hư hoại chút nào. Nếu phao bị vỡ, nhất định sẽ chết chìm. Vì vậy, Thiền tông, Kinh giáo, Tịnh độ, cùng tất cả pháp môn, đều lấy việc giữ giới làm đầu. Thế nên, người tu hành không thể bỏ qua ba pháp giới, định, huệ. Ba pháp này, nếu được viên dung thì sẽ đắc được vô ngại.

    Trì giới nếu không rõ khai giới và giá giới, không thông hiểu Đại Thừa và Tiểu Thừa, không biết nhân duyên Phật chế giới, cùng bao diệu môn, chỉ giữ giới chết cứng, cố chấp chẳng tinh tường, thì sẽ khiến đường tu học bị sai lệch. Ba học, tức giới định huệ, nếu viên dung thì đắc được giới phẩm bậc thượng. Muôn pháp môn không ngoài một tâm. Thế nên, thông đạt một pháp, tức thông đạt muôn pháp, đầu đầu vật vật tận viên dung. Một pháp chẳng thông thì muôn pháp không thể thông, đầu đầu vật vật đều đen ngòm. Không khởi một niệm, trong tâm đều đầy đủ muôn pháp. Phải hàng phục tâm như thế. Phải tham thiền cho giỏi, niệm Phật cho hay. Giảng kinh thuyết pháp thế gian cùng xuất thế gian, mọi việc đều là đạo, và tùy chỗ vô sanh, tùy nơi vô niệm. Còn vọng niệm tức còn sanh tử.

    Người tu hành, trước hết phải trừ ngã tướng. Nếu không có ngã tướng, các vọng niệm đều tan. Trừ chấp ngã xong, lại phải trừ chấp pháp. Chấp ngã thì thô kệch, còn chấp pháp rất vi tế. Bình thường, vào lúc giảng thuyết, mở miệng thì bảo tôi như này như thế nọ. Nếu thật vô ngã thì mọi việc đều như băng tan ngói vỡ, và muôn pháp đều vô ngại. Vì có thể vô ngã vô nhân, nên thói quen tập khí đều không còn. Đã là Phật tử, chánh tín xuất gia, cầu pháp xuất ly, phải quên mình mà nỗ lực tu hành, chớ để cảnh chuyển, và chớ sống qua ngày trong phiền não. Người Phật tử, nếu không hàng phục tâm kia, mà lầm lạc trong nhất niệm, tơ hào sơ xuất, thì cách xa trời đất; lỡ một bước chân, ân hận ngàn đời. Phải tu hành như cứu lửa cháy đầu. Nghiêm thủ giới luật như giữ gìn phao vượt biển, chẳng để bị thủng chút nào.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  4. #164
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    39/ Mồng tám tháng bảy

    Tôi là người rất nhàn rỗi. Những chuyện lớn nhỏ trong chùa, chẳng can hệ gì với tôi. Hôm nay cùng đại chúng có duyên, nơi thiền đường nhàn rỗi, giải bày tâm sự. Thiền tông truyền từ Thiếu Thất đến Tào Khê, tới tận ngày nay, định lập rất nhiều quy củ. Điển hình là tổ Bá Trượng, do thấy rất nhiều vị trụ trì đăng đàn thuyết pháp không hợp chánh pháp, nên Ngài định lập thanh quy thiền môn.

    Người xưa khổ tâm, muốn đào tạo bồi dưỡng nhân tài nên định đặt quy củ, lập thứ tự. Ngày nay, có người cho là lạc hậu áp chế nhân tài, nên muốn chống báng dẹp bỏ. Họ cho rằng vẫn còn lưu luyến với quy luật cũ xưa, tức tâm cố chấp. Hai pháp tân cựu, xung đột lẫn nhau; cổ kim không thể tương dung. Lúc Phật còn tại thế, Ngài chế giới luật vì muốn diệt trừ tập khí cho chúng sanh. Pháp truyền đến Đông Độ, nhân theo thời mà thay đổi. Bá Trượng sáng lập thanh quy, vì muốn hộ trợ giới pháp. Có quy củ thì dễ dàng thành tựu tròn đầy. Mọi cử chỉ hành động, không ngoài một tâm niệm. Tất cả oai nghi thứ lớp, nhân tình lễ tiết, hành vi động tịnh, đều phải chuyên cần diệt trừ tập khí. Thanh quy Bá Trượng đã hơn ngàn năm. Nước đọng lâu ngày khiến sanh trùng. Pháp trụ lâu ngày khiến phát tệ. Người đời nay khác người xưa, mượn thanh quy mà làm việc tệ bạc. Thế nên, có người xông xáo phản đối, sáng lập quy củ khác. Quy củ không tốt hay người không tốt? Nếu người không tốt, có quy củ vẫn vô dụng. Nếu người tốt, sao cần lập ra quy củ mới nữa? Thật ra quy củ không có tốt xấu, chỉ do người tốt xấu mà bày biện.

    Người tham Thiền nên biết, thiền nghĩa là tĩnh lự, tức nơi trong tịch tĩnh mà quán chiếu, chọn pháp lành thiện để theo. Tất cả đều do mình; nếu mình tốt thì pháp pháp đều vi diệu. Nếu mình không tốt, muôn pháp đều trở thành tệ xấu. Pháp thế gian cũng như thế. Pháp vốn không hư hoại, chỉ do tâm người bại hoại. Tập khí nặng nề, thì pháp hay biến thành pháp hoại. Trước khi làm việc gì, phải suy nghĩ ba lần, chớ làm những việc hàm hồ ngu muội. Pháp được lập, không thể là pháp chết cứng. Ví như thầy thuốc, tùy theo bịnh mà cho thuốc. Nếu thuốc không hợp với bịnh, uống vào sẽ hại đến thân. Vì vậy, thầy thuốc trị bịnh, không thể cố chấp cứng nhắc vào phương thuốc xưa. Người xưa bảo:

    - Thuốc quý hay không quý, miễn sao bịnh được lành.

    Tiên thánh kiến tạo tùng lâm, dựng lập thanh quy, định ước thứ tự, an bài chức vị, như lập pháp quốc gia, rất tinh tường chu đáo cẩn mật.

    Hôm nay, mồng tám tháng bảy, quý vị chức sự lãnh đạo, chiếu theo quy củ tùng lâm, đến phòng phương trượng, khách khí cầu hòa thượng trụ trì cho phép từ chức. Nơi đây không phải là chốn tùng lâm, lại không có chuông trống hương bản, sao quá khách sáo?

    Tôi vốn là người ở chốn hoang dã, chẳng có liên hệ với việc gì, sao lại làm phiền lụy quý vị? Quý vị nói có lý, chiếu theo quy củ xưa, phải nhậm chức, và phải thối chức. Mỗi năm, mồng tám tháng giêng và mồng tám tháng bảy đều là ngày từ chức. Mồng mười là ngày cầu chức; ngày mười hai là phục chức; ngày mười ba là nhậm chức; ngày mười sáu là xuất đường. Lúc đang nhậm chức vụ, thật rất cực nhọc. Lúc từ chức, được nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhậm chức vụ lớn nhỏ trong tùng lâm, quy củ rõ ràng. Người sơ phát tâm phải nên tham học. Chức vụ có thứ tự trước sau, tức có tự chức và liệt chức, lại có nhậm chức và thối chức. Đôi khi cũng có nhậm chức mà không thối chức. Người phát tâm tu đạo không nên để ý đến làm gì.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  5. #165
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    Quý vị trụ trì các tùng lâm xưa nay, phần nhiều do vua quan tống cử. Tự công cử trong chùa cũng có, nhưng rất ít. Ngày nay khác với đời xưa. Một khi làm trụ trì thì không chịu từ chức. Tại phương trượng, giữ chức để dưỡng lão. Làm tri sự cũng giữ chức cả vài thập niên. Tại chùa Thiên Ninh, hòa thượng Định Lão truyền pháp cho đồ đệ là thầy Cao Lãng; Thầy làm tri sự cho đến chết. Hòa thượng Trị Khai làm giám tự rất lâu; đến năm Quang Tự thứ hai mươi mốt, Hòa Thượng lại được lên chức phương trượng, rồi giữ chức này cho đến chết. Hoà thượng Anh Dữ làm phương trượng từ năm Quang Tự thứ mười hai cho đến chết. Hòa thượng Sương Đình thọ giới vào năm Quang Tự thứ hai mươi hai, rồi làm phương trượng cả vài thập niên mà vẫn chưa từ chức, lại chẳng muốn phát tâm từ chức. Hòa thượng Diệu Trạm nhậm chức Ty Thủy cả hai mươi mốt năm, và làm duy na cả mười tám năm, kế đến thăng chức thượng tọa, rồi không hề thối chức. Ở Hồ Nam, vùng Siêu Thắng tại chùa Giang Thiên, có thầy trụ trì giữ chức mười ba năm. Người khác từ chức mà thầy vẫn giữ chức. Đại chúng trong chùa, thường gọi Thầy là Bồ Tát sống.

    Nơi tùng lâm, biết dụng công tu hành thì rất hay, bằng ngược lại thì biến thành pháp chết. Đại chúng đều có duyên tụ hội nơi đây, nên có cháo ăn cháo, có cơm ăn cơm, và cùng nhau ra đồng làm ruộng. Nếu tự chấp chặt, chỉ muốn giữ ngôi chùa nhỏ, thì làm sao nhận chức ban thủ ban cước, hay từ chức được? Hãy xả chấp trước, chớ đùa giỡn cợt. Danh phương trượng hay thiên trượng đều là lời nói trống rỗng. Tôi cũng giống như quý vị, chỉ dùng bát cơm không, chẳng có chức vụ gì, vậy từ chức nào?

    Xưa kia, có vị tôn túc nuôi một đồng tử trong chùa. Chú này chẳng biết phép tắc. Ngày nọ, có một vị lão tăng hành cước đến chùa, dạy chú đồng tử lễ nghĩa. Tối đến, lão tôn túc từ ngoài trở về, nghi ngờ hỏi han sự tình:

    - Ai dạy con vậy?

    Đồng tử đáp:

    - Một vị khách tăng.

    Lão tôn túc bèn gọi vị khách tăng ra, hỏi:

    - Thượng Tọa từ nơi khác hành cước đến đây, có tâm ý gì? Đồng tử này, tôi nuôi dưỡng cả hai mươi năm, khổ nhọc một đời. Ai bảo Thượng Tọa dạy bậy bạ cho y? Mời Thượng Tọa mau xách hành trang rời khỏi nơi đây!

    Mưa chiều hoàng hôn dầm dề, vị khách tăng phải xách gói mà đi.

    Ngài Pháp Nhãn bảo:

    - Người xưa nương vào đâu mà hiển lộ những gia phong kỳ quái, và ý đạo nơi nào? Trong mọi động tác oai nghi, chẳng phải là bản lai diện mục sao? Chư thánh còn không thể chứng được, hà huống phàm phu! Thong dong tự tại, động tĩnh vô tâm, phàm và thánh năng và sở, trí huệ ngu si, phiền não Bồ Đề, đều là đạo nhất như.

    Đại chúng có hiểu không? Chấp trước tức tự cột tay.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  6. #166
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    40/ Mồng mười tháng bảy

    Hôm nay, quý vị cư sĩ từ Quảng Đông vào núi lễ Phật, cúng dường kết duyên, lại thỉnh tôi thượng đường, thuyết vài ba câu. Nay trân trọng lược bày về kinh Bốn Mươi Hai Chương, để kết duyên với quý vị. Phật nói:

    - Con người có hai mươi việc khó: Bần cùng mà bố thí là khó. Giàu sang mà học đạo là khó. Vứt bỏ thân mạng là khó. Đọc tụng Kinh Phật là khó. Sanh vào thời Phật là khó. Nhẫn sắc, rời dục là khó. Thấy việc tốt mà không mong cầu là khó. Bị nhục mà không sân hận là khó. Có quyền thế mà không ỷ cậy là khó. Gặp cảnh mà vô tâm là khó. Học rộng chuyên nghiên cứu là khó. Trừ diệt ngã mạn là khó. Không khinh miệt người chưa học là khó. Tâm thường hành bình đẳng là khó. Không nói lời thị phi là khó. Gặp thiện tri thức là khó. Thấy tánh học Phật là khó. Tùy duyên hóa độ người là khó. Đối cảnh không động tâm là khó. Thiện giải phương tiện là khó.

    Ai vượt qua được những cửa ải này thì mới thoát khỏi sanh tử. Sanh nhằm thời Phật, sao bảo là khó? Nếu không có thiện căn phước đức nhân duyên, gặp được Bồ Tát, A La Hán cũng rất khó, còn nói chi đến việc gặp được Phật. Luận Trí Độ nói: "Thành Xá Vệ có chín ức gia đình, chỉ có ba ức gia đình biết đến và được gặp Phật. Ba ức gia đình tuy tin mà không được gặp Phật. Ba ức gia đình không tin không gặp không nghe được Phật".

    Hai mươi lăm năm Phật trú tại thành đó, nếu có ai phát khởi lòng tin thì đạt được lợi ích vô biên. Trong thành Xá Vệ, có ba ức gia đình không gặp không nghe đến danh hiệu Phật vì họ không có thiện căn phước đức nhân duyên. Tuy sanh cùng thời Phật, mà không gặp, không nghe thấy được Ngài. Đương thời, có rất nhiều người trên thế giới, vì không đủ phước đức căn lành, nên không gặp, không nghe không thấy Phật, nên không đạt được ích lợi gì. Lại nữa, những đệ tử kề cận Phật, nếu không y giáo tu hành, vẫn bị đọa lạc. Đề Bà Đạt Đa vốn là huynh đệ của Phật; tỳ kheo Thiện Tinh làm thị giả, hầu Phật trong hai mươi năm. Họ vì không chịu tu hành chân chánh, nên phải đọa Địa ngục. Bà lão nơi phía Đông thành Xá Vệ, sanh cùng ngày, tháng, năm như Phật, nhưng chẳng có duyên với Ngài, nên không muốn gặp. Thế nên, gặp Phật nghe pháp là việc rất khó.

    Ngày nay, tuy Phật không còn ở thế gian, nhưng có chư Thiện tri thức thay Ngài hoằng pháp; nếu thường thân cận họ, thì cũng được giải thoát sanh tử. Nếu thiện căn kém cỏi, gặp được Thiện tri thức cũng là việc khó. Tuy có duyên gặp mặt, nhưng không hiểu rõ lời giảng dạy, thì cũng vô ích. Hòa thượng Đỗ Thuận sơ tổ tông Hoa Nghiêm, vốn là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù. Ngài có một đệ tử thân tín, kề cận đã lâu, nhưng chẳng hề biết hành trạng vĩ đại của Ngài. Ngày nọ, vị tăng này xin cáo từ Ngài, vì muốn lên núi Ngũ Đài lễ bái Bồ Tát Văn Thù. Ngài bèn tặng cho một bài kệ:

    "Kẻ bôn ba du hành

    Đài Sơn lễ đất đá

    Văn Thù chỉ là thế

    Chỗ nào tìm Di Đà?"


    Vị tăng này không hiểu ý, vẫn từ biệt đi đến núi Ngũ Đài. Đến đó, Thầy được một ông lão cho biết:

    - Hôm nay, Văn Thù đang ở núi Chung Nam, tức hòa thượng Đỗ Thuận đó.

    Thầy vội vàng trở về, nhưng ngài Đỗ Thuận đã ngồi xếp bằng mà viên tịch vào ngày mười lăm tháng mười một. Ngày nay, tại Quan Trung có viết ngày nhập Niết Bàn của Bồ Tát Văn Thù, tức ngày mười lăm tháng mười một. Người nhãn thức kém cỏi, tuy gần bậc Thiện tri thức mà không thể nhận ra. Đệ tử của thiền sư Thái Dương Cảnh Huyền, tức thị giả họ Bình, do tâm địa bất hảo, kết quả phản thầy, hủy báng đạo, đi trên đường bị hổ vồ bắt. Gặp được các bậc Thiện tri thức cũng có thể là không khó, nhưng nếu không y theo lời dạy bảo của các ngài mà phụng hành, thì vẫn vô ích.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  7. #167
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bần cùng bố thí là khó. Người nghèo khổ, tuy tâm muốn bố thí, nhưng chẳng có tiền tài. Nếu miễn cưỡng bố thí thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nên đó là việc khó. Người giàu sang học đạo là khó. Tuy có thể bố thí tiền tài dễ dàng, nhưng khó mà xả bỏ thân tâm để học đạo. Khó dễ là pháp đối đãi. Tinh tấn dũng mãnh, có đại nguyện lực, thì khó sẽ biến thành dễ. Lười biếng giải đãi, ý chí nhu nhược, thì dễ biến thành khó. Khó dễ do người, chẳng phải do pháp; quý nơi dung thông muôn việc, không chướng không ngại. Nghèo do tiền kiếp không hành bố thí, nay mới cảm quả báo khổ, nên phải tận lực bố thí. Giàu sang phú quý, quyền thế danh vọng, thì làm việc bố thí không khó, nhưng phải học đạo.

    Đệ tử Phật là ngài A Na Luật, được gọi là Vô Bần và Như Ý. Trong đời quá khứ, Ngài vốn là một nông dân bần cùng. Bà vợ của người nông phu kia thường đem bát cơm ra đồng cho chồng. Ngày nọ, đang lúc làm ruộng, gặp một vị Bích Chi Phật đi hành khất, vị nông phu định cúng dường phần cơm trưa của mình, bèn thưa:

    - Bạch Đại Đức! Phần cơm trưa của con đây rất đạm bạc, chắc không thể cúng dường cho Ngài được. Vậy thì kính thỉnh Ngài về nhà, con sẽ dâng cúng thức ăn ngon hơn.

    Vị Bích Chi Phật bảo:

    - Hiện tại là giờ ngọ. Nếu đến nhà ông thì sẽ qua giờ ngọ. Nếu quá giờ, Ta không thể dùng cơm được. Nay ông bố thí cho Ta bát cơm đó là tốt lắm rồi.

    Nghe thế, người nông phu thành tâm dâng cúng phần cơm của mình cho vị Bích Chi Phật. Nhờ công đức đó, nên cảm được quả báo sanh làm Thiên vương trong chín mươi mốt kiếp. Đời đời không nghèo hèn, sự sự đều như ý. Làm vua loài Trời, vua loài người, không phải là chuyện lạ lùng. Do trồng căn lành, cúng dường bát cơm cho vị Bích Chi Phật, nên ngài A Na Luật lại được làm đệ tử Phật Thích Ca, rồi nghe pháp ngộ đạo, chứng quả A La Hán, trở thành vị có Thiên nhãn bậc nhất. Chỉ nhờ duyên bố thí một bát cơm, mà đạt được quả báo tốt lành như thế. Nghèo hèn bố thí, công đức nhiều hơn người giàu sang bố thí. Điều này chứng minh rằng, nếu phá được cửa ải này thì tuy nghèo mà vẫn bố thí không khó.

    Khi tu lục độ Ba La Mật, Bồ Tát lấy bố thí làm đầu. Nghĩa của bố thí rất thâm sâu, lược thuyết có ba. Thứ nhất là tài thí, tức bố thí tiền tài vật chất cho người nghèo. Thứ hai là pháp thí, tức thuyết pháp độ người. Thứ ba là vô úy thí, tức cứu người bị hiểm nạn. Lại có bố thí thanh tịnh, tức khi bố thí, không cầu phước báo, danh tiếng, lợi lộc ở thế gian, mà chỉ vì muốn tương trợ thiện căn xuất thế cùng nhân Niết bàn, nên dùng tâm thanh tịnh mà bố thí. Bố thí không thanh tịnh, tức dùng vọng tâm, cầu phước báo mà hành bố thí. Thân còn phải xả, huống hồ là những vật bên ngoài.

    Bốn vị cư sĩ từ Quảng Đông vượt ngàn núi vạn sông, đến Vân Cư lễ Phật, bố thí kết duyên, thật là việc khó làm. Lại vì cầu pháp xuất ly mà đến, nên phải phát tâm dài lâu, tiến mãi không thối bước, và phải cung kính Tam Bảo. Không nên chấp vào hình tướng; thấy việc hay thì kính tín; thấy việc dở chớ nên khởi tâm oán ghét. Có tâm thương ghét, thì có phiền não, tức không thể giải thoát sanh tử. Một khi khởi tâm thương ghét, thì đạo tâm sẽ lui sụt. Phải nên cẩn trọng.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  8. #168
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    41/ Ngày mười một tháng bảy

    Hôm qua, tôi nói đến hai muơi điều khó làm trong kinh Bốn Mươi Hai Chương. Nếu hiểu rõ thì khó biến thành dễ. Khó dễ là pháp đối đãi. Trong khó có dễ, và trong dễ có khó. Cách dụng khó dễ, mỗi người hành khác nhau. Không giảng gì cao xa, chỉ bàn đến việc nghèo cùng mà bố thí, thì là việc khó lắm rồi. Đệ tử Phật hành đạo Bồ Tát, bố thí đứng đầu trong lục độ. Bố thí tức xả bỏ. Hạnh xả trong bốn tâm vô lượng, (từ bi hỷ xả), tức là hạnh bố thí. Xả chấp được tức là giải thoát. Muôn vật ngoài thân, chẳng có gì là của mình. Nếu xả hết trong ngoài, thì tự nhiên sẽ được giải thoát. Bố thí tại sao khó?

    Lúc Phật tại thế, có một cặp vợ chồng nghèo, bần cùng không thể tả. Họ sống trong một am tranh xơ xác, chỉ miễn cưỡng trú ẩn tránh mưa gió. Hai vợ chồng cùng mặc chung một chiếc khố rách, còn thân phần trên thì không có y phục che đắp. Khi ra ngoài, chỉ được một người, còn người nọ thì lõa thể ở trong nhà. Vì vậy, mỗi ngày hai vợ chồng luân phiên mặc chiếc khố rách, ra ngoài xin ăn. Nếu xin được nhiều thức ăn thì vui vẻ cùng nhau ăn. Đôi khi chỉ xin được chút ít, hay không được chi hết, thì cả hai đều phải nhịn đói. Có một vị Tỳ kheo đã chứng quả A La Hán, biết hai vợ chồng này, nghèo hèn vì bao đời bao kiếp, chưa từng trồng căn lành, nên ngày nay mới ra nông nỗi này. Ngài khởi tâm từ bi, đặc biệt đến hóa độ, bằng cách hóa duyên, khiến họ gieo trồng phước đức. Thấy vị Tỳ kheo đứng ngoài cửa hóa duyên, người chồng thỉnh Ngài đứng đợi nơi đó, rồi bèn chạy vào nhà, thương lượng với vợ:

    - Chúng ta vì tiền kiếp không tu, nên bây giờ mới nghèo hèn khốn khổ. Đời nay nếu không chịu tu thì đời sau cũng vẫn bị khổ nữa. Song, bàn đến việc bố thí gieo trồng phước đức căn lành, thì chúng ta không có vật chi để cúng dường. Chúng ta chỉ có một chiếc khố rách che thân. Nếu cúng dường đi thì không thể ra ngoài xin ăn được, chắc phải chết đói. Ngược lại, nếu không bố thí, thì sống cũng vô dụng. Sao bằng đem chiếc khố này, thành tâm cúng dường chư Tăng, để gieo căn lành, thì chết cũng không hối tiếc!

    Cô vợ đồng ý. Người chồng bèn ló đầu ngoài cửa sổ, thưa với vị Tỳ kheo:

    - Bạch Đại Đức! Cúi xin Ngài từ bi thương xót. Chúng con nay muốn dâng chiếc khố này để cúng dường đức Phật.

    Vị tỳ kheo khởi tâm từ bi, thương tình tiếp nhận, đem về cúng dường cho đức Thế Tôn. Bấy giờ, Phật đang thuyết pháp cho vua Tần Bà Sa La, nhưng vẫn thọ nhận chiếc khố của hai vợ chồng nghèo. Đang giảng Kinh trước đại chúng, Phật lại kể nhân duyên tiền kiếp của hai vợ chồng đó. Tuy họ chưa bao giờ trồng căn lành, nhưng nay chỉ do nhất niệm tâm thành, đem hết vật sở hữu, bố thí cúng dường chiếc khố, nên phước đức thật vô lượng. Vua nghe việc này, đến gặp hai vợ chồng kia, thấy họ đang nằm trên đất, lõa thể đói khát, nên phát tâm cứu hộ, cấp cho y phục thức ăn, rồi dẫn họ đến nơi Phật. Họ được nghe pháp, liền chứng quả Thánh. Hai vợ chồng kia, nghèo cùng tột bực, nhưng phá được cửa ải tham luyến. Tuy nghèo nàn nhưng vẫn bố thí, nên mới được lợi ích như thế. Điều này chứng minh, việc khó hay dễ, đều do tâm niệm, không có nhất định.

    Xưa kia, vào đời Minh, La Diện có soạn quyển Thơ Tỉnh Thế:

    "Mau mau gấp gấp, cầu khổ khổ

    Lạnh lạnh nóng nóng, độ Xuân Thu

    Sáng sáng tối tối, mưu việc nhà

    Hôn hôn muội muội, đầu tóc trắng

    Thị thị phi phi, cả ngày ngày

    Phiền phiền não não, lúc nào ngưng.

    Rõ rõ ràng ràng, đường lộ cái.

    Muôn muôn ngàn ngàn, chẳng chịu tu".


    Tuy lời văn mộc mạc, nhưng ý nghĩa thâm sâu, vì bàn về nghiệp chướng hành vi ma quỷ của chúng ta trong một đời. Ai có thể vượt qua những việc trên thì người đó thật là bậc đại giải thoát.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  9. #169
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    XXIII. Khai thị trong kỳ truyền giới, núi Vân Cư, tháng 10-1955

    1/ Duyên khởi của kỳ truyền giới

    Lần này, núi chúng ta làm kinh động các tỉnh các xứ cùng quý Phật tử khắp nơi. Mọi người đều không quản khổ nhọc, đường xa vạn dặm mà đến đây. Hoặc vì cầu giới, hoặc vì muốn trợ đạo thành tựu mà tới. Song, nơi đây chỉ toàn là lều tranh mái lá, không giống như những tùng lâm tự viện, chẳng có thể lo lắng sắp đặt mọi việc chu toàn, nên không thể tránh việc khiến quý vị sanh tâm động niệm. Truyền giới lần này, có rất nhiều người chưa hiểu giới pháp tường tận. Hôm nay do thỉnh mời, tôi ra giảng cho quý vị nghe vài điều, xin chớ sanh phiền não và ngộ nhận.

    Nơi đây, vốn là chốn đạo tràng của Tổ đình, cũng là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, lại có những di tích hoằng dương chánh pháp của vài mươi vị tổ sư thuở xưa. Từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đến nay, chốn Tổ Đình này đã trải qua bao lần hưng thịnh suy đồi. Thời kháng chiến Nhật, vì binh đao hỏa hoạn, cả trăm điện đường phòng ốc bị tàn phá đốt cháy, không còn một ngôi. Năm ngoái, Hư Vân tôi tham dự pháp hội hòa bình cùng đại hội thành lập liên hội Phật Giáo Trung Quốc xong, liền trở vào Nam, đến vùng Khuông Phụ dưỡng bịnh. Xét thấy Vân Cư vốn là một đạo tràng thắng pháp, nhưng đã bị bỏ hoang phế và chìm trong quên lãng lâu ngày, khiến tôi không thể nhẫn tâm mà nhìn núi này bị mai một, nên phát tâm chấn chỉnh trùng hưng.

    Vì thế, tôi xin chánh phủ phê chuẩn, cho phép tu sửa. Vừa được chấp thuận, tôi liền lên núi phát hoang cỏ dại. Khi đó, mục kích tận mắt, thấy di tích nền móng chùa chiền cùng hai tôn tượng Phật đồng, tượng Bồ Tát Quán Âm nằm trong những bụi cỏ dại um tùm, khiến lệ bi thương tự nhiên tuôn trào. Tôi lập tức bắt tay vào việc dọn dẹp cỏ lau, sửa chữa chuồng trâu đơn sơ, để làm nơi trú ngụ. Lại nữa, tôi có ý muốn bảo tồn các thánh tích, nhưng chưa tính toán phải xây dựng lại như thế nào. Dọn dẹp chưa xong phân nửa, thì quý vị từ các phương xa, mang y bát đến, trú không đủ chỗ, nên nơi ăn chốn ở trở thành vấn đề khó khăn. Song, tình người thật khó khước từ. Nếu tiếp nhận thì khó lòng lo lắng nơi ăn chốn ở được chu toàn. Bất đắc dĩ, phải cùng nhau đồng kham cộng khổ, không quản khổ nhọc, chuyên cần lao động, khai khẩn ruộng hoang, để lo việc ăn mặc chỗ ở. Lại nữa, có những vị chưa thọ giới, khẩn cầu tôi thuyết giới và truyền giới. Vì vậy, tôi miễn cưỡng bảo:

    - Muốn truyền giới, trước tiên phải được chánh phủ phê chuẩn.

    May mắn thay, sau này chánh phủ cho phép lập đàn truyền giới. Được phê chuẩn, tôi bèn công bố trước đại chúng:

    - Hiện tại, chánh phủ đã hứa khả cho phép lập đàn truyền giới. Chúng ta sẽ khai mở phương tiện giới đàn trong một thời gian ngắn, nhưng chỉ truyền giới cho các vị tân giới tử trên núi. Chớ làm náo động, thông tin này ra ngoài, bảo là nơi đây có truyền giới. Nếu bên ngoài biết được, Tăng chúng kéo đến ùn ùn, thì thức ăn chỗ ở không đủ, tiếp đãi không tròn. Tôi vốn vì dưỡng bịnh, nên mới lên đây kết am tranh, chứ chẳng phải muốn đến đây khai mở đạo tràng, pháp hội truyền giới.

    Song, có vài vị tự ý thông tin ra ngoài. Lại có những vị từ các nơi xa xôi, trôi nổi tới đây, rồi lại truyền tin ra ngoài, khiến cho khắp bốn phương, viết hàng trăm lá thư hỏi han. Do không thể vọng ngữ, tôi hồi đáp bảo rằng vì nơi ăn chốn ở tại đây rất khó khăn, chỉ khai mở phương tiện giới đàn trong một thời gian ngắn cho các vị tân giới tử trên núi, nên chưa thông báo ra ngoài. Chùa Cao Mân cũng có vài vị gởi thơ đến khẩn cầu thọ giới. Tình người khó quá, nên tôi chỉ viết vài chữ hồi đáp rằng nếu muốn đến đây, phải có giấy chứng nhận của chánh phủ, bằng ngược lại chớ nên đến.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  10. #170
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    2/ Nguyên nhân những vị bên ngoài đến không thể thọ giới.

    Hôm nay, quý vị đường xa vạn dặm mà đến đây. Nếu không nói rõ nguyên do, e rằng quý vị sẽ hiểu lầm. Chánh phủ vốn thực hành chính sách tự do tôn giáo. Đối với những việc truyền giới, đả thất, giảng kinh thuyết pháp, họ đều cho phép. Truyền giới lần này, chánh phủ Trần Minh cùng tôn giáo sự vụ và liên hội Phật giáo đã phê chuẩn. Sao quý vị từ xa đến không được tham gia? Trước mắt là việc ăn uống nghỉ ngơi rất khó khăn. Vã lại, ở Thượng Hải, hội Thiên Chúa giáo đang bị rắc rối. Đây là việc của ngoại đạo, nên không cần nói đến. Hội Thanh Niên Phật giáo tại Thượng Hải thường lấy việc hoằng pháp lợi sanh, mà cũng bị rắc rối với chính quyền cộng sản. Đây là việc của cư sĩ, cũng không bàn tới. Tại các đạo tràng Kim Cang của người xuất gia, lại liên tục phát sanh bao sự tình rối rắm. Tận mắt chứng kiến những sự việc này, quý vị có đau lòng hay không? Lại nữa, chính quyền ở tỉnh Cam Túc đánh điện cho chánh quyền tỉnh Giang Tây, bảo rằng nơi đây có ngoại đạo, ẩn mình trong giới Phật giáo mà đến Vân Cư. Sự việc trắng đen chưa rõ. Một người làm hại biết bao nhiêu người. Việc này rất hệ trọng, nên không thể chẳng phòng ngừa.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •