DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 9/20 ĐầuĐầu ... 789101119 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 81 tới 90 của 196
  1. #81
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XX. Thiền thất khai thị lần thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________


    Xưa kia, vào đời Đường có cư sĩ họ Bàng tên Uẩn tự Đạo Huyền, người Hàng Dương tỉnh Hồ Nam, vốn theo nghiệp nhà Nho sau lại liễu ngộ trần lao khốn khổ, chí cầu đạo chân đế. Năm Trinh Quán nguyên niên, nghe đạo phong của hòa thượng Thạch Đầu, nên ông đến bái kiến.

    Ông hỏi:

    - Người không cùng muôn pháp làm bạn là ai?

    Hòa thượng Thạch Đầu bèn lấy tay che miệng ông. Ông liền hoát nhiên nhận ra yếu chỉ. Ngày nọ, ngài Thạch Đầu hỏi ông:

    - Từ khi gặp lão tăng cho đến nay, hằng ngày con làm những gì?

    Ông thưa:

    - Nếu hỏi việc hằng ngày, tức môi miệng không có chỗ mở.

    Nói xong, ông liền trình kệ:

    "Hằng ngày làm không khác

    Chỉ mình hòa với chúng

    Nơi nơi không chấp xả

    Chốn chốn chẳng tiếp thừa

    Sao phân chia đỏ tím

    Núi xanh chẳng chút bụi

    Thần thông và diệu dụng

    Gánh nước cùng hái củi".


    Ngài Thạch Đầu chấp nhận, nói:

    - Con muốn làm tăng hay tục?

    Ông thưa:

    - Bạch Hòa Thượng! Con muốn làm những gì con thích!

    Ông không xuống tóc xuất gia. Sau này, ông đến tham vấn Mã Tổ:

    - Bạch Hòa Thượng! Người không cùng muôn pháp làm bạn là ai?

    Mã Tổ bảo:

    - Đợi ông hớp cạn nước ngàn sông, Ta sẽ chỉ bày.

    Nghe thế, ông liền lãnh hội yếu chỉ, nên ở lại học hỏi về ngôn giáo. Từ khi hiểu rõ nguồn tâm, ông không màng việc thế gian, chỉ đan giỏ tre sống qua ngày. Trong nhà có mười ngàn lượng vàng bạc, ông liệng hết xuống sông Trường Giang.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  2. #82
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XX. Thiền thất khai thị lần thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hôm nọ, đang cùng bà vợ bàn về lý vô sanh, ông bảo:

    - Khó! Khó! Khó! Đem hạt mè để trên đỉnh cây thật khó!

    Bà vợ nói:

    - Dễ! Dễ! Dễ! Ý Tổ Sư trên trăm đầu ngọn cỏ.

    Con ông là cô Linh Chiếu nghe thế liền đáp:

    - Hai ông bà già, sao lại nói như thế!

    Ông hỏi:

    - Vậy con nói như thế nào?

    Cô Linh Chiếu bảo:

    - Không khó cũng không dễ. Đói thì ăn. Mệt ngủ khò!

    Ông liền vỗ tay, nói:

    - Con trai không lấy vợ. Con gái không lấy chồng. Cả nhà thuyết vô sanh!

    Từ đó, danh tiếng của ông vang dội khắp nơi. Lần nọ, thăm viếng chùa xong, vào lúc ông vừa từ biệt đại chúng để trở về nhà, ngài Lạc Sơn bảo mười vị thiền khách tiễn ông ra cổng. Đến cổng, ông lấy tay chỉ tuyết rơi trên không trung, nói:

    - Từng mảnh tuyết trắng, không bay lạc nơi khác.

    Có thiền khách họ Toàn đáp:

    - Bay lạc nơi nào?

    Ông liền tát vị thiền khách này một bạt tay. Thiền khách họ Toàn nói:

    - Không được cẩu thả.

    Ông bảo:

    - Sao dám xưng là thiền khách. Vua Diêm La không cho Ngài thoát đâu.

    - Cư sĩ thường làm gì?

    - Mắt thấy như mù, miệng nói như câm.

    Ông thường đến các giảng đường nghe thuyết pháp. Ngày nọ, nghe vị giảng sư thuyết kinh Kim Cang đến đoạn vô ngã vô nhân, ông bèn hỏi:

    - Bạch Tọa Chủ! Nếu nói vô ngã vô nhân, vậy ai đang giảng kinh, ai đang nghe kinh?

    Vị Tọa Chủ không lời đối đáp.

    Ông nói:

    - Tuy là người thế tục, con hiểu yếu chỉ thô thiển đôi chút.

    Tọa Chủ hỏi:

    - Theo ý cư sĩ thì như thế nào?

    Ông đáp kệ:

    "Không mình cũng không người.

    Sao có kẻ thân sơ!

    Khuyên Ngài ngồi nghỉ ngơi,

    Chớ cầu thêm chân lý.

    Tánh Kim Cang Bát Nhã,

    Ngoài không chút trần lao.

    Nghe cùng tin hay nhận,

    Chỉ là trần cảnh giả".


    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  3. #83
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XX. Thiền thất khai thị lần thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nghe thế, vị Tọa Chủ vui mừng khen ngợi ông đáo để. Một hôm, ông hỏi cô Linh Chiếu:

    - Cổ nhân nói rằng trên trăm đầu ngọn cỏ, rõ ý Tổ Sư. Vậy, con hiểu như thế nào?

    Cô Linh Chiếu nói:

    - Ông già! Sao nói như thế được?

    - Vậy con nói làm sao?

    - Trên trăm đầu ngọn cỏ, rõ ý Tổ Sư.

    Ông cười to. Lúc sắp mất, ông bảo cô Linh Chiếu:

    - Con ra ngoài xem coi mặt trời mọc đúng ngọ chưa.

    Cô Linh Chiếu bước ra ngoài, chốc lát rồi trở vào, nói:

    - Mặt trời ở giữa không trung, bị nguyệt thực. Cha bước ra xem.

    Ông tưởng thật, nên bước xuống tòa, đi ra ngoài cửa xem. Khi ấy, cô Linh Chiếu liền leo lên tòa ngồi của cha mình, xếp bằng chắp tay, rồi thị tịch. Trở vào, thấy con mình đã tịch, ông bèn cười nói:

    - Con gái ta lanh lợi quá. Nó đi trước ta!

    Sau đó, ông đình lại bảy ngày để lo đám tang con mình. Khi quan Vu Công đến thăm bịnh, ông làm kệ, bảo:

    "Chỉ mong dẹp sạch cái có,

    Coi chừng những cái không,

    Cuộc sống trên thế gian,

    Như ảnh tượng và bóng".


    Nói xong, ông đặt đầu lên gối của quan Vu Công mà tịch. Theo di chúc, thi thể ông được hỏa táng thành tro, rồi bỏ xuống sông. Bà vợ nghe tin, liền báo cho con trai biết. Cậu trai nghe xong, ngừng làm việc, đứng chống tay trên cán cuốc mà thị tịch ngay tại đồng ruộng. Bà mẹ thấy thế, cũng tự ẩn mình biệt dạng.

    Quý vị hãy xem, bốn người trong gia đình, đều có thần thông diệu dụng như thế. Họ cũng là cư sĩ, nhưng dụng công rất thâm cao. Hiện tại, từ trong cư sĩ cho đến các tỳ kheo và tỳ kheo ni, những vị đồng như Hư Vân tôi, khó lòng mà tìm được những bậc nhân tài như thế. Thật là xấu hổ. Quý vị hãy cố gắng nỗ lực tinh tấn!

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  4. #84
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XX. Thiền thất khai thị lần thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________


    7/ Ngày thứ bảy, (28/2)

    Chúc mừng quý vị! Công đức tu hành đến nay đã hoàn mãn. Chiếu theo quy củ của nhà thiền, những vị đã chứng ngộ, phải bước vào thiền đường để được khảo hạch, như những cuộc khảo thí ở kinh đô. Hôm nay là ngày tuyên bố thí sinh trúng tuyển. Chúng ta phải nên chúc mừng. Hòa Thượng trụ trì thật là từ bi, quyết định rằng ngày mai sẽ tiếp tục đả thiền thất, để cho quý vị có thể gia công tu hành được mau tăng tiến. Những vị tu hành lâu năm, chắc đều biết rằng đây là nhân duyên thù thắng. Vì vậy, đừng để thời gian trôi qua vô ích. Người phát tâm tu hành, phải biết thân người khó được, sống chết là việc lớn. Phải nên biết rằng thân người khó được, Phật pháp khó nghe, Thiện tri thức khó gặp. Hôm nay, đích thân quý vị đã đến núi châu báu, thì phải nên ra sức nỗ lực dụng công. Chớ trở về tay không.

    Pháp trong tông môn, tôi đã giảng qua. Từ lúc Thế Tôn cầm cành hoa dạy đại chúng, cho đến trải qua bao đời, đường hướng tông môn, vẫn được truyền mãi đến ngày nay. Tôn giả A Nan tuy là em Phật và làm thị giả hầu cận đức Thế Tôn, nhưng vẫn chưa đại triệt đại ngộ. Sau khi Phật nhập Niết bàn, chư Thánh tăng A La Hán không cho ngài A Nan tham gia hội kết tập đại tạng Kinh điển. Tôn giả Ca Diếp bảo:

    - Ngài chưa đắc được tâm ấn của đức Thế tôn. Thỉnh Ngài ra ngoài xô ngã cột trụ.

    Nghe thế, tôn giả A Nan liền đại ngộ. Ngài Ca Diếp phó chúc, truyền tâm ấn Như Lai cho ngài A Nan. Như thế, ngài A Nan là vị tổ thứ hai ở Ấn Độ. Đời đời tương truyền y bát. Sau đời các tổ Mã Minh, Long Thọ, có lão nhân Huệ Văn ở Thiên Thai vào thời Bắc Tề (550-78), nhân xem luận Trung Quán, phát minh tâm địa, nên lập ra tông Thiên Thai. Khi đó, tông môn được hưng thịnh khắp nơi. Sau này, khi tông Thiên Thai bị suy vi, có quốc sư Đức Thiều qua Cao Ly sao chép luận giải của ngài Trí Giả, rồi trở về xiển hưng chấn chỉnh lại tông phong. Ngài Đạt Ma là vị tổ Ấn Độ thứ hai mươi tám truyền pháp sang Đông Độ, tức là sơ tổ Trung Hoa. Từ ngài Đạt Ma truyền đến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thì đuốc tâm khai sáng khắp nơi. Dưới Lục Tổ Huệ Năng có bốn mươi ba người khai ngộ như tổ Hành Tư và tổ Hoài Nhượng. Đến đời Mã Tổ, lại có thêm tám mươi ba vị Thiện tri thức. Lúc đó chánh pháp hưng thịnh mạnh mẽ. Quốc vương, đại quan đều cung kính tôn trọng.

    Tuy đức Như Lai thuyết pháp rất nhiều, mà giáo chỉ tông môn thù thắng hơn hết. Pháp môn niệm Phật cũng do tổ Mã Minh và tổ Long Thọ tán dương. Kế ngài Huệ Viễn, có thiền sư Vĩnh Minh làm tổ thứ sáu của tông Tịnh Độ. Sau này, có rất nhiều vị thiền sư trong tông môn hoằng dương tông Tịnh Độ.

    Pháp Mật Tông phát triển từ đời thiền sư Nhất Hạnh. Sau đó truyền sang Nhật Bổn. Ở Trung Hoa, từ đó trở đi không người thừa kế.

    Tông Duy Thức do ngài Huyền Trang đề xướng, chẳng bao lâu cũng diệt mất.

    Đơn độc, chỉ có tông môn là được truyền thừa lâu dài nhất. Thiên thần quy y, rồng hổ bái phục.

    Trong chúng hội Tiên nhân có Lữ Động Tân, biệu hiệu Thống Dương, người Kinh Châu. Vào đời Đường, ông lên kinh đô thi rớt ba lần, nên không muốn về nhà. Lúc đi ngang qua một quán rượu ở Trường An, gặp Chung Ly Quyền, dạy cho phép trường sanh bất tử. Lữ Đồng Tân y theo đó tu hành. Sau này, phi hành tự tại, đi khắp thiên hạ. Ngày nọ, ông đến chùa Hải Hội ở Lô Sơn, bay lên lầu chuông, đề bốn câu thơ:

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  5. #85
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XX. Thiền thất khai thị lần thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________


    "Một ngày an nhàn, thân tự tại

    Sáu căn hòa hợp, báo bình an

    Vật quý đơn điền, sao vấn đạo

    Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền".


    Khi đi ngang qua núi Hoàng Long, lúc trông thấy tướng mây ngũ sắc như cái dù, ông nghi rằng trong chùa có bậc dị nhân, nên bước vào, lại gặp lúc ngài Hoàng Long đang ngồi tòa giảng kinh đánh trống pháp vi diệu. Ông theo đại chúng vào pháp đường nghe pháp. Ngài Hoàng Long nói:

    - Hôm nay có người đến trộm pháp. Lão tăng sẽ không thuyết giảng.

    Lữ Đồng Tân liền bước ra đảnh lễ, thưa:

    - Xin thỉnh Hòa Thượng giải thích cho nghĩa của câu: "Trong một hạt gạo chứa đầy thế giới. Núi sông ngòi rạch đều chảy vào chiếc nồi nhỏ".

    Ngài Hoàng Long nạt:

    - Con quỷ giữ tử thi.

    Lữ Đồng Tân bảo:

    - Nhưng trong bụng có chứa thuốc trường sanh.

    - Sống cho tới tám muôn bốn ngàn kiếp, vẫn chỉ lạc vào không vọng vô ích.

    Bấy giờ, vì quên mất công phu "đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền", Lữ Đồng Tân tức giận dữ dội, vung kiếm đâm thẳng vào ngài Hoàng Long. Ngài Hoàng Long chỉ tay vào kiếm, kiếm tự rơi xuống đất, không thể nhặt lên. Lữ Đồng Tân bèn quỳ xuống xin sám hối, thỉnh cầu Phật pháp. Ngài Hoàng Long nói:

    - Để câu "núi sông ngòi rạch chảy vào chiếc nồi nhỏ" qua một bên, hãy trả lời cho Ta câu "trong hạt gạo, chứa đầy cả thế giới", là gì?

    Lữ Đồng Tân nghe lời này, liền khế hợp huyền chỉ, nên viết kệ sám hối:

    "Quăng đi bụng rỗng đàn cầm

    Nay chẳng giữ vàng trong ngân

    Vừa khi gặp được Hoàng Long

    Mới biết xưa lầm dụng tâm".


    Đây là câu chuyện Tiên nhân quy y Tam Bảo, cầu mong làm Hộ pháp ở chốn già lam. Đạo giáo trong tay của Lữ Đồng Tân khi ấy rất hưng thạnh. Ông là tổ thứ năm của Đạo giáo ở miền Bắc. Chân nhân Tử Dương cũng do xem Tổ Anh Tập mà rõ nguồn tâm, làm tổ thứ năm của Đạo giáo ở miền Nam. Thế nên, nhờ Phật giáo mà Đạo giáo được hưng thịnh trở lại. Khổng Tử truyền đạo đến Mạnh Tử thì thất truyền. Đến đời Tống, tiên sinh Châu Liêm Khê do từ trong tông môn mà phát minh tâm địa. Trình Tử, Trang Tử, Chu Tử v.v..., cũng từ Phật pháp mà ra. Thế nên, tông môn trợ lực cho Đạo Nho rất nhiều. Hiện nay, có lắm kẻ khinh khi Tông môn, thậm chí lại hủy báng. Đó là muốn gieo nghiệp tội Vô gián. Chúng ta hôm nay có duyên lành, gặp pháp hội thù thắng, phải nên vui mừng, phát nguyện rộng lớn. Người người làm nơi nương tựa quy y cho Trời Rồng, khiến chánh pháp mãi hưng thịnh. Vì vậy, tham thiền học đạo, không phải là trò chơi trẻ con. Hãy nên tinh tấn dụng công!

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  6. #86
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XXI. Thiền thất khai thị lần thứ hai
    __________________________________________________ ______________________________________


    XXI. Thiền thất khai thị lần thứ hai

    1/ Ngày thứ nhất, (1/3).

    Hư Vân tôi đến chùa này chỉ làm rộn thêm thôi. May nhờ quý Hòa thượng cùng quý vị ban thủ ân cần ưu đãi; tôi thật rất tri ân. Hôm nay, quý Ngài lại yêu cầu tôi ra làm pháp chủ nữa. Danh này tôi thật không dám nhận. Nơi đây, lão pháp sư Ứng Từ là vị tuổi cao lạp lớn. Đáng lẽ đại chúng phải theo sự chỉ dạy của Ngài mới thật hợp lý. Đồng thời, trong chùa có rất nhiều vị pháp sư, đều là các bậc Cao Tăng thạc đức. Tôi chỉ là loài bọt bèo trên nước, thật rất vô dụng. Ngày nay, tuổi tác càng cao, thì khách khí càng nặng nề.

    Pháp thế gian cũng không luận là tuổi nhiều hay ít. Xưa kia, trong những lần thi khảo hạch tại kinh đô, không kể tuổi tác lớn nhỏ, mọi người phải tôn kính và gọi vị chủ khảo là Thầy. Trong đạo Phật, lại càng không được tính toán tuổi tác. Điển hình, Bồ Tát Văn Thù đã chứng quả vị Phật trong đời quá khứ, cũng từng dạy dỗ mười sáu vị Thái tử. Phật A Di Đà là vị Thái tử thứ nhất. Phật Thích Ca cũng là đệ tử của Ngài. Đến khi Phật Thích Ca thành Phật, Bồ Tát Văn Thù lại xuống phụ trợ. Thế nên, đạo Phật rất bình đẳng, không có cao thấp. Qua việc này, tôi muốn nhắc nhở quý vị rằng chớ nên hiểu lầm về tuổi tác.

    Lúc bàn về việc tham thiền học đạo, chúng ta phải tôn kính quy chế pháp thức. Hòa thượng trụ trì phát khởi đạo tâm, giảng Kinh đả thất, hoằng dương Phật pháp, thật là nhân duyên thù thắng hy hữu khó được. Quý vị, ai ai cũng không quản mưa gió, hay sợ đường xa mệt nhọc, mà tự nguyện đến đây, tham gia thiền thất. Điều này chứng minh rằng mọi người cùng có đạo tâm, thích tịch tĩnh chán phiền não.

    Tôi và quý vị xưa nay vốn đồng một tâm. Chỉ vì mê ngộ cách ngăn, nên tất cả chúng sanh ngày đêm bận rộn, không phút rảnh rang. Suy nghĩ cặn kẽ, thật là những việc vô ích. Ở thế gian, có người ngày đêm bôn ba, nghĩ tưởng ngu si, thích ăn ngon mặc đẹp, ca múa hát xướng. Họ lại mong con cháu được phú quý vinh hoa đời đời. Khi quỷ vô thường đến, họ vẫn còn lo giữ vợ con tài sản. Những người như thế, thật quá si mê. Lại có người, tuy biết chút ít về lý nhân quả thiện ác, thích tạo công lập đức, muốn cúng dường trai tăng, đắp tô tượng Phật, sửa chữa chùa chiền, cùng tạo những nhân hữu lậu, hầu mong cầu phước báo đời sau, nhưng lại không hiểu sự quý báo cao siêu của công đức vô lậu, nên không chịu tu hành. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói: "Nếu có người ngồi thiền trong một khoảnh khắc, thì công đức nhiều hơn xây Hằng sa bảo tháp".

    Ngồi thiền khiến thân tâm an lạc, đưa mình trở về tự tánh trong sáng tròn đầy, và có thể giúp mình thoát cảnh trần lao khổ nhọc, cùng cắt đứt dòng sanh tử luân hồi. Trong một khoảnh khắc, nếu luôn hồi quang phản chiếu khiến thân tâm được thanh tịnh, tuy chưa ngộ đạo nhưng đã trồng nhân lành trở về Phật tánh, tức sẽ có ngày được thành tựu. Kế đến, công phu nếu đắc lực, trong một sát na có thể thành Phật. Trong kinh Lăng Nghiêm, tôn giả A Nan bạch Phật:

    - Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân.

    Tức là không cần phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp mà vẫn đắc được pháp thân.

    Song, chúng ta trôi lăn trong trần lao, chìm trong năm món dục lạc, cầu mong thọ dụng phước báo, lúc được lúc mất, nên thường khởi tâm vui buồn giận tức. Nay đến thiền đường, cùng nhau sống trong yên lặng tịch tĩnh, cùng được thấy những việc chưa từng thấy, được nghe những việc chưa từng nghe, và sáu căn thu nhiếp vào trong, như các căn của rùa, nên dẫu có cảnh giới thuận nghịch gì cũng không giao động. Đấy là tu pháp vô vi, cũng là pháp vô lậu. Nếu lấy vàng bạc và bảy loại châu báu để xây cất bảo tháp nhiều như số cát sông Hằng, thì vẫn không bằng công đức ngồi thiền tĩnh tọa trong một giây phút.

    Ngày nay, chúng ta phải y theo pháp Tối thượng thừa đã tu đã chứng của chư Phật và chư Bồ Tát. Pháp môn hiện tại là phải hiểu rõ bổn tâm diệu giác, tức là thấy tánh thành Phật (Kiến Tánh Thành Phật). Nếu chẳng rõ tâm địa tu hành như thế nào thì không thể thành Phật được. Nếu muốn hiểu rõ tâm địa thì đầu tiên phải hành theo thiện đạo, tức tu theo con đường lành. Từ sáng đến tối, các việc ác chớ làm, phải phụng hành các việc thiện, khiến phước đức được tăng trưởng.

    Lại nữa, trong một khoảnh khắc, vừa đề khởi câu thoại đầu, nếu một niệm không sanh, thì lập tức thành Phật. Quý vị phải tận dụng thời gian. Chớ dụng tâm tán loạn. Cố gắng đề khởi thoại đầu cho hay.

    Lần sửa cuối bởi nguoi ao lam; 10-09-2018 lúc 09:24 AM
    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  7. #87
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XXI. Thiền thất khai thị lần thứ hai
    __________________________________________________ ______________________________________


    (Mất bài ngày thứ hai _ 2/3)

    3/ Ngày thứ ba, (3/3).

    Hôm nay là ngày thứ ba của thiền thất thứ hai. Người dụng công thuần thục, trong động và tịnh đều có phần đắc dụng. Sao lại để tâm phân biệt thiền thất thứ nhất thứ hai hoặc hai ngày, ba ngày!

    Người sơ phát tâm phải cố gắng nỗ lực tinh tấn, chớ nên để tâm ngu mê ám độn, làm uổng phí thời giờ. Tôi sẽ thêm một ví dụ cho quý vị mới phát tâm Bồ Đề nghe. Hy vọng, quý vị hãy lắng lòng chú tâm.

    Trong thiền đường ở các nơi, thường thờ một vị Bồ Tát Thánh Tăng, vốn là anh em họ với Phật Thích Ca, tức là tôn giả Kiều Trần Như. Khi đấng Thế Tôn vừa xuất gia, vua Tịnh Phạn phái ba vị thuộc hệ tộc bên cha và hai vị thuộc hệ tộc bên mẹ, đến núi Tuyết Sơn trợ giúp. Tôn giả Kiều Trần Như là một trong hai người thuộc hệ tộc bên mẹ của Phật. Sau khi thành đạo, đấng Thế Tôn bèn đến vườn Lộc Uyển, thuyết pháp Bốn Thánh Đế. Tôn Giả là vị ngộ đạo đầu tiên hết. Đồng thời, Tôn Giả cũng là vị đệ tử xuất gia đầu tiên trong các vị đại đệ tử của Phật. Do đó, chúng ta gọi Ngài là vị Thánh Tăng hay Tăng Thủ, tức vị tăng đầu tiên trong giáo đoàn. Phương pháp tu hành của Tôn Giả, kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng. Trong Kinh này, Phật bảo:

    - Khi Ta vừa thành đạo, nơi vườn Lộc Uyển, vì năm ông A Nhã Kiều Trần Như, cùng bốn chúng, mà bảo rằng do khách trần phiền não làm mê mờ, nên chúng sanh không thể chứng được quả Bồ Đề hay quả vị A La Hán. Lúc ấy, các ông do nhân duyên gì mà được khai ngộ, chứng quả Thánh?

    Nơi đây, Phật nói rõ nguyên nhân chúng sanh chưa đắc được đạo Bồ Đề cùng quả A La Hán. Ngài lại hỏi các vị đại đệ tử trong pháp hội Lăng Nghiêm, nhờ dụng công, tu hành pháp môn gì mà chứng được quả vị Thánh? Đương thời, đơn độc chỉ có tôn giả Kiều Trần Như là đã liễu giải được pháp tu đó, nên Tôn Giả từ chỗ ngồi, đứng dậy bạch Phật:

    - Bạch đức Thế Tôn! Con nay là trưởng lão trong đại chúng, độc đắc giải danh, tức nhân liễu ngộ được hai chữ khách - trần mà chứng quả.

    Nói xong, Tôn Giả lại giải thích:

    - Bạch đức Thế Tôn! Ví như hành khách vào lúc ghé ngang quán trọ, hoặc ăn hoặc ngủ nghỉ qua đêm. Ăn ngủ xong, liền mang hành lý đi tiếp, không màng dừng lại. Nếu thật là chủ nhân thì không muốn đi. Vì vậy, con suy nghĩ như vầy: "Không ở là Khách, mà ở lại là Chủ". Lại nữa, trên nền trời xanh, khi mặt trời hiện ra, ánh sáng chiếu tỏa vào các lổ hổng trong nhà, thì thấy trong hư không có tướng của bụi trần. Bụi trần bổn chất dao động, còn hư không thì an nhiên bất động. Con lại suy nghĩ: "Vắng lặng gọi là hư không. Dao động gọi là Trần _ bụi bặm _ và cũng gọi là hành khách".

    Tôn Giả giải thích rõ hai chữ Khách và Chủ. Đấy là lấy ví dụ để dạy cho chúng ta phương pháp tu hành, tức bảo rằng chân tâm của chúng ta là chủ nhân, vốn không dao động. Vọng tưởng vốn dao động, tức là Khách. Vọng tưởng ví như bụi bặm, rất vi tế nhỏ nhít. Bụi bặm bay trong hư không. Khi có ánh nắng mặt trời chiếu qua cửa sổ hay lổ hổng thì mới thấy được chúng. Bình thường, khi tâm động đậy vọng tưởng khởi lên, chúng ta rất khó biết. Đến lúc ngồi tĩnh tọa tu hành dụng công thì mới thấy rõ mình có quá nhiều tạp niệm, khó mà hàng phục đoạn trừ được chúng. Trong lúc vọng tưởng dấy lên, nếu công phu của mình không đắc lực, thì không thể tự làm chủ, nên không thể ngộ đạo, cứ mãi lăn lộn trong biển sanh tử. Đời nay tên Trương. Đời sau tên Lý. Như hành khách ngủ tạm nơi quán trọ, chẳng thường dừng chân lâu dài. Song, chân tâm của chúng ta không phải như thế. Nó vốn không đến không đi, không sanh không diệt, thường trụ bất động, luôn làm chủ nhân. Ông chủ ví như hư không, chứa bao bụi bặm bay nhảy dao động. Tựu chung, hư không là tịch nhiên bất động, cũng như chủ nhân của quán trọ, mãi mãi ở lại, không đi nơi khác.

    Giảng về danh tướng, Trần nghĩa là trần sa cát bụi, tức phiền não. Khi đạt đến quả vị thánh Bồ Tát, thì mới cắt đứt được. Vọng tức là vọng hoặc. Hoặc có tám mươi tám loại kiến hoặc. Tư hoặc có tám mươi mốt phẩm. Kiến hoặc do năm loại độn sử tạo ra. Người tu hành, đầu tiên phải cắt đứt kiến hoặc thì mới chứng sơ quả Tu Đà Hoàn. Song, bước đường công phu này rất là gian nan. Đoạn trừ kiến hoặc như lội ngược dòng bốn mươi dặm. Vì vậy, chúng ta phải dụng công mạnh mẽ thâm sâu. Tư hoặc đoạn dứt thì mới chứng quả A La Hán. Cách dụng công này, thuộc về tiệm thứ, tức tu từ từ.

    Hiện tại, chúng ta chỉ cần khởi câu thoại đầu linh linh bất muội (rõ ràng thường biết). Vừa vung đao lên, kiến hoặc hay tư hoặc liền bị chặt đứt. Lúc ấy, trời xanh không dính chút mây hồng. Vầng dương lơ lững trên hư không. Ánh sáng chân tâm tự nhiên hiển lộ.

    Tôn giả Kiều Trần Như đã ngộ được đạo lý, và nhận rõ ông chủ thật của mình.

    Do đó, bước đầu tiên dụng công của chúng ta là phải nhận rõ ra khách trần. Khách trần là động. Chủ nhân thì bất động. Nếu không nhận ra khách chủ thì không thể biết chỗ dụng công, chỉ y theo thói quen xưa mà khởi tâm ngu si, khiến uổng phí thời giờ.

    Hy vọng mọi người lưu tâm tham khán!

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  8. #88
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XXI. Thiền thất khai thị lần thứ hai
    __________________________________________________ ______________________________________


    4/ Ngày thứ tư, (4/3).

    "Phật pháp cao siêu rất nhiệm mầu. Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu".

    Trở lại chùa Ngọc Phật đả thiền thất, thật là nhân duyên thù thắng. Các vị cư sĩ nam nữ khắp nơi đến tham gia, trồng nhân chân chánh thành Phật. Thật là điều hy hữu khó được.

    Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật nói:

    - Nếu người tâm tán loạn, đang khi ở trong tháp miếu, xưng 'Nam Mô Phật' một lần, thì đều thành Phật đạo.

    Người người trên thế gian, sống trong vài thập niên, không biết tỉnh giác, chỉ để ngày tháng trôi qua vô ích. Lúc còn sống, nếu có tiền thì xài hoang phí trong rượu chè sắc dục. Kẻ không tiền thì bị miếng cơm manh áo hành hạ, khiến phải bôn ba cực nhọc làm lụng khổ sở vô ngần, hiếm khi được an nhàn tự tại. Song, những người này do nhờ đời quá khứ đã trồng căn lành, nếu có một lần nào đến chùa lễ Phật, thấy cảnh trang nghiêm thanh tịnh, khiến sanh tâm vui vẻ, hoặc thấy tượng Phật tượng Bồ Tát bèn tùy hỶ xưng niệm danh hiệu Phật, hoặc do thấy cảnh chùa thanh tịnh liền khởi tâm cảm kích, xưng tán hồng danh Như Lai kiết tường hy hữu, thì sẽ mau chóng thành Phật đạo.

    Bình thường, mắt chúng ta ngắm trăng hoa gió tuyết, tai nghe ca ngâm hát xướng, miệng tham trân châu mỸ vị, tức là tư tưởng bị nhiễm ô. Tư tưởng bị nhiễm ô tức là tâm tán loạn, tâm sanh tử, tâm không vọng. Ngày nay, đến chùa chiền xưng một danh hiệu Phật, đó là tâm giác ngộ và tâm thanh tịnh, cùng là gieo hạt giống Bồ Đề, và sẽ được rốt ráo thành Phật.

    Chữ Phật, tiếng Phạn gọi là Phật Đà. Tiếng Tàu gọi là Giác giả. Giác giả tức là không ngu mê. Tự tánh thanh tịnh tức là tâm giác ngộ.

    Hôm nay, chúng ta không vì danh lợi mà đến, chỉ do lực của tâm giác ngộ thúc đẩy. Song, có nhiều người khi nghe đến danh từ đả thất thì sanh tâm sợ sệt mà chẳng hề biết ý nghĩa là gì, chỉ dùng tâm tò mò để đến xem nơi nhộn nhịp, nên không phải là người phát tâm tu hành bậc thượng.

    Nay đã đến đây, như người leo lên núi châu báu, đừng mang tay không về. Phải phát tâm vô thượng, ngồi cho được một cây hương, trồng nhân chân chánh thành Phật, thì tương lai ai ai cũng đều thành Phật.

    Xưa kia, đệ tử Phật là Tu Bạt Đà La, vốn cô độc bần cùng, không nơi nương tựa, tâm tư thường ưu sầu phiền muộn, nên muốn theo Phật xuất gia. Ngày nọ, ông đến nơi đấng Thế Tôn đang ở, gặp lúc Ngài vừa mới ra ngoài. Các đại đệ tử A La Hán quán sát nhân duyên trong tám mươi ngàn kiếp, thấy ông chưa từng gieo trồng căn lành, nên không dám thu nhận, mà bảo hãy trở về nhà. Lúc đó, tâm tư ông lại thêm ưu sầu buồn bực cùng cực, tự trách nghiệp chướng nặng nề, nên đi ra ngoài thành, định đập đầu vào vách thành tự vẫn. Nào ngờ đâu, vào lúc ấy đức Thế Tôn tiến đến, hỏi rõ nguyên nhân. Ông thuật lại tường tận. Phật liền thâu nhận ông làm đồ đệ. Trở về chùa, trong bảy ngày tu tập, ông chứng được quả A La Hán. Các đại đệ tử không biết rõ chuyện, nên hỏi han. Phật đáp:

    - Các ông chỉ biết việc trong vòng tám mươi ngàn kiếp trở lại thôi. Hơn tám mươi ngàn kiếp thuở xưa, ông Tu Bạt Đà La đã từng trồng căn lành. Bấy giờ, ông cũng rất nghèo khổ, thường vào rừng đốn củi sinh sống. Ngày nọ, đang lúc lượm củi, ông gặp hổ trên núi, không biết chạy trốn nơi đâu, bèn leo lên cây lánh nạn. Hổ thấy ông leo lên cây, liền đi vòng quanh, gặm cắn gốc cây. Khi cây gần ngã, ông run sợ vô cùng vì không ai tới cứu. Lúc đó, ông chợt nghĩ đến chư Phật đại giác, đầy đủ tâm lực từ bi, luôn cứu hộ chúng sanh khổ não, nên xưng: "Nam mô Phật! Xin Ngài thương xót, mau đến cứu con!"

    Hổ nghe tiếng "Nam Mô Phật" nên liền bỏ đi, chưa hại gì được ông. Do trồng nhân lành thành Phật chân chánh, nên nay đã thành thục, chứng được đạo quả.

    Các đại đệ tử nghe xong liền hiểu rõ, tâm rất vui mừng, tán thán việc chưa từng có.

    Chúng ta hôm nay gặp được duyên lành thù thắng, đến đây ngồi thiền tĩnh tọa vài cây nhang, tức vun bồi nghiệp thiện nhiều hơn ông Tu Bạt Đà La rồi. Do đó, trăm vạn phần chớ cho là trò chơi trẻ nít. Nếu vì nhộn nhịp mà đến thì thật phí uổng cơ duyên tu hành.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  9. #89
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XXI. Thiền thất khai thị lần thứ hai
    __________________________________________________ ______________________________________


    5/ Ngày thứ năm, (5/3).

    Người có tín tâm thâm sâu đầy đủ, nơi thiền đường luôn nỗ lực dụng công. Chư Thượng tọa chuyên môn tham thiền thì đương nhiên công phu thuần thục. Nhưng khi đã thuần thục rồi, phải biết dụng công tương ưng, xoay về cội nguồn, cho đến cùng nguyên triệt để, sự lý viên dung, động tịnh không ngại, chớ ngồi chết lì ra, để lạc vào trầm không thủ tịch, hay đắm thích cảnh giới tịch tĩnh. Nếu tham đắm cảnh giới tịch tĩnh, không biết trợ công hỗ tương, thì như cá bơi trong nước ứ đọng, không hy vọng nhảy ra cửa của loài rồng, và là cá nằm trong băng giá, thật rất vô dụng.

    Người sơ phát tâm dụng công tu hành phải nhớ nỗi thống khổ của sanh tử, mà khởi tâm hổ thẹn và xả bỏ muôn duyên, thì khi tu trì mới mong có chút định lực. Nếu không thể xả bỏ thân tâm thì sanh tử quyết định không thể cắt đứt.

    Từ vô thủy đến nay, chúng ta mê lầm trong thất tình lục dục. Hiện tại, từ sáng đến tối chúng ta mãi lẫn quẩn trong âm thanh sắc tướng, không biết chân tâm thường trụ, nên phải trầm luân lặn hụp trong biển khổ. Ngày nay, chúng ta đều biết rõ mọi việc trên thế gian đều là khổ não, nên phải tận tình xả bỏ hết tâm vọng tưởng, quyết định tu hành thành Phật.

    6/ Ngày thứ sáu, (6/3).

    Lần tham gia đả thất này, theo tôi nhận thấy thì nam nữ sơ phát tâm chiếm đa số, nên quy củ phép tắc đều không thông hiểu. Vì vậy, mỗi động tác đi đứng nằm ngồi đều làm phiền người khác. Song, Ngài trụ trì rất từ bi, giúp đỡ chúng ta mau thành tựu đạo nghiệp. Quý thầy Ban Thủ cũng phát đạo tâm vô thượng, lãnh đạo dẫn dắt, khiến chúng ta tu trì đúng như pháp. Đấy là cơ hội khó gặp trong muôn kiếp. Chúng ta phải dõng mãnh tinh tấn tu hành, trong tâm lẫn ngoài thân.

    Bên trong, phải luôn đề khởi câu thoại đầu "Ai đang niệm Phật", hay thường niệm câu "A Di Đà Phật", chớ khởi tâm tạp loạn, tham lam sân hận si mê, để pháp tánh chân như được hiển lộ.

    Bên ngoài, phải giữ giới không giết hại, và cố gắng phóng sanh; đem mười việc ác chuyển thành mười việc lành. Chớ ăn thịt uống rượu, say sưa từ sáng đến tối, tạo bao nghiệp tội. Nên nhớ rằng hạt giống Phật chỉ khởi lên khi duyên lành đầy đủ. Nghiệp ác nếu tạo quá nhiều thì nhất định sẽ đọa địa ngục. Nếu vun bồi nhiều nghiệp lành thì phước lợi sẽ tự đến. Chư cổ đức thường dạy:

    - Các việc ác chớ làm. Hãy làm tất cả việc thiện.

    Nếu xem lại nhân duyên vua Lưu Ly giết hại dòng họ Thích Ca thuở xưa, thì quý vị sẽ hiểu rõ hơn.

    Gần đây, trên thế giới, nhân loại luôn bị thiên tai hoạn nạn. Nghiệp sát hại nặng nề đều do quả báo xấu đã tạo thuở xưa. Chúng ta phải luôn khuyên người thế tục nên giữ giới không sát hại, và cố gắng phóng sanh, cùng ăn chay niệm Phật. Đó chính là chúng ta tự giúp mình tránh quả báo xấu trong nẻo luân hồi. Quý vị hãy nên tin tưởng thực hành, trồng nhân lành thì sẽ thành tựu quả vị Phật.

    7/ Ngày thứ bảy (7/3).

    "Đời phù du như mộng

    Huyễn chất không bền chắc

    Nếu không nương Phật từ

    Làm sao siêu thăng được?"


    Trong cuộc sống như huyễn như mộng, chúng ta điên điên đảo đảo, không biết sự cao siêu của đạo Phật, không nghĩ đến việc thoát ra khỏi sanh tử, chỉ thăng trầm trong nghiệp lành nghiệp ác, nên tùy theo nghiệp lực mà cảm thọ quả báo. Người thế gian làm lành thì ít, mà tạo nghiệp ác lại nhiều. Người giàu sang thì ít, còn người nghèo hèn lại quá đông. Chúng sanh cứ trôi lăn trong sáu đường, chịu khổ sở muôn trùng. Có người sáng sanh chiều chết, hoặc sống vài tuổi rồi chết, hoặc chết vì tuổi cao. Người người đều không thể tự chủ được. Ngày nay nương nhờ oai lực từ bi của chư Phật, mới biết được cách thức tu hành.

    Chư Phật, chư Bồ Tát thường phát những đại hạnh nguyện từ bi hỶ xả, cứu độ chúng ta, xuất ra khỏi biển khổ sanh tử, đạt đến bờ giác.

    Từ bi nghĩa là thấy tất cả chúng sanh bị bao thống khổ, nên khởi tâm thương xót cứu hộ, khiến họ xa rời khổ nhọc, đạt được an lạc.

    HỶ xả tức là thấy chúng sanh tạo bao công đức, hoặc phát khởi những tâm niệm lành, đều khen ngợi vui theo. Đối với tất cả mọi cầu nguyện của chúng sanh, chư Phật đều tùy theo tâm thành mà gia hộ.

    Lúc đức Thế Tôn còn tu hành tại nhân địa, Ngài hành hạnh Bồ Tát xả đầu não xương tủy. Vì vậy Ngài thường bảo:

    - Trong ba ngàn đại thiên thế giới, không có hạt bụi nào mà không phải là nơi thân thể xương tủy của Ta thí xả.

    Ngày nay, quý vị nên nỗ lực, giữ chặt câu thoại đầu, đừng để thời gian trôi qua uổng phí.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  10. #90
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XXI. Thiền thất khai thị lần thứ hai
    __________________________________________________ ______________________________________


    8/ Giải thất, (8/3).

    Chúc mừng quý vị đã tham gia hai tuần thiền thất được viên mãn, công đức đầy đủ. Như vậy, chúng ta hãy cùng nhau giải thất. Người xưa bảo:

    - Vốn không có kiết thất hay giải thất, chỉ tham khán thoại đầu đến khi nào khai ngộ.

    Hôm nay, dầu quý vị đã ngộ hay chưa khai ngộ, phải luôn tuân theo quy củ. Trong nửa tháng dụng công, không phân biệt ngày đêm sáng tối, mà chỉ nhắm mục đích khai ngộ, nhằm trở thành nhân tài cho Phật giáo. Nếu bị hôn trầm mê muội, để thời gian trôi qua vô ích, thì thật sự bỏ dịp hiếm có. Ngày nay, đại lão hòa thượng trụ trì cùng quý thầy Ban Thủ thể theo quy củ, kiểm nghiệm công phu tu hành của quý vị. Hy vọng đừng nói lời tạp nhạp, chỉ nên chân thật đối đáp rõ ràng công phu kiến địa (thấy đất tâm) của mình cho chư hòa thượng chứng minh. Cổ đức bảo:

    - Tu hành trong ba đại kiếp. Ngộ đạo chỉ trong sát na.

    Công phu nếu đắc lực thì trong khảy móng tay liền giác ngộ. Xưa kia, thiền sư Huệ Giác tại núi Lang Gia, có một nữ đệ tử thường theo Ngài tham thiền. Ngài dạy cô tham quán câu: "Bỏ nó đi".

    Cô ta y theo lời dạy, hành trì không thối chuyển. Ngày nọ, nhà bị cháy, cô bảo:

    - Bỏ nó đi.

    Lần khác, khi có người chạy đến nhà báo tin người con bị chết đuối, cô ta cũng bảo:

    - Bỏ nó đi.

    Muôn duyên đều xả bỏ, y theo lời dạy mà tu hành. Vào hôm nọ, khi ông chồng đang đốt lò chiên bánh, cô bèn đổ dầu vào chảo khiến vang tiếng "Xèo". Nghe tiếng đó, cô ta liền liễu đạo, rồi bưng chảo dầu ăn đổ xuống đất, vỗ tay cười to. Người chồng tưởng cô điên, nên mắng:

    - Sao bà làm thế? Điên rồi à!

    Cô ta nói:

    - Bỏ nó đi.

    Nói xong, cô ta bèn đến gặp thiền sư Huệ Giác cầu chứng minh. Thiền sư Huệ Giác ấn chứng cho cô ta đã đạt quả Thánh.

    Hôm nay, quý vị nếu ngộ được điểm nào, hãy nên bước ra trình kệ cú xem!

    (Một hồi lâu, chẳng có ai bước ra. Ngài đi ra thiền đường. Kế đến, lão pháp sư Ứng Từ cùng vài vị tăng ra khảo nghiệm thiền khách. Sau khi chỉ tịnh, Ngài trở vào thiền đường, chỉ giáo đại chúng.)

    Trong cảnh hồng trần loạn lạc, phố xá náo rộn bao phiền hà, ai lại có công phu và tâm tư đến đây tĩnh tọa, tham quán thoại đầu? Chỉ có quý vị, người Thượng Hải căn lành thâm hậu, mới làm được thôi. Nhờ Phật pháp hưng thịnh cùng nhân duyên thù thắng, chúng ta mới gặp đại sự nhân duyên này.

    Từ xưa, Phật giáo Trung Quốc đã có các tông phái như Luật tông, Tịnh Độ tông, Mật tông v.v... Nhưng nếu xem xét kỹ càng thì pháp của tông môn vuợt hơn hết. Trước kia tôi đã nói rồi. Tiếc rằng gần đây Phật pháp suy vi, hiếm thấy nhân tài xuất hiện. Thuở trước, tôi đã từng đi tham bái các nơi, thấy rõ việc tu hành ngày nay khác xa lúc xưa. Nói đến đây, tôi rất xấu hổ. Nay nhờ lòng từ bi của ngài Trụ Trì và quý thầy trong chùa, mời tôi ra trước. Quý vị nên biết, lão pháp sư Ứng Từ có đủ tài đối đáp. Ngài là vị thiện tri thức, kiêm thông tông giáo, và chân chánh là bậc tiền bối. Tôi bất tất chỉ ra phụ giúp Ngài thôi. Hiện tại, tôi không làm được ích lợi gì hết. Cầu mong quý vị hãy tinh tấn tiến bước, đừng khởi tâm thối lui.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •