DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 6/20 ĐầuĐầu ... 4567816 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 51 tới 60 của 196
  1. #51
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại Thiền đường
    __________________________________________________ ______________________________________


    Có người hàm hồ suy nghĩ loạn động, tìm Đông kiếm Tây, rồi cho đó là nghi tình. Phải nên biết, càng suy tưởng thì vọng niệm càng khởi lên nhiều. Muốn thăng nhưng ngược lại bị đọa. Điều này người tu hành phải nên biết đến.

    Người sơ cơ phát khởi nghi tình rất thô thiển. Lúc đứt đoạn, lúc liên tục, lúc thuần, lúc không thuần, thì chưa được tính là khởi được nghi tình, mà chỉ gọi là khởi vọng tưởng. Tuy nhiên, tu càng lâu thì tâm cuồng loạn từ từ sẽ được điều phục, và niệm đầu cũng có nơi trụ được đôi chút. Lúc ấy mới gọi là tham thiền. Công phu từ từ thuần thục; không khởi nghi tình mà vẫn tự nghi, lại cũng không biết ngồi nơi nào, và cũng không biết đến thân, tâm, thế giới. Niệm nghi đơn độc sẽ từ từ hiển hiện, không gián đoạn; đó gọi là khởi nghi tình. Thật tình mà nói, lúc đầu dụng công chỉ toàn là vọng tưởng nổi lên. Đến khi nghi tình chân thật hiện ra thì lúc đó mới chân thật là dụng công. Khi ấy, dễ dàng vượt qua cửa ải lớn để rẽ vào chánh lộ.

    Thứ nhất, sẽ đạt đến cảnh giới thanh tịnh khinh an vô hạn. Nếu bỏ mất công phu giác chiếu, liền nhập vào trạng thái hôn trầm nhè nhẹ. Nếu có vị minh nhãn thiện tri thức ở kế bên, biết được cảnh giới này của mình, dùng cây hương bản đập cho một hèo, thì mây mù che đầy trời đất liền tản mác. Ngay nơi đó, rất có nhiều cơ hội ngộ đạo.

    Thứ hai, lúc thanh tịnh, không không đỗng đỗng, nếu nghi tình mất đi, thì đó là vô ký, tức như ngồi trên cây khô đá cứng, hoặc gọi là "băng đóng quanh tảng đá". Đến lúc đó phải đề khởi nghi tình. Đề khởi nghi tình tức là giác chiếu. Giác tức là không mê muội, và là trí huệ. Chiếu tức là không loạn động, và là định. Đơn độc trụ nơi một niệm; trầm nhiên mà tịch chiếu, như như bất động, linh linh bất muội, liễu liễu thường tri, như khói nóng xông lên, như xoay một cuồn tơ mãi không dừng. Dụng công đến đây, phải có đầy đủ mắt thanh tịnh kim cang, mà không cần đề khởi nghi tình nữa. Nếu đề khởi tức là đem đầu mà đặt lên đầu. Xưa kia có vị Tăng hỏi lão nhân Triệu Châu:

    - Không thể đem một vật đến thì làm sao ?

    Triệu Châu đáp:

    - Xả bỏ nó.

    - Một vật còn không thể đem đến, thì xả bỏ cái gì ?

    - Xả bỏ không được, thì đuổi nó đi.

    Nói đến việc này, như gió trong ánh sáng, như người uống nước tự biết lạnh nóng, không thể dùng lời nói mà đạt được. Người đạt đến đó, tự nhiên hiểu rõ. Chưa đạt đến thì nói chi cũng vô ích. Vì vậy bảo:

    - Trên đường gặp kiếm khách liền trình kiếm. Chẳng phải thi nhân chẳng trình thi.

    C/ Chiếu cố thoại đầu cùng phản văn văn tự tánh.

    Hoặc hỏi:

    - Pháp môn "phản văn văn tự tánh" (nghe lại tánh nghe của mình) của Bồ Tát Quán Âm có phải được xem là pháp môn tham thiền không ?

    Bàn về việc chiếu cố thoại đầu, tức là bảo quý vị thời thời khắc khắc, đơn độc trụ nơi một niệm, hồi quang phản chiếu vào cái "không sanh không diệt (thoại đầu)". Phản văn văn tự tánh (nghe lại tự tánh của mình), tức là bảo quý vị thời thời khắc khắc trụ nơi một niệm để nghe lại tự tánh của mình. "Hồi" tức là xem ngược lại. "Không sanh không diệt" tức là tự tánh. Cái "Nghe" khác với cái "chiếu" tức là khi thuận dòng thì nghe âm thanh, thấy sắc tướng. Tuy nhiên, nghe mà không vượt ngoài âm thanh. Thấy mà không vượt khỏi sắc tướng, hiển nhiên phân biệt rõ ràng. Lúc đi nghịch dòng thì nghe lại tự tánh của mình, không chịu chạy theo âm thanh sắc tướng, để trở về nguồn nhất thể tinh minh (một thể sáng soi). Khi đó, cái "nghe" và cái "chiếu" không còn là hai.

    Chúng ta nên biết rằng gọi Chiếu cố thoại đầu, hoặc gọi Nghe lại tự tánh của mình, tuyệt đối không dùng mắt để thấy, lại cũng không dùng tai để nghe. Nếu dùng mắt để thấy, hoặc dùng tai để nghe, đó là chạy theo âm thanh sắc tướng, tức bị vật chuyển, nên gọi là thuận dòng. Nếu đơn độc trụ nơi một niệm "không sanh không diệt" mà chẳng chạy theo âm thanh sắc tướng, thì gọi đó là nghịch dòng, và là chiếu cố thoại đầu, hay nghe lại tự tánh của mình.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  2. #52
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại Thiền đường
    __________________________________________________ ______________________________________


    D/ Tâm thiết tha vì việc sanh tử, cùng phát tâm lâu dài.

    Đối với việc tham thiền, điều quan trọng là cần có tâm thiết tha vì sanh tử, cùng phát tâm tu hành dài lâu. Nếu không có tâm thiết tha vì sự sanh tử thì nghi tình không thể khởi, và công phu không thể tăng tiến. Nếu không phát tâm tu hành dài lâu, mà một nóng mười lạnh, thì công phu không thể thành phiến. Chỉ trọng yếu có tâm dài lâu thì nghi tình mới có thể đề khởi. Lúc nghi tình chân thật đề khởi được thì phiền não trần lao không ngừng cũng tự ngừng. Lúc đó, tự nhiên nước chảy đến đâu thì thành ngòi rạch đến đó. Nay tôi sẽ kể câu chuyện mắt thấy tai nghe.

    Đời Thanh, vào năm 1900, liên quân tám quốc gia tiến vào kinh đô. Khi ấy tôi cùng đi theo đoàn quân hộ giá vua Quang Tự và thái hậu Từ Hi. Đoàn hộ giá phải chạy bộ về hướng tỉnh Xiểm Tây. Mỗi ngày chạy hàng chục dặm. Đôi khi không có thức ăn nước uống. Trên đường dân chúng dâng rau dại khoai rừng cho vua ăn. Vua ăn xong rồi lại hỏi những thứ rau đó là gì mà sao ngon quá vậy ! Quý vị xem coi, Hoàng đế ngày thường mặc áo long bào, oai phong lẫm liệt. Ông ta có từng chạy bộ trên đường lộ, bị đói lép bụng, ăn rau dại khoai rừng không ? Tuy nhiên, khi chạy lánh nạn, long bào không dám đắp, không còn tỏ vẻ oai phong lẫm liệt, chỉ lăng xăng chạy trên đường lộ, đói khát phải ăn rau dại khoai rừng.

    Tại sao xả bỏ được hết ? Vì liên quân muốn bắt nhà vua, nên ông phải chú tâm chạy trốn lánh nạn để bảo toàn sanh mạng. Sau khi nghị hòa, nhà vua xa giá hồi kinh, lại đắp long bào, lại tỏ vẻ oai phong lẫm lẫm, không thể chạy lăng xăng trên đường lộ, không còn đói khát. Nếu không phải là những món cao lương mỹ vị, thì không thể nuốt khỏi cổ. Tại sao khi đó không thể xả bỏ được ? Vì liên quân không còn tầm nả nhà vua. Ông cũng chẳng có tâm chạy trốn nữa. Nếu nhà vua dùng tâm trạng chạy lánh nạn mà tu đạo thì lo gì không ngộ đạo. Tuy nhiên, tiếc thay nhà vua không có tâm dài lâu. Gặp cảnh thuận thì tánh xưa liền nổi lại.

    Quý vị đồng tham học ! Quỷ vô thường luôn chờ chực sanh mạng của chúng ta. Nó không thể "Hòa Nghị" với chúng ta được. Vì vậy, phải mau quyết chí phát tâm dài lâu để chặt đứt dòng sanh tử !

    Tổ Cao Phong bảo:

    - Nếu muốn tham thiền có kỳ khắc thành tựu, thì phải xả bỏ tất cả như bị té xuống giếng sâu ngàn thước. Từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, gom ngàn tư tưởng, muôn tư tưởng về một tâm cầu ra khỏi dòng sanh tử, mà rốt ráo quyết không khởi hai niệm. Dụng công khẩn thành như thế, hoặc ba ngày, hoặc năm ngày, hoặc bảy ngày, nếu không triệt ngộ, Cao Phong tôi hôm nay bị phạm tội đại vọng ngữ, mãi mãi đọa địa ngục cắt lưỡi.

    Tổ Cao Phong tâm niệm thiết tha, lòng tràn đầy từ bi, sợ chúng ta không phát tâm dài lâu, nên mới phát thệ nguyện quan trọng như thế.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  3. #53
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại Thiền đường
    __________________________________________________ ______________________________________


    E/ Việc khó và dễ trong khi tu đạo của người mới dụng công và người tu hành lâu năm.

    a/ Việc khó và dễ của người mới dụng công.

    */ Việc khó của người sơ phát tâm tu đạo là tâm vọng không dứt.

    Bịnh nặng của người sơ cơ là xả bỏ vọng tưởng và tập khí không nổi. Vô minh, cống cao ngã mạn, ghen ghét, chướng ngại, tham lam, sân hận, tình ái, giải đãi, là những món ăn ngon. Thị phi nhân ngã chứa đầy cả bụng, thì làm sao tương ưng với đạo ? Có các vị xuất gia, do xuất thân từ hàng công tử tiểu thơ đài các nên khó lòng bỏ tập khí kiêu căng tự thị. Bị oan ức đôi chút, không thể nhẫn nổi, thì nói gì đến việc dụng công tu đạo ? Họ chẳng biết rằng Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là thái tử, nhưng xả bỏ tất cả để xuất gia tu đạo. Hoặc có vài người biết đôi chút văn tự chữ nghĩa, nghiên tầm văn chương, trích luận kệ cú, giải thích luận bàn thi cú cổ kim. Tuy tự chính mình không thể nào viết lách hay liễu giải được, nhưng lại sanh tâm cống cao ngã mạn. Khi bị bệnh nặng, kêu khổ thấu trời. Hoặc nhằm vào ngày ba mươi tháng chạp, tay run chân loạn; tri giải thường ngày, chẳng dùng được chút nào, hối hận sao kịp !

    Người có chút tâm đạo, nhưng chẳng biết chỗ hạ thủ công phu. Lại có người, rất sợ vọng tưởng; họ cố dẹp trừ mãi mà chẳng được, nên phiền não cả ngày, rồi tự oán than là nghiệp chướng nặng nề, khiến thối tâm tu đạo.

    Hoặc có người muốn cùng vọng tưởng thách đấu bỏ mạng, và quyết định tử chiến với chúng, mà hùng hổ cung tay nộ khí, ưỡn ngực trợn mắt, như gần bị giết. Tuy nhiên, không thể nào thí mạng với vọng tưởng được, nên tức giận lồng lộng, hộc máu phát điên cuồng.

    Hoặc có người sợ lạc vào không, tức phải nên biết tự chính mình đã phát sanh "con quỷ" chấp không. Muốn không mà không chẳng được. Muốn ngộ mà ngộ cũng chẳng xong.

    Hoặc có người mang tâm cầu giác ngộ, nhưng họ nào biết đâu, nếu đem tâm cầu đạo, nghĩ tưởng thành Phật, thì đó là đại vọng tưởng. Cát không thể nấu thành cơm; dẫu cầu đến năm con lừa quyết chẳng ngộ đạo được.

    Hoặc có người ngồi được một hai cây hương, rồi sanh tâm vui mừng, giống như rùa mù, ngẫu nhiên mà vớt được bọng cây khô trên biển, chứ chẳng phải là công phu chân thật, nên khiến ma vui mừng che lấp tâm tánh.

    Hoặc có người vì trong cảnh giới tịch tĩnh, cảm giác rất thanh tịnh, nên không muốn tu lúc ở trong động. Vì vậy, chỉ thích lẫn trốn nơi tịch tĩnh mà tu, nhưng nào biết đã làm quyến thuộc của hai con ma vương chấp động tĩnh.

    Những bệnh tật khi tu thiền có rất nhiều loại. Nói chung, người sơ cơ khi chưa đến đầu đường thì thật là khó; như có huệ giác mà không có chiếu soi, thì dễ sanh tán loạn, khiến tâm không thể bình lặng được. Hoặc có chiếu soi mà không có giác, tức là khi ngồi thiền bị nước chết của vô minh xâm nhập giết hại.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  4. #54
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại Thiền đường
    __________________________________________________ ______________________________________


    */ Việc dễ của người sơ cơ là có thể xả bỏ hết tất cả, chỉ còn một niệm.

    Tuy bảo rằng dụng công là khó, nhưng khi đến đầu đường rồi thì rất dễ. Tại sao sơ tâm dụng công dễ dàng ? Vì chưa đạt được cảnh giới thiền định chi hết, nên xả bỏ muôn sự rất dễ. Xả bỏ cái gì ? Tức là xả bỏ hết vô minh phiền não. Làm thế nào để xả bỏ ? Như lúc chư tăng làm lễ cầu vãng sanh cho người quá cố, nếu quý vị chửi mắng vài câu thì tử thi chẳng hề động đậy, nổi khí giận hờn. Hoặc đánh vài gậy, người đó chẳng dùng tay chống cự. Lúc sống, thường khởi vô minh, nhưng ngày nay không còn khởi được nữa. Bình thường thích danh mến lợi, mà nay không còn muốn. Bình thường có bao loại tập khí ô nhiễm, nhưng nay lại không còn. Lại nữa, người đó không còn phân biệt gì cả. Việc gì cũng xả bỏ được hết. Quý vị đồng tham học ! Trút hơi thở cuối cùng, thân liền trở thành xác chết.

    Sở dĩ chúng ta xả bỏ mọi việc không được là vì coi trọng xác thân này, nên sanh thị phi mình người, thương ghét thủ xả. Nếu xem rõ xác thân này như thây chết, không quý mến nó, không cho nó là mình, thì việc gì lại không thể xả bỏ được ! Chỉ cần xả bỏ được thân xác này, thì trong mười hai thời, cho dầu đi đứng nằm ngồi, trong những lúc động tịnh bận rộn rảnh rỗi, trong ngoài thân chỉ có một niệm nghi. Bình bình hòa hòa nghi tình không gián đoạn, và không xen lẫn tạp niệm khác lạ. Khi đó, dùng câu thoại đầu, như cầm kiếm thiên trường, ma đến chém ma, Phật đến chém Phật; không sợ vọng tưởng gì cả thì ai làm trở ngại, ai phân biệt động tĩnh, ai chấp có chấp không ? Nếu sợ vọng tưởng thì lại khiến gia tăng thêm một tầng vọng tưởng. Biết thanh tịnh, tức đã không thanh tịnh. Sợ lạc vào không, tức lạc nơi có. Muốn thành Phật thì bị nhập vào đường ma. Vì thế bảo rằng gánh nước chặt củi, không chi là đạo vi diệu. Cuốc đất trồng rau đều là thiền cơ. Không phải xếp bằng ngồi thiền cả ngày mà tính là dụng công tu đạo.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  5. #55
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại Thiền đường
    __________________________________________________ ______________________________________


    b/ Việc khó và dễ của người tu hành lâu năm.

    */ Việc khó của người tu hành lâu năm là trên đầu cây tre trăm thước không thể tiến thêm một bước.

    Tại sao lại khó ? Người tu hành lâu năm, dụng tâm đến lúc nghi tình chân thật hiện ra, phải có giác có chiếu mới vượt qua sanh tử. Không giác không chiếu tức là lạc vào không vọng. Đạt đến cảnh giới đó thật rất khó. Tuy nhiên, nhiều người đạt đến đó lại hoảng hốt và sợ không thể giải thoát, vì đứng trên ngọn tre trăm thước mà không thể tiến thêm một bước. Có nhiều người khi đạt đến cảnh giới này thì ngay trong định phát được chút ít trí huệ, khiến am hiểu thấu đáo vài công án của người xưa, liền xả bỏ nghi tình rồi tự cho là đã đại triệt đại ngộ, nên làm thơ viết kệ, nháy mắt giương mày, xưng là thiện tri thức, nhưng chẳng biết chính mình là quyến thuộc ma vương.

    Lại nữa, có người hiểu sai lầm ý nghĩa các câu kệ của Đạt Ma Tổ Sư "Ngoài ngưng các duyên, trong chẳng cấp bách, tâm như tường vách, mới có thể nhập đạo" cùng lời dạy của Lục Tổ "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Lúc đó, bổn lai diện mục của thượng tọa Minh là gì ?"

    Lúc ấy, thật như ngồi trên cây khô đá cuội, người này nhận hóa thành làm bảo sở và lầm nhận đất lạ là quê mình. Bà già đốt am chỉ vì muốn chửi những kẻ tử Hán chấp trước.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  6. #56
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại Thiền đường
    __________________________________________________ ______________________________________


    */ Việc dễ của người dụng công lâu năm là công phu thầm lặng liên tục.

    Sao gọi là dễ dàng dụng công ? Bấy giờ, chớ nên tự mãn và chớ dừng lại nửa đường, mà phải liên tục thầm thầm lặng lặng tu hành. Trong liên tục thầm lặng lại tăng thêm sự liên tục thầm lặng. Trong vi tế lại thêm vi tế. Khi thời điểm đến thì thùng gỗ tự nhiên sẽ bị lủng. Nếu không, phải nhờ đến thiện tri thức nhổ đinh tháo chốt.

    Đại sư Hám Sơn viết kệ:

    "Trên đảnh núi cao vút

    Bốn bề rộng vô biên

    Tĩnh tọa không người biết

    Ánh trăng chiếu suối ngàn

    Trong suối chẳng có trăng

    Trăng treo trên trời xanh

    Ngâm nga bài ca này

    Ca ngâm chẳng là thiền."


    Hai câu đầu nói về tâm giác ngộ tính đơn độc chân thường của vạn vật mà không đắm chấp vào chúng; tâm đó chiếu sáng ngời khắp đại địa. Bốn câu kế bàn về chân như diệu thể mà phàm phu không thể hiểu được. Ba đời chư Phật cũng không thể tìm cầu nơi chốn của cái ngã, nên bảo là 'Không người biết'. Câu "Trăng đơn chiếu suối ngàn", ngài Hám Sơn tự dùng thí dụ làm phương tiện để diễn đạt cảnh giới của mình. Hai câu cuối, vì sợ người lầm ngón tay là mặt trăng nên đặc biệt cảnh tỉnh chúng ta. Một khi còn lời nói thì chẳng phải là thiền.

    2/ Kết Luận.

    Những điều tôi vừa nói, chỉ để gỡ bụi cây dính chùm, dẹp bỏ rắc rối. Nếu còn lời nói thì không phải nghĩa chân thật. Các bậc cổ đức tiếp người bằng cách không đánh thì cũng mắng; nghĩa là khai ngộ cho họ bằng những cử chỉ hành động rất bình dị. Người tu hành hiện nay không thể bì được với sự tu hành của người xưa. Chớ nên nhận lầm ngón tay là mặt trăng. Quý vị đồng tham thiền ! Hãy xem coi ngón tay ấy chính là ai ? Mặt trăng là ai ? Hãy tham khán !

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  7. #57
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại Thiền đường
    __________________________________________________ ______________________________________


    XVI. Tham thiền cảnh ngữ (lời răn nhắc người tu thiền)

    Tâm tức là Phật. Phật tức là giác. Chúng sanh và Phật đồng có tánh giác bình đẳng này mà không khác biệt. Tâm này tuy trụ nơi hư không tịch tĩnh mà không chấp một vật, không thọ một pháp, không thể tu chứng. Tánh giác linh minh sáng suốt, đầy đủ muôn đức, diệu dụng hằng sa, không thể giả lập tu chứng. Chúng sanh do mê muội nên trầm luân trong sanh tử. Trải qua bao kiếp dài lâu, có bao tham sân si, tình ái, vọng tưởng chấp trước, nhiễm ô thâm trọng, nên bất đắc dĩ mới nói tu nói chứng. Người xưa bảo rằng chẳng in tuồng như một vật nhưng bất đắc dĩ phải dụng công, để sống với tâm đó.

    Hiện tại đả Thiền thất đã ba ngày, tức qua nửa tuần rồi. Ba ngày kế trong nửa tuần, thân tâm dần dần thuần thục, thì dụng công cũng dễ hơn lúc trước nhiều. Quý vị chớ lầm nhân duyên. Trong ba ngày kế phải hành đến độ nước chảy đá lồi, phát minh tâm địa, thì mới không cô phụ cơ duyên khó được này.

    Trong hơn hai mươi ngày tới, mỗi ngày từ sáng đến tối, khi vừa thức dậy, quý vị phải nỗ lực dụng công. Tuy nhiên, có bốn loại cảnh giới rất khó vượt qua.

    Thứ nhất, việc chọn lựa lộ trình tu học vẫn chưa rõ, và thoại đầu tham khán đề cử lên không nổi, chỉ mơ mơ màng màng; tuy theo đại chúng, nhưng ngủ gật gù, không thể đuổi được vọng tưởng, đó là hôn trầm dao động.

    Thứ hai, đề khởi được thoại đầu, nên đạt được chút ít thọ dụng, nhưng lại chấp chặt vào miếng ngói của thành quân địch, tức chỉ lo niệm câu thoại đầu "Ai đang niệm Phật", nên trở thành niệm thoại đầu, rồi dùng cách này mà đề khởi nghi tình, mong muốn khai ngộ. Nào biết đâu, đó là dụng tâm niệm thoại đuôi, tức vẫn là pháp sanh diệt, nên chẳng bao giờ đạt đến nơi nhất niệm vô sanh. Lúc ấy, tạm thời dụng công thì còn được, nhưng nếu chấp trước rằng đó là pháp môn cứu cánh chân thật, thì đến khi nào mới được ngộ đạo ? Gần đây, sở dĩ trong Thiền tông ít xuất hiện nhân tài vì đa số người tu thiền lầm dụng tâm nơi thoại đuôi.

    Thứ ba, nếu đã biết cách tham khán thoại đầu thì nên chiếu cố, bằng cách nhìn vào nơi một niệm chưa sanh; hoặc biết niệm Phật chính là tâm, tức niệm này khởi từ tâm; nhìn suốt thẳng đến tâm tướng vô niệm, rồi từ từ sẽ đạt được cảnh giới tịch tĩnh thì những vọng tưởng thô đều dừng, đắc được cảnh giới khinh an nhẹ nhàng, và cũng thấy bao cảnh giới khác xuất hiện. Khi ấy, tuy chẳng biết thân xác trụ nơi nào nhưng thân tâm cảm giác rất nhẹ nhàng thơ thới. Nếu thấy người và vật khả ái mà sanh tâm vui thích, hoặc thấy cảnh giới đáng sợ mà sanh tâm sợ hãi, hoặc thấy những cảnh giới dâm dục cùng bao loại cảnh giới không chơn chánh, thì biết đó đều là cảnh giới ma. Nếu bám chấp vào chúng thì sẽ sanh bệnh.

    Thứ tư, nếu nghiệp chướng nhẹ, lộ trình tu đạo thấy rõ ràng, dụng công đều đặn hợp với căn cơ, đó là đi trên quỸ đạo chân chánh. Nếu vọng tưởng ngưng thì thân tâm sảng khoái sáng suốt tự tại, chẳng còn gặp cảnh giới nào cả. Đạt đến nơi đó, phải phấn chấn tinh thần, dụng công tiến bước. Chỉ còn một việc phải nên chú ý là có thể đang ngồi trên đá cuội, phân vân nơi đường lộ phía trước. Ngay nơi đó, vì bị chút ít hôn trầm mà dừng lại, hay đắc được vài điểm huệ giải, rồi làm thơ viết kệ, tự cho là đủ, thì liền khởi tâm cống cao ngã mạn.

    Bốn cảnh giới trên đều là thiền bệnh. Nay tôi sẽ chỉ dẫn cách thức dùng thuốc để trị chúng.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  8. #58
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại Thiền đường
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thứ nhất, nếu chưa tham khán được thoại đầu, vọng tưởng hôn trầm đầy dẫy thì quý vị phải tham khán một chữ "Ai" trong câu thoại đầu "Ai đang niệm Phật". Tham khán được càng lâu thì hôn trầm sẽ càng giảm bớt. Nếu đạt đến lúc chẳng quên chữ "Ai", thì tham khán đến nơi một niệm vừa khởi lên. Đến khi một niệm không còn khởi, tức là đạt đến nơi vô sanh. Nếu tham khán được đến nơi một niệm chưa sanh thì mới chân chánh gọi là tham khán thoại đầu.

    Thứ hai, đối với người mắc bệnh dụng tâm tham khán thoại đuôi, chấp trước vào câu "Ai đang niệm Phật", tức lầm chấp pháp sanh diệt, thì lúc ấy phải mau chiếu thẳng vào tâm tưởng, hướng vào nơi khởi niệm mà tham khán đến chỗ một niệm chưa sanh.

    Thứ ba, khi quán được vô niệm, đạt khinh an tịch tĩnh, rồi gặp những cảnh giới kỳ lạ thì phải chiếu cố nhìn lại câu thoại đầu của mình, chẳng sanh một niệm. Phật đến chém Phật. Ma đến chém ma. Chẳng màng đến những cảnh giới đó thì tự nhiên vô sự, không lạc vào tà ma ngoại đạo.

    Thứ tư, khi vọng niệm dừng, tinh thần sảng khoái sáng suốt, thân tâm tự tại, phải ứng theo lời cổ nhân: "Vạn pháp quy về một, nhưng một quy về đâu ?"

    Tiến bước hướng đến nơi cùng cực, thẳng lên đảnh núi cao ngất, hay hành thông suốt tận đáy biển, tức là phải vung tay rộng thêm nữa.

    Như trên đã nói, đây chỉ là những phương pháp dành cho người độn căn trong đời mạt pháp. Thật ra, tông môn là tối thượng bậc nhất. Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đưa cành hoa lên tại pháp hội nơi núi Linh Sơn, đó là truyền ngoài giáo lý. Chư Tổ Sư trải qua bao đời chỉ truyền một tâm pháp, tức chỉ thẳng nhân tâm, thấy tánh thành Phật, không lạc vào giai cấp, chẳng cần giả tu chứng; nơi một câu nửa cú liền hiểu, không một pháp có thể đắc, và không một pháp có thể tu; xả bỏ liền được như thế. Không khởi vọng duyên, tức đồng như Phật. Đối với lý này, chắc quý vị đã nghe nhiều lần rồi.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  9. #59
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XVII. Tu cùng không tu
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẦN IV


    XVII. Tu cùng không tu

    Giảng về việc tu hành hay không tu hành, đều là lời trống không. Chúng ta nếu hiểu rõ thấu triệt chính mình có một phần tâm quang, ngay khi ấy biết rõ việc vô sự, thì sao lại bàn về tu cùng chẳng tu. Phật Thích Ca xuất gia tầm đạo, sáu năm tu khổ hạnh, bốn mươi chín ngày đêm ngồi dưới cội Bồ Đề, đến đêm cuối cùng ngắm vì sao chớp, liền ngộ đạo, nói kệ:

    - Lạ lùng thay ! Lạ lùng thay ! Chúng sanh trên cõi đất đều có đầy đủ đức tướng trí huệ của Như Lai. Chỉ vì vọng tưởng chấp trước, nên không thể chứng đạo. Nếu rời vọng tưởng thì trí huệ thanh tịnh, trí huệ tự nhiên, trí huệ vô sư đều tự nhiên hiện ra.

    Sau khi thuyết pháp trong bốn mươi chín năm, đức Phật lại bảo:

    - Ta chưa từng nói một lời nào !

    Từ đó, chư vị Tổ Sư trải qua bao đời y theo một pháp mà truyền thừa liên tục; các ngài đều nhận rõ: "Tâm, Phật, chúng sanh, tuy ba nhưng thật không sai khác" nên "Chỉ thẳng chân tâm, thấy tánh thành Phật".

    Chư vị Tổ Sư giảng rộng giảng dài, hoặc đánh hoặc mắng, dùng mọi phương pháp đều để đoạn trừ vọng tưởng phân biệt của hành giả, và muốn họ nhìn thẳng vào: "Tự nhận bổn tâm. Tự thấy bổn tánh" mà không hề giả lập một chút phương tiện rắc rối, bảo tu bảo chứng nào. Yếu chỉ của Phật Tổ như thế, chúng ta phải nên biết rõ.

    Tâm niệm của chúng ta vốn đã thanh tịnh, vốn tự đầy đủ, viên mãn, biến khắp mọi nơi, diệu dụng hằng sa, cùng ba đời chư Phật, thật không khác biệt.

    Nếu tâm chẳng dính mắc thiện ác và xả bỏ được tất cả, thì có thể lập địa thành Phật; ngồi thiền đến lúc thiên hạ hưởng thái bình. Nếu được như thế thì có hạnh gì để tu ? Câu tu hành có phải là rỗng tuếch không ? Tuy nhiên, trong mỗi tâm niệm, chúng ta luôn hướng ngoại tầm cầu và có biết bao vọng tưởng chấp trước, nên không thể thoát ly sanh tử. Từ đời vô thủy cho đến nay, luân hồi trong vòng sanh tử, bị vô minh phiền não nhiễm ô thâm trọng, nên mới không biết tự tâm mình chính là Phật. Tuy nhiên, khi đã biết rồi lại không dám thừa nhận, nên không thể làm chủ được; nghĩa là không có dũng khí của người tráng sĩ, dám đoạn chặt hết vọng tưởng. Vì vậy, ngày ngày luôn sống trong vọng tưởng chấp trước.

    Người trên thì cả ngày làm này làm nọ, cầu thiền cầu đạo, không rời khỏi tâm chấp có. Kẻ dưới thì không thể phá vỡ ngục tù tham lam, sân hận, si mê, nên bỏ đạo tìm cầu bên ngoài. Hai loại người này, luân chuyển trong sanh tử, không biết ngày nào thoát khỏi. Giảng về việc tu hành, đó cũng là lời nói trống không.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  10. #60
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 4 _ XVII. Tu cùng không tu
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bên trên đã nói đến việc là chẳng kể lên hay xuống, thăng hay trầm, đều vẫn bị trói buộc. Người có mắt sáng nhìn thấy, nhận rõ đó chỉ là: "Kéo bùn mang nước".

    Thế nên, đại trượng phu phải trực nhận hiểu rõ, biết rằng từ quá khứ cho đến tương lai, sự sự vật vật đều như mộng huyễn như bong bóng nước, chẳng có tự tánh; người và pháp chợt không, thì muôn duyên đều ngừng, khiến một niệm bằng cả vạn năm, đạt thẳng đến vô sanh.

    Nhìn bên ngoài, thấy người tu hành ăn cơm mặc áo, đi đứng nằm ngồi, như người bình thường, nhưng nào biết họ đã tự thanh tịnh, ngồi thiền an tọa trong nhà, hưởng thọ châu báu vô tận tạng. Vô tâm vô vi, tự do tự tại, động tịnh nhất như, nóng lạnh tự biết. Không những ba cõi sáu loài trời người quỷ thần không thể phá hoại, mà chư Phật chư Bồ Tát cũng chẳng giúp gì được. Nếu như thế, nói gì là tu hay chẳng tu ? Phải nên phát khởi chí hướng, phát tâm niệm nhớ thống khổ vì sanh tử, phát khởi tâm xấu hổ, phát khởi hạnh tinh tấn, và tham phương tầm đạo, tìm cầu chư thiện tri thức chỉ dạy lộ trình tu đạo cùng phân biệt chánh tà: "Như rèn như đúc, như giũa như mài", "nước sông Giang trơ trọi, ánh nắng mùa thu gay gắt".

    Từ từ tâm niệm tinh thuần sáng trong. Khi ấy, không thể nói rằng chẳng tu hành được.

    Vì Tổ đình trơ trọi, người người ngày càng xa các bậc thánh hiền, và vì ứng theo căn cơ quần chúng, nên bất đắc dĩ tôi mới nói ra những lời này. Thật ra, nói đến lẽ cùng tột thì giảng tu hành, hay giảng không tu hành, vẫn là lời nói trống không. Xả bỏ hết liền vô sự. Tâm nào dính một vật, thì cần gì mở miệng nói. Chư Bồ Tát ! Quý ngài có hội chăng ?

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  11. The Following User Says Thank You to nguoi ao lam For This Useful Post:

    Thanh Mai (09-24-2018)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •