DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/20 ĐầuĐầu 123412 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 196
  1. #11
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    - Ông nói rằng nếu nó không sáng suốt phân biệt chiếu soi thì không phải là tâm, vì nó không phân biệt được cái gì cả. Vậy ông có hiểu chăng: Nếu có chiếu soi phân biệt thì không phải là chơn, còn không có chiếu soi thì chẳng phải là tâm. Nếu tâm mà không sáng suốt thì không phải là chân tâm thanh tịnh rồi.

    Ông nên hiểu rằng chân tâm vẫn sáng suốt; vì ông vọng chấp cái Sáng Suốt Phân Biệt làm tâm, nên thành ra có năng phân biệt (tâm) và bị phân biệt (cảnh).

    Chân tâm của ông không phải cái bị phân biệt, nhưng vì ông khởi ra cái năng phân biệt nên nó (chân tâm) trở thành cái bị phân biệt (cảnh). Đã vọng thành cái bị phân biệt thì dĩ nhiên ở nơi ông phải vọng sanh ra cái năng phân biệt.

    Thế là ở nơi chân tâm của ông vẫn thanh tịnh, không có năng và sở, mà thoạt nhiên thành ra có năng và sở.

    Thể tánh chân tâm vốn không khác biệt. Do vọng niệm phân biệt có năng sở và bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Do có hư không và thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi lẫn nhau nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt xấu, phải trái, v.v... Vì vậy mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới; cái không có hình tướng và yên tịnh là hư không. Khác với hư không và thế giới là chúng sanh.

    Ngay trong chân tâm, do vô minh vọng động mà có hư không. Hư không mờ mịt vì vô minh sanh ra. Trong hư không có chất động, vì nó là vọng. Do đó, trong hư không có gió (phong luân) để duy trì thế giới.

    Do hư không sanh ra gió và do nơi tâm chúng sanh có tánh cố chấp phân biệt, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có những chất cứng chắc là vàng ngọc (vàng ngọc cứng chắc là vì tâm cố chấp sanh ra. Nó sáng ngời là do tâm phân biệt sanh ra). Đây là nguyên nhân có chất kim khí để bảo trì thế giới.

    Vì tâm chúng sanh có tánh cố chấp phân biệt nên sanh ra chất cứng chắc là kim khí, và vì có vọng động mà thành ra gió. Rồi gió thổi kim khí và cọ xát mãi, khiến kim khí đó nóng lên, nên nháng sanh ra ánh sáng là lửa. Đây là nguyên nhân có lửa để nấu đốt các vật.

    Chất vàng ngọc vừa sáng ngời và đượm mát. Do lửa xông lên nên có hơi nước rịn ra. Đây là nguyên nhân có nước để bao bọc cả mười phương thế giới.

    Vì tánh lửa bốc lên, còn nước thì lại chảy xuống, nên chỗ có thấp ướt thì là sông biển, chỗ cao nổi lên là cồn đảo. Bởi lửa và nước dung hòa nhau, cho nên trong biển thỉnh thoảng bốc lên ánh sáng của lửa, và trong cồn đảo lại có sông rạch thường chảy ra nước.

    Vì thế lực của nước yếu hơn lửa, nên bị lửa bốc lên kết thành núi cao. Do đó, đập đá thì có lửa, còn đốt quá nóng thì nó chảy ra nước.

    Vì thế lực của đất yếu hơn nước, nên nó bị nước rút lên làm cỏ cây. Vì vậy, nếu đốt cỏ cây thì chúng trở thành tro, còn vò ép thì chúng lại ra nước.

    Tóm lại, vì trong tâm chúng sanh có các vọng tưởng xen nhau phát sanh, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có các cảnh vật. Do nhân duyên này mà thế giới tiếp nối nhau sanh ra mãi không dứt.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  2. #12
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, nầy Phú Lâu Na ! Cái Hư Vọng Phân Biệt đó không có gì lạ, chỉ vì ông chấp cái Phân Biệt Chiếu Soi làm tâm. Đã có cái Phân Biệt thì dĩ nhiên phải có cái Bị Phân Biệt đối đãi lẫn nhau. Vì vậy, cái Năng Phân Biệt không vượt ra ngoài cảnh Bị Phân Biệt. Do nhân duyên này mà nghe không ngoài tiếng, thấy không ngoài sắc, ngửi không ngoài mùi, nếm không ngoài vị, v.v... rồi vọng thành sáu căn và sáu trần đối đãi nhau, nên phân ra có: Thấy, nghe, hiểu, biết.

    Đồng nghiệp trói buộc lẫn nhau mà có hợp, có tan, có thành, có hóa. Khi thấy sáng tỏ thì thấy các màu sắc phát ra. Nhận rõ sự thấy thì kiến chấp thành tư tưởng; ý kiến khác nhau thì thành ra ghen ghét; tư tưởng đồng nhau thì thành ra yêu thương.

    Dòng ái lan ra làm thành hạt giống, rồi do giao cấu phát sanh, khiến thu nạp tưởng thành bào thai, tức là chiêu dẫn chúng sanh đồng nghiệp, nên có nhân duyên sinh yết la lam, át bồ đàm, v.v...

    Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hay hóa sinh, tùy chỗ của các loài ấy mà ứng hiện. Loài noãn sanh chỉ do tâm tưởng mà sinh; loài thai sinh do tình dục mà ứng hiện; loài thấp sinh do tâm hợp mà cảm sanh; loài hóa sinh do phân ly mà hiện ra.

    Khi tình, khi tưởng, khi hợp, khi ly, thay đổi lẫn nhau, nên các loài thọ nghiệp báo và theo đó mà có thăng trầm, lên xuống. Do nhân duyên ấy mà chúng sanh tiếp nối sanh sản không ngừng.

    Này Phú Lâu Na ! Tư tưởng yêu thương ràng buộc lẫn nhau, khiến mến luyến mãi không rời. Thế nên, trong thế gian, cha mẹ con cháu nương nhau sinh ra tiếp nối không dứt. Những việc như thế, đều do tham dục làm gốc.

    Lòng tham và yêu mến cùng tăng trưởng. Tham mãi không dừng, nên trong thế gian, các loài noãn sinh, hóa sinh, thấp sinh, thai sinh, tùy theo sức mạnh yếu mà ăn nuốt lẫn nhau. Những việc như thế, đều do tâm tham giết hại làm gốc.

    Người ăn thịt dê; dê chết làm người và người chết làm dê. Như thế cho đến mười loài chúng sanh, chết sống và sống chết ăn nuốt lẫn nhau, khiến đồng tạo ác nghiệp, suốt đời vị lai. Những việc như thế, đều do tâm tham lam trộm cắp làm gốc.

    Loài này cướp giựt thân mạng loài kia; loài kia giết hại lại loài này; trả vay, vay trả lẫn nhau đến trăm ngàn kiếp không thể ra khỏi sanh tử.

    Trai mê sắc gái; gái thương tình trai; vì tình ân ái thương yêu lẫn nhau, nên trăm ngàn kiếp bị triền phược trói buộc mãi trong vòng luân hồi.

    Tóm lại, chỉ có ba thứ như giết hại, trộm cắp, dâm dục làm cội gốc, nên nghiệp (nhân) và quả tiếp nối không ngừng.

    Này Phú Lâu Na ! Ba thứ điên đảo (thế giới, chúng sanh, nghiệp quả) đều nằm trong chân tâm; vì vô minh vọng động sanh ra Năng Phân Biệt và Sở Phân Biệt đối đãi lẫn nhau, nên vọng thấy có núi sông đất đá, thế giới, chúng sanh, rồi tiếp tục sanh diệt biến hóa, vô cùng hư vọng...

    Trong tánh giác thể chân như bỗng nhiên sanh ra chân và vọng. Từ đó lại phân thành tướng bất biến và tùy duyên. Thể tánh bình đẳng bất biến, vượt ngoài những tướng sai biệt, chẳng phàm chẳng thánh, không thiện không ác, chân thật như thường, vốn là chân như bất biến.

    Tùy duyên sanh diệt mà khởi tướng sai biệt, có phàm có thánh, có thiện có ác, đó là chân như tùy duyên. Lại nữa, gọi là chân như bất biến vì muôn pháp vốn là chân như, chứ chẳng phải tâm, vật, thần. Gọi là chân như tùy duyên vì chân như này vốn là muôn pháp, tức là tâm, vật, thần. Luận duy tâm lầm nhận thần linh, tức là chân như tùy duyên, mà cho đó là chân tâm.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  3. #13
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nhà Duy Vật đề xướng luận vô thần lại hẹp hòi biên kiến; triết lý của họ thuộc về chân như tùy duyên, tức chỉ thấy có vật chất. Người theo chủ thuyết Duy Vật lại căn cứ theo vật chất mà đề xướng luận vô thần. Người theo luận Duy Thần cũng hẹp hòi biên kiến, vọng sanh phân biệt, lầm nhận vật chất và thần linh, tức là chân như tùy duyên.

    Người đề xướng luận Duy Thần nào biết tâm tức là vật, và vật tức là thần ! Tâm, vật, và thần đồng một thể tánh. Có tâm tức có vật. Có vật tức có thần. Vô tâm tức vô vật. Vô vật tức vô thần. "Có" không phải có trong cái "có, không", lại chẳng có mà có trong diệu hữu. Cái "không" chẳng phải cái không đoạn diệt, lại vượt ngoài cái diệu không của cái "có không".

    Luận Duy Tâm, Duy Vật, Duy Thần chưa từng hiểu rõ nghĩa lý này, nên cùng nhau công kích đả phá. Thật ra, họ đều đúng và đều sai. Người nghiên cứu học Phật pháp, hãy nên phá vỡ những tảng băng đá này !

    Đối với việc nghiên cứu bản thể vũ trụ của nhà Phật, tôi đã tường thuật rõ ràng như bên trên rồi. Ngoài ra, những việc như sự cấu tạo hay thành hoại của thế giới, hệ thống khí quản của thân người, cùng bao vấn đề khác, trong kinh Lăng Nghiêm và những bộ kinh luận khác đều đã thuyết minh, luận bàn tường tận rõ ràng. Đa số, những điều này đều phù hợp với những phát minh của các học giả, triết gia, khoa học gia trong hiện thời và tương lai.

    Tuy nhiên, đối với giá trị nhân sanh, pháp tắc và hạnh nguyện của chư đại Bồ Tát, chỉ có chư thánh hiền mới biết được. Những điều này, trong kinh điển thường nhắc đến. Vì vậy, nên biết rằng Phật giáo rất thần diệu và vĩ đại. Tuy nhiên, Phật giáo tuyệt không khoe khoang những điều kỳ lạ, lại cũng không làm những việc hư dối, khiến mê hoặc quần chúng. Mỗi lời nói và hành vi đều y theo ba môn vô lậu học giới định huệ, mà thi hành thực tiễn.

    Sao gọi là giới định huệ ? Phòng phi chỉ ác gọi là giới. Khi sáu căn tiếp xúc với cảnh, tâm không tùy duyên (mà khởi) nên gọi là định. Tâm và cảnh tròn đầy như hư không, và thường giác chiếu mà không mê hoặc, đó gọi là huệ. Phòng ngừa việc xấu, và đình chỉ việc ác của ba nghiệp, khiến dòng nước tâm tự lắng đọng trong sáng, tức do giới mà sanh định. Nước tâm lắng đọng trong sáng, khiến tự tánh chiếu soi khắp xum la vạn tượng, tức do định mà sanh huệ. Nhà nho cũng có câu:

    - Sau khi định tâm thì sẽ được tĩnh lặng; tĩnh lặng rồi sẽ được an lạc; an lạc rồi sẽ có khả năng suy xét quán chiếu; suy xét quán chiếu rồi sẽ có thể đắc đạo.

    Các nhà triết gia cũng thường suy gẫm về sự tướng cùng sở học của họ. Tuy nhiên, nhà nho, nhà triết học, và nhà khoa học đều dùng tâm phan duyên (phân biệt) để suy tư về vạn vật và vũ trụ. Họ nào biết đâu vũ trụ và vạn vật cũng do từ tâm phan duyên tạo thành ! Năng tư sở lự đều bắt nguồn từ tâm phan duyên. Nếu muốn cầu chân lý thâm sâu phải ngồi thiền tĩnh lự. Các nhà triết học hiện nay, đối với sự nhận thức về các luận lý, thường lao xao tranh cãi, mãi không kết thúc.

    Phật pháp rời ngôn từ và dứt đường tư lự (suy nghĩ), nên khiến trí huệ giác chiếu khắp vũ trụ cùng muôn vật muôn sự.

    Nếu ngồi xuống, ung dung tự tại mà bàn luận, thì thấy rằng Phật giáo vốn tiên tri tiên giác, và bao hàm cả triết học, khoa học, tôn giáo. Lò nào cũng cùng một xưởng.

    Nhật Bổn tôn sùng Phật giáo làm quốc giáo, nên thời cận đại đạo Phật rất hưng thịnh. Những nhà duy tân và hiền sĩ anh tài xuất thân từ thiền học không ít. Đối với những việc của dân chúng, các ngài đều hiểu thấu. Nếu không dùng võ lực quân phiệt mê muội, không dùng sức mạnh bạo lực để giết chóc, và không dùng chính sách xâm lược khiến trái ngược với đạo, thì ngày nay được an ổn, đâu đến nỗi phải bị thảm bại.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  4. #14
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    Có người nghi rằng Phật giáo rất tiêu cực và mê tín, nên không xứng đáng làm quốc giáo; đây là vọng tưởng của những người chưa hiểu gì về đạo Phật. Thật ra, Phật giáo không hủy hoại tướng của thế gian, cớ sao gọi là tiêu cực ? Đạo Phật dẫn dắt con người đi từng bước để bỏ mê hợp với tánh giác thì cớ sao gọi là mê tín ? Suy nghiệm lại chữ Phật, theo tiếng Phạn phải nói cho đủ là Phật đà, và được dịch là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Bồ Tát, tiếng Phạn gọi là Bồ Đề Tát Đỏa, dịch là giác hữu tình và hữu tình giác. Bồ tát có hai hạng là xuất gia và tại gia. Bồ Tát thường phát tâm rộng lớn vì chúng sanh mà cầu đạo Bồ Đề vô thượng. Các ngài vừa tự tu hành, vừa giáo hóa tha nhân. Đó là hạnh chánh tín và tích cực của chư Bồ Tát. E rằng trên thế gian hiếm có ai phát được những hạnh nguyện này.

    Phật giáo y theo hai nghĩa "chiết" và "nhiếp" mà lập nhiều môn phương tiện. Sao gọi là chiết ? Chiết tức là chiết phục kẻ ác. Xưa kia, khi Thạch Lặc hỏi về giới cấm giết hại, thì ngài Phật Đồ Trừng đáp:

    - Ông là vua trăm họ, chớ nên giết hại chúng dân bừa bãi. Đó là nghĩa của giới cấm giết hại.

    Lại nữa, chư Bồ Tát quyền thừa tại gia phải chiết phục kẻ ác để lợi sanh. Tuy cầm đao trượng, cho đến chặt đầu kẻ ác, mà không thật phạm giới cấm giết hại; ngược lại còn sanh thêm công đức. Nếu ác ý mà giết người, thì biết là không thể được. Vì thiện ý mà giết người, đó là thủ nhãn thiện xảo của đại Bồ Tát Kim Cang quyền thừa.

    Sao gọi là nhiếp ? Nhiếp tức là nhiếp thọ người hiền. Chư Phật Bồ Tát vì lợi ích của chúng sanh, nên không quản ngại gian nan hiểm nạn. Có bốn pháp nhiếp thọ. Thứ nhất, bố thí nhiếp, tức là nếu có chúng sanh muốn tiền tài thì Bồ Tát bố thí tiền tài. Nếu chúng sanh muốn nghe pháp thì Bồ Tát bèn thuyết pháp bố thí, để khiến cho họ sanh tâm thân ái mà thọ đạo. Thứ hai, ái ngữ nhiếp, tức là tùy theo căn tánh của chúng sanh, Bồ Tát ban những lời khuyên nhủ, thí dụ ngọt ngào, để khiến cho họ sanh tâm thân ái mà thọ đạo. Thứ ba, lợi hành nhiếp, tức là thân miệng ý của Bồ Tát luôn hành thiện nghiệp, làm lợi ích chúng sanh, khiến họ sanh tâm thân ái mà thọ đạo. Thứ tư, đồng sự nhiếp, tức là dùng pháp nhãn mà quan sát căn tánh của chúng sanh; tùy theo sở thích của họ mà Bồ Tát phân hình thị hiện, và cùng họ làm những việc ích lợi, để họ phát tâm thọ đạo. Đó là những hạnh tích cực của chư Phật và Bồ Tát.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  5. #15
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sao gọi là phương tiện ? Tức là các ngài tùy theo căn tánh của chúng sanh mà cứu độ bằng những phương tiện quyền xảo.

    Bên trên đã bàn về bốn pháp nhiếp thọ, đó cũng là những môn phương tiện quyền xảo. Phẩm Hóa Thành Dụ trong kinh Pháp Hoa thuyết:

    "...Ví như trong đường hiểm

    Chỉ toàn loài ác thú

    Lại chẳng có cỏ nước

    Nơi người thường sợ hãi.

    Vô số trăm ngàn chúng

    Muốn thoát đường hiểm đó.

    Đường ấy rất rộng dài.

    Qua năm trăm do tuần

    Có một vị đạo sư

    Mạnh khỏe có trí huệ

    Tâm sáng suốt cương quyết

    Tại đường hiểm cứu nạn.

    Chúng nhân đều mỏi mệt

    Mà bạch đạo sư rằng:

    Chúng con đều mệt nhọc

    Nơi đây muốn thối lui.

    Đạo sư bèn suy nghĩ:

    Bọn trẻ thật đáng thương

    Sao lại muốn thối bước

    Bỏ mất châu báu lớn ?

    Nên nghĩ kế phương tiện

    Mà thiết lực thần thông

    Hóa ra thành ấp lớn

    Các phòng xá nguy nga.

    Chung quanh có vườn rừng

    Sông ngòi cùng ao tắm

    Lầu gác cao, cửa lớn,

    Trai gái đều đầy đủ.

    Liền hóa làm thế rồi

    An ủi chúng đừng sợ.

    Các ngươi hãy vào thành

    An trú tùy sở thích.

    Chúng nhân liền vào thành

    Tâm đều mừng vô ngần

    Đều sinh tưởng an vui,

    Tự cho là được độ.

    Đạo sư biết đã nghỉ

    Hợp chúng lại bảo rằng:

    Đây chỉ là hóa thành

    Thấy các ông quá mệt

    Giữa đường muốn thối lui

    Nên quyền thiết hóa thành.

    Nay đương cần tinh tấn

    Phải cùng đến bảo sở..."


    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  6. #16
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    Xem qua bài kệ này, chúng ta biết rõ thâm ý của Phật Thích Ca phân thời lập giáo, quyền thuyết phương tiện. Thế nên, những bậc thượng thiện căn thường hợp với thiền và giáo. Người chú trọng sự phân chiết thì hợp với Duy Thức học. Pháp môn phổ cập trong quần chúng là Tịnh Độ. Người xuất gia hay kẻ tại gia, dẫu tu theo Đại Thừa hay Tiểu Thừa, đều vì nhiệm vụ cứu độ giáo hóa rộng khắp quần sanh, khiến cho tất cả chúng sanh đều thọ pháp ích lợi.

    Gần đây, có những người theo lập trường vô thần, thấy các Phật tử lễ bái hay trì danh niệm Phật, thì họ cho là mê tín. Họ không biết rằng lễ bái chư Phật chư Bồ Tát nào khác gì với sự cung kính các bậc trưởng thượng ! Sự niệm Phật, đối với việc tu tâm, chẳng phải là công phu tu hành sao ? Vả lại, trì danh niệm Phật, bất quá chỉ là một pháp môn phương tiện giản dị cho người sơ cơ. Ngoài ra, trong tông Tịnh Độ còn có các pháp môn như Quán tượng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Thật tướng niệm Phật, v.v... Tông Tịnh Độ vốn rất diệu dụng vô cùng tận, mà họ tự không hiểu rõ, lại cho là mê tín.

    Lại nữa, có người bảo rằng đạo Cơ Đốc cũng thoát thai từ tông Tịnh Độ. Xem xét chúa Giê Su mặc y phục cũng tương đồng với Phật. Trong kinh "Phật Thuyết A Di Đà" thường nhắc đến thế giới Cực Lạc ở Tây Phương. Tín đồ đạo Cơ Đốc cũng thường nói đến Thiên Quốc Cực Lạc. Cõi Tịnh Độ được phân thành chín phẩm. Gia giáo Lý Lâm Thiên Thần Phổ cũng nói là có chín phẩm vị Thiên Thần. Trong Kinh A Di Đà, Phật Thích Ca nói rằng không thể dùng chút ít nhân duyên phước đức thiện căn mà được sanh qua cõi Cực Lạc. Đạo Cơ Đốc cũng nói rằng nếu ở tại nhân gian mà không lập công bồi đức thì Thiên Chúa sẽ không rước về Thiên Quốc. Người tu theo tông Tịnh Độ, phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà trong sáu thời, khẩn cầu Phật tiếp dẫn. Đạo Cơ Đốc cũng bảo tín đồ rằng ngày đêm sáng tối phải thường cầu khẩn Thượng Đế gia hộ. Trong nhà Phật có pháp quán đảnh. Đạo Cơ Đốc có lễ rửa tội. Xem xét những điều như trên, thấy rằng tông chỉ của đạo Cơ Đốc và tông Tịnh Độ thật rất tương đồng. Giê Su giáng sanh sau Phật Thích Ca hơn năm trăm năm. Ngài đã từng thọ giáo huấn của Phật Thích Ca, nên mới được Kinh A Di Đà, rồi y cứ theo đó, mà sáng lập tôn giáo mới. Điều này không thể nào nghi ngờ được. Lại nữa, Giê Su đã từng qua Ấn Độ ẩn tích ba năm để tham học. Sự tuy vô căn cứ, mà dấu tích vẫn còn tồn tại.

    Đạo Cơ Đốc tuy tựa như pháp môn trì danh niệm Phật của tông Tịnh Độ, nhưng rất kém xa. Tín đồ Cơ Đốc chỉ cầu tha lực. Tuy tin tha lực như thế, mà họ lại không hiểu tại sao phải tin. Gần đây, có những người miễn cưỡng trì danh niệm Phật, chỉ chú trọng vào tha lực, tự bảo là phù hợp với đạo.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  7. #17
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông trong Kinh Lăng Nghiêm viết:

    "...Chư Phật trong mười phương thường lân mẫn thương xót nghĩ nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con cứ chạy lẫn trốn thì mẹ có thương nhớ cũng vô ích. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con đều không cách xa. Nếu tâm chúng sanh thường nhớ Phật niệm Phật, thì hiện tiền và tương lai, tất sẽ thấy Phật, và không xa cách Phật. Không cần giả lập phương tiện, tâm vẫn tự được khai ngộ... Nhân địa của con, dùng tâm niệm Phật mà nhập vào Vô sanh pháp nhẫn. Hôm nay tại nơi đây, nhiếp thọ người thường niệm Phật, quy nơi Tịnh Độ".

    Có nhân thì có quả, tức là sự và lý không chướng ngại nhau. Đạo Cơ Đốc bảo rằng người hiền lương sẽ sanh qua Thiên Quốc vĩnh viễn. Giáo lý của tông Tịnh Độ bảo rằng vãng sanh Tịnh Độ thì mãi sanh nơi cõi Phật, thấy Phật nghe pháp, liễu ngộ vô sanh pháp nhẫn. Dùng diệt mà hiển thị sanh, nên có sanh diệt đối đãi. Cuối lúc diệt, sanh trong cái vô sanh, tức vốn tự vô sanh, nên không có diệt. Vì vậy, gọi là Vô Lượng Thọ.

    Y theo hạnh nguyện của Bồ Tát, chẳng phải chỉ có người xuất gia mới cầu đạo vô thượng, mà người tại gia cũng hành được. Bất quá, người xuất gia chỉ sống xa quốc chủ, rời thân bằng quyến thuộc, xả bỏ ân ái gia đình, ý tại thoát ly tình dục trói buộc. Người xuất gia xả bỏ tình riêng mà phát triển đồng tình Phật tánh. Xả bỏ ân ái riêng tư để trở thành bậc bác ái vĩ đại. Lấy việc cứu độ tất cả chúng sanh làm trung. Dùng sự nhiếp thọ chúng sanh làm hiếu. Đó là ý nghĩa của chủ nghĩa đại đồng. Tiên sinh Tôn Trung Sơn thường nói:

    - Phật giáo lấy việc cứu thế gian làm nhân đức. Phật học là mẹ của mọi ngành triết học. Tôn giáo tạo thành nền văn hóa và duy trì hùng khí cùng thiên tánh tự nhiên của dân tộc. Nhân dân chẳng nên không có tư tưởng tôn giáo. Nghiên cứu Phật học giúp bổ xung vào những điểm khiếm khuyết của triết học.

    Hôm nay, Ngài (Tưởng Giới Thạch) đã cho phép kết hợp Phật giáo vào nền văn hóa, tức là bổ ích thêm cho tư tưởng học thuật của nước nhà. Hiện tại, Phật giáo đang lan truyền rộng rãi khắp thế giới. Phật giáo luôn chủ trương khuyến tấn đại giáo đại đồng duy nhất. Đây không phải là lời trống rỗng.

    Vả lại, ngày nay tự do tôn giáo, chẳng nên cưỡng ép người theo những đạo mê tín, thì mới khiến nhân tâm trung thành khâm phục mà sanh chánh tín. Nếu bỏ Phật giáo thì quy ngưỡng vào nơi nào ?

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  8. #18
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1 _ Khai thị ngày 17/01/1943
    __________________________________________________ ______________________________________


    IV. Khai thị tại chùa Từ Vân ở Trùng Khánh vào ngày mười bảy tháng giêng, năm 1943

    Hôm nay, quý vị phát tâm quy y Tam Bảo. Lão nạp rất vui mừng. Quý vị không quản đường xa, băng sông lội suối đến đây, không ngoài việc hy vọng đạt được sự lợi ích này. Tuy nhiên, nếu muốn đạt được lợi ích, phải tự thuận theo tự tướng mà hành trì. Nếu chỉ quảy đeo hư danh trống rỗng, sẽ không đạt được gì. Quý vị nên biết rằng hôm nay thọ giới quy y, tức là làm đệ tử Phật. Quý vị đã giống như được sinh vào nhà Đế vương, tức là làm con cháu Đế vương, nhưng phải cố gắng đôn đúc tu hành, đừng để bị trục đuổi, thì mới thật là phượng các loan đài, có phần lợi ích.

    Từ nay về sau, phải y chiếu theo lời di giáo của Phật mà hành trì. Phải sớm biết muôn sự trên thế gian này như huyễn hóa. Suốt cuộc đời của con người, làm này tạo nọ, chỉ giống như ong hút mật, tằm dệt lưới. Do một niệm động khởi, nên chúng ta nhập bào thai. Được sanh ra đời xong, lại từ từ biết phân biệt mình người, khởi niệm tham sân si. Lớn lên, dần dần tiếp xúc với xã hội. Mọi toan tính đều vì lợi ích cho mình; tích lũy tiền tài riêng tư cho quyến thuộc. Bận rộn cả đời, chỉ lo chuyện vợ con. Kết quả, không một giây phút rảnh rỗi. Tự mình trói buộc không lối thoát, có khác gì ong hút mật ! Cả đời làm lụng này nọ, tạo bao nghiệp chướng, nên phải chịu quả xấu, phá vỡ chẳng được, nào khác chi tằm tự quấn tơ ! Cuối đời bị đọa lạc vào vạc lửa dầu sôi, ba đường ác. Hãy suy nghĩ kỹ càng !

    Vì thế, mọi người phải y chiếu theo lời Phật dạy. Phải ăn chay trường suốt đời, chớ chỉ ăn chay tạm. Chẳng nên giết hại sinh mạng loài khác. Sao nhẫn tâm giết hại sinh mạng loài vật để bổ dưỡng cho thân mình ? Thử xem lúc giết gà, nó tất phải cố kêu la bỏ chạy. Chỉ vì chúng ta mạnh nó yếu, không đủ sức đề kháng chống cự, nên phải chịu nhẫn thọ, nhưng lại tích oán trong tâm, để đợi đến đời sau, nếu có dịp sẽ báo thù. Hiện tại, các cường quốc dùng các loại vũ khí ác độc, hủy diệt các dân tộc nhược tiểu, cùng việc giết gà đồng nhau không khác.

    Quý vị đã là Phật tử, nếu việc gì trái với sự lý, chớ nên làm càn. Phật pháp vốn chẳng có gì kỳ lạ, vì luôn tuân theo chánh tâm, thuận theo lý đạo.

    Có nhiều người thấy tôi tuổi lớn cơ tuần, nên mỗi lần gặp mặt thì tham thảo tìm tòi thần thông tình tự; họ kiểm nghiệm coi tôi có biết đời quá khứ vị lai của người khác hay không, hoặc thường hỏi chiến tranh bao giờ kết thúc, thế giới bao giờ hòa bình ! Thật ra, không những Thiên ma Ngoại đạo, mà ngay cả Quỷ Thần Súc sanh (Rồng) cũng có năm loại thần thông. Những thần thông này, trong tự tánh vốn có đủ, chớ nên để tâm chú ý. Chúng ta học Phật pháp, phải vì việc minh tâm kiến tánh, giải thoát sanh tử, phát tâm Bồ Đề, hành đạo Bồ Tát. Lời cạn cợt thô thiển của tôi:

    - Các việc ác chớ làm. Hãy nên làm các việc lành.

    Không nên làm tổn hại người để lợi mình, mà phải tổn mình lợi người. Phải thường thiết thật hành trì giới; do giới sanh định, rồi do định sanh huệ. Tất cả việc đều tự biết tự thấy, thì việc quy y hôm nay chẳng phí uổng.

    Lần sửa cuối bởi nguoi ao lam; 08-29-2018 lúc 08:21 AM
    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  9. #19
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1 _ Khai thị ngày 17/01/1943
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vừa rồi có vài vị hỏi về yếu chỉ của kinh Lăng Nghiêm. Thể theo cơ duyên của đại chúng nơi đây, nay lược thuyết đại khái :

    Ở Ấn Độ, bộ Kinh này vốn có một trăm quyển, nhưng tại cõi này, chỉ phiên dịch có mười quyển. Bốn quyển đầu nói về việc kiến đạo. Quyển thứ năm, thứ sáu, và thứ bảy nói về việc tu hành. Quyển thứ tám và thứ chín bàn về chứng quả của cách tu tiệm thứ. Quyển cuối cùng nói về những vọng tưởng phát xuất từ các ấm ma. Tôn giả A Nan vì đại chúng mà thị hiện hỏi đạo. Đầu tiên, đức Phật chứng minh các pháp đều do tâm mà sinh ra. Vì tôn giả A Nan thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, như các màu sắc vàng tím hội tụ, nên sanh tâm thích mến. Phật hỏi:

    - Những tướng này dùng vật gì để thấy ?

    Ngài A Nan đáp:

    - Con dùng mắt để xem thấy tướng hảo thù thắng của Như Lai.

    - Tâm và mắt trú tại nơi nào ?

    - Con quán thấy Như Lai, mắt xanh biếc như hoa sen, tại trên mặt của Ngài. Nay con quán thấy bốn căn phù trần ngay nơi trước mặt. Tâm thức này, thật trú tại trong thân.

    Tâm chẳng ở trong, ở ngoài, hay chính giữa. Nếu không chấp trước mọi việc thì tâm không trụ nơi nào hết. Những vị tu hành không thể đắc được đạo Bồ Đề vô thượng chỉ vì không biết hai việc căn bản. Thứ nhất là cội gốc của sinh tử từ xưa đến nay; chúng sanh thường dùng tâm phan duyên làm tự tánh của mình. Thứ hai là vô thủy Bồ Đề Niết Bàn, thể vốn thanh tịnh. Tuy nhiên, ngay nơi tánh thức sáng soi lại sanh ra các duyên. Do những duyên này, nên chúng sanh quên cội gốc tròn đầy trong sáng. Tuy cả ngày thường mang theo tánh giác mà chẳng tự giác, nên oan uổng đi vào ba con đường ác. Phải biết sanh ra các pháp, vì do tâm ảnh hiện. Mọi nhân quả thế giới vi trần đều do tâm tạo ra. Chúng sanh không thể thành tựu đạo Bồ Đề chỉ vì ngộ nhận khách trần phiền não là mình. Sáu trần là màu sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm, pháp. Sáu căn là mắt tai mũi lưỡi thân ý. Đó là mười hai xứ. Lại thêm nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức; tất cả cộng thành mười tám giới. Đất nước gió lửa hợp với không đại, kiến đại, thức đại, làm thành bảy đại. Gom hết lại thành số hai mươi lăm. Từ đây, mỗi vị trong hai mươi lăm vị Thánh tự trần thuật và nói rõ nhân duyên cũng như đường lối tu hành nhập đạo thuở xưa.

    Sống trong sáu đường luân hồi, dâm dục là gốc. Lưu chuyển trong ba cõi do ái làm căn bổn. Ngài A Nan vì chúng sanh mà thị hiện tướng: Tuy bao kiếp tu hành, nhưng không thoát được nạn Ma Đăng Già. Trong các tội chướng, dâm dục đứng đầu. Vì dâm dục nhiều khiến tổn hại thân thể, nên giết hại sanh mạng chúng sanh để bổ dưỡng. Những tội ăn cắp nói láo v.v..., cũng theo đó mà phát sanh.

    Ngài A Nan thấy ba mươi hai tướng tốt của đức Như Lai, như ánh sáng vàng tím hội tụ, nên đối với sắc đẹp của Ma Đăng Già cũng ưa thích. Trai thích nhìn gái đẹp, hay nghĩ tưởng mình là thân gái. Gái thích nhìn trai, hay nghĩ tưởng mình là thân trai. Những vọng tưởng điên rồ này, cả ngày cứ xoay vần trong tâm niệm. Ví như lúc nhỏ khi còn ở nhà chưa xuất gia, tôi thường để râu tóc, mặc đồ thế tục. Cả ngày giao tế, nghĩ tưởng những việc thế tục. Tối đến lại mộng thấy cha mẹ nội ngoại, quyến thuộc, và bao việc thế tục. Từ khi xuất gia, những việc làm và suy nghĩ không ngoài việc Phật sự. Tối ngủ, mơ thấy những sự không ngoài việc niệm Phật, v.v...

    Lần sửa cuối bởi nguoi ao lam; 08-29-2018 lúc 08:24 AM
    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  10. #20
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1 _ Khai thị ngày 17/01/1943
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, năm loại hành tỏi không thể ăn được, vì muốn tránh sự kích thích dục niệm. Trừ dẹp những trợ nhân đó rồi tu chánh tánh, tinh tấn chuyên cần, tự có thể từ từ thành tựu. Tự mình chuyên cần phấn tấn mà không ỷ lại người khác.

    Ngài A Nan là hoàng tử, cũng là em Phật. Ngài xả bỏ vinh hoa phú quý, theo Phật xuất gia, và hy vọng Phật sẽ tiếp tay giúp sức, chứng đắc quả vị. Tuy nhiên, nên biết phải tự tu tự chứng mà không thể nương nhờ người khác. Chúng ta nếu không làm biếng giải đãi, luôn phát tâm cần tu tinh tấn, thì sẽ chứng đắc các quả vị Bồ Tát như thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh, thập địa, cho đến đẳng giác, diệu giác. Ba cõi và sáu đường đều là huyễn hóa, và vốn không ngoài một tâm. Tất cả tánh giác vi diệu trong sáng của chư Phật cũng không ngoài một tâm. Thế nên, Tâm, Phật, Chúng sanh, cả ba không khác biệt. Đồng Tử Hương Nghiêm cũng có thể gọi là mũi của chúng ta. Bồ Tát Kiều Phạm cũng có thể gọi là lưỡi của chúng ta. Nhân địa và cách thức tu hành của hai mươi lăm vị hiền thánh tuy không đồng, nhưng sự tu hành chứng ngộ vốn không hơn kém.

    Hiện tại, những người sơ phát tâm tu đạo có thể theo pháp tu của Bồ Tát thứ hai mươi bốn và hai mươi lăm, tức là ngài Đại Thế Chí và Quán Thế Âm mà hỗ tương dụng công. Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ là vị Phật kế tiếp sau Phật A Di Đà ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Sau Bồ Tát Quán Thế Âm, ngài Đại Thế Chí sẽ làm Phật tại cõi đó. Ngài Đại Thế Chí dùng pháp môn niệm Phật tu hành chứng được viên thông. Chúng ta cũng phải tu tập, niệm Phật để nhiếp thọ sáu căn, đạt được tịnh niệm tương tục, đắc Tam ma địa (Chánh định). Mười phương chư Như Lai đều lân mẫn thương xót chúng sanh, như mẹ thương con. Tuy nhiên, nếu con cứ chạy trốn mãi thì mẹ nhớ cũng chẳng có ích gì ! Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì mẹ con đời đời không xa cách. Nếu tâm chúng sanh thường nhớ Phật và niệm Phật thì đời này đời sau, quyết định sẽ thấy Phật. Bồ Tát Quán Thế Âm từ văn tư tu mà nhập vào Tam ma địa; trên hợp với mười phương chư Phật, đồng một lực Từ; dưới hợp với chúng sanh trong sáu đường, đồng một Bi ngưỡng. Nếu gặp thiện nam tử thường trì năm giới thì Ngài sẽ hiện thân nam mà vì người đó thuyết pháp, khiến cho được thành tựu đạo Bồ Đề. Nếu gặp người nữ thường thọ trì năm giới, Ngài cũng sẽ hiện thân nữ mà vì họ thuyết pháp, khiến được thành tụu đạo Bồ Đề. Cứ như thế, trong ba mươi hai ứng thân hoặc hiện thân Trời Người, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến thân Phật, cùng mười bốn lực vô úy, bốn pháp bất tư nghị, trải qua vô lượng kiếp, Ngài độ vô lượng chúng sanh. Chúng sanh vô tận, bi nguyện vô tận. Quý vị hãy tự suy gẫm !

    Lần sửa cuối bởi nguoi ao lam; 08-29-2018 lúc 08:27 AM
    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •