CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA
CHƯƠNG II _ YẾU CHỈ THIỀN TÔNG
__________________________________________________ ______________________________________


18.- CHẤP THẬT “NGŨ UẨN GIAI KHÔNG” THÀNH BỆNH.

“Ngũ uẩn giai không" là nói sau khi Kiến tánh, Ngũ uẩn đều biến thành Phật tánh, đầy khắp hư không, vạn tượng sum la đều là Phật tánh, nên Kinh nói “SẮC chẳng khác với KHÔNG, KHÔNG chẳng khác với SẮC; SẮC tức là KHÔNG, KHÔNG tức là SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC, đều cũng như thế".

Một số người tu hành cho là chẳng chấp trước tất cả tướng, chẳng trụ tất cả tướng, đối cảnh vô tâm, tất cả vô ngại gọi là ngũ uẩn giai không, ấy là sai lầm lớn. Chẳng chấp chấp trước tất cả tướng, chẳng trụ tất cả tướng, đối cảnh vô tâm, tất cả vô ngại là mặc kệ cho ngũ uẩn khởi hay diệt, chẳng màng đến nó, nhưng ngũ uẩn vẫn là ngũ uẩn, chưa biến thành Phật tánh, nó vẫn hay làm việc xấu. Nếu ông suốt ngày phải giữ cái niệm “chẳng màng đến nó” không buông, há chẳng tự làm cho tâm mình lao nhọc, đâu thể vô tâm vô ngại mà được ngũ uẩn giai không ư!

19.- CHẤP THẬT “CHƠN NHƯ DUYÊN KHỞI” THÀNH BỆNH.

Một số người nói: “Chơn như vốn chẳng động, vì chẳng giữ bản tánh, nên nhất niệm bất giác bèn khởi vọng niệm, tạo tội làm phước, luân hồi sanh tử, nếu nhất niệm giác ngộ Chơn tâm, trở lại thường giữ gìn chẳng biến đổi thì chẳng bị luân hồi, gọi là thành Phật. Ấy là kiến giải của Ngoại đạo.

Bản thể chơn như vốn viên mãn sẵn sàng, chẳng biến đổi. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Ví như Chơn như, thường giữ bản tánh, chẳng có biến đổi”, nếu Chơn như mà có biến đổi tức là pháp sanh diệt. Đại Thừa Khởi Tín Luận nói “Chơn như duyên khởi”, chỉ bốn chữ này có thể phán đoán rằng luận này là do Ngoại đạo ngụy tác, gán tên Ngài Mã Minh để truyền bá. Tại sao? Vì chơn như chẳng có duyên khởi, chẳng bị huân nhiễm, nếu có duyên khởi thì phải có sanh diệt, pháp sanh diệt nhất định chẳng phải Phật pháp vậy.

20.- CHẤP THẬT “TÁNH LÀ KHÔNG, TÂM LÀ VỌNG” THÀNH BỆNH.

“Tánh là không, Tâm là vọng” là nói Phật tánh đầy khắp hư không, chẳng thể dùng bộ não để nhận biết, những gì có thể nhận biết đều là vọng tưởng, Một số người hiểu lầm ý này, cho có tư tưởng đều là vọng tâm, đem vọng tâm dứt sạch thành Không, tức là kiến tánh thành Phật. Nếu dạy người như thế này là lọt vào đoạn kiến của Ngoại đạo, tội lỗi chẳng phải nhỏ.