CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA
CHƯƠNG II _ YẾU CHỈ THIỀN TÔNG
__________________________________________________ ______________________________________


Thế Tôn vì cứu sự hạn chế hẹp hòi của lời nói văn tự, nên ở ngoài ngôn giáo biệt truyền phương pháp trực tiếp, tức là việc niêm hoa thị chúng vậy. Chẳng những niêm hoa mà thôi, phàm nhướng mày nháy mắt, tằng hắng, ngó nhìn đều là phương pháp tiếp dẫn hậu học, khiến cho ngộ nhập bản thể tuyệt đối.

Kinh Lăng Già nói: “Đại Huệ! Chẳng phải tất cả thế giới đều có ngôn thuyết, ngôn thuyết chỉ dùng để giả lập mà thôi. Hoặc có thế giới dùng ngó nhìn để thuyết pháp, hoặc dùng hình tướng, hoặc dùng nhướng mày, nháy mắt, hoặc cười hoặc ngáp, hoặc tằng hắng hoặc lay động, hoặc ghi nhớ cõi Phật. Đại Huệ! Những tác dụng kể trên đều khiến chư Bồ Tát đắc Vô sanh Pháp nhẫn và Tam muội thù thắng, cho nên chẳng phải ngôn thuyết gồm có tất cả tánh. Đại Huệ! Giống như những ruồi, muỗi, con kiến, côn trùng trong thế giới này, đều chẳng có ngôn thuyết mà mỗi mỗi làm xong việc hằng ngày”. Hét, gậy, chửi, mắng, dựng phất trần, giơ ngón tay của Tổ Sư Trung Quốc đều từ đây mà ra, chẳng phải khi không bày đặt, hoặc có người nói Thiền Tông là sáng lập từ Trung Quốc, ấy là do người chưa hiểu thấu vậy.

Mặc dù sự diễn tả của ngôn thuyết văn tự có nhiều hạn chế, nhưng chẳng thể phế bỏ. Kinh Viên Giác nói: “Kinh Giáo liễu nghĩa như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng, thì biết ngón tay chẳng phải mặt trăng, tất cả ngôn thuyết của Như Lai khai thị cho Bồ Tát đều cũng như thế". Nên biết giáo pháp văn tự của Như Lai đều từ biển tánh chảy ra, muốn khiến chúng sanh theo đó tu hành để đạt đến bản thể tuyệt đối, lìa nhị biên Có và Không, chẳng phải lời nói văn tự của thế gian có thể so sánh.

Kinh Giải Thâm Mật nói: “Dù pháp tánh lìa ngôn, vì muốn khiến chúng sanh tự hiện Đẳng Giác, nên giả lập danh tướng”. Còn nói: “Dù Tự tánh chẳng tánh, pháp sở chứng lìa những văn tự, nhưng chẳng thể bỏ ngôn thuyết văn tự mà được diễn thuyết”. Kinh nói: “Biết pháp chẳng do ngôn, người khéo diễn tả ở nơi vô ngôn, mà hiển bày ngôn thuyết, như tiếng vang khắp nơi”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chư Phật ra diệu âm thanh, vì chúng sanh làm Phật sự; tất cả chư Phật tịch lặng vô ngôn cũng vì chúng sanh làm Phật sự”. Nên biết một nói, một nín, một động, một tịnh của Phật đều là dẫn dắt chúng sanh đạt đến chỗ Giải thoát, như thầy thuốc tùy bệnh cho thuốc, chỉ cần hết bệnh tức là toa thuốc hay, đâu cần phân biệt là lộc nhung hay cứt bò!.

Xưa nay các Tổ Sư Thiền Tông như Ngài Đạo Tín, Huệ Năng, Đạo Nhất, Bá Trượng, Đại Châu, Lâm Tế, Tuyết Phong, Tuyết Đậu v.v... dù gắn cái bản hiệu ‘Chẳng lập văn tự", nhưng đều có pháp ngữ và tác phẩm lưu hành trên đời, chẳng phải hoàn toàn phế bỏ văn tự. Nên biết nói “Chẳng lập văn tự" là muốn chỉ rõ tìm Phật tánh trong văn tự bất khả đắc, người tu hành chớ nên đọa vào vọng tưởng văn tự mà bị văn tự trói buộc, nếu cứ chấp thật sự chẳng lập văn tự thì nghịch với bản ý của Phật với Tổ vậy.

Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Kẻ chấp Không lại báng Kinh rằng, trực ngôn chẳng dùng văn tự; đã nói chẳng dùng văn tự thì con người cũng chẳng nên ngôn ngữ, vì ngôn ngữ tức là tướng của văn tự”. Lại nói: “Trực đạo chẳng lập văn tự, đâu dè hai chữ CHẲNG LẬP cũng là văn tự, thấy người có lời nói, liền báng họ là dính mắc văn tự. Các người nên biết, tự mê còn đỡ, lại báng kinh Phật, chớ nên báng Kinh, tội chướng vô số kể”.

Tổ Đình Sự Uyển có nói: “Chư Tổ truyền Pháp, ban sơ tu hành gồm tam tạng giáo thừa, sau Tổ Đạt Ma chuyên truyền Tâm ấn, phá chấp Giáo để hiển Tông (Thiền), gọi là giáo ngoại biệt truyền, chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, nhưng đối với sự chẳng lập văn tự, người hiểu lầm rất nhiều, thường cho là bỏ cả văn tự, lấy im lặng tĩnh tọa làm Thiền, ấy thật là con dê câm của Thiền môn. Vả lại muôn pháp lăng xăng, đâu chỉ là văn tự chẳng lập thôi. Họ chẳng biết đạo tức phải thông, sao lại cố chấp nơi một góc!”.

Nên người thông thạo ngay nơi văn tự mà văn tự bất khả đắc, đối với văn tự như thế, đối với các pháp khác cũng vậy, hễ kiến tánh thành Phật là xong, đâu đợi bỏ văn tự mới xong!