ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬNTập 1 _ Cuốn 14 ___________________________________________________ ______________________________________
“Giết vật gì, an ổn?
Giết vật gì, không hối?
Vật gì gốc của độc?
Nuốt mất mọi điều thiện?
Giết vật gì, được khen?
Giết vật gì, không buồn?”.
Phật đáp:
“Giết giận, tâm an ổn,
Giết giận, tâm không hối.
Giận là gốc của độc
Giận diệt mọi điều thiện
Giết giận, chư Phật khen.
Giết giận, thời không buồn”.
Bồ-tát suy nghĩ: “Ta nay thực hành bi tâm, muốn cho chúng sanh được vui. Giận là nuốt mất mọi điều thiện, độc hại tất cả, tại sao ta làm trọng tội ấy? Nếu có sân giận, tự mình mất lợi lạc, thì làm sao có thể khiến chúng sanh được vui?”
Lại nữa, chư Phật, Bồ-tát lấy đại bi làm gốc, do bi mà ra, giận là thứ độc làm tiêu diệt bi, đặc biệt không hợp nhau. Nếu hoại gốc bi, sao gọi là Bồ-tát? Bồ-tát từ đâu mà ra? Vì lẽ đó nên tu nhẫn nhục. Nếu chúng sanh đem chất thêm các sự sân não, hãy nghĩ đến công đức của họ. Hiện chúng sanh này tuy có một tội, song còn tự có các công đức tốt khác. Vì công đức ấy, không nên sân hận.
Lại nữa, người ấy hoặc mắng hoặc đánh, ấy là tại ta. Ví như thợ luyện vàng, cáu bẩn theo lửa đi mất, riêng vàng ròng còn lại. Đây cũng như vậy, nếu ta có tội, ấy là do nhân duyên đời trước, nay phải đền trả, không nên sân hận, nên tu nhẫn nhục.
Lại nữa, Bồ-tát thường niệm chúng sanh giống như con đỏ. Người ở cõi Diêm-phù-đề nhiều các ưu sầu, ít có ngày vui, nếu có đến mắng nhiếc, bức hại mà tâm họ hoan lạc, cái vui đó khó được, cho ngươi tự do mắng, vì sao? Vì ta vốn phát tâm muốn cho chúng sanh được hoan hỷ.
Lại nữa, chúng sanh ở thế gian, bị các bệnh bức não, lại bị giặc chết theo rình, ví như oan gia thường rình chỗ hở, làm sao người thiện không thương xót mà còn muốn gia khổ cho họ được? Khổ chưa tới người mà trước tự mình đã thọ hại. Suy nghĩ như vậy, không nên giận kia, nên tu nhẫn nhục.
Lại nữa, nên quán sự sân nhuế, tội nó rất sâu. Trong ba thứ độc, không thứ nào nặng bằng nó. Trong 98 sử, nó là cứng chắc nhất, Trong các tâm bệnh, nó khó trị nhất. Người sân nhuế chẳng biết thiện, chẳng biết phi thiện, không quán tội phước, không biết tội hại, không tự nhớ nghĩ, sẽ bị đọa ác đạo, quên mất câu nói thiện, không tiết danh xưng, không biết người khác phiền não, không kể thân tâm mình mệt nhọc, phiền não, giận làm che lấp mắt tuệ, chuyên làm não hại người khác. Như một ngũ thông tiên nhân, vì lòng sân nhuế, tuy tu tịnh hạnh, mà giết hại một nước như Chiên-đà-la.
Lại nữa, người có tâm sân nhuế, giống như hổ lang, khó thể ở chung. Lại như mụt độc, dễ phát dễ hoại. Người sân nhuế giống như rắn độc, không ai ưa thấy. Người chứa tánh giận, ác tâm lớn dần, đến việc không thể đến, như giết cha, giết vua, ác ý đối với Phật. Như chúng Tỳ-kheo ở nước Câu-diệm-di, vì nhân duyên nhỏ nhặt, tâm sân hận lớn dần, chia thành hai nhóm, muốn xử đoán thích đáng, trọn mất ba tháng mà còn không thể xong! Phật đi đến giữa chúng, đưa cánh tay luân tướng lên ngăn mà bảo rằng: “Tỳ-kheo các ngươi, chớ đấu tranh nhau. Ác tâm tương tục, khổ báo rất nặng. Các ông vì cầu Niết –bàn, vứt bỏ lợi lạc ở đời, ở trong thiện pháp, sao còn đấu tranh nhau? Người đời cáu giận đấu tranh còn tha thứ được, chứ người xuất gia đâu có thể đấu tranh? Trong tâm xuất gia mà còn ôm độc, chỉ tự làm hại, như trong mây lạnh tuông lửa đốt thân!” Các Tỳ-kheo bạch Phật: “Phật là Pháp vương, xin Ngài tạm yên nghỉ. Bọn ấy xâm phạm chúng con, chúng con không thể không đáp trả lại!”.