ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬNTập 1 _ Cuốn 12__________________________________________________ ______________________________________
Hỏi: A-la-hán, Bích-chi Phật cũng có thể đến bờ kia; tại sao không gọi là Ba-la-mật?
Đáp: A-la-hán, Bích-chi Phật qua đến bờ kia, cùng với Phật qua đến bờ kia, danh đồng mà thật thì khác. A-la-hán, Bích-chi Phật cho sanh tử là bờ này, Niết-bàn là bờ kia, nên không thể vượt qua đến bờ kia của bố thí, vì cớ sao? Vì không thể dùng hết thảy vật, hết thảy thời, hết thảy thứ bố thí. Dầu có thể bố thí cũng không có tâm lớn, hoặc đem tâm vô ký, tâm hữu lậu thiện; hoặc là tâm vô lậu bố thí mà không có tâm đại bi, không thể vì hết thảy chúng sanh mà bố thí. Còn Bồ-tát bố thí thì biết bố thí là bất sanh bất diệt, vô lậu vô vi, như tướng Niết-bàn, vì hết thảy chúng sanh mà bố thí, ấy gọi là Đàn Ba-la-mật.
Lại nữa, có người nói: "Hết thảy vật, hết thảy vật trong ngoài thân đều đem bố thí, mà không cầu quả báo. Bố thí như vậy, gọi là Đàn Ba-la-mật.
Lại nữa, không thể cùng tận, nên gọi là Đàn Ba-la-mật, vì cớ sao? Vì biết vật bố thí là rốt ráo không, như tướng Niết-bàn. Dùng tâm ấy mà bố thí cho chúng sanh, thế nên quả báo không thể cùng tận; gọi là Đàn Ba-la-mật. Như ngũ thông tiên nhân, đem bảo vật tốt chứa để trong đá, muốn giữ gìn bảo vật ấy, mài kim cương mà bôi lên trên, để không bị phá. Bồ-tát bố thí cũng như vậy. Mài trí tuệ về Niết-bàn thật tứơng mà bôi lên bố thí, làm cho không thể cùng tận.
Lại nữa, Bồ-tát vì hết thảy chúng sanh nên bố thí, số chúng sanh không thể cùng tận nên bố thí cũng không thể cùng tận.
Lại nữa, Bồ-tát vì Phật pháp mà bố thí. Phật pháp vô lượng vô biên nên bố thí cũng vô lượng vô biên. Do vậy, A-la-hán và Bích-chi Phật, tuy đồng đến bờ kia; mà không gọi là Ba-la-mật.
Hỏi: Thế nào gọi là đầy đủ viên mãn?
Đáp: Như trước đã nói, Bồ-tát bố thí tất cả vật, trong, ngoài, lớn nhỏ, nhiều ít, thô tế; ưa đắm, không ưa đắm; dùng không dùng. Đủ các thứ như vậy, tất cả có thể xả thí, tâm không lẩn tiếc, bình đẳng cho tất cả chúng sanh. Không khởi lên quan niệm người lớn nên cho, người nhỏ không nên cho; người xuất gia nên cho, người không xuất gia không nên cho. Người nên cho, cầm thú không nên cho. Đối với tất cả chúng sanh, tâm bình đẳng bố thí, bố thí không cầu quả báo, lại rõ thật tướng của bố thí, ấy gọi là đầy đủ viên mãn.
Cũng không kể thời, không ngày, không đêm, không đông, không hạ, không tốt, không xấu, tất cả thời thường bình đẳng bố thí, tâm không lẩn tiếc, cho đến đầu mắt tủy não, bố thí mà không lẩn, ấy gọi là đầy đủ viên mãn.
Lại nữa, có người nói: "Bồ-tát từ khi phát tâm cho đến khi đủ ba mươi bốn tâm ở tại cội Bồ-đề. Ở vào khoảng trung gian ấy, gọi là đầy đủ viên mãn.
Lại nữa, Thất trụ Bồ-tát được trí tuệ về thật tướng hết thảy các pháp, bấy giờ trang nghiêm Phật độ, giáo hoá chúng sanh, cúng dường chư Phật, được đại thần thông, có thể phân một thân làm vô số thân, mỗi mỗi thân đều mưa xuống bảy báu, hoa hương, phan lọng, hóa làm đèn lớn như núi Tu-di, cúng dường mười phương chư Phật và Bồ-tát Tăng. Lại dùng diệu âm tán tụng đức của Phật, lễ bái, cúng dường, cung kính nghinh tiếp.
Lại nữa, Bồ-tát ấy đối với trong hết thảy mười phương vô lượng cõi ngạ quỷ, mưa xuống các thứ ẩm thực, y phục, khiến cho đầy đủ. Được đầy đủ rồi, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Lại đi đến trong đường súc sanh, khiến nó tự cải thiện, không còn có ý hại nhau, trừ sự sợ hãi, theo chỗ nó cần thiết, đều làm cho đầy đủ. Được đầy đủ rồi, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đối với trong Địa ngục vô lượng khổ, có thể làm cho lửa địa ngục tiêu diệt, nước sôi hóa lạnh, tội dứt, tâm lành, trừ hết đói khát. Được sanh vào cõi trời cõi người, nhờ nhân duyên ấy, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.