ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 11 _ GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN
__________________________________________________ ______________________________________


Cuốn 7

Chương 11


GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN


KINH: Nguyện lãnh thọ vô lượng thế giới của chư Phật.

LUẬN: Các Bồ-tát thấy các thế giới của các chư Phật độ trang nghiêm vô lượng, phát các lời nguyện: Có thế giới Phật hoàn toàn không có các khổ, cho đến không có tên ba đường ác. Bồ-tát thấy rồi tự phát nguyện: "Khi ta thành Phật, thế giới ta không có các khổ, cho đến không có ba đường ác, cũng sẽ như vậy".

Có thế giới Phật trang nghiêm bằng bảy báu, ngày đêm thường có ánh sáng thanh tịnh, mặc dầu không có mặt trời mặt trăng. Bồ-tát bèn phát nguyện: "Khi ta thành Phật, thế giới ta thường có ánh sáng thanh tịnh cũng sẽ như vậy".

Có thế giới Phật, hết thảy chúng sanh đều thực hành mười thiện, có đại trí tuệ, y phục ẩm thực nghĩ đến liền có, bèn phát nguyện: "Khi ta thành Phật, chúng sanh trong Quốc độ ta, y phục ẩm thực cũng sẽ như vậy".

Có thế giới Phật thuần các vị Bồ-tát, sắc thân như Phật, với ba mươi hai tướng tốt quang minh chiếu suốt, cho đến không có tên Thanh-văn, Bích-chi Phật, cũng không có nữ nhân. Hết thảy đều thực hành Phật đạo thâm diệu, du hành đến mười phương giáo hóa hết thảy, rồi phát nguyện: "Khi ta thành Phật, chúng sanh trong Quốc độ ta cũng sẽ như vậy".

Như vậy v.v… vô lượng Phật thế giới đủ thứ trang nghiêm, Bồ-tát nguyện đều được cả; vì vậy nên gọi là nguyện thọ vô lượng thế giới Phật.

Hỏi: Các Bồ-tát hạnh nghiệp thanh tịnh, thì tự được quả báo thanh tịnh, vì sao cần phải lập nguyện rồi sau mới được? Cũng như nhà nông được lúa, há lại chờ ước nguyện?

Đáp: Làm phước mà không có ước nguyện thì không có mục tiêu, vì có nguyện dẫn lối mới thành tựu được, cũng như vàng nấu chảy, tùy theo thợ làm vàng không nhất định. Như Phật dạy: Có một người tu được một ít phước bố thí, một ít phước trì giới, mà không biết pháp Thiền định, thế nhưng khi nghe nói trong loài người có kẻ giàu vui, tâm thường niệm tưởng, ái trước, nguyện ước không bỏ, nên sau khi mệnh chung sanh làm người giàu vui. Lại có người tu một ít phước bố thí, một ít phước trì giới, mà không biết pháp Thiền định, thế nhưng khi nghe nói có các cõi trời: Tứ-thiên-vương thiên, Tam-thập-tam thiên, Dạ-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa-lạc thiên, Tha-hóa-tự-tại thiên, tâm thường nguyện ước, nên khi mệnh chung, đều được sinh lên cõi ấy. Đó là đều do nguyện lực mà được. Bồ-tát cũng như vậy, tu theo lời nguyện "tịnh Quốc độ", vậy sau mới thành; vì vậy nên biết nhân nguyện mà được thọ quả báo thù thắng.

Lại nữa, trang nghiêm Phật độ là việc lớn, chỉ tu hành công đức không thể thành được, phải cần có nguyện lực; cũng như sức bò tuy hay kéo xe, nhưng phải có người cầm cương mới có chỗ đến. Nguyện "thanh tịnh Quốc độ" cũng như vậy, phước như xe bò; nguyện như người cầm cương.

Hỏi: Nếu không phát nguyện, không được phước ư?

Đáp: Tuy được nhưng không bằng có nguyện: Nguyện thường giúp cho phước, thường nhớ nghĩ sở hành, phước đức được tăng trưởng.

Hỏi: Nếu phát nguyện mà được quả báo, thì như người làm mười nghiệp ác, không nguyện sanh địa ngục, chắc cũng không bị quả báo địa ngục?

Đáp: Tội phước tuy có quả báo nhất định, nhưng người có phát nguyện , tu một ít phước mà nhờ có nguyện lực, nên được quả báo lớn. Như trước nói, trong khi mắc quả báo khổ, mà hết thảy chúng sanh đều nguyện được vui, chứ không ai nguyện được khổ, thế nên không nguyện sanh địa ngục; vì vậy nên phước thì có vô lượng báo mà tội thì hữu lượng.

Có người nói: "Tội lớn nhất thì đọa A-tỳ địa ngục, thọ báo một kiếp. Phúc to nhất thì sanh lên Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ, thọ báo trong tám vạn đại kiếp. Các Bồ-tát nguyện thanh tịnh thế giới, cũng vô lượng kiếp, nhập đạo được Niết-bàn", ấy là thường, lạc.

Hỏi: Như trong phẩm Nê-lê (Địa ngục) nói: Tội hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật, bị ở trong địa ngục phương này kiếp tận, lại đến trong địa ngục phương khác, thế vì sao ở đây nói đến tội to nhất thọ báo chỉ trong một kiếp?

Đáp: Phật pháp vì chúng sanh nên có hai đạo giáo hóa: Một là Phật đạo, hai là Thanh-văn đạo. Trong Thanh-văn đạo, người tạo tội ngũ nghịch, Phật nói họ chịu địa ngục một kiếp; trong Bồ-tát đạo, người phá Phật pháp, thì nói họ ở phương này kiếp tận lại đến phương khác chịu vô lượng tội. Trong pháp Thanh-văn, phước to nhất thọ báo tám vạn kiếp; trong Bồ-tát đạo, phước lớn nhất thọ báo vô lượng A-tăng-kỳ kiếp; vì vậy nên phước đức cần có nguyện.

Ấy là nguyện thọ vô lượng thế giới chư Phật.