ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
Tập 1 _ Cuốn 14 _
__________________________________________________ ______________________________________


Lại nữa, hành giả muốn cho giới được kiên cường, hãy tu nhẫn nhục, vì sao? Vì tu nhẫn là sức lớn, làm bền chắc giới, khiến không lay động. Lại tự suy nghĩ: “Ta nay xuất gia thân hình khác tục, đâu thể buông thả như tâm thói người đời. Nên tự cố gắng, lấy nhẫn điều phục tâm. Do thân miệng nhẫn, mà tâm cũng dược nhẫn, nếu tâm không nhẫn, thân miệng cũng vậy”. Cho nên hành giả nên làm cho thân, miệng, tâm đều nhẫn, dứt hết sự giận dữ.

Lại nữa, giới ấy lược nói thời có tám vạn, nói rộng thời vô lượng, ta phải làm sao giữ đủ vô lượng giới pháp? Chỉ phải nhẫn nhục, thì mới tự đầy đủ các giới. Ví như có người đắc tội với vua, vua chở người tội trên xe đao, bốn phía đặt mũi nhọn, không chỗ xen hở, rong chạy vội vã, đi không chọn đường, nếu khéo giữ mình thì không bị dao đâm, thế là giết mà không chết, người trì giới cũng như vậy. Giới là đao bén, nhẫn là giữ mình, nếu tâm nhẫn không vững thì đao giới đâm người. Lại ví như người già đi đêm, không gậy là bị té ngã. Nhẫn là gậy của giới, giúp đỡ người đi đến đạo, nhân duyên phước lạc, không lay động được. Các thứ như vậy, gọi là trì giới sanh Sằn-đề Ba-la-mật.

- Thế nào là trì giới sanh tinh tấn? Người trì giới, trừ bỏ phóng dật, tự sức siêng tu tập quán vô thượng, bỏ vui thế gian, vào trong thiện đạo, chí cầu Niết-bàn để độ hết thảy, tâm lớn không biếng nhác, lấy việc cầu đạo làm gốc, ấy là trì giới sanh tinh tấn.

Lại nữa, người trì giới chán mệt sự khổ ở đời và cái họa già, bệnh, chết, tâm sanh tinh tấn, tự cầu thoát khổ, cũng để độ người. Ví như chồn hoang ở giữa rừng cây, nương theo Sư tử và Hổ báo, kiếm thịt bỏ thừa để tự nuôi sống. Gặp lúc thiếu đói, nửa đêm trèo thành, lẻn vào nhà người, kiếm thịt không có, ngủ nghỉ chỗ kín, không biết đêm đã hết, hoảng sợ không biết tính sao, chạy thời sợ không khỏi, ở lại thì sợ chết, bèn tự định tâm, giả chết nằm trên đất. Mọi người trông thấy, có một người nói: “Ta cần tai chồn”, liền cắt lấy tai. Chồn tự nghĩ: “Cắt tai tuy đau, nhưng thân còn sống được”. Lại một người nói: “Ta cần đuôi chồn”, liền cắt lấy đuôi. Chồn lại suy nghĩ: “Cắt đuôi tuy đau, nhưng còn là việc nhỏ”. Lại một người nói: “Ta cần răng chồn”. Chồn trong tâm suy nghĩ: “Người cần lấy càng lúc càng nhiều, hoặc giả lấy đầu ta thì không còn đường sống”. Liền từ đất đứng dậy, tung hết trí lực, cố nhảy qua cửa, theo đường tắc mà tự cứu được. Tâm của hành giả cầu thoát khổ nạn cũng như thế. Hoặc khi già đến, còn tự cho thong thả, không chịu ân cần quyết đoán tinh tấn. Khi bệnh đến cũng như vậy, còn cho có khi lành, chưa chịu quyết đoán. Khi chết sắp đến, tự biết không còn mong gì nữa, nên tự cố gắng, quả cảm ân cần, tu hành rất tinh tấn, từ trong chỗ chết được đến Niết-bàn.

Lại nữa, phép trì giới giống như người bắn tên, trước phải được chỗ đất bằng, được đất bằng rồi sau tâm mới an, tâm an rồi sau kéo cung mới năng, kéo cung năng rồi sau mũi tên mới cắm sâu. Giới là đất bằng, định ý là cây cung, kéo năng cung là tinh tấn, mũi tên là trí tuệ. Giặc là vô minh. Nếu nông gắng sức tinh tấn được như vậy, chắc đạt đến đại đạo để độ chúng sanh.

Lại nữa, người trì giới thường lấy sức tinh tấn, tự kiềm chế năm căn, không thọ năm dục. Nếu tâm đã chạy đi thì khiến nhiếp trở lại. Thế là giới hay thủ hộ các căn. Thủ hộ các căn thời phát sanh thiền định, sanh thiền định thời sanh trí tuệ, sanh trí tuệ thời được đến Phật đạo, ấy là trì giới sanh Tỳ-lê-gia Ba-la-mật.

- Thế nào là trì giới sanh Thiền định? Người ta có ba nghiệp làm các điều thiện. Nếu thân khẩu nghiệp thiện, thì ý nghiệp tự nhiên vào thiện. Ví như cây cỏ cùng sanh giữa bụi gai, không chống đỡ mà tự lên thẳng. Sức trì giới hay làm gầy yếu các kiết sử.

Thế nào là làm cho gầy yếu? Nếu không giữ giới, gặp việc sân nhuế đến, tâm sát liền sanh; nếu việc dâm dục đến, tâm dâm liền thành. Nếu trì giới tuy có gặp chút sân, không sanh tâm sát, tuy có niệm dâm, dâm sự không thành. Ấy là trì giới làm cho các kiết sử gầy yếu. Các kiết sử gầy yếu thì Thiền định dễ được. Ví như già bệnh mất sức, sự chết dễ đến. Kiết sử gầy yếu thì Thiền định dễ được.

Lại nữa, lòng người chưa dứt, thường cầu cho thật vui. Hành giả trì giới, vứt bỏ phúc lạc ở đời, tâm không phóng dật, cho nên dễ được Thiền định.

Lại nữa, người trì giới được sanh trong cõi người, tiếp đến sanh trong cõi trời Lục dục, tiếp đến sanh lên Sắc giới, phá Sắc tướng sanh Vô sắc giới, trì giới thanh tịnh, dứt các kiết sử, chứng được đạo quả A-la-hán. Có tâm đại trì giới, thường nghĩ đến chúng sanh, ấy là Bồ-tát.

Lại nữa, giới để kiểm thúc thô hoặc, thiền định để kiểm thúc tế hoặc.

Lại nữa, giới thu nhiếp thân khẩu, thiền định đình chỉ đoạn tâm. Như người lên lầu, không có thang không lên dược. Không được thang giới, thiền cũng không đứng vững.

Lại nữa, người phá giới, gió kiết sử thổi mạnh, làm tán loạn tâm. Tâm kia đã tán loạn thời không thể thiền định. Người trì giới, gió phiền não thổi nhẹ, tâm không tán loạn nhiều nên thiền định dễ được. Do các nhân duyên như vậy, ấy gọi là trì giới sanh thiền Ba-la-mật.

- Thế nào là trì giới sanh trí tuệ? Người trì giới, quán sát giới tướng ấy từ đâu mà có. Biết từ các tội mà sinh. Nếu không có các tội thời cũng không có giới. Giới tướng như vậy là từ nhân duyên mà có.

Vì sao tâm sanh đắm trước? Ví như Hoa sen sanh từ bùn nhơ, sắc tuy tươi đẹp mà chỗ sanh ra thì bất tịnh, lấy đó để ngộ tâm, không sanh đắm trước, ấy là trì giới sanh Bát nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, người trì giới, tâm tự suy nghĩ: “Nếu ta cho việc trì giới là quý nên đáng chấp thủ, việc phá giới là giặc nên đáng xả bỏ”.

Nếu còn có tâm ấy thì không phải Bát-nhã. Lấy trí so lường, tâm không chấp trước giới, không thủ không xả, ấy là trì giới sanh Bát nhã Ba-la-mật