DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 23/35 ĐầuĐầu ... 13212223242533 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 221 tới 230 của 341
  1. #221
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 12
    __________________________________________________ ______________________________________


    - Thế nào Bồ-tát bố thí phát sanh Thiền Ba-la-mật?

    Khi Bồ-tát bố thí thì trừ được xan tham. Trừ xan tham rồi, nhân việc bố thí này mà thực hành nhất tâm, trừ dần năm triền cái. Trừ được năm triền cái; ấy gọi là thiền.

    Lại nữa, tâm nương theo bố thí mà nhập vào Sơ thiền, cho đến Diệt-tận-định thiền. Thế nào là nương? Nếu khi bố thí cho người hành thiền, tâm tự nghĩ rằng: "Ta vì người này hành thiền định nên tịnh tâm cúng dường; ta nay vì sao tự bỏ tu thiền? Liền tự kiềm chế tâm, tư duy hành thiền. Nếu bố thí cho người nghèo, suy nghĩ đời trước người này làm các điều bất thiện, không cầu nhất tâm, không tu phước nghiệp, nên đời nay nghèo cùng, do đó tự cố gắng tu thiện, nhất tâm để vào thiền định. Như truyện nói: "Chuyển luân Thánh vương Hỷ kiến, có tám vạn bốn ngàn tiểu vương đến chầu, đều đem bảy báu, vật quý đến hiến. Vua nói: "Tôi không cần, các ngươi mỗi người tự nên tu phước". Các vua nói: "Đại vương tuy không cần lấy, chúng tôi cũng không nên tự đem dùng". Liền chung nhau tìm thợ, lập điện bảy báu, làm ao tắm bảy báu. Ở trong đại điện tạo tám vạn bốn ngàn lầu bảy báu, trong lầu đều có giường nằm bảy báu, gối bọc tạp sắc, đặt ở hai đầu giường, treo lụa phan lọng, xông hương bôi đất. Mọi việc đầy đủ, bạch đại vương rằng: "Xin đại vương thọ nhận pháp điện, cây báu, ao báu" Vua im lặng thọ nhận, mà tự nghĩ rằng: "Ta nay không cần trước tiên ở điện mới, để tự vui chơi, nên cầu thiện nhân, các Sa-môn, Bà-la-môn, trước tiên vào để cúng dường, vậy sau ta sẽ ở". Liền nhóm các thiện nhân, trước tiên vào bảo điện, cúng dường đầy đủ các thứ vi diệu. Khi mọi người ra rồi, vua mới vào bảo điện, lên lầu vàng, ngồi giường vàng, nghĩ tới việc bố thí, trừ năm triền cái, nhiếp sáu căn, trừ sáu trần, thọ hỷ lạc vào Sơ thiền. Tiếp lên lầu bạc, ngồi giường vàng, vào Nhị thiền. Tiếp lên lầu Tỳ-lưu-ly, ngồi giường pha lê, vào Tam thiền. Tiếp lên lầu pha lê, ngồi giường Tỳ-lưu-ly, vào Tứ thiền. Ngồi một mình tư duy, suốt trong ba tháng.

    Ngọc nữ, bảo hậu, với tám vạn bốn ngàn thị nữ đông đủ, đều lấy ngọc trắng danh bảo xâu làm chuỗi đeo thân, đến thưa với vua: "Từ lâu trái bỏ hầu hạ, nay chúng tôi dám đến thăm hỏi". Vua bảo: "Các em gái, các em mỗi người hãy đoan chánh tâm, nên làm người tri thức của tôi, chớ làm kẻ oán của tôi". Ngọc nữ, bảo hậu, đều rơi lệ nói: "Đại vương! Sao gọi chúng tôi là em gái? Chắc ngài có lòng khác, xin cho nghe ý ấy? Tại sao sắc bảo "Hãy làm người tri thức, chớ làm kẻ oán của tôi?" Vua bảo rằng: "Các vị nếu lấy tôi làm nhân duyên ở đời, chung hành dục sự cho là vui sướng, thì đó là kẻ oán cuả tôi. Nếu giác ngộ được lẽ vô thường, biết thân như huyễn, lo tu phước hành thiện, dứt bỏ dục tình, thì đó là người tri thức của tôi". Các ngọc nữ thưa: "Kính vâng lời như vua sắc". Nói lời ấy xong, liền bảo nhau trở về.

    Các ngọc nữ đi ra rồi, vua lên lầu vàng, ngồi giường bạc, thực hành Từ tam muội. Lên lầu bạc, ngồi giường vàng, thực hành Bi tam muội. Lên lầu Tỳ-lưu-ly, ngồi giường pha lê, thực hành Hỷ tam muội. Lên lầu báu pha lê, ngồi giường Tỳ-lưu-ly, thực hành Xả tam muội, ấy là Bồ-tát bố thí phát sanh Thiền Ba-la-mật.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  2. #222
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 12
    __________________________________________________ ______________________________________


    - Thế nào là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật? Khi Bồ-tát bố thí, biết rõ sự bố thí này chắc chắn có quả báo không chút nghi hoặc, phá được tà kiến vô minh, ấy là bố thí phát sanh Bát-nhã.

    Lại nữa, khi Bồ-tát bố thí, có thể phân biệt biết: "Người không trì giới, hoặc hay đánh đập tra khảo, giam trói trái phép; nhưng nếu được tài vật mà biết làm bố thí, thì sẽ sanh ra trong loài voi, ngựa, trâu. Tuy chịu thân hình súc sanh, chở nặng, bị roi đánh, cùm xiềng, kéo xe, cỡi, nhưng thường được ở nhà tốt, ăn ngon, được người quí trọng, được người cung cấp.

    Lại biết người ác, ôm lòng sân hận nhiều, tâm quanh co không ngay thẳng, mà biết làm bố thí, sẽ đọa trong loài Rồng, được cung điện bảy báu, ăn ngon, sắc đẹp.

    Lại biết người nhiều kiêu mạn bố thí với sân tâm, sẽ đọa trong loài chim Kim-sí. Thường được tự tại; có ngọc báu Như ý để làm chuỗi Anh lạc; mọi sự cần dùng đều được tự do, không có điều gì không như ý; biến hóa vạn đoan; không việc gì không làm,

    Lại biết người tể quan, uổn lạm của nhân dân, không thuận theo pháp trị mà chiếm lấy tài vật để dùng bố thí, sẽ đọa trong loài quỷ thần, làm quỷ Cưu-bàn-trà biến hóa đủ cách, tự vui với Năm trần.

    Lại biết người nhiều sân giận, tàn nhẫn, ngang trái, yêu thích rượu thịt, mà biết bố thí, sẽ đọa trong loài Dạ-xoa đi trên đất, thường được các thứ hoan lạc, âm nhạc, ăn uống.

    Lại biết có người cang cường, ngang bướng, hùng hổ, mà biết bố thí, sẽ đọa trong loài Dạ-xoa đi giữa hư không, có sức mạnh, đi đến nơi như gió.

    Lại biết có người tâm hay tật đố, ưa đấu tranh, song biết đem phòng xá, đồ nằm, y phục, ăn uống tốt bố thí, cho nên sanh trong loài Dạ-xoa có cung quán bay đi; có các vật thuận tiện làm vui thân.

    Các thứ như vậy, khi bố thí có thể phân biêït biết, ấy là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã.

    Lại nữa, bố thí ăn uống thì được quả báo có sức mạnh, sống lâu, an lạc, đồ ăn ngon. Nếu bố thí y phục, khi sanh ra biết tàm quý, có oai đức đoan chánh, thân tâm an lạc. Nếu bố thí phòng nhà, thời tự nhiên có được các thứ cung quán bảy báu, tự vui thú năm dục. Nếu bố thí giường, ao, suối nước, các thứ nước ngon, khi sanh ra không bị đói khát, có đầy đủ năm dục lạc. Nếu bố thí cầu đò và giày dép, khi sanh ra có đủ các thứ xe ngựa. Nếu bố thí vưòn rừng, thời được hào qúy, tôn trọng, làm chỗ nương dựa cho hết thảy, thọ thân đoan chánh, tâm vui không lo buồn. Những hạng người như vậy, do nhân duyên bố thí mà được.

    Nếu người bố thí, tu hành phước đức, mà không ưa tác nghiệp sanh hoạt theo hữu vi, thời sanh được chỗ Tứ-thiên-vương. Nếu người bố thí, còn thêm cúng dường cha mẹ và chú bác anh chị, không sân không hận, không ưa tranh cãi, thời sanh được vào cõi trời Đao-lợi, Diệm-ma, Đâu-suất, Hóa-tự-tại, Tha-hóa-tự-tại. Các thứ phân biệt về bố thí như vậy; ấy là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã.

    Nếu người bố thí, mà tâm không nhiễm đắm, nhàm chán thế gian, cầu vui Niết-bàn; ấy là A-la-hán, Bích-chi Phật bố thí.

    Nếu người bố thí mà vì Phật đạo, vì chúng sanh; ấy là Bồ-tát bố thí. Như vậy trong các thứ bố thí đều phân biệt biết; ấy là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật.

    Lại nữa, khi Bồ-tát bố thí, tư duy thật tướng của ba sự (người thí, người nhận, tài vật) như trên đã nói. Biết được như thế là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật.

    Lại nữa, nhân duyên của hết thảy trí tuệ và công đức đều do bố thí. Như ngàn Phật khi mới phát tâm, là đem các thứ tài vật bố thí cho chư Phật, hoặc lấy hương hoa, hoặc lấy y phục, hoặc lấy cành dương bố thí để mà phát tâm. Các thứ bố thí như vậy, ấy làBồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật.

    (Hết cuốn 12 theo bản Hán)


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  3. #223
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 13
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cuốn 13


    CHƯƠNG 21

    GIẢI THÍCH: THI-LA BA-LA-MẬT


    KINH: Vì tội và không tội không thể có được, nên đầy đủ Thi-la Ba-la-mật.

    Thi-la (Tàu dịch là Tánh thiện), là ưa hành thiện đạo, không tự phóng dật, gọi là Thi-la. Hoặc thọ giới mà hành thiện, hoặc không thọ giới mà hành thiện, đều gọi là Thi-la. Nói tóm lược có tám thứ luật nghi nơi thân và miệng: Không não hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không uống rượu và nuôi sống một cách thanh tịnh; ấy là giới. Nếu buông bỏ không nhiếp hộ; ấy là phá giới. Người phá giới bị đọa vào trong đường ác. Nếu trì giới bậc hạ thì sanh trong loài người; trì giới bậc trung thì sanh trong cõi trời Lục Dục; trì giới bậc thượng lại tu hành bốn Thiền, bốn Không định thì sanh trong các cõi trời Sắc và Vô sắc thanh tịnh.

    Trì giới bậc thượng có ba hạng: Trì giới thanh tịnh bậc hạ thì chứng A-la-hán; trì giới thanh tịnh bậc trung thì chứng được Bích-chi-Phật; trì giới thanh tịnh bậc thượng thì được Phật đạo. Không đắm trước, không ỷ y, không phá, không khuyết, được Thánh nhân khen ngợi yêu thích, như vậy gọi là thanh tịnh bậc thượng. Nếu vì thương xót chúng sanh, vì độ chúng sanh, cũng vì biết thật tướng của giới; tâm không ỷ y, đắm trước; trì giới như thế, tương lai chứng đến Phật đạo. Như vậy gọi là được giới vô thượng Phật đạo. Nếu người muốn cầu được thiện lợi lớn, hãy kiên trì giới, như tiếc châu báu quý trọng, như giữ thân mạng, vì cớ sao? Vì như đại địa, hết thảy vạn vật hữu hình, đều nương đất mà tồn tại. Giới cũng như vậy, giới là trú xứ của hết thảy thiện pháp.

    Lại nữa, ví như không chân mà muốn đi; không cánh mà muốn bay; không thuyền mà muốn qua sông, là không thể được. Nếu không có giới mà muốn cầu quả báo tốt cũng như vậy. Nếu người bỏ giới này, tuy ở núi tu khổ hạnh, ăn trái cây, uống thuốc, thì không khác gì cầm thú. Hoặc có người chỉ uống cho là giới; hoặc uống sữa, hoặc hớp không khí; hoặc cắt tóc; hoặc mặc Ca-sa; hoặc mặc áo trắng; hoặc mặc áo cỏ, hoặc áo da cây; hoặc mùa đông vào nước; hoặc mùa hạ hơ lửa; hoặc từ núi cao sa xuống; hoặc tắm sông Hằng; hoặc ngày tắm ba lần; lại cúng dường lửa, tế tự đủ cách, chú nguyện đủ kiểu; chịu thực hành các khổ hạnh, cho đó là giới, chỉ là trống không, không được gì.

    Nếu có người tuy ở nhà cao điện lớn, mặc đẹp ăn ngon, mà thực hành được giới này, cũng được sanh chỗ tốt và được đạo quả. Hoặc người sang kẻ hèn, người lớn kẻ nhỏ, thực hành được giới này, thì đều được lợi lớn. Nếu phá giới này, thời không kể sang hèn, lớn nhỏ, đều không được tùy ý sanh vào chỗ lành.

    Lại nữa, người phá giới, cũng ví như ao trong mát màcó rắn độc, không đáng tắm rửa, cũng như cây có hoa quả ngon mà có nhiều gai nghịch. Như người tuy được sanh ở nhà quý trọng, thân thể đoan chánh, học rộng nghe nhiều, mà không ưa trì giới, không có tâm từ bi, lại cũng như vậy, như kệ nói:

    "Sang mà vô trí thời là suy,

    Trí mà kiêu mạn cũng là suy,

    Người trì giới mà lại phá giới,

    Cả đời này đời sau đều suy"


    Người tuy nghèo hèn mà trì giới, hơn người giàu sang mà phá giới. Hương của hoa, hương của cây, không thể bay xa; hương của trì giới, bay khắp cả mười phương. Người trì giới, được đầy đủ sự an vui, tiếng tăm nghe xa, trời người yêu kính, hiện đời thường được các thứ khoái lạc. Nếu muốn sanh vào cõi trời cõi người, thủ lấy sự giàu sang, sống lâu không khó. Người trì giới thanh tịnh, ước gì đều được nấy.

    Lại nữa, người trì giới, thấy người phá giới bị hình ngục tra khảo, đủ các thứ khổ não, mà tự biết mình vĩnh viễn xa lìa việc ấy, lấy đó làm vui mừng. Nếu người trì giới, thấy người lành được có vinh dự, danh tiếng, khoái lạc, thì tâm sự suy nghĩ: "Như người được vinh dự, ta cũng có phần". Người trì giới, khi mệnh chung, dù có gió đao cắt thân, gân mạch đoạn tuyệt, tự biết mình trì giới thanh tịnh, tâm không sợ hãi, như kệ nói:

    "Trong bệnh rất dữ,

    Giới là thuốc hay,

    Trong sợ hãi lớn.

    Giới làm thủ hộ.

    Trong chết tối tăm,

    Giới làm đèn sáng,

    Trong chỗ đường ác,

    Giới là cầu đò,

    Trong nước biển chết,

    Giới là thuyền lớn".


    Lại nữa, người trì giới thường được người đời nay cung kính cúng dường, tâm vui không hối hận, áo cơm không thiếu, chết được sanh lên trời, sau chứng được Phật đạo. Người trì giới, không việc gì không có được; người phá giới, tất cả đều mất. Ví như có người thường cúng dường trời, người ấy nghèo cùng, một lòng cúng dường mãn mười hai năm, mong cầu giàu sang, trời thương người đó, tự hiện thân ra, mà hỏi rằng: "Ngươi cầu những gì?" Người kia đáp: "Tôi cầu giàu sang, muốn cho những điều tâm nguyện, hết thảy đều được". Trời trao cho một đồ vật, gọi là cái bình đức, và nói: "Mọi vật cần dùng, từ trong bình này xuất ra".

    Người kia được bình rồi, ứng theo ý muốn, mọi sự đều được. Được như ý gây dựng nhà tốt. Voi Ngựa, xe cộ, bảy báu đầy đủ, cung cấp cho tân khách, không thiếu sự gì. Khách hỏi: "Trước ông nghèo cùng, nay sao do đâu được giàu như thế này?" Đáp: "Tôi được cái bình trời cho, xuất ra các thứ vật, cho nên giàu như vậy". Khách nói: "Đua bình cho xem, kể cảvật từ bình xuất ra". Liền đưa bình ra, trong bình dẫn ra đủ các thứ vật, người khách kia kiêu căng phóng túng, đứng lên trên bình nhảy múa, bình liền vỡ nát. Hết thảy các vật cùng một lúc tiêu mất. Người trì giới cũng như vậy. Các thứ diệu lạc, ước mong đều được, nếu người phá giới, kiêu căng phóng túng tự do, cũng như người kia phá vỡ bình, mất lợi.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  4. #224
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 13
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, người trì giới, hương thơm của danh tiếng, đời này đời sau biến khắp trên trời và loài người.

    Lại nữa, người trì giới, được người ưa cúng thí, không tiếc tài vật, không kinh doanh tài lợi ở được ở đời mà không bị thiếu gì. Được sanh lên cõi trời, ở trước mười phương Phật, vào tam thừa đạo mà được giải thoát. Chỉ trừ sự trì giới theo các thứ tà kiến, về sau không được gì.

    Lại nữa, nếu người tuy không xuất gia, chỉ biết tu hành giới pháp, cũng được sanh cõi trời. Nếu người trì giới thanh tịnh, tu thiền định, trí tuệ, muốn cầu độ thoát sanh già bệnh chết khổ, nguyện ấy quyết chắc được. Người trì giới tuy không có binh trượng, mà các sự dữ không gia đến, tài vật của người trì giới, không ai cướp được. Người thân của trì giới, tuy chết không rời, sự trang nghiêm của trì giới quý hơn bảy báu. Do vì lẽ đó, nên hộ trì giới, như hộ vệ thân mạng, như yêu vật báu. Người phá giới, thọ khổ vạn đoan, như người nghèo bị bình vỡ vật tiêu, trước kia.

    Lại nữa, người trì giới, quán thấy tội của người phá giới, nên tự gắng sức, nhất tâm trì giới.

    Thế nào gọi là tội của người phá giới? Người phá giới, người khác không kính, nhà nó như mồ hoang, không người nào đến.

    Người phá giới, mất hết các công đức, giống như cây khô, người không yêu thích.

    Người phá giới, như Hoa sen đầy sương, không ai ưa thấy.

    Người phá giới, có ác tâm đáng sợ, giống như quỷ La-sát.

    Người phá giới, người khác không quy hưởng, giống như người khát, không tìm đến giếng khô.

    Người phá giới, tâm thường nghi ngờ hối hận, giống như người phạm sự, thường sợ tội ập đến.

    Người phá giới, giống như ruộng bị mưa đá, không thể trông cậy.

    Người phá giới, giống như mướp đắng, tuy thân hình giống trái ngọt mà không thể ăn.

    Người phá giới, giống như xóm giặc, không thể sống chung.

    Người phá giới, giống như bệnh nặng, không ai muốn gần.

    Người phá giới, không được khỏi khổ, giống như đường dữ, khó đi qua.

    Người phá giới, không thể ở chung; giống như giặc dữ, khó thể thân cận.

    Người phá giới, giống như hầm lửa, người đi đường tránh xa.

    Người phá giới, khó thể ở chung, giống như Rắn độc.

    Người phá giới, không thể gần gũi, giống như ngọn lửa lớn.

    Người phá giới, giống như thuyền vỡ, không thể chở qua sông.

    Người phá giới, giống như đồ mửa ra, không thể ăn lại.

    Người phá giới, ở trong chúng tốt giống như Ngựa dữ ở trong Ngựa lành.

    Người phá giới, khác với người lành, như Lừa ở trong bầy Bò.

    Người phá giới, ở giữa chúng tinh tấn giống như đứa bé yếu ớt ở giữa người mạnh.

    Người phá giới, tuy hình tợ Tỳ-kheo mà cũng như thây chết ở trong con mắt người.

    Người phá giới, giống như ngọc giả ở giữa ngọc thiệt.

    Người phá giới, giống như cây Y-lan ở trong rừng Chiên-đàn.

    Người phá giới, tuy hình dáng tợ người lành mà bên trong không có thiện pháp. Tuy cũng cạo đầu, nhuộm áo, theo thứ lớp cầm thẻ (hành trú) gọi là Tỳ-kheo, mà thật chẳng phải Tỳ-kheo.

    Người phá giới, nếu mặc pháp y thời đó là quấn thân với lá sắt đồng nóng. Nếu ôm bình bát thời đó là đồ đựng nước đồng nóng chảy. Nếu uống ăn thời đó là nuốt hoàn sắt nóng.

    Lại nữa, người phá giới, thường ôm lòng sợ hãi, như ngươì mắc trọng bệnh, thường sợ chết đến. Cũng như người phạm tội ngũ nghịch, tâm thường tự nghĩ: Ta là giặc của Phật, che dấu tránh nép, như giặc sợ người, năm tháng ngày trôi qua, thường không an ổn.

    Người phá giới, tuy được cúng dường lợi lạc, thứ lạc đó bất tịnh; giống như người ngu cúng dường trang sức thây chết. Người trí nghe được, ghét không muốn thấy.

    Vô lượng tội phá giới như vậy, không thể kể hết. Hành giả hãy nên nhất tâm trì giới.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  5. #225
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 13
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chương 22

    GIẢI THÍCH: NGHĨA CỦA GIỚI TƯỚNG



    Hỏi: Đã biết các thứ quả báo, công đức như vậy, thế nào gọi là giới tướng?

    Đáp: Dứt ác không làm trở lại, gọi là giới. Hoặc từ tâm sanh, hoặc từ miệng nói, hoặc từ nơi người khác lãnh thọ mà dứt sự ác nơi thân và miệng; ấy là tướng của giới. Sao gọi là ác? Nếu thật đó là chúng sanh, biết là chúng sanh, sinh tâm muốn giết, cướp mạng sống của nó, tạo thành thân nghiệp, có sắc tướng tạo tác, ấy là tội sát sanh, ngoài ra trói, nhốt, đánh đập, v.v... là cách giúp sát.

    Lại nữa, giết kẻ khác mắc tội sát, chứ chẳng phải tự giết thân. Tâm biết rõ đó là chúng sanh mà giết, là thành tội giết, không phải như ban đêm thấy người lại cho là gốc cây rung rinh mà giết. Cố ý sát sanh mới thành tội giết, chẳng phải không cố ý. Tâm khoái sát sanh mới thành tội giết, chẳng phải si cuồng. Mạng sống dứt mới thành tội giết, chẳng phải làm bị thương. Thân nghiệp làm mới thành tội sát, chẳng phải chỉ có miệng sai bảo. Miệng bảo là thành tội sát, chẳng phải chỉ có tâm sanh nghĩ ác. Như vậy v.v... gọi là tướng mạo của tội sát. Không làm tội ấy, gọi là giới. Nếu người thọ giới, tâm sanh miệng nói: “Tôi từ ngày nay, không còn sát sanh”. Hoặc thân không động, miệng không nói, chỉ có tâm sanh, tự thề rằng: “Tôi từ ngày nay, không còn sát sanh”, ấy gọi là giới không sát sanh. Có người nói: “Giới không sát sanh ấy hoặc thiện hoặc vô ký”

    Hỏi: Như trong A-tỳ-đàm nói Ca-chiên-diên-tử nói: “Hết thảy giới luật nghi đều là thiện”, sao nay nói là vô ký?

    Đáp: Như trong A-tỳ-đàm của Ca-chiên-diên-tử nói: “Hết thảy là thiện”; còn trong các A-tỳ-đàm khác nói: “Giới bất sát hoặc thiện hoặc vô ký”, vì cớ sao? Vì nếu giới bất sát ấy luôn luôn là thiện, thì người trì giới ấy, lẽ phải như là người đắc đạo, thường không bị đọa vào ác đạo. Do vậy nên hoặc có khi là vô ký. Vô ký thì không có quả báo, không sanh vào cõi trời, cõi người.

    Hỏi: Không có giới vô ký nên đọa địa ngục; lại do có ác tâm sanh nên đọa địa ngục?

    Đáp: Không sát sanh được vô lượng thiện pháp, làm hay không làm phước cứ ngày đêm phát sanh. Nếu gây một ít tội thì phước ấy thành có hạn có lượng, vì cớ sao? Vì nó theo có lượng mà không theo vô lượng. Do vậy nên biết trong giới bất sát hoặc có khi là vô ký.

    Lại nữa, có người không theo Thầy thọ giới, mà chỉ tâm sanh thề rằng: “Tôi từ ngày nay, không còn sát sanh”. Không sát như vậy, hoặc có khi gọi là vô ký.

    Hỏi: Giới bất sát ấy trói buộc vào cõi nào?

    Đáp: Trong A-tỳ-đàm của Ca-chiên-diên-tử nói: “Hết thảy thọ giới luật nghi đều trói buộc theo cõi Dục”. Còn trong các A-tỳ-đàm khác nói: “Hoặc trói buộc theo cõi Dục, hoặc không trói buộc”. Nói cho đúng nên có ba loại: Hoặc trói buộc theo cõi Dục, hoặc trói buộc theo cõi Sắc, hoặc không trói buộc. Việc sát sanh tuy ở cõi Dục, giới bất sát cũng phải theo việc sát mà ở cõi Dục. Chỉ ở cõi Sắc không sát, tâm vô lậu không sát, ấy là giới chân bất sát vì đã ngăn từ lâu xa...


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  6. #226
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 13
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, có người không thọ giới, nhưng từ khi sanh về sau, không ưa sát sanh, đó hoặc thiện hoặc vô ký, ấy gọi là vô ký.

    Pháp bất sát sanh ấy chẳng phải tâm, chẳng phải tâm pháp, cũng chẳng phải tâm tương ưng, hoặc cọng tâm sanh, hoặc chẳng cọng tâm sanh. Trong A-tỳ-đàm của Ca-chiên-diên-tử nói: “Không sát sanh là thân nghiệp khẩu nghiệp, hoặc có sắc tướng tạo tác, hoặc không có sắc tướng tạo tác, hoặc tùy tâm hành, hoặc không tùy tâm hành, chẳng phải là nghiệp báo của đời trước. Hai lối tu nên tu, hai lối chứng nên chứng. Do tư duy đoạn, thì hết thảy ở vào thân cuối cùng tại cõi Dục chứng được; do kiến đế đoạn, thời đoạn, thì phàm phu Thánh nhân chứng được. Nó là sắc pháp, hoặc có thể thấy, hoặc không thể thấy, hoặc là pháp có đối ngại, hoặc là pháp không đối ngại; pháp có quả báo, pháp không có quả báo; pháp hữu lậu, pháp hữu vi; pháp còn có pháp ở trên (pháp hữu thượng – đối lại là pháp vô thượng), chẳng phải là tương ưng nhân. Phân biệt như vậy; ấy gọi là giới bất sát.

    Hỏi: Giới của trong Bát chánh đạo cũng có giới không sát sanh, cớ sao chỉ nói giới không sát sanh là có quả báo, là hữu lậu?

    Đáp: Trong đây chỉ nói pháp thọ giới luật nghi, không nói vô lậu giới luật nghi.

    Lại nữa, trong các A-tỳ-đàm khác nói: “Pháp bất sát thường không đi theo tâm, chẳng phải nghiệp thân khẩu. Nghịêp hành không theo tâm thì hoặc có quả báo, hoặc không có quả báo. Pháp chẳng tương ưng với tâm thì hoặc là hữu lậu hoặc vô lậu”. Đó là điểm sai khác, ngoài ra đều đồng nhau. Lại có người nói: “Chư Phật Thánh Hiền không hý luận các pháp, chỉ thấy hiện tiền chúng sanh đều tiếc thân mạng nên Phật dạy chớ cướp mạng sống kẻ khác, cướp mạng sống kẻ khác đời đời bị đau khổ. Chhúng sanh thật có hay không sau sẽ nói.

    Hỏi: Người ta hay lấy sức thắng người, chiếm nước, giết oán, làm thợ săn lấy da thịt, để cứu giúp rất lớn. Còn nay không sát sanh được lợi ích gì?

    Đáp: Được không sợ hãi, được an vui. Ta không hại kia, kia không hại ta, do vậy không sợ không hãi. Người hiếu sát, tuy ở địa vị làm vua người, cũng không tự an được như người trì giới dạo đi một mình, không chi sợ sệt tai nạn.

    Lại nữa, người hiếu sát, các loài có mạng sống đều không ưa thấy, nếu không hiếu sát thì hết thảy chúng sanh đều ưa nương dựa.

    Lại nữa, người trì giới, khi mạng chung tâm được an lạc, không nghi, không hối, hoặc được sanh cõi trời, hoặc sanh cõi người, thường được sống lâu. Ấy là nhân duyên đắc đạo, cho đến khi được thành Phật, ở đời sống lâu vô lượng.

    Lại nữa, người sát sanh, thì đời này đời sau thọ các loại thân tâm đau khổ. Người không sát sanh, không có các nạn đó; ấy là lợi lớn.

    Lại nữa, hành giả suy nghĩ: “Ta biết tiếc mạng sống, yêu thân mình, thì kia cũng như vậy, cùng với ta khác gì?” Do lẽ ấy, không nên sát sanh.

    Lại nữa, nếu sát sanh thì bị người lành chê trách, kẻ oan gia ghen ghét, vì mắc nợ mạng nên thường hay sợ hãi, bị kia oán ghét, khi chết ăn năn, sẽ đọa trong địa ngục, hoặc trong loài súc sanh, hoặc sanh trong loài người thì thường phải chết yểu.

    Lại nữa, giả sử đời sau không bị tội, không bị người lành chê trách, oan gia ghen ghét, còn không nên cố cướp mạng kẻ khác, vì sao? Vì người có được tướng lành, còn không nên làm, huống gì cả hai đời đã có tội, đã bị quả báo xấu ác.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  7. #227
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 13
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, sát sanh là tội nặng nhất trong các tội, vì sao? Vì người khi gặp phải cái chết gấp, thì không tiếc vật qúy báu, mà chỉ lo cho mạng sống trước tiên. Ví như người khách buôn vào biển tìm châu báu, sắp ra khỏi biển, thuyền chợt bị vỡ, trân bảo mất hết mà rất vui mừng, đưa tay lên nói: ”Chút nữa mất vật báu lớn!” Mọi người lấy làm lạ nói: “Ngươi mất hết tài bảo, trần truồng thoát khỏi, cớ sao vui mừng nói: Chút nữa mất vật báu lớn? Đáp: “Trong tất cả vật báu, mạng người báu nhất. Người vì mạng sống mà tìm của báu, chứ không phải vì của báu mà tìm mạng sống”. Vì lẽ ấy, Phật dạy trong mười bất thiện đạo, sát sanh đứng đầu. Trong năm giới, giới bất sát cũng đứng đầu. Nếu người tu nhiều phước đức mà không có giới bất sát sanh, thời không có ích gì, vì sao? Vì tuy có được sanh vào nơi giàu sang, thế lực cường hào, mà không được sống lâu, thì ai thọ hưởng cái vui ấy? Do vậy biết trong các tội, tội sát sanh nặng nhất, trong các công đức, công đức không sát sanh lớn nhất. Trong thế gian, tiếc mạng sống là nhất, vì sao biết? Vì tất cả người đời, thà cam chịu hình phạt, tàn tật, khảo đánh để hộ mạng sống.

    Lại nữa, nếu có người thọ giới, tâm sanh, miệng nói rằng: “Kể từ ngày nay không giết hết thảy chúng sanh”. Thế là đối với vô lượng chúng sanh, đã đem thứ vật yêu trọng mà thí cho, nên được công đức cũng vô lượng. Như Phật dạy: “Có năm thứ bố thí lớn”. Những gì là năm? 1- Không sát sanh, là việc bố thí lớn, 2- Không trộm cắp, 3- Không tà dâm, 4- Không nói dối, 5- Không uống rượu, cũng như vậy.

    Lại nữa, thực hành Từ tam muội được phước vô lượng, nước lửa không hại được, đao binh không tổn thương được, hết thảy ác độc không thể trúng được. Vì hành năm sự bố thí lớn, nên được như vậy.

    Lại nữa, các bậc tôn quý trong ba đời mười phương, Phật là tôn quý nhất. Như Phật dạy Ưu-bà-tắc Nan-đề-ca rằng: “Sát sanh có mười tội. Những gì là mười? 1- Tâm thường ôm độc đời đời không dứt. 2- Chúng sanh oán ghét, mắt không muốn nhìn. 3- Thường ôm niệm ác, suy, nghĩ việc ác. 4- Chúng sanh sợ hãi như thấy Cọp Rắn. 5- Khi ngủ tâm sợ, thức bất an. 6- Thường có ác mộng. 7- Khi mệnh chung cuồng sợ cái chết dữ. 8- Gieo nghiệp nhân duyên của chết yểu. 9- Thân hoại mệnh chung, đọa trong địa ngục. 10- Nếu được làm người, thường phải chết yểu”.

    Lại nữa, hành giả tâm niệm suy nghĩ: “Tất cả loài có mạng sống, cho đến côn trùng, đều tự tiếc thân mạng. Cớ sao biết lấy y phục uống ăn để bảo hộ thân mình mà lại giết chúng sanh?!”

    Lại nữa, hành giả nên học pháp đại nhân. Trong hết thảy đại nhân, Phật là tối đại, vì cớ sao? Vì tất cả trí tuệ được thành tựu, mười trí lực đầy đủ, hay độ chúng sanh, thường hành từ mẫn, giữ giới sát sanh, tự được thành Phật, cũng dạy đệ tử thực hành tâm từ mẫn đó. Hành giả muốn học hạnh của đại nhân, cũng nên không giết.

    Hỏi: Nếu không xâm hại ta thì tâm sát có thể dứt được, còn nếu xâm hại, cưỡng đoạt, bức bách ta, thời phải làm sao?

    Đáp: Phải nên lường việc khinh trọng. Nếu người giết mình, trước nên tự suy nghĩ: “Cái lợi toàn giới là trọng hay toàn thân là trọng? Phá giới là mất mát hay tán thân là mất mát?” Suy nghĩ như vậy biết giữ giới là trọng, toàn thân là khinh. Nếu tạm khỏi nạn mà được toàn thân, thì thân được cái gì? Thân là chỗ tụ đọng của già bệnh chết, chắc chắn phải bại hoại. Nếu vì giữ giới mà mất thân, lợi ấy rất trọng. Lại suy nghĩ: “Ta trước sau mất thân, đời đời vô số, hoặc làm thân giặc ác, cầm thú, chỉ vì tài lợi mà làm các việc bất thiện, nay mới được vì sự giữ tịnh giới cho nên không tiếc thân. Xả mạng để giữ giới, hơn trăm ngàn vạn lần hủy cấm giới để giữ toàn thân, không thể ví dụ được”. Định tâm như vậy, nên phải xả thân để hộ tịnh giới. Như một vị Tu-đà-hoàn sanh trong một nhà đồ sát, tuổi sắp thành nguời, phải cai quản gia nghiệp mà không chịu sát sanh. Cha mẹ đưa dao và một con dê, nhốt ở trong nhà mà bảo: “Nếu không giết dê, không cho người ra mà thấy ánh mặt trời mặt trăng và sinh hoạt ăn uống”. Người con tự suy nghĩ: “Ta nếu giết một con dê này, bèn phải suốt đời làm nghiệp này, há vì thân mà gây nên tội lớn này ư?” Liền lấy dao tự sát. Cha mẹ mở cửa ra thấy dê đứng ở một phiá còn đứa con thì đã mệnh tuyệt. Ngay lúc tự sát, liền sanh lên cõi Trời. Hoặc được như thế ấy, là vì không tiếc mạng sống để hộ toàn vẹn tịnh giới. Những nghĩa như vậy, gọi là giới không sát sanh.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  8. #228
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 13
    __________________________________________________ ______________________________________


    Không cho mà lấy là, biết đó là vật của người khác mà sanh tâm trộm cắp, lấy vật đem đi khỏi chỗ cũ, cho là vật thuộc của ta; thế gọi là trộm. Nếu không làm, gọi là không trộm. Ngoài ra, phương tiện so tính, cho đến tay cầm mà chưa lìa khỏi chỗ; ấy gọi là cách giúp sự ăn trộm.

    Tài vật có hai loại: Có loại thuộc của người khác, có loại không thuộc của người khác. Lấy vật thuộc của người khác là tội trộm. Vật thuộc của người khác cũng có hai: 1- Vật ở trong làng xóm, 2- Vật ở chỗ trống. Vật ở hai chỗ ấy, có tâm trộm lấy, thì mắc tội trộm. Nếu vật ở chỗ trống, hãy kiểm xét biết vật ấy gần nước nào? Vật ấy phải có sở thuộc, không nên lấy. Như trong Luật tạng nói về các việc không trộm. Ấy gọi là tướng mạo không trộm.

    Hỏi: Không trộm có lợi ích gì?

    Đáp: Mạng sống có hai: Trong và ngoài. Nếu cướp tài vật, ấy là cướp mạng ngoài, vì sao? Vì mạng sống dựa nơi cơm ăn, áo mặc v.v... mới sống. Nếu cướp, nếu giật, ấy gọi là cướp mạng ngoài, như kệ nói:

    “Hết thảy chúng sanh

    Lấy cơm áo nuôi sống

    Hoặc cướp hoặc trộm lấy

    Ấy gọi là cướp mạng”


    Vì lẽ ấy, người có trí không nên cướp đoạt.

    Lại nữa, nên tự suy nghĩ: “Cướp giật được vật để cung cấp cho mình, tuy thân có đầy đủ rồi cũng phải chết, chết vào địa ngục. Tuy cả gia thất thân thuộc cùng được thọ vui mà chỉ riêng mình chịu tội, cũng không cứu được”. Quán sát được thế ấy, nên không nên trộm.

    Lại nữa, không cho mà lấy đây có hai thứ: 1- Trộm, 2- Cướp. Cả hai đều gọi là không cho mà lấy. Trong tội không cho mà lấy, trộm là rất nặng, vì sao? Vì mọi người đều lấy tài vật nuôi sống, mà đào ngạch khoét vách trộm lấy; vì không có sức hơn người, mà sợ chết nên mới trộm lấy, ấy là rất bất tịnh. Trong tội cướp đoạt, trộm là tội nặng. Như kệ nói:

    “Đói khát thân ốm gầy

    Thọ tội chỗ đại khổ,

    Của người không thể đụng,

    Giống như đống lửa lớn.

    Nếu trộm lấy của người,

    Chủ nó khóc áo não,

    Giả sử là Thiên vương,

    Cũng còn lấy làm khổ”.


    Tội của người sát sanh tuy nặng, chỉ là giặc đối với kẻ bị giết, còn người trộm cắp lại là giặc đối với hết thảy người có của. Nếu phạm các giới khác, có khi không phải là tội đối với trong nước khác, còn người trộm cắp, thì tất cả các nước đều trị tội.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  9. #229
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 13
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hỏi: Người cướp đoạt, đời nay có người khen cho là mạnh. Vậy đối với việc cướp đoạt; vì sao phải buông xả?

    Đáp: Không cho là mà trộm lấy, đó là tướng bất thiện. Trong sự cướp đoạt, tuy có so le, nhưng đều là bất thiện. Ví như đồ ăn ngon lẫn lộn chất độc, đồ ăn dở lẫn lộn chất độc; ngon dở tuy khác nhau mà chất độc không khác. Cũng như lúc sáng, lúc tối đạp lửa, ngày đêm tuy khác nhau mà cháy chân thì là một. Đời nay, người ngu không biết quả báo tội phước trong hai đời, không có lòng nhân từ, thấy người dùng sức xâm lấn nhau, cưỡng đoạt tài sản kẻ khác, khen cho là mạnh, còn chư Phật Hiền Thánh thì thương xót hết thảy, rõ suốt ương họa ba đời không mất, nên không khen ngợi. Do vậy nên biết tội trộm cướp đều là bất thiện, nên người lành và hành giả không làm. Như Phật dạy: “Không cho mà lấy có mười tội. Những gì là mười? 1- Chủ tài vật thường giận. 2-Bị người nghi cho phạm trọng tội. 3- Du hành phi thời, không trù tính. 4- Bạn bè với kẻ ác, xa lìa bậc hiền thiện. 5- Phá tướng lành. 6- Bị tội với quan. 7- Tài vật không vào. 8- Gieo nghiệp nhân duyên của sự nghèo. 9- Chết đọa vào địa ngục. 10- Nếu được ra khỏi mà làm người, siêng khó cầu tài vật, trở thành chung của cả năm nhà là hoặc vua, hoặc giặc, hoặc lửa, hoặc con bất hiếu sử dụng. Cho đến chôn dấu cũng bị mất.

    - Tà dâm là, nếu đối với con gái được cha mẹ, anh em, chị em, chồng, con cái, pháp luật thế gian, và phép vua thủ hộ, mà hoặc phạm đến, ấy gọi là tà dâm. Hoặc có người tuy không có ai thủ hộ, mà do pháp thủ hộ. Thế nào là pháp thủ hộ? Là hết thảy người nữ xuất gia và người nữ thọ giới trong một ngày; ấy là pháp thủ hộ. Nếu dùng sức, dùng tài vật, hoặc dụ dỗ, hoặc tự có người vợ thọ giới; có thai, có con đang thời kỳ bú; hoặc phi đạo; cho đến dùng tràng hoa cho dâm nữ để yêu sách. Phạm những điều như vậy gọi là tà dâm. Không làm những điều như vậy gọi là không tà dâm.

    Hỏi: Người thủ hộ nên người nổi sân, pháp thủ hộ nên phá pháp, nên gọi là tà dâm. Còn người đối với vợ mình, vì sao cho là tà?

    Đáp: Đã cho phép vợ thọ giới trong một ngày, đã ở trong pháp, tuy vốn là vợ mà nay không được tự do. Qua khỏi ngày thọ giới, thời chẳng phải là pháp thủ hộ. Lại, người vợ đang mang thai, vì thân thể kia nặng nề, chán thói cũ; lại vì sợ tổn thương bụng chửa; khi con còn thời kỳ bú mà hành dâm mẹ nó thì sữa khô kiệt; lại vì tâm nữ say dâm dục thì không còn săn sóc con. Chỗ phi đạo là không phải nữ căn, tâm người nữ không vui mà cưỡng ép phi lý nên gọi là tà dâm. Những việc ấy không làm, nên không gọi là tà dâm.

    Hỏi: Nếu người chồng không biết, không thấy, không phiền não thì người dâm kia có tội gì?

    Đáp: Vì nó là tà. Đã gọi là tà, ấy là bất chánh, cho nên có tội.

    Lại nữa, việc này có các tội lỗi: Tình chồng vợ tuy khác thân mà đồng thể. Cướp tình yêu của người khác, phá bổn tâm của người ta; ấy là giặc, lại mắc trọng tội, tiếng tăm xấu xa, bị người oán ghét, vui ít sợ nhiều, hoặc sợ hình phạt giết chết. Lại sợ chồng và người hai bên biết, thường ưa nói dối, bị Thánh nhân trách mắng là tội của trọng tội.

    Lại nữa, người dâm dật nên tự suy nghĩ: “Vợ ta vợ người, đồng là nữ nhân, xương thịt tình thái, kia đây không khác; mà vì sao ta sanh tâm mê lầm ngang trái, chạy theo ý tà?” Người tà dâm phá mất cái vui đời này, đời sau.

    Lại nữa, đổi chỗ xoay về mình, để tự chế tâm rằng: “Nếu người kia xâm phạm vợ ta, thời ta giận độc; nếu ta xâm phạm vợ người kia, thời người kia cũng thế khác gì. Suy bụng mình để tự chế cho nên không nên làm”.

    Lại nữa, như Phật dạy: “Người tà dâm, sau đọa vào địa ngục cây gươm, chịu đủ mọi khổ. Khi được ra khỏi mà làm người thì gia đạo bất hòa, thường gặp dâm dục, tà vậy, giặc ác. Tà dâm là hoạn nạn ví như Rắn độc, cũng như lửa lớn, không gấp rút xa lánh, thì họa lại ập đến”. Như Phật dạy: “Tà dâm có mười tội: 1- Thường bị phu chủ của người bị dâm muốn làm nguy hại. 2- Chồng vợ bất hòa, thường đấu tranh nhau. 3- Ngày ngày tăng trưởng các pháp bất thiện, tổn giảm các pháp thiện. 4- Không thủ hộ thân, vợ con côi cút. 5- Tài sản mỗi ngày hao mòn. 6- Có các việc dữ, thường bị người nghi. 7- Thân thuộc, tri thức không vui mừng yêu mến. 8- Gieo nghiệp nhân duyên về oan gia. 9- Thân hoại mạng chung, chết vào địa ngục. 10- Nếu được ra khỏi mà làm người nữ, phải chung chồng với nhiều người, còn nếu là người nam, thì vợ không trinh khiết.

    - Nói dối là, tâm không thanh tịnh, muốn dối gạt người, che dấu sự thật, xuất lời nói khác, sanh khẩu nghiệp; ấy là nói dối. Tội vọng ngữ là do hai bên cùng hiểu về ngôn ngữ mà có; nếu không cùng hiểu, thì tuy có nói không thật, cũng không có tội nói dối.
    Nói dối là, biết nói không biết, không biết nói biết; thấy nói không thấy, không thấy nói thấy; nghe nói không nghe, không nghe nói nghe; ấy là nói dối. Nếu không làm, ấy là không nói dối.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  10. #230
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 13
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hỏi: Nói dối có những tội gì?

    Đáp: Người nói dối trước hết tự dối mình, sau dối người. Lấy thật làm hư; lấy hư làm thật, hư thật điên đảo, không thọ nhận thiện pháp. Ví như cái bình úp, nước không vào được. Người nói dối, tâm không tàm quý, đóng bít cửa thiện đạo và Niết-bàn. Quán xét biết tội ấy, cho nên không làm.

    Lại nữa, quán xét biết thật ngữ lợi nó rất rộng lớn. Cái lợi của thật ngữ từ nơi mình ra, rất là dễ được. Đó là cái lực của hết thảy người xuất gia. Công đức như vậy, người tại gia xuất gia đều có cái lợi này. Đó là tướng của người lành.

    Lại nữa, người thật ngữ, tâm họ ngay thẳng, dễ được khỏi khổ. Ví như kéo cây ra chỗ rừng rậm, cây thẳng dễ ra.

    Hỏi: Nếu nói dối có tội như vậy, tại sao người ta nói dối?

    Đáp: Có người ngu si thiếu trí, gặp việc khổ ách, nói dối để cầu thoát khỏi, không biết việc pháp xuất đời này mắc tội, không biết đời sau mắc tội báo lớn. Lại có người tuy biết tội nói dối, nhưng vì xan tham sân nhuế, ngu si nhiều cho nên nói dối. . Lại có người tuy không xan tham sân nhuế, mà dối làm chứng tội người, tâm cứ bảo là thật, chết bị đọa vào địa ngục, như đệ tử của Đề-bà-đạt-đa là Câu-già-ly, thường tìm tòi lỗi lầm của Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Lúc ấy hai ngài hạ an cư xong, du hành qua các nước, lúc gặp trời mưa lớn, đến nhà người thợ gốm, nghỉ lại trong nhà chứa đồ đầy gốm. Trong nhà ấy, trước đã có một người nữ ngủ ở chỗ tối, hai ngài không biết. Đêm đó người nữ nằm mộng xuất bất tịnh, sáng sớm đi đến chỗ có nứơc để rửa. Bấy giờ Câu-già-ly ngẫu nhiên đi qua trông thấy. Câu-già-ly có khả năng xem tướng, biết tình trạng của người có giao hội, mà không biết được có mộng hay không mộng. Câu-già-ly quay nói với đệ tử: “Người nữ này đêm qua đã thông tình với người khác”. Liền hỏi người nữ: “Cô nằm ở chỗ nào?” Đáp: “Tôi ngủ nhờ trong nhà người thợ gốm”. Lại hỏi: “Cùng với ai?” Đáp: “Hai Tỳ-kheo”. Lúc ấy hai ngài từ trong nhà đi ra. Câu-già-ly thấy rồi, lại xem tướng xét nghiệm, trong ý cho rằng hai ngài chắc chắn đã làm điều bất tịnh. Trước đã ôm sẵn tâm tật đố, nay thấy việc này, đem rêu rao khắp các thành ấp xóm làng, sau đi đến Kỳ Hoàn, xướng lên tiếng xấu ấy.

    Giữa lúc ấy, Phạm-thiên vương đi đến muốn hầu Phật, Phật đã vào tịnh thất, yên lặng trong Tam muội. Chúng các Tỳ-kheo cũng đều đóng phòng vào tam muội, không thể đánh thức được, liền tự suy nghĩ: “Ta cố đến hầu Phật. Phật vào tam muội”, và muốn trở lui, lại nghĩ rằng: “Phật từ định dậy, chắc sẽ không lâu”, nên ngừng lại chốc lát và đi đến trước phòng Câu-già-ly, gõ cửa nói rằng: “Câu-già-ly! Câu-già-ly! Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên tâm thanh tịnh nhu nhuyến, thầy chớ hủy báng mà phải chịu khổ suốt đời”. Câu-già-ly hỏi: “Ông là người nào?” Đáp: ”Tôi là Phạm-thiên vương!” Hỏi: “Phật nói ông đã được đạo quả A-na-hàm, vì cớ sao đến đây” Phạm-vương tâm suy nghĩ mà nói kệ:

    “Muốn lường pháp vô lượng

    Không nên thử lấy tướng,

    Muốn lường pháp vô lượng,

    Người ấy bị che mắt”

    Nói kệ ấy xong, Phạm-thiên vương đi đến chỗ Phật, trình bầy đầy đủ ý đó. Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Khéo nói kệ ấy”. Bấy giờ Thế Tôn nói lại kệ ấy:

    “Muốn lường pháp vô lượng

    Không nên thử lấy tướng,

    Muốn lường pháp vô lượng,

    Người ấy bị che mắt”


    Phạm-thiên vương nghe Phật nói xong bỗng nhiên không hiện, liền trở lại cõi Trời. Bấy giờ, Câu-già-ly đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Phật nói với Câu-già-ly: ”Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên tâm thanh tịnh nhu nhuyến, ngươi chớ hủy báng mà phải chịu khổ suốt đời”. Câu-già-ly thưa Phật: “Con đối với lời Phật dạy không dám không tin, chỉ vì tự mắt thấy rõ ràng, biết chắc hai Tôn giả thật sự đã hành bất tịnh”. Phật mắng như vậy ba lần, Câu-già-ly cũng ba lần không chịu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi trở về phòng, toàn thân sanh mụn nhọt, mới đầu như hạt cải, lớn dần như hạt đậu, quả táo, quả nại, càng lớn như quả dưa, đông lại tiêu hoại, như lửa lớn đốt cháy, kêu la rên siết, chết ngay trong đêm ấy, sa vào Địa ngục Đại Liên Hoa.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •