ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬNTập 1 _ Cuốn 14 ___________________________________________________ ______________________________________
Phật nghĩ hạng người này không thể độ được, ngay giữa chúng Tăng, Ngài lên không trung mà đi, vào giữa rừng cây, yên lặng tam muội. Tội sân như vậy, thậm chí không chịu nghe lời Phật. Vì lẽ ấy nên hãy trừ sân, tập tu hành nhẫn nhục.
Lại nữa, thường tu nhẫn nhục thì dễ được từ bi. Người được từ bi thời đến Phật đạo.
Hỏi: Nhẫn nhục đều là tốt, song có một việc không thể được là bị kẻ tiểu nhân khinh mạn cho là sợ sệt. Vì lẽ ấy không nên nhẫn tất cả?
Đáp: Nếu vì sợ tiểu nhân khinh mạn cho là sợ chết mà không muốn nhẫn, song tội không nhẫn còn quá hơn thế, vì sao? Vì người không nhẫn bị người Hiền Thánh thiện nhân khinh chê, người nhẫn bị tiểu nhân khinh mạn. Trong hai thứ khinh ấy, thà bị kẻ vô trí khinh mạn, không thà bị Hiền Thánh thiện nhân khinh chê, vì sao? Vì người vô trí khinh điều không đáng khinh, còn Hiền Thánh chê điều đáng chê. Vì lẽ ấy nên tu nhẫn nhục.
Lại nữa, người nhẫn nhục, tuy không bố thí, thiền định mà thường được công đức vi diệu. Được sanh vào cõi trời, cõi người, sau được Phật đạo, vì sao? Vì tâm nhu nhuyến.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Đời nay người bức não ta, hủy nhục cuớp lợi, khinh mắng, buộc trói, ta nên làm nhẫn. Nếu ta không nhẫn, sẽ đọa địa ngục, thành sắt đất nóng chịu khổ vô lượng, đốt, nướng, sấy, nấu, không thể nói hết, vì sao? Vì tuy bị kẻ tiểu nhân vô trí khinh mà là quý, còn không nhẫn mà dùng oai, tuy khoái mà là hèn. Thế nên Bồ-tát nên nhẫn nhục.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta ban đầu phát tâm thề vì chúng sanh, trị tâm bệnh cho họ. Nay chúng sanh bị bệnh sân nhuế kiết sử, ta hãy trị bệnh đó, cớ sao lại lấy đó làm bệnh của mình? Hãy nên nhẫn nhục. Ví như thầy thuốc chữa trị các bệnh, nếu gặp bệnh Quỷ cuồng, rút đao mắng nhiếc, không phân biệt tốt xấu. Thầy thuốc biết bệnh Quỷ ám, chỉ vì trị bệnh chứ không sân nhuế”. Bồ-tát nếu bị chúng sanh đến sân não mắng nhiếc, biết nó đang bị bệnh sân nhuế phiền não cuồng tâm xui khiến, thì phải khéo léo chữa trị, không hiềm trách chi, cũng như vậy.
Lại nữa, Bồ-tát nuôi nấng hết thảy, thương yêu như con, nếu chúng sanh đến sân não Bồ-tát, Bồ-tát chỉ thương mà không não, không trách. Ví như cha lành vỗ nuôi con cháu, con cháu ấu trĩ chưa có biết gì, hoặc có khi mắng nhiếc, đánh đập, không kính, không sợ, cha vẫn thương nó ngu dại, càng thương yêu thêm. Tuy có tội lỗi, không giận, không buồn. Bồ-tát nhẫn nhục cũng như vậy.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu chúng sanh đem sự sân não đến cho ta, ta sẽ nhẫn nhục. Nếu ta không nhẫn, thì đời nay tâm hối hận, đời sau vào địa ngục, thọ khổ vô lượng. Nếu sanh vào súc sanh thì làm rồng độc, rắn dữ, sư tử, hổ lang. Nếu làm Ngạ quỷ thì lửa từ miệng ra, ví như người bị lửa đốt, khi đốt đau nhẹ, sau khi đốt đau nặng.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta làm Bồ-tát, muốn làm lợi ích chúng sanh, nếu ta không nhẫn nhục được, thì không gọi là Bồ-tát, mà gọi là người ác.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Đời có hai loại: 1- Chúng sanh số, 2- Không phải chúng sanh số. Ta ban đầu phát tâm, thể vì hết thảy chúng sanh. Nếu có chẳng phải chúng sanh số như núi đá, cây cỏ, gió rét, lạnh nóng, nước, mưa, xâm hại, thì chỉ lo chế ngự, không chút sân nhuế. Nay chúng sanh này là chính được ta vì họ, họ gia ác đến ta, ta nên nhẫn chịu, tại sao lại giận?”
Lại nữa, Bồ-tát biết từ lâu xa đến nay, nhân duyên hòa hiệp, giả danh là người, chứ không thật có pháp người, thì có ai để giận? Trong đó chỉ có xương, huyết, da, thịt, ví như bờ hủy, ngói mục. Lại như người gỗ, do máy móc động tác mà có đi có lại. Biết rõ như vậy, không nên sân giận, nếu ta sân giận, thì ta là ngu si, tự chịu tội khổ. Vì lẽ đó nên tu nhẫn nhục.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Vô lượng Hằng hà vô số chư Phật trong quá khứ khi hành Bồ-tát đạo, đều trước hết thực hành “Sanh nhẫn”, vậy sau mới thực hành “Pháp nhẫn”. Ta nay cầu thọ Phật đạo, điều trước hết thực hành “Sanh nhẫn”, hãy nên như pháp của chư Phật, không nên khởi tâm sân nhuế, như pháp của cảnh giới Ma. Vì lẽ ấy, nên tu nhẫn nhục.
Do vô lượng nhân duyên như vậy, cho nên hay nhẫn. Ấy gọi là Sanh nhẫn.
(Hết cuốn 14 theo bản Hán)