KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 598
__________________________________________________ ______________________________________


Chư Phật Thế Tôn biết họ thành tựu căn lành thù thắng về bốn sự hiểu biết thông suốt, biết họ đã đắc được chỗ công đức của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên dùng sức thần thông hộ niệm thêm, để họ tiếp nhận công đức bốn điều không sợ v.v… của chư Như Lai. Cho nên, Bồ-tát nào muốn cầu chứng đắc bốn sự hiểu biết thông suốt, muốn cầu tiếp nhận công đức bốn điều không sợ v.v… của Như Lai, thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chớ có chấp trước.

Lại nữa, này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thông đạt các pháp là nhân, hoặc tập, hoặc mất, hoặc diệt, không có một chút pháp nào mà không hợp với Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì các Bồ-tát ấy như thật biết rõ tướng nhân tập, diệt, đạo của các pháp.

Sau khi biết rõ tướng nhân tập, diệt, đạo của các pháp rồi thì đối với sắc không tu, không bỏ; đối với thọ, tưởng, hành, thức không tu, không bỏ. Đối với nhãn không tu, không bỏ; đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không tu, không bỏ.

Đối với sắc không tu, không bỏ; đối với thanh, hương, vị, xúc, pháp không tu, không bỏ. Đối với nhãn thức không tu, không bỏ; đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức không tu, không bỏ.

Đối với danh sắc không tu, không bỏ.

Đối với nhiễm tịnh không tu, không bỏ.

Đối với duyên khởi không tu, không bỏ.

Đối với điên đảo, tà kiến, các triền cái, ái hành không tu, không bỏ.

Đối với tham, sân, si không tu, không bỏ.

Đối với cõi Dục, Sắc, Vô sắc không tu, không bỏ.

Đối với địa, thủy, hỏa, phong, không, thức giới không tu, không bỏ.

Đối với hữu tình giới, pháp giới không tu không bỏ.

Đối với ngã, hữu tình, mạng sống, sự sanh, sự nuôi, trưởng thành, người, ý sanh, tuổi trẻ, người làm, người nhận, người biết, người thấy không tu, không bỏ.

Đối với đoạn kiến, thường kiến không tu, không bỏ.

Đối với bố thí, tham lam, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, sân hận, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, trí tuệ, ác tuệ không tu, không bỏ.

Đối với niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi, không tu, không bỏ.

Đối với tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí không tu, không bỏ.

Đối với đoạn điên đảo không tu, không bỏ.