KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 592__________________________________________________ ______________________________________
Phật bảo:
- Mãn Từ Tử! Bồ-tát cũng được định Diệt thọ tưởng, nghĩa là đối với định này sẽ được tự tại, nhưng chẳng hiện nhập. Vì sao? Vì Như Lai không cho chúng Bồ-tát hiện nhập định này, vì hiện nhập sẽ rơi vào địa vị Thanh văn hay Ðộc giác.
Này Mãn Từ Tử! Ta sẽ nói ví dụ cho ông, những người có trí nhờ ví dụ sẽ dễ hiểu được nghĩa sâu xa này. Như vua Chuyển luân tuy ở vùng biên địa xa xôi, nhưng thành ấp các nước nhỏ đều được an lạc, đâu cần vua Chuyển luân đi vào làng xóm của nước ấy. Lẽ nào vua Chuyển luân không đi đến nơi đó, thì nói nơi đó không được an lạc? Cũng vậy, chúng Đại Bồ-tát tuy không hiện nhập định Diệt thọ tưởng, nhưng đối với các định này đã được tự tại, do được tự tại nên gọi là đắc.
Này Mãn Từ Tử! Chẳng lẽ các Bồ-tát thường không hiện nhập định Diệt thọ tưởng, cho đến chưa ngồi tòa Bồ-đề vi diệu, thì chư Phật Thế Tôn không cho hiện nhập. Nếu khi được ngồi tòa Bồ-đề vi diệu, chư Phật Thế Tôn cho hiện nhập. Vì sao? Mãn Từ Tử! Chớ bảo rằng, các Bồ-tát do nhập định này liền rơi vào địa vị Thanh văn hay Ðộc giác, hoặc bảo chư Phật ngang đồng Nhị thừa, nên Phật Thế Tôn không cho hiện nhập.
Này Mãn Từ Tử! Như Đại vương Quán đảnh Sát-đế-lợi muốn vào trong chợ uống ruợu của thường dân. Khi ấy, có vị đại thần mưu trí can vua: “Bệ hạ không nên uống rượu ở chỗ này, nếu cần uống bệ hạ phải đợi về trong cung rồi uống.” Ý ông nghĩ sao? Chẳng lẽ vua không uống rượu ở chợ được sao, mà người đại thần kia ân cần can không cho vua uống? Vì chẳng phải chỗ, chẳng phải thời, nên đúng pháp Đại vương Quán đảnh Sát-đế-lợi không được uống. Tuy không được uống nhưng vua vẫn tuỳ nghi dùng rượu v.v… và các vật trong chợ được. Vì sao? Vì vua có quyền lực khắp quốc thổ, thành ấp, sở hữu, vật dụng của mọi người. Như vậy, Bồ-tát có trí thù thắng, do trí này nên thường hiện nhập định Diệt thọ tưởng, nhưng Phật không cho nên chẳng hiện nhập.
Vì sao? Vì nếu Bồ-tát nhập định Diệt thọ tưởng là phi thời xứ. Nếu khi Bồ-tát ngồi tòa Bồ-đề, dứt hẳn tất cả tưởng tướng hư vọng, chứng cảnh giới cam lồ, khi ấy mới nhập vào định Diệt thọ tưởng, sau chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, đầy đủ ba mươi hai tướng, làm lợi ích an vui cho vô lượng hữu tình.
Mãn Từ Tử bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát rất là hiếm có, làm được việc khó làm. Nghĩa là dù có sức phát trí lậu tận, song vì hữu tình không chứng lậu tận. Vì sao? Vì các Bồ-tát luôn luôn suy gẫm làm lợi ích an lạc cho hữu tình, nên ý vui tăng thượng thường hiện tiền.