Một vị
42. Nơi những hình tướng, hãy cắt lìa sự bám chấp của tâm thức ; Nơi tâm thức, hãy phá hủy hang ổ của những hình tướng tưởng tượng ; Nơi mà tâm thức và những hình tướng là một chính là tánh Không trống trải vô biên ; Trong sự chứng ngộ một vị, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Cách thức những hiện tượng khách quan xuất hiện cho chúng ta thật ra là một tác động của tâm một cách chủ quan. Những sự vật đối với chúng ta có vẻ hoặc sạch hay dơ, xấu hay tốt, hấp dẫn hay ghê tởm, chỉ tùy thuộc vào cách thức tâm thức riêng của chúng ta tri giác chúng. Như Shantideva nói về những cõi địa ngục.
Ai làm ra mặt đất bằng sắt nóng đỏ này ?
Từ đâu có ra những bờ sông lửa ?
Mọi sự ấy
Khởi sanh từ tâm thức tiêu cực xấu xa.
Thật vậy, khi các giác quan của các bạn gặp gỡ một đối tượng, cái phần mà bản thân đối tượng tác động chỉ là khởi xướng tiến trình của tri giác trong ý thức các bạn. Từ lúc đó trở đi, vì tâm thức các bạn phản ứng với đối tượng, bị ảnh hưỏng bởi tất cả thói quen được tích tập và những kinh nghiệm quá khứ, toàn bộ tiến trình là hoàn toàn chủ quan. Thế nên, khi tâm thức các bạn đầy giận dữ, toàn bộ thế giới có vẻ như là một cõi địa ngục. Khi tâm thức các bạn an bình, thoát khỏi mọi bám níu hay trụ trước, và bất cứ điều gì các bạn làm đều phù hợp với những giáo lý, các bạn kinh nghiệm mọi sự là thanh tịnh một cách nguyên sơ. Trong khi một vị Phật thấy những địa ngục là một thiên đường, thì những chúng sanh mê lầm thấy một thiên đường là những địa ngục.
Những tri giác của chúng ta được nhuộm màu bởi những vọng tưởng theo cùng cách như cái thấy của một người bị bệnh vàng da được nhuộm màu bởi mật trong đôi mắt, khiến nó thấy cái tù và màu trắng ra màu vàng. Chính sự bám chấp làm cho tâm thức phóng chiếu những vọng tưởng của nó lên những hình tướng. Khi tâm thức vừa tri giác vật gì, nó bám chấp vào tri giác ấy ; bấy giờ nó đánh giá đối tượng như là đáng ưa, kinh tởm hay trung tính ; cuối cùng, bước vào hành động trên cơ sở của tri giác méo mó này với thích muốn, ghét bỏ hay thản nhiên, nó tích tập nghiệp.
Để cắt đứt sự bám chấp của tâm thức, quan trọng là hiểu rằng mọi hình tướng hiện ra là trống không, như nước được các bạn thấy trong một ảo ảnh. Những hình thể đẹp không làm lợi gì cho tâm thức, những hình thể xấu cũng chẳng làm hại gì cho nó. Hãy cắt lìa những trói buộc của hy vọng và sợ hãi, thích muốn và ghét bỏ, và an trụ trong tánh bình đẳng với sự thấu hiểu rằng mọi hiện tượng là không gì hơn những phóng chiếu của tâm thức của tự các bạn.
Một khi các bạn nhận biết thật tánh của tâm thức, toàn bộ sự tưởng tượng bịa đặt này về những hình tướng tương đối và sự bám luyến vào chúng sẽ hoàn toàn sụp đổ. Tốt và xấu, sạch và dơ, mất đi hương vị thúc ép của chúng và tan thành một vị. Các bạn sẽ đạt đến sự chứng ngộ của Jetsun Milarepa, không phân biệt giữa sắt và vàng. Khi Gampopa dâng cúng ngài vàng và trà, Milarepa nói : “Ta là một lão già không cần vàng và cũng không có bếp để nấu trà.” Ở trong cái thấy này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Om Mani Padme Hum !
Không-thiền-định
43. Trong bản tánh của tâm, sự đơn giản của tánh giác trống không, mọi sự vật đều vốn giải thoát ; Những tư tưởng, sự sáng tạo tự do của tánh giác, đều thanh tịnh trong cảnh giới của chúng. Tâm và tánh giác là một trong tinh túy đơn nhất. Trong sự không-thiền-định của Pháp thân, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Bản chất tối hậu của tâm thức là tánh giác bổn nhiên, từ đó những tư tưởng lưu xuất như tia sáng chiếu ra từ mặt trời. Một khi bản tánh này của tâm thức được nhận biết, vọng tưởng tan biến như mây tan trong bầu trời. Bản tánh của tâm thức thoát ngoài vọng tưởng thì không có sanh, trụ hay diệt. Trong thuật ngữ của Mật chú thừa, nó được gọi là tâm bổn nguyên tương tục,(59) hay tính đơn giản thường hằng hiện diện. Nó cũng được diễn tả trong các kinh, chẳng hạn Bát Nhã ba la mật nói :
Tâm,
Tâm không hiện hữu
Sự biểu lộ của nó là tánh sáng tỏ.(60)
Khi các bạn khảo sát cái tâm tĩnh, cái tâm động và cái tâm có thể nhận biết sự tĩnh và động, dù cho các bạn có tìm kiếm bao lâu cái tâm, các bạn cũng sẽ không tìm thấy gì ngoài tánh Không : tâm không hình dạng, không màu sắc và không bản chất. Đây là phương diện trống không của tâm. Tuy nhiên tâm có thể biết những sự vật và tri giác vô số hiện tượng. Đây là phương diện sáng tỏ của tâm. Sự không tách lìa hai phương diện này, tánh Không và Sáng Tỏ, là tâm bổn nguyên tương tục.
Vào lúc này, sự sáng tỏ tự nhiên của tâm các bạn bị che ám bởi những vọng tưởng. Nhưng khi sự che ám này tan đi, các bạn sẽ bắt đầu khám phá sự chói sáng của tánh giác, cho đến khi các bạn đến một điểm mà, cũng như một hình vẽ trên mặt nước biến mất ngay khoảnh khắc nó được vẽ ra, những tư tưởng của các bạn được giải thoát ngay khoảnh khắc chúng khởi ra. Thể nghiệm tâm theo cách này là gặp gỡ nguồn gốc tối sơ của Phật tánh, sự thực hành của sự quán đảnh truyền pháp thứ tư. Khi bản tánh của tâm được nhận biết, đó gọi là niết bàn ; khi nó bị che ám bởi vọng tưởng, đó gọi là sanh tử. Tuy nhiên cả sanh tử lẫn niết bàn không bao giờ lìa khỏi dòng tương tục của cái tuyệt đối. Khi sự chứng ngộ tánh giác đạt đến mức độ đầy đủ của nó, những thành lũy của vọng tưởng sẽ bị phá vỡ và đô thành của Pháp thân vượt khỏi thiền định có thể được nắm lấy một lần cho mãi mãi. Ở đây không còn sự phân biệt nào giữa thiền định và sau thiền định, và kinh nghiệm được an trụ một cách không cố gắng ; đây là không-thiền-định. Trong cảnh giới vô biên của Pháp thân, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Tóm tắt, yoga nhất niệm nhấn mạnh sự thuần hóa tâm thức, và yoga của sự đơn giản kiến lập cái quán thấy. Hai cái này hợp nhất trong kinh nghiệm của một vị, và khi kinh nghiệm này trở thành không thể lay động, đó là yoga của không thiền định.
Bốn yoga của Mật chú thừa tương đương với năm con đường của hệ thống Kinh thừa. Bởi thế quan trọng là giữ gìn cái thấy, thiền định và hành động của cả kinh điển và tantra cùng với nhau. Mọi cấp độ khác biệt của giáo lý chỉ có một mục đích, là cắt đứt những phiền não che ám ; bởi thế chúng hoàn toàn đồng ý với nhau. Nhiều dòng suối khác biệt nhau của những giáo lý, phản ánh những nhu cầu của những học trò khác biệt và trí huệ của những vị thầy khác biệt, thực chất chỉ là một dòng sông độc nhất.
Vị y sĩ không ai sánh nổi của Takpo là Gampopa linh thánh, ban đầu phụng thờ một đạo sự Kadampa và thực hành con đường Đại thừa. Về sau, dưới chân Jetsun Milarepa, ngài thực hành những hệ thống mật thừa Mahamudra và nội nhiệt và những cái còn lại của sáu Yoga của Naropa, trở thành một trong những vị tổ của dòng Kagyu. Những vị thầy Kadampa vĩ đại, nổi tiếng vì sự thực hành hệ thống kinh điển, cũng đã dạy những đệ tử của các ngài giai đoạn thành tựu của Maha-mudra và sáu yoga, đã hòa trộn khéo léo tất cả những thực hành này. Chớ bao giờ quên rằng cái chính không phải là sự thực hành của chúng ta thuộc về kinh hay tantra, hoặc nó là cấp độ này hoặc cấp độ kia, mà là nó dùng như một đối trị hiệu quả đối với bám chấp và những phiền não che ám.
Om Mani Padme Hum !
Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)