KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 574
__________________________________________________ ______________________________________


Lại nữa, bạch Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã-ba-la-mật-đa, các thiện nam tử v.v… không được hơn thua trong các pháp, nghĩa là hoàn toàn không thấy pháp này hơn, pháp kia kém, đây là chơn Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế không có sự hơn kém. Nếu tu như vậy gọi là chơn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

- Diệu pháp của chư Phật không hơn sao?

Mạn-thù-thất-lợi thưa hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Diệu pháp của chư Phật không thể nắm bắt được, nên cũng không thể nói là hơn hay kém. Chẳng lẽ Như Lai không chứng được các pháp Không?

Thế Tôn đáp:

- Đúng vậy! Ðồng tử.

Mạn-thù-thất-lợi lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trong các pháp Không đâu có sự hơn kém?

Thế Tôn khen:

- Hay thay! Hay thay! Đúng như vậy! Đúng như vậy! Đúng như lời ông nói. Mạn-thù-thất-lợi! Pháp của Phật chẳng lẽ không phải là vô thượng?

- Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Tất cả pháp của Phật tuy thật vô thượng, nhưng ở trong ấy không có pháp nào có thể đắc, nên không thể nói pháp của Phật là vô thượng.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã-ba-la-mật-đa, các thiện nam tử v.v… chẳng muốn nắm giữ tất cả pháp của Phật, chẳng muốn điều phục các pháp của phàm phu; Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đối với tất cả pháp của Phật và pháp của phàm phu chẳng muốn tăng thêm và điều phục, vì đối với tất cả pháp không phân biệt. Nếu tu như vậy thì gọi là chơn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu Bát-nhã ba-la-mật-đa thì các thiện nam tử v.v… chẳng thấy các pháp có thể suy nghĩ, có thể phân biệt.

- Mạn-thù-thất-lợi! Đối với pháp của Phật, ông không suy nghĩ ư?

- Bạch Thế Tôn! Không suy nghĩ. Nếu con thấy có pháp chơn thật của Phật thì sẽ suy nghĩ, nhưng con chẳng thấy. Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng do phân biệt các pháp mà sanh khởi, nghĩa là chẳng phân biệt đây là pháp phàm phu, đây là pháp của Thanh văn, đây là pháp của Độc giác, đây là pháp của Bồ-tát, đây là pháp của Như Lai. Các thiện nam tử v.v… siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, ở trong các pháp hoàn toàn không có sở đắc, cũng không có gì để nói; nghĩa là chẳng nói có pháp tánh của phàm phu, cũng chẳng nói có pháp tánh của Thanh văn, cho đến pháp tánh của Như Lai. Vì sao? Vì các pháp tánh này đều rốt ráo Không, không thể thấy. Nếu tu học như vậy gọi là chơn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.