DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 4/19 ĐầuĐầu ... 2345614 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 31 tới 40 của 183
  1. #31
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẨM HIỆN HÓA

    Bấy giờ, Bồ-tát Thiện Tư thưa với Thiên vương Tối Thắng:

    - Hóa thân của Phật có thể biến hóa nữa không?

    Tối Thắng đáp:

    - Nay đối với việc đó lấy Thế Tôn làm minh chứng. Hóa thân của Phật lại có thể hóa làm hằng hà sa số vô lượng hóa thân Phật nữa, với vô lượng hình tượng thần thông để thuyết pháp làm lợi lạc hữu tình. Vì sao? Vì nguyện lực thuở xưa của chư Phật thanh tịnh nên mới được như vậy.

    Bồ-tát Thiện Tư lại hỏi:

    - Thiên vương thường thuyết pháp thâm sâu một cách khéo léo. Nếu gọi nguyện lực thuở xưa của Phật thanh tịnh thì cúi xin Thiên vương thỉnh thần lực Phật làm cho Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tồn tại lâu dài trên thế gian, không bao giờ diệt mất.

    Tối Thắng trả lời:

    - Thiện Tư nên biết! Tất cả Như Lai thường cùng nhau hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Vì sao? Vì văn tự để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, văn tự này chẳng khởi đầu, chẳng kết thúc, thường không ẩn mất. Ý nghĩa được hiển bày kia cũng chẳng khởi đầu, chẳng kết thúc, thường không ẩn mất. Do đó, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu của chư Phật cũng không ẩn mất. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh. Nếu pháp không sanh thì cũng không diệt, tức là giáo lý bí mật của chư Phật. Diệu lý như vậy thì Như Lai ra đời, hoặc không ra đời, tánh tướng vẫn yên lặng gọi là chơn như, cũng gọi là pháp giới, còn gọi là thật tế, thuận theo nhân duyên mà chẳng chống trái, đó là chánh pháp. Tánh nó thường trú vĩnh viễn không ẩn mất.

    Bồ-tát Thiện Tư lại hỏi Thiên vương:

    - Còn những người nào thường hộ trì chánh pháp?

    Tối Thắng đáp:

    - Những người nào chẳng trái nghịch tất cả pháp thì có thể hộ trì chánh pháp. Vì sao? Vì chẳng trái chánh lý, thường không tranh luận nên gọi là hộ trì chánh pháp.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  2. #32
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thiện Tư lại hỏi:

    - Thế nào gọi là chẳng trái chánh lý, thường không tranh luận nên gọi là hộ trì chánh pháp?

    Tối Thắng đáp:

    - Nếu thuận theo văn tự chẳng trái chánh lý, thường không tranh luận gọi là hộ trì chánh pháp. Vì sao? Vì hàng phàm phu thế gian đều đắm các kiến chấp. Người thuận theo chánh lý thời thường nói Không. Vì thế gian cùng họ tranh luận sôi nổi.

    Hàng phàm phu này thì mến chuộng pháp có.

    Người thuận chánh lý đối với pháp có lại coi khinh.

    Thế gian nói có: Thường, lạc, ngã, tịnh.

    Người thuận chánh lý nói: Vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh.

    Thế nên thế gian cùng họ khởi lên tranh luận. Những hạng phàm phu thuận dòng thế gian, còn người thuận chánh lý thì nghịch dòng thế gian. Vậy nên thế gian cùng họ khởi lên tranh luận.

    Phàm phu thế gian đắm uẩn, xứ, giới.

    Người thuận chánh lý hoàn toàn không có sự chấp đắm.

    Do đó thế gian cùng họ tranh luận.

    Phàm phu thuận theo đời chẳng hành chánh lý.

    Người thuận chánh lý cùng với đời trái nghịch nhau, nên thường không tranh, gọi là hộ trì chánh pháp.

    Bồ-tát Thiện Tư lại hỏi Tối Thắng:

    - Vậy hôm nay Thiên vương nên lấy gì?

    Tối Thắng đáp:

    - Thiện Tư nên biết! Ngã chẳng lấy ngã cũng chẳng lấy pháp.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  3. #33
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thiện Tư lại hỏi:

    - Vì sao chẳng lấy?

    Tối Thắng đáp:

    - Tự tánh ngã là xa lìa. Tự tánh của pháp và hữu tình cũng là xa lìa. Các sự xa lìa này cũng bất khả đắc.

    Tự tánh quá khứ là xa lìa. Tự tánh vị lai, hiện tại cũng là xa lìa. Các sự xa lìa này đều bất khả đắc.

    Tự tánh chư Phật chẳng phải xa lìa, tự tánh chư Phật chẳng phải không xa lìa. Tự tánh của quốc độ chư Phật chẳng phải xa lìa. Tự tánh của quốc độ chư Phật chẳng phải không xa lìa.

    Tự tánh các pháp chẳng phải xa lìa, tự tánh các pháp chẳng phải không xa lìa. Thiện Tư nên biết! Hành được như vậy gọi là thuận chánh lý. Không có pháp để lấy, không lấy mới có thể hộ trì chánh pháp.

    Bồ-tát Thiện Tư khen Thiên vương Tối Thắng:

    - Hay thay! Hay thay! Đại sĩ chính là người có thể thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này, không chấp lấy, không đắm, không văn, không tự, diệt các hý luận, lìa phân biệt và pháp bị phân biệt.

    Bấy giờ, trong chúng có một Thiên tử tên là Hiền Ðức, từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì chấm đất, chấp tay cung kính thưa với Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Thiên vương Tối Thắng đã nói không có sự phân biệt, đó là pháp nào?

    Phật bảo Hiền Ðức:

    - Thiên vương nên biết! Không có phân biệt ấy chính là pháp tịch tĩnh. Vì sao? Vì được lấy và bị lấy đều bất khả đắc, chẳng sanh chẳng diệt, lìa ngã và ngã sở. Như vậy gọi là pháp không phân biệt. Đại Bồ-tát nào quán như vậy thì mới có thể hộ trì chánh pháp, không thấy mình hộ trì và pháp được hộ trì.

    Khi nói pháp này mười ngàn Bí-sô tâm được giải thoát, hai ngàn Thiên tử xa lìa trần cấu, phát sinh pháp nhãn thanh tịnh.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  4. #34
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bồ-tát Thiện Tư hỏi Thiên vương Tối Thắng:

    - Những biện tài nào có thể thuyết pháp thâm sâu như thế?

    Tối Thắng đáp:

    - Bậc không còn tất cả tập khí phiền não, đã đạt được sự biện tài thì có thể nói pháp thâm sâu này. Vượt qua đường ngôn ngữ, không thể nghĩ bàn, thắng nghĩa diệu trí, biện tài như vậy mới có thể nói được pháp thâm sâu này.

    Bồ-tát Thiện Tư hỏi Thiên tử Hiền Ðức:

    - Vì sao trong pháp không sanh lại dùng sự biện tài để nói?

    Thiên tử Hiền Ðức đáp:

    - Đại Bồ-tát nào chẳng trụ pháp không sanh, không diệt thì không dùng biện tài để nói pháp thâm sâu. Vì sao? Vì xa lìa sự hý luận, không thấy năng duyên, không thấy sở duyên, tâm không có chỗ trụ, vì vậy nên có thể nói. Chẳng trụ ngã pháp, chẳng trụ đây kia, chỉ trụ trong thắng nghĩa thanh tịnh, thế nên có thể nói.

    Bồ-tát Thiện Tư liền thưa Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ lạ. Thiên tử Hiền Ðức thật là hiếm có, chính ngài mới có thể thông suốt pháp thâm sâu, biện tài vô tận.

    Phật bảo Thiện Tư:

    - Thiên Tử Hiền Ðức từ chỗ Phật Bất Động của thế giới Diệu Hỷ, mà đến thế giới Kham Nhẫn này nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Các ông nên biết! Thiên tử Hiền Ðức đã ở vô lượng trăm ngàn ức kiếp tu tập môn Đà-la-ni hiếm có, trải qua nhiều kiếp thuyết pháp cũng chẳng cùng tận.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  5. #35
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bồ-tát Thiện Tư lại bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Sao gọi là môn Đà-la-ni hiếm có?

    Phật dạy:

    - Thiện Tư! Sự hiếm có này là gọi các pháp không nhập môn Đà-la-ni. Môn Đà-la-ni vượt qua các văn tự, nói không thể nhập, tâm không thể lường, trong pháp nội ngoại đều bất khả đắc.

    Thiện Tư nên biết! Không có chút pháp nào có thể nhập vào đây được, thế nên gọi là các pháp không nhập môn Đà-la-ni. Vì sao? Vì pháp này bình đẳng không cao không thấp, không vào không ra, không một văn tự nào từ ngoài vào được, cũng không một văn tự nào từ trong mà ra, không một văn tự nào trụ trong pháp này, cũng không có văn tự cùng thấy được nhau, cũng chẳng phân biệt pháp khác với phi pháp. Các văn tự này nói cũng không giảm không nói cũng không tăng, từ xưa đến nay hoàn toàn không có sự làm ra và hoại diệt. Như các văn tự tâm cũng như vậy; như tâm tất cả pháp cũng như thế. Vì sao? Vì pháp lìa ngôn ngữ cũng lìa sự suy nghĩ so lường, từ xưa đến nay không sanh không diệt nên không vào ra. Do đây gọi là các pháp chẳng nhập môn Đà-la-ni. Nếu người nào thông suốt được pháp môn này thì biện tài vô tận. Vì sao? Vì thông suốt pháp vô tận chẳng dứt đoạn. Nếu người có thể vào được hư không thì có nhập vào môn Đà-la-ni này.

    Thiện Tư nên biết! Nếu Đại Bồ-tát thông suốt được môn Đà-la-ni này, tâm được thanh tịnh, thân ngữ cũng thế, sự tu hành thuận theo lý Bát-nhã vững chắc thì các quân ma không thể quấy nhiễu. Tất cả ngoại đạo chẳng dám đối diện, các nghiệp phiền não làm gì hoại được, thần lực vững vàng, tâm lìa sự khiếp nhược, hễ có thuyết giảng thì biện tài vô tận, có thể tuyên thuyết các môn Thánh đế thậm thâm vi diệu. Trí tuệ đa văn tựa như biển cả. An trụ tịch định dụ như núi Diệu Cao, như sư tử chúa giữa chúng không sợ. Pháp thế gian chẳng nhiễm, giống như hoa sen trong sạch. Làm lợi ích hữu tình ví bằng đất lớn. Rửa sạch cấu uế như dòng nước lớn. Thành thục thế gian sánh với các lửa dữ. Tăng trưởng pháp lành đồng như gió mạnh. Mát mẻ vui lòng như ánh sáng hiền hòa của mặt trăng. Thường phá đi những sự tối tăm như ánh sáng mặt trời. Phá dẹp phiền não oán hại như dũng sĩ oai hùng. Tâm tánh điều phục như voi chúa lớn. Thường vang sấm pháp dụ như rồng lớn. Mưa pháp rưới khắp ví như đám mây lớn. Như đại lương y chữa bệnh phiền não, giống như đại quốc vương khéo ngự trị thế gian. Như Tứ Thiên vương ủng hộ hữu tình và hộ trì chánh pháp.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  6. #36
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Như trời Ðế Thích giàu sang hơn hết, đối với trong trời, người. Tâm được tự tại như Đại Phạm vương làm chủ thống lãnh cõi Kham Nhẫn một cách tự tại, thân được vô ngại. Như Yết-lộ-trà chỉ dạy hữu tình. Như người cha của thế gian thường lưu chuyển pháp bảo. Như Tỳ-sa-môn có thể sanh ra các thứ quý báu thế gian, được trang nghiêm bằng phước đức trí tuệ. Những hữu tình nào trông thấy đều mong nhờ lợi ích. Ðược chư Phật Thế Tôn khen ngợi, các trời, rồng v.v... cùng nhau ủng hộ.

    Thiện Tư nên biết! Các Đại Bồ-tát nếu đắc môn Đà-la-ni này liền được tự tại, làm lợi ích hữu tình, phương tiện thuyết pháp mà chẳng cùng tận, tâm không mỏi mệt, chẳng màng lợi dưỡng tiếng khen, pháp thí bình đẳng không có bỏn sẻn, ganh tị. Thọ trì tịnh giới, ba nghiệp không lỗi.

    An nhẫn thanh tịnh lìa các sự giận dỗi, bực bội.

    Tinh tấn thanh tịnh làm việc thành tựu.

    Tĩnh lự thanh tịnh khéo léo điều phục tâm.

    Trí Bát-nhã thanh tịnh vĩnh viễn không nghi ngờ.

    Ðủ bốn Vô lượng như Đại Phạm vương thường tu hành các đẳng trì, đẳng chí một cách khéo léo, vào ra tự tại, hơn hẳn các thế gian, tu nhân Đại Giác đủ các phước tuệ, nhận lãnh ngôi quán đỉnh được tự tại lớn.

    Khi Phật thuyết môn Tổng trì này, trong chúng có sáu vạn bốn ngàn Bồ-tát được Bất thối chuyển, ba vạn Bồ-tát được Vô sanh nhẫn. Hai vạn trời người xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh. Vô lượng, vô biên trời, người v.v... đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  7. #37
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẨM ĐÀ-LA-NI


    Bấy giờ, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn, thật kỳ lạ! Như Lai đã nói: Các Đại Bồ-tát nếu được các pháp chẳng nhập môn Đà-la-ni như vậy thì thành tựu vô lượng, vô biên công đức.

    Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

    - Thiện nam tử! Công đức như thế, giả sử Như Lai nói trăm ngàn năm cũng chưa hết được.

    Khi ấy, trong chúng có vị Bồ-tát tên là Tịch Tĩnh Tuệ liền thưa với Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

    - Nếu Đại Bồ-tát chứng được môn Đà-la-ni này sẽ được đức Phật Thế Tôn khen ngợi. Bồ-tát ấy được lợi lớn hoàn toàn, tự hành hóa kia đều không phải Không.

    Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi bảo Bồ-tát Tịch Tĩnh Tuệ:

    - Thiện nam tử! Trong thắng nghĩa đế không pháp nào đáng khen vì không sắc không tướng. Cái không sắc tướng thì có gì đáng khen? Vì không gì đáng khen nên có cái gì để vui mừng.

    Tịch Tĩnh Tuệ lại thưa:

    - Tôi nghe trong Kế kinh, Như Lai nói: Tự tánh các pháp không có ngã, ngã sở, không thể làm cho vui cũng không thể làm cho giận. Pháp bình đẳng này các Bồ-tát cần nên học. Thí như đại địa dựa vào Thủy luân, nếu đào ao giếng thì được nước để dùng. Những kẻ không đào không do đâu mà có. Như vậy, cảnh pháp Thánh trí bình đẳng biến khắp tất cả pháp. Nếu ai siêng năng tu Bát-nhã liền được chứng đắc, còn người chẳng tu làm sao chứng được. Thế nên Bồ-tát mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì không nên biếng nhác. Nếu siêng năng tinh tấn như đã nói thì cảnh bình đẳng của pháp sẽ hiện ra trước mắt. Như người mù bẩm sanh không thể thấy màu sắc. Cũng vậy, hữu tình bị phiền não làm mù tối thì không thể thấy pháp bình đẳng. Như người có mắt nếu không có ánh sáng bên ngoài thì không thể thấy hoàn toàn màu sắc, hình tượng đã có.

    Cũng vậy, người tu hành tuy có trí tuệ nhưng không có bạn tốt thì không thể thấy pháp. Còn như người có thiên nhãn không nhờ ánh sáng ngoài, tự họ vẫn thấy được sắc. Cũng vậy, Bồ-tát nào dự vào dòng pháp thì tự nhiên thắng tiến. Ví như ở thế gian, người trong thai dần dần tăng trưởng nhưng chẳng tự thấy. Cũng vậy, những Bồ-tát siêng năng tinh tấn thì các hạnh tăng trưởng dần, dù chẳng tự thấy mà được thành tựu tất cả Phật pháp. Như trong núi Tuyết có cây thuốc ra quả mà thân cây, cành nhánh chẳng khô chẳng gãy.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  8. #38
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cũng vậy, Bồ-tát siêng tu tinh tấn được bao nhiêu thắng hạnh đều không lui mất. Như vua Chuyển luân xuất hiện ở đời đầy đủ bảy báu. Cũng vậy, Bồ-tát phát tâm Bồ-đề đầy đủ bảy pháp Bảo, là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã phương tiện thiện xảo. Như vua Chuyển luân dạo khắp bốn châu, tâm trải bình đẳng đến các loài hữu tình.

    Cũng vậy, Bồ-tát đem bốn Nhiếp sự làm lợi ích cho hữu tình với tâm luôn bình đẳng. Như vua Chuyển luân dù ở chỗ nào cũng không có sự tranh cãi, kiện tụng. Bồ-tát như thật thuyết pháp cũng không có sự tranh luận. Ví như thế giới tam thiên đại thiên lúc mới tạo thành liền có núi Diệu Cao và biển lớn.

    Cũng vậy, Bồ-tát khi mới phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề liền có Bát-nhã và tâm đại bi. Thí như lúc mặt trời mọc, những chỗ núi cao được ánh sáng chiếu trước. Bồ-tát cũng thế, nếu được đuốc Bát-nhã thì các Bồ-tát có hạnh thanh cao, các căn thuần thục sẽ được ánh sáng chiếu trước. Ví như đại địa có thể gánh vác tất cả cỏ, cây, hoa quả, thuốc thang thảy đều bình đẳng. Bồ-tát cũng vậy, chứng được môn Đà-la-ni này đối với các hữu tình tâm đều bình đẳng.

    Bấy giờ, đức Phật khen ngợi Tịch Tĩnh Tuệ:

    - Hay thay! Hay thay! Như lời ông nói: Các Đại Bồ-tát nếu đắc môn Đà-la-ni như vậy thì có nói ra lời gì dù một câu một chữ cũng đều là lời Phật. Những lời đã nói ra này đều xa lìa sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì sao? Vì pháp được nói ra đây chẳng phải thế tục, nên vô cùng vô tận, có thể làm cho tất cả thân tâm nhẹ nhàng thoải mái. Giả sử được nói trước trăm ngàn đức Phật cũng chẳng khiếp nhược. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này được Phật gia trì, tâm không có sự chấp đắm, nghĩa là không đắm ngã, không đắm hữu tình, không đắm các pháp. Do đó, chứng được chơn như thanh tịnh, pháp giới thanh tịnh, thật tế thanh tịnh, được pháp vô tận, văn tự vô tận, biện tài vô tận. Ngay khi ấy phát sanh sự hoan hỷ thù thắng vì được diệu tuệ, vì được diệu trí, vì không còn lưới nghi.

    Lúc Phật nói môn Tổng trì này, có tám ngàn Bồ-tát đắc các pháp như vậy, không nhập môn Đà-la-ni. Lại có một vạn hai ngàn Bồ-tát đắc Bất thối chuyển. Năm ngàn Bồ-tát đắc Vô sanh nhẫn. Một vạn sáu ngàn chúng Thiên tử xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh, vô lượng, vô biên các loài hữu tình đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  9. #39
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bấy giờ, Phật bảo Tịch Tĩnh Tuệ:

    - Ðà-la-ni này có thể chinh phục các ma, đánh dẹp ngoại đạo, phá hoại người ganh ghét pháp, đốt đèn Bát-nhã, dập tắt lửa phiền não, ủng hộ người thuyết pháp đưa họ đến Niết-bàn; điều phục nội tâm, khéo léo giáo hóa chúng ngoài; dung nghi nghiêm chỉnh, người thấy vui mừng. Vì người chánh hạnh, bình đẳng thuyết pháp. Như thật quán sát căn tánh hữu tình, truyền pháp đúng lúc không trước, không sau.

    Khi Phật nói các công đức như thế, trong thế giới tam thiên đại thiên, tất cả biển cả, núi chúa Diệu Cao, đất liền, các núi khác v.v... đều chấn động. Bấy giờ, trời rưới hoa Vi Diệu Âm, hoa đại Vi Diệu Âm, hoa Diệu Linh Thụy, hoa đại Diệu Linh Thụy, hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa Ca-mạt-la. Trong không trung, chư Thiên trổi các kỹ nhạc.

    Ðức Thế Tôn lại bảo Tịch Tĩnh Tuệ:

    - Thiện nam tử! Vô lượng, vô biên, vô số kiếp không thể nghĩ bàn trong quá khứ có đức Phật ra đời tên là Bảo Nguyệt, đầy đủ mười hiệu, nước tên Vô Hủy, kiếp tên Hỷ Tán. Ðệ tử Thanh văn ba mươi hai ức. Đệ tử Bồ-tát nhiều vô lượng, vô biên. Nhưng đức Như Lai ấy trước đó không có việc khổ hạnh và hàng phạt ma mà chứng Bồ-đề.

    Khi ấy, trong chúng kia có một Bồ-tát tên Bảo Công Ðức đủ biện tài kỳ diệu, có thể vì hữu tình nói nhiều loại pháp. Khi đó, các chúng thỉnh cầu đức Như Lai ấy đừng vào Niết-bàn, trụ lâu ở đời. Bảo Công Ðức bảo đại chúng:

    - Chư Phật Thế Tôn không sanh không diệt, cần gì khuyến thỉnh chớ vào Niết-bàn. Nếu hư không ấy vào Niết-bàn thì Như Lai mới thể vào đại Niết-bàn. Nếu có chơn như pháp giới, thật tế, cảnh giới bất tư nghì vào Niết-bàn thì Như Lai mới thể vào đại Niết-bàn. Vì sao? Vì pháp của Như Lai không thành, không hoại, không nhiễm, không tịnh, chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi; chẳng phải thường, chẳng phải đoạn; giả sử một miệng mà có mười lưỡi, mỗi mỗi lưỡi này lại sanh ra một trăm lưỡi, mỗi lưỡi này lại sanh ra ngàn lưỡi cũng không thể nói Như Lai thành hay hoại, cho đến không thể nói có thường hay đoạn. Vì sao đại chúng lại thỉnh cầu Như Lai chớ vào Niết-bàn để trụ lâu ở đời?

    Khi Bảo Công Ðức nói pháp ấy, có tám vạn sáu ngàn các chúng Bồ-tát được Bất thối chuyển. Bảy ngàn chúng Đại Bồ-tát đều đắc môn Đà-la-ni và được vô biên công đức: Môn Đà-la-ni duyệt ý, Đà-la-ni vô ngại, Đà-la-ni hoan hỷ, Đà-la-ni đại bi, Đà-la-ni nguyệt ái, Đà-la-ni nguyệt quang, Đà-la-ni nhật ái, Đà-la-ni nhật quang, Đà-la-ni núi chúa Diệu Cao, Đà-la-ni biển cả sâu rộng, Đà-la-ni công đức Bảo vương. Ba vạn sáu ngàn đại chúng trời, người xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  10. #40
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thế Tôn lại bảo Tịch Tĩnh Tuệ:

    - Bảo Công Ðức ngày xưa nay chính là ông. Do nhân duyên này ông mới có thể nói được các loại công đức của môn Đà-la-ni.

    Khi ấy, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi nói bài tụng:

    Tổng trì như thuốc hay,

    Chữa được các bệnh mê.

    Cũng như cam lồ thiên,

    Ai uống thường an vui.


    Đại Bồ-tát Công Ðức Hoa Vương lại nói bài tụng:

    Tổng trì không văn tự,

    Văn tự hiển tổng trì.

    Nhờ Bát-nhã đại bi,

    Lìa lời dùng lời nói.

    Bấy giờ, Thiên vương San-đổ-sử-đa liền từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính thưa Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Công đức của chư Phật không thể nghĩ bàn. Những điều Phật nói không thể nghĩ bàn. Các Đại Bồ-tát đã hành thắng hạnh, đã thuyết diệu pháp không thể nghĩ bàn. Chúng con và các trời nhờ đời trước đã trồng căn lành sâu dày, được gặp Như Lai nghe thuyết diệu pháp thâm sâu như vậy, nên đem vô lượng hương hoa tốt đẹp của trời rải dâng lên cúng dường Như Lai.

    Phật bảo Thiên vương:

    - Thiên vương nên biết! Những người muốn cúng dường Phật Thế Tôn phải tu ba pháp:

    Một là phát tâm Bồ-đề.

    Hai là hộ trì chánh pháp.

    Ba là như pháp tu hành.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 291 đến quyển 300
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 179
    Bài cuối: 11-21-2016, 04:19 PM
  2. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 221 đến quyển 230
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 143
    Bài cuối: 09-08-2016, 09:52 AM
  3. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 61 đến quyển 70
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 112
    Bài cuối: 03-31-2016, 10:03 AM
  4. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 51 đến quyển 60
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 135
    Bài cuối: 03-20-2016, 08:05 PM
  5. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 41 đến quyển 50
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 146
    Bài cuối: 03-07-2016, 05:01 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •