KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 569
__________________________________________________ ______________________________________


Thiên vương nên biết! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quán sát các pháp như vậy nhưng không thấy sự quán, không thấy có pháp để quán nên được thần thông tự tại. Vì sao? Vì tâm thanh tịnh nên thấy tất cả hữu tình thanh tịnh.

Thiên vương nên biết! Ví như hư không biến khắp tất cả, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng như vậy.

Khi thuyết pháp này ở trong chúng hội có tám vạn bốn ngàn trời, người đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng bồ-đề, ba vạn hai ngàn Bồ-tát được Vô sanh pháp nhẫn, tám vạn bốn ngàn hữu tình xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn tịnh, một vạn hai ngàn Bí-sô diệt sạch các lậu.

Khi ấy, Phật bảo Tối Thắng:

- Thiên vương nên biết! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tâm được thanh tịnh, thâm sâu như biển cả, phước đức trí tuệ không thể đo lường được, hay phát sanh công đức quí báu xuất thế hữu tình, sử dụng đạt đến Bồ-đề cũng không khô cạn. Phước đức Bồ-tát cũng không giảm bớt, giống như biển cả sanh nhiều châu báu. Trí tuệ Bồ-tát sâu xa khó vào được, Thanh văn, Độc giác không thể vượt qua. Thí như biển lớn thú nhỏ chẳng vào được.

Trí tuệ của Bồ-tát rộng lớn vô biên. Vì sao? Vì không chấp trước, không trụ, không sắc, không tướng. Trí tuệ của Bồ-tát từ trước về sau càng thêm sâu rộng, trước tiên là Bồ-đề tâm, về sau là trí nhất thiết. Pháp của Bồ-tát là vậy, không cùng ở chung với phiền não và bạn ác. Trí tuệ thế gian nếu vào trong biển trí tuệ của Phật thì chỉ là một tướng, một vị, đó là vô tướng; đạt đến trí nhất thiết là vị không phân biệt.

Trí tuệ Bồ-tát quán sát tất cả pháp không thấy thêm bớt. Vì sao? Vì đã thông suốt pháp tánh bình đẳng sâu xa. Năng lực đại từ bi của Bồ-tát chẳng trái với bản nguyện, là chỗ các bậc Thánh nương tựa để vì hữu tình thuyết pháp trong vô số kiếp không cùng tận.

Này Thiên vương! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đạt được pháp tánh sâu xa như vậy.

Này Thiên vương! Bồ-tát thông suốt hoàn toàn pháp thế tục. Tuy nói các sắc nhưng không thật có, tìm cầu sắc ấy chắc chắn không nắm bắt được; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Tuy nói địa giới nhưng không thật có, tìm cầu địa giới không nắm bắt được; thủy, hỏa, phong, không, thức giới cũng như vậy. Tuy nói nhãn xứ nhưng không thật có, tìm cầu nhãn xứ không nắm bắt được; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng như vậy. Tuy nói sắc xứ nhưng không thật có, tìm cầu sắc xứ không nắm bắt được; thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng như vậy.