CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
__________________________________________________ ______________________________________


VỊ LẠT MA TẠI PHIYANG


Chúng tôi vừa lại đền thì tỉnh trưởng của Rudol tới, đi cùng là sư trưởng của tu viện dòng Sakya tại Phiyang. Họ đến Tsaparang đêm hôm trước và hôm sau Lạt ma Phiyang lên đền màu đỏ, khi chúng tôi vừa tụng kinh buổi sáng xong và định bắt đầu công việc. Vị Lạt ma già với khuôn mặt đầy râu trắng và vẻ thân thiện, tỏ ra cho chúng tôi một niềm tin ông là một người chân thành tốt bụng và nghiêm túc. Sự giản dị, thái độ tự nhiên mà đáng kính và cách nói chuyện trầm tĩnh của ông cho chúng tôi thấy không phải ngại ngùng và những câu hỏi của ông xuất phát từ quan tâm tôn giáo chứ không phải để dò xét hay vì đãi bôi. Ông ngồi trước đền màu đỏ trong ánh nắng và nói chuyện tôn giáo ngay với tôi. Trước hết, ông hỏi tôi theo trường phái hay dòng nào, còn ông tuy là sư trưởng của một tu viện dòng Sakya nhưng thật ra thuộc dòng Nyingma và Kargyut. Tôi kể ông nghe về đạo sư Kargyut của mình và về Tomo Géché Rimpotsché và ông trả lời: “Không quan trọng là dòng tu nào. Chỉ có một điều quan trọng thật sự, đó là phép thiền định”. Sau đó ông nhắc lại một câu thơ nói lên ý này với những chữ: “Không có thiền định thì không có pháp; chỗ nào có pháp, chỗ đó có thiền định”.

Tôi có cảm giác được nâng đỡ một cách lạ thường với sự có mặt của con người này, người cùng ngồi với tôi, đơn giản và tự nhiên trên mặt đất và trong chiếc áo cũ kỹ không có gì khác với một du sĩ đáng kính. Trong buổi nói chuyện, ông không chút tò mò, ông không hỏi gì về cá nhân chúng tôi từ đâu đến, chúng tôi định làm gì ở đây. Câu chuyện của ông chỉ xoay quanh các vấn đề tâm linh và phép tu thiền định. Rõ ràng ông là người có tri kiến sâu xa nhưng ông đã bỏ tham vọng của sự thông thái đơn thuần và đã chứng thực những thông điệp của Phật trong đời mình.

Lần đầu tiên, chúng tôi không thấy tiếc công việc mình bị gián đoạn, vì sau khi rời tu viện của thầy, chúng tôi về lại miền Nam Tây Tạng, chúng tôi chưa gặp ai có khả năng cho chúng tôi cái cảm giác đã chứng ngộ như thế. Vì sự chứng ngộ như hương thơm tự nhiên của một đóa hoa, nó trực tiếp gây chú ý mà không có tính chất thôi thúc, nó lan tỏa xung quanh dù mọi người có để ý đến hay không. Chúng tôi không giải thích được nhưng Lạt ma Phiyang tỏa ra một niềm an bình làm mọi lo lắng của chúng tôi như tan đi. Cuộc chạy đua với thời gian làm cho chúng tôi luôn luôn bị căng thẳng bỗng nhiên chúng tôi cảm thấy vui lòng và bình an, thấy thời gian như không còn hiện diện. Với sự có mặt của Lạt ma Phiyang, dường như tất cả vấn đề hết nặng nề và chúng tôi chỉ mong muốn là ông ở lại lâu hơn với mình. Thế nhưng ông nói là trên đường đi Ấn Độ để thăm các Thánh tích, ông đã nhận lời cùng đi với vị tỉnh trưởng Rudok bao lâu hai người còn đi cùng hướng.