DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 14/18 ĐầuĐầu ... 41213141516 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 131 tới 140 của 176
  1. #131
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Mặt khác, tín đồ đạo Bưn hình như bắt chước mọi tính chất tiêu biểu của hình tượng đạo Phật. Họ có riêng các vị Phật và Bồ-tát, các vị hộ pháp riêng cũng với hình tượng phẫn nộ, các vị thiên thần, địa thần riêng, tên các vị đó khác với tên các vị trong đạo Phật, mặc dù hình dáng bên ngoài không khác bao nhiêu. Điều đó cũng đúng cho kinh sách của đạo Bưn. Không nhiều thì ít, các sách đó bắt chước kinh sách của đạo Phật và thậm chí có cùng tên (thí dụ kinh sách Bát Nhã), nhưng tín dồ đạo Bưn đề tên tác giả khác, cho nó có một khung cảnh hay nền tảng và thần chú khác; thí dụ thay vì OM MANIPADME HUM thì họ gọi là OM MATRI MUYSALEDU. Gốc các vị thần chính của đạo Bưn là hiện thân của không gian, của ánh sáng, của sự vô tận và của sự thanh tịnh và vì thế mà cũng dễ đồng hóa các vị ấy với hình ảnh cá vị Thiền Phật và Bồ-tát và dễ tiếp nhận toàn bộ các biểu tượng của truyền thống Phật giáo, như tòa sen, vật cưỡi, ấn quyết, màu sắc của thân; các đàn tràng hay pháp khí như Kim cương chử và chuông, lưỡi kiếm và đao trừ tà, cung tên, vũ khí, sọ người, và dao làm phép. Ảnh hưởng của đạo Phật lên đạo Bưn thật to lớn, để đạo này chỉ tồn tại được nếu họ tiếp nhận phương pháp Phật giáo về phân loại và trình bày cũng như cho giáo pháp Phật giáo về phần loại và trình bày những như cho giáo pháp mình một cái áo gồm những từ ngữ Phật giáo. Cái còn lại của ngày hôm nay, Bưn chỉ là tiếng vang của đạo Phật hay một nhánh của Lạt ma giáo. Hình như đây cũng là suy nghĩ của người Tây Tạng chất phác, vì như chúng tôi đã quan sát, thái độ của những bạn đồng hành, họ không hề để ý đây không phải là một tu viện Phật giáo. Họ chỉ xem đây là một nhánh của Phật giáo, khác với trường phái quen thuộc chỉ ở bên ngoài. Đó cũng là một lý do ngăn cản chúng tôi lúc đầu không nghĩ đó là tu viện của Bưn, mặc dù nó nằm trong tỉnh Schang- Schung, là cái nôi của đạo Bưn.

    Trước khi đi vào chánh điện, chúng tôi quan sát vòng tử sinh quen thuộc đặt trong tiền sảnh, dưới các bích họa. Thế nhưng thay vì mười hai hình thông thường vẽ mười hai khâu trong “thập nhị nhân duyên”, chúng tôi thấy mười ba hình. Hình thứ mười ba vẽ tình trạng nhập định của một hình tượng Phật, hình này được chen vào giữ cảnh sinh và tái sinh.

    Khi vào chính điện, chúng tôi nghĩ mình sẽ thấy hình tượng thờ cúng quan trọng nhất. Nhưng trước mắt là một bức tường trống, ở giữa là tòa của vị sư trưởng. Bức tường này không chiếm hết bề ngang của điện, để hai bên hai lối đi, dẫn đến một hành lang trên đó là các vị Thiền Phật. Và những ấn quyết của các tượng này không phù hợp với màu sắc truyền thống và các linh vật tiêu biểu cũng không khớp với các tòa sen cũng như các pháp khí. Thí dụ một hình tượng giống A-Di-Đà có thân trắng thay vì thân đỏ; tượng ngồi trên voi thay vì tòa sen có hình con công và mang tên Shenlha Okar, “Thần Shen của ánh sáng’. Để nhìn tượng được rõ, chúng tôi phải nghiêng người ra sau vì hành lang quá hẹp. Chúng tôi không rõ tại sao người ta lại tách những tượng này ra khỏi chính điện và nằm sau lưng tòa của sư trưởng. Cũng còn nhiều điều khó hiểu khác mà chúng tôi không tìm hiểu thêm, trừ phi chúng tôi bị buộc phải ở lâu nơi đây, điều mà chúng tôi cũng không muốn.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #132
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thế nhưng chúng tôi khâm phục sự sạch sẽ và kiên cố của điện, nó có tính chất vững chãi của một pháo đài và phản ảnh kế hoạch cũng như hành động của một đầu óc thông minh, rành mạch. Động cơ nào đã thúc vị sư trưởng xây dựng lại tu viện này, trong lúc không có ai ở và bản thân ông cũng ở lại trong động? Ai là tín đồ hỗ trợ cho một tu viện nằm trong một lũng chơ vơ thế này? Trên đường trở lại lều, chúng tôi nghĩ mãi về những điều này. Vừa đến gần nơi thì chúng tôi thấy một con chó từ lều nhảy ra. Thức ăn mà chúng tôi chuẩn bị cho cả ngày đã bị biến mất! Kể từ đó lúc nào chúng tôi cũng phải có người trông lều. Mặc dù điều này rất hạn chế vì chúng tôi không còn đi chung với nhau được, nhưng cũng may vẫn tìm thấy gần lều nhiều cảnh vật để vẽ và chụp hình. Chúng tôi bắt đầu lo ngại không biết mình phải ở đây bao lâu, vì không thể phí thời gian và thực phẩm quí báu được mà phải tới gần được mục đích chính của chuyến đi; cung điện hoang phế Tsaparang và đền của Rintschen-Sangpo. Chúng tôi trải qua một năm tại miền trung Tây Tạng chỉ để xin cơ quan trung ương cho đi nghiên cứu đền và tu viện Rintschen-Sangpo của thế kỷ thứ 10, 11 (khoảng giữa năm 950 và 1050). Thật cần thiết phải làm được càng nhiều việc càng tốt trước mùa đông - và nhất là trước mọi biến cố chính trị có thể đe dọa kế hoạch của chúng tôi.

    Cuối cùng sự kiên nhẫn của chúng tôi được đáp, vị tu viện trưởng đến lều thăm chúng tôi. Chúng tôi vui mừng chào hỏi ông, còn ông bổng nhiên biến thành một con người khác. Sự dè dặt cao ngạo và nụ cười giễu cợt khi thấy quyết định của chính quyền và nghe yêu cầu của chúng tôi đã nhường chỗ cho một khuôn mặt thân thiện và sự chia sẻ khó khăn. Chúng tôi nhấn mạnh lại lần nữa và phụ thuộc vào hảo tâm của ông và sẽ hết sức biết ơn những gì ông giúp. Chúng tôi không nhắc gì nữa về chính quyền Lhasa hay quyết định nọ và thay vào đó là lời khâm phục tu viện của ông. Những lời của chúng tôi xem ra làm ông vui lòng và đổi ý vì bây giờ ông hứa sẽ tìm cho một ít trâu bò và người hướng dẫn đưa chúng tôi qua đoạn đường khó trước mặt. Dựa trên bản đồ, chúng tôi nghĩ cứ đi theo bình nguyên dọc sông Langtschen-Khambab, theo thảm cỏ xanh mà đi là khỏe nhất như trong những ngày trước khi tới đây. Thế nhưng vị sư trưởng giải thích, con sông chảy qua một khe núi sâu khó đi, nên nếu theo dòng mà đi, chúng tôi phải vượt qua vô số hẽm núi sâu mà nước ở đó chỉ với một trận dông sẽ trở thành thác ngay. Vì thế ông khuyên chúng tôi nên đi dọc cao nguyên của dãy núi phía Bắc, đó là núi cắt lũng Gartok khỏi lũng Langtschen-Khambab. Vậy là chúng tôi phải bỏ kế hoạch thăm vài tu viện cổ ở Schang-Schung, điều đáng tiếc vì hy vọng tìm thấy ở dó thêm thông tin về nguồn gốc đạo Bưn. Nhưng vì sợ phải ở lâu và chần chờ thêm, chúng tôi bỏ ý định đó và nghe lời vị sư trưởng. Cách này cũng có thêm thuận lợi là chúng tôi sẽ bớt phải thay đổi đoàn tùy tùng.

    Vị sư trưởng giữ lời và hôm sau hai người đàn ông đến, mang theo trâu và xin làm với chúng tôi. Hai người đó xem ra đã già yếu, cả hai đều đi cà nhắc. Họ cho hay những người trẻ đều bận gặt hái cả và bản thân họ lúc đầu cũng ngần ngừ nhưng cuối cùng nể lời vị tu sĩ mà đến. Sau khi xem xét hành lý để biết cần bao nhiêu trâu, cuối cùng chúng tôi đồng ý giá cả, mặc dù cao hơn nhiều so với dự tính.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #133
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngày hôm sau công tác lên đường và mừng vì lại được ra đi. Suốt ngày hôm đó chúng tôi đi ngược dốc đá, không có đường sá gì cả. Hai cụ già đi cà nhắc chậm chạp phía trước, thỉnh thoảng bàn tán gì với nhau; hình như họ không biết rõ phương hướng gì lắm. Đến tối, chúng tôi tới một vùng cao nguyên mênh mông chập chùng, đây đó là những tảng đá rất lớn, hầu như những người khổng lồ đã dùng chúng để ném chọi lẫn nhau. Nơi đây cảnh vật không có chỗ nào đặc biệt để có thể ghi nhận hay định hướng trong một vùng rộng mênh mông đơn điệu và sau đó chúng tôi mới biết là những người hướng dẫn đường cũng không biết tí gì. Tất cả chúng tôi đều mệt lã người vì leo quá cao và tình trạng này còn khó thêm vì hiện đang ở độ cao 5000m và sẽ không cắm lều trại gì được nếu không kiếm ra chỗ có nước. Nhìn quanh xem ra không có dấu hiệu của sông suối cả.

    Sau đó một du sĩ và một cô bé ăn xin chừng 12 tuổi nhập bọn cùng chúng tôi. Cô tự nhận là một nữ tu nhưng hình như chỉ đến để có thức ăn và lửa trại ấm áp cùng chúng tôi. Trời đã chuyển lạnh tê tái nhưng không có góc đá kín gió lẫn chút củi khô nào. Cổ họng chúng tôi khô kiệt sau khi leo núi trong mặt trời chói chang mà chỉ khi buổi sáng mới giảm sức nóng.

    Về hướng Đông chúng tôi còn cảm thấy lần cuối đỉnh tuyết trắng xóa của Ngân Sơn, phía Nam lấp lánh các đỉnh tuyết của Himalaya. Ở giữa là đỉnh Kang-men, như một Ngân Sơn thứ hai, ngọn núi thiêng của Phật Menla, vị Dược sư và người cứu độ. Thật là hùng vĩ được thấy cái đẹp làm ta choáng ngợp, nó cho tôi cảm giác được bơi lội trên biển cả chập chùng những đá.

    Chúng tôi quá mệt mỏi để thưởng ngoạn cảnh quan này và cuối cùng khi kiếm ra một rãnh nước dưới một đống đá ngổn ngang thì hầu như hết sức mà dựng lều, nấu trà và ăn một ít lương khô mà tối hôm qua chuẩn bị sẵn. Li bị sốt không ăn được gì nhiều và đến khuya chúng tôi run lên vì lạnh, dù đã mặc bao nhiêu lớp áo và đắp đủ thứ mền. Nước mà chúng tôi lấy sẵn trong một cái bát cho ngày hôm sau bây giờ đã đóng băng cứng và bình nước chứa nước thiêng của hồ Manasarovar đã bị vỡ! Đây là mùi vị đầu tiên của mùa Đông đang đợi chúng tôi, nếu chúng tôi không chịu gấp rút.

    Các người tùy tùng, vị tu sĩ và cô bé ăn xin xem ra không khổ sở lắm vì cái lạnh, mặc dù họ không có lều và mền ấm. Chúng tôi chỉ biết ngạc nhiên khâm phục. Khi mặt trời lên, vị tu sĩ cúng nước và đèn buổi sáng; song song, ông đọc lời nguyện cầu và chúc lành cho mọi sinh vật. Khi tiếng chuông của ông vang lên trong gió lạnh buổi sớm và mặt trời huy hoàng vượt qua đỉnh núi thì chúng tôi cũng quên cảnh khổ tối hôm trước và lòng tràn đầy niềm vui của một ngày mới.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #134
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    THUNG LŨNG DAWA-DSONG


    Vài ngày sau khi từ vùng cao nguyên vắng người xuống được cổng đá của Kodschomor, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm với ý nghĩ, được bỏ vùng hoang vu cô quạnh để đến bình nguyên ấm áp. Nhìn xuống vùng lũng thấp uốn lượn nhẹ nhàng mà phía nam giáp với dãy núi tuyết Himalaya, công tác nghĩ bây giờ sẽ đi dọc được theo sông Langtschen mà không trở ngại gì. Tưởng đã đến lũng, nào ngờ chúng tôi thấy mình đứng bên bờ một cao nguyên và nhìn thấy phía dưới chằng chịt những suối, chiều cao hẳn cũng cả ngàn mét. Hầu như chúng tôi đến chỗ chân trời cuối đất và thấy không có cách nào hơn là phải quay trở lại; vì làm sao chúng tôi có thể xuống núi với trâu và ngựa nặng nề, dốc núi gần như thẳng đứng và sâu tới mức không thấy đáy? Và làm sao chúng tôi vượt qua khỏi mê hồn trận này, chập chùng chân trời rồi lại chân trời, đi hàng ngày thậm chí hàng tuần không hết?

    Chúng tôi vừa tự nhủ như thế thì những con trâu đầu tiên cùng người hướng đạo đã biến mất sau một hẽm núi, như bị trái đất nuốt chửng. Đó là một con đường hẹp mà chỉ người lữ hành có kinh nghiệm mới biết, nó dẫn qua các khe đá để đi vào một thế giới riêng. Thế nhưng cả con đường khó biết này cũng bổng biến sau đống đá vụn hay triền cát mà trên triền đó nguyên đoàn lữ hành kể cả trâu ngựa trượt dài xuống dưới với hy vọng sẽ dừng lại kịp thời trước khi một vách đá thẳng đứng xuất hiện. Khổ thay cho những ai phải vượt qua vùng này mà không ccó người biết đường hướng dẫn! Ngay của khi may mắn xuống tới được những dòng suối mà không mất mạng thì mất hành lý hay bị gãy tay gãy chân, thì việc đó ra khỏi lũng sâu đó còn khó nhiều hơn.

    Tôi còn nhớ rõ mình tính toán thế nào để ra khỏi lại hẻm núi ngày hôm sau khi lần đầu cắm lều trong một lũng sâu. Sau khi nghiên cứu địa hình, chúng tôi thấy chỉ có cách lội dọc theo một con suối cạn nhưng chảy mạnh, cho đến chỗ có phiến núi hay vách đá bên hông. Thế nhưng ngày hôm sau chúng tôi leo ngược lên vách đá - kể cả trâu và ngựa - chính là đoạn gần như dựng ngược mà chúng tôi ngay từ đầu đã loại bỏ khả năng này! Tới ngày hôm nay chúng tôi cũng không hiểu sao mình làm được kỳ công đó. Có lẽ chúng tôi đã tìm được chỗ vịn thế nào đó rồi kéo những con vật lên để cuối cùng tới được một đường hẹp nhô ra từ một vách đá thẳng đứng. Có nhiều cát mà vừa đặt chân lên đã bị trượt ngay.

    May thay chúng tôi sớm đến nền đất vững chắc. Sau vài tiếng đến được sông Langtschen-Khambab, chúng tôi đối diện với một chiếc cầu treo hẹp. Nó gồm có hai sợi dây cáp bằng thép treo song song, chúng mang những đoạn gỗ được cột một cách sơ sài. Không có gì để vịn, kể cả tay cầm hay dây và khi bước lên thì không những cầu uốn mình mà còn đu đưa qua lại. Với tình cảnh này, chúng tôi không làm được gì khác hơn là tháo hành lý khỏi lưng trâu và đem từng món một qua chiếc cầu rung rinh, cách khoảng ba bốn chục mét trên dòng suối reo chảy và lạnh như băng. Sau khi đem hết hành lý qua bên kia rồi, chúng tôi dắt trâu qua cầu, nhưng chúng cũng rất khôn, không chịu bước lên chiếc cầu đong đưa. Chúng tôi hồi hộp không biết làm sao thoát khỏi tình cảnh này. Những người giúp chúng tôi rất khéo léo. Họ đem được trâu đi xuống suối, làm đủ cách cho chúng lội qua suối, kêu gào cũng có, chọi đá cũng có. Giữa dòng nước chảy khá mạnh, chúng tôi sợ chúng bị cuốn theo; trong khi phía dưới suối thì bờ rất cao, không làm sao cho chúng lên bờ lại. Nhưng nhờ chọi đá mà trâu nghe lời, an toàn qua được bờ bên kia. Cuối cùng tất cả đều qua được cầu, nhưng “hồi hộp gần như tắt thở”, như thành ngữ Anh nói đúng (to have may heart in may mouth). Bây giờ chúng tôi biết rõ hơn bao giờ hết, tại sao mỗi đầu cầu Tây Tạng đều mang vô số cờ cầu nguyện! Người Tây Tạng tin tưởng sức mạnh cầu nguyện hơn sức mang của chiếc cầu và đối với họ thì tốt hơn là tin nơi sức mạnh thiêng liêng và sẵn sàng chịu những điều xấu nhất.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #135
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Mặc mọi khó khăn và hiểm nguy, chúng tôi được đền bù bởi cảnh đẹp hoành tráng của vùng lũng hẹp dưới chân núi đá, chúng càng hiển lộ ra nếu ta càng đi sâu trong đó. Ở đây núi non không còn chỉ là cảnh vật mà là kiến trúc với nghĩa cao nhất. Nó đã trở thành những đền đài khiến ta kính sợ, mà từ “đẹp” không đủ để diễn tả, vì công trình kiến trúc này quá đồ sộ và những hình tượng kỷ hà trừu tượng của chúng cứ lặp lại hàng triệu lần, chúng biến dần thành một nhịp điệu vĩ đại, thành một bản trường ca bằng đá, vô thủy vô chung.

    Mới đầu người ta tưởng rằng đây hẳn là tác phẩm của năng lực mù quáng của thiên nhiên, đối với người ngắm có vẻ như thế; chứ không phải là nhạc phẩm của một nghệ nhân siêu việt, trong một khuôn khổ xa sức cảm nhận của đầu óc con người, làm ta choáng ngợp. Thế nhưng điều đáng kinh ngạc không phải là cái muôn hình mà sự chính xác và tính qui luật của kiến trúc, nó được lặp lại trong một số hình tượng và nguyên lý tạo hình, cho thấy những sự nhất thể nằm trong một nhịp điệu càng lúc càng tăng, để đến cuối cùng, tất cả cảnh vật ghê gớm đó hầu như phát ra tiếng bằng một nhịp vận động duy nhất.

    Cả một dãy núi biến thành một loạt những tu viện vĩ đại. Vài trong số đó có dạng như những ngôi đền Ấn Độ giáo theo mô hình Khajurao, Bhuvaneshvar hay Konarak; số khác theo kiểu Nam Ấn Gopuram, một số khác lại có hình giáo đường kiểu gô-tích hay như những lâu đài huyền thoại với vô số đỉnh, tháp, trường thành.

    Nhờ không khí loãng trên độ cao này mà mọi chi tiết cảnh vật đều rõ nét, có thể nhìn được từ xa, đồng thời màu sắc có một sức sáng và tinh sạch mà trong các vùng thấp không bao giờ có. Ngay cả bóng cảnh vật cũng hiện ra với một màu trong suốt và bầu trời dường như luôn luôn không mây của Tây Tạng tạo nên một nền xanh thẫm, trên đó màu đỏ vàng hay đồng của đá nổi lên rõ nét và lúc mặt trời lặn, chúng cho một vùng ngũ sắc.

    Vùng đất đầy hẻm núi, lũng sâu kỳ diệu trải rộng hàng trăm cây số vuông này mà không ai biết đến; quả là một điều đáng kinh ngạc. Đồng thời lũng sâu nằm dưới đá núi này ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, nó còn cho thấy báu vật của một quá khứ to lớn, nó mở cho khách thấy những bí ẩn của một thế giới huyền hoặc, trong đó ước mơ đã thành sự thực nhờ sức mạnh kỳ diệu của tâm linh, chúng đã ngự trị phần đất này suốt cả ngàn năm và hình như vẫn còn đan quyện với nó một cách tinh tế. Đây là những lâu đài cổ đang giữ lại tài sản của con người để nói lên ước vọng được giải thoát, những pháo đài núi của kỵ mã thời trung cổ, những thị trấn của người chuyên ở hang động cũng như chốn thiêng liêng trong hang sâu của những bàn thờ bí mật với tất cả những báu vật nghệ thuật và kinh điển. Thế nhưng chúng không phải thuộc về quá khứ. Những thất của các vị sống ẩn cư sùng tín, chúng như những tổ chim én treo trên vách đá và cũng như tu viện và đền đài nằm kiêu sa trên các đỉnh núi hay ẩn trong các lũng kín đáo, chúng là nơi giữ cho ngọn lửa của lòng tin và truyền thống được sống mãi.

    Mặt khác đây là một vùng đất chết, một vùng đất đang dần dần biến thành cát bụi, như những vùng Trung Á, cách đây ngàn năm là trung tâm văn hóa phồn vinh nay đã thành sa mạc, như sa mạc Gobi hay Takla-mankan. Miền Tây Tây Tạng và đặc biệt là vùng Ngari Kharsum, cách đây chưa đầy một ngàn năm là nơi nuôi sống nhiều dân tộc và sản sinh một nền văn minh đáng kể, ngày hôm nay hầu như không còn người ở, chi còn vài ốc đảo, nơi mà con người hết sức cố gắng tưới tiêu mới trồng được chút lúa mì, lúa mạch.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #136
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sự khô cằn của miền tây Tây Tạng có lẽ có cùng chung nguồn gốc với các sa mạc Trung Á. Các nhà địa chất cho biết, dãy Himalaya ngày càng trồi cao cho nên ngày càng ít mây đen qua được bên kia núi, núi đã ngăn chúng lại. Phía Tây Tạng của Himalaya ngày nay còn nhiều tảng băng sơn lớn nhưng theo các nhà địa chất thì chúng là băng sót lại của thời kỳ xưa, vì lượng tuyết rơi cả năm ngày nay không đủ để giải thích sự hiện diện của những băng sơn đó.

    Thế nên có nhiều vùng lớn của Tây Tạng sống nhờ dự trữ băng của thời tiền sử, và khi những dự trữ này hết đi thì đất sẽ trở thành sa mạc; vì ngay bây giờ mà mưa hay tuyết cũng không đủ nước để trồng trọt. Người ta có thể ngạc nhiên tại sao đất Tây Tạng lại chóng bị xói mòn trong lúc thật ra có ít mưa hay đổ tuyết. Lý do là sự khác biệt nhiệt độ quá lớn giữa ngày và đêm; chúng quan trọng tới mức mà đá cũng phải vỡ và những tảng đá khổng lồ cũng có thể biến thành cát. Với điều kiện này thì chỉ cần một vài trận mưa và nước từ băng sơn chảy ra, thêm vài trận bão thỉnh thoảng xảy ra là đủ để xói mòn đất đai.

    Muốn biết qui trình khô cằn và sự hình thành sa mạc diễn ra nhanh như thế nào, ta nhớ chỉ cách đây khoảng 600-700 năm còn nhiều loại cây có lá mọc trong vùng, ngày nay chúng không còn như tại Bắc cực. Hay khi ta nhớ đến các phế điện, các thị trấn chết, cách đây 500 năm chúng vẫn còn phồn vinh đầy sức sống, xung quanh là đất đai mầu mỡ, nhờ đó mà dân chúng sống sung túc. Những thành thị này đều là xứ sở của vua chúa và học giả, quan quân và thương nhân, nghệ nhân có tài là thợ thủ công chăm chỉ, họ đem tài nghệ và khả năng của mình ra để phụng sự cho đền đài tu viện, thư quán cũng như các tác phẩm tôn giáo. Trong lịch sử Tây Tạng ta được nghe tới những tranh ảnh thờ phụng hay pháp khí bằng vàng bạc, và chúng ta không có lý do để cho rằng đó chỉ là sự phóng đại, nếu chỉ cần nhớ lượng vàng cần để thếp các mái điện, hình tượng, bích họa, các phẩm vật trang trí và các pháp khí cúng dường. Cả những bức tượng thật lớn làm bằng kim loại hay đất nén cũng được phủ một lớp vàng chắc chắn. Như trong thời kỳ Inka, trong đó vàng được xem là của riêng của thần Mặt trời thì tại Tây Tạng người ta cũng xem vàng chỉ để trang hoàng cho các vị Giác ngộ và giáo pháp của các vị đó. Quả thật là giáo pháp này thường được viết bằng vàng hay bạc và được trang trí hay minh họa với hình tượng tí hon làm bằng vàng.

    Khó có thể tưởng tượng lòng sùng tín của người dân Tây Tạng vào thời kỳ đó, cái đã làm cho con người biến một vùng sông suối khó khăn và núi rừng hoang vu để trở thành một thiên đường hòa hợp, của biểu tượng văn minh, trong đó tâm linh được coi trọng hơn uy lực thế gian và sự giàu có, và có một nửa dân chúng dành thời giờ để thiền quán, để thực hiện những tác phẩm nghệ thuật và để sống cuộc sống tôn giáo, mà không phải chịu hy sinh gì lớn hay xao nhãng trách nhiệm xã hội.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #137
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trong tác phẩm nổi tiếng The Lost horizon (Chân trời đã mất), khi James Hilton mô tả “thung lũng mặt trăng xanh”, ông không quá xa so với sự thực mà bản thân ông hay độc giả có thể nghĩ. Có một thời kỳ mà trong những vùng hẻo lánh của Tây Tây Tạng có những lũng bí ẩn, phải đi qua những khe đá chật hẹp mà chỉ có dân trong vùng mới biết. Trong những vùng sâu đó, cạnh những con suối, là vườn tược đầy hoa, bao quanh bởi cây xanh, ruộng lúa mì vàng rực và thảo nguyên nhờ những dòng nước trong như pha lê đổ từ núi xuống. Trên những đỉnh núi đá gần đó là đền đài chùa tháp, trên sườn non là hàng ngàn hang động sạch sẽ, trong đó có người sống, không bị cái lạnh cái nóng xâm chiếm, họ sống một cuộc đời đơn giản nhưng đầy đủ, không chiếm đất đai mầu mỡ của vùng vì việc xây dựng nhà cửa. Họ sống trong ánh nắng vĩnh cửu của mặt trời, không gì phiền toái cho họ. Mưa tuyết lạnh giá của cao nguyên hay đời sống chạy theo quyền lực của một thế gian không biết nghỉ.

    Trên đường về Tsaparang, chúng tôi may mắn bất ngờ được “lạc” vào trong một lũng như thế; nó có tên thích hợp là “lũng của lâu đài mặt trăng” (Dawa-Dsong). Đoàn người được thuê vừa đưa chúng tôi đến đây đã vội quay về, chẳng cần biết có tìm ra người đi tiếp hay không, để chúng tôi lại một mình, xung quanh không bóng người. Họ cũng nhất định không chịu ngủ nán thêm một đêm. Họ tháo hành lý của chúng tôi để bên cạnh một con sông cạn, chảy qua lũng rộng, quanh là chập chùng những núi mà vòm và tháp giống như một pháo đài khổng lồ của một thế giới nào xa lạ lắm.

    Khi chúng tôi lo cắm lều, chất lương khô vào lều và chuẩn bị ăn tối thì mặt trời đã lặn và thế giới rút lại chỉ còn bốn phía của chiếc lều. Bóng tối bao xung quanh chúng tôi như một tấm màn bảo vệ. Ngày hôm sau khi ngủ dậy và nhìn xung quanh thì ý nghĩ phải còn ở đây lâu không làm chúng tôi hãi sợ. Ngược lại chúng tôi mừng vui thấy các chuyện tưởng là phiền, cuối cùng lại cho mình cơ hội được nghiên cứu và vẽ lại một vùng đất không thể tưởng tượng được, hầu như là tranh minh họa của tác phẩm Reise nach dem Mond (Du hành mặt trăng) của Jules Verne chứ quang cảnh không thuộc trái đất này.

    Những người khác chắc hẳn sẽ cảm thấy bất an vì sự cô đơn và kỳ bí của vùng này. Còn với chúng tôi nó là một thiên đường, một thế giới kỳ diệu với những tảng đá hình thù lạ lùng; chúng xếp nhau từng lớp biến thành tháp cao ngất và chĩa hàng trăm mét cao lên trời xanh, như một bức tường bảo vệ huyền bí cho ốc đảo xanh tươi này, nơi đây được nước nguồn và suối núi tưới tiêu.

    Một số lớn những tháp thiên nhiên vừa nói được người sống cách đây hàng trăm năm biến thành thạch thất - đó là những nhà chọc trời đích thực. Họ đã khéo léo khoét rỗng các tháp đó, biến nó htành một hệ thống những phòng con, nối với nhau bằng cầu thang và có nhiều cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Nhóm các tảng nhỏ được làm như tổ ong và cứ mỗi tổ như thế là một chỗ ở. Một loạt những nhà hình khối đường như di tích của làng tu, mà chính điện được xây trên đỉnh một núi đá.

    Đỉnh núi được trang hoàng bằng đền đài, tháp thờ, tu viện và phế tích của lâu đài cũ và cho một cái nhìn tuyệt vời xuống lũng, nơi được che chắn bởi những ngọn tháp đá nằm kế bên nhau như những cột của một cây đàn organ trong nhà thờ và bởi hàng trăm thạch thất với những cửa sổ của chúng.

    Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là chính điện, không những không hư hại, mà mái điện thếp vàng, trong cảnh hoang vu những đá và phế tích này nó lại chiếu sáng như một viên ngọc bỏ quên - dấu tích và biểu hiện của thời huy hoàng cũ của một niềm tin sống động đã nở hoa nơi đây, khi lũng còn chứa hàng ngàn người và được các nhà vua anh minh cai trị. Phế tích của các bích họa cho thấy rằng đền này đã xây khoảng cuối thế kỷ thứ 10, tức là khoảng một ngàn năm trước.

    Chỉ trừ vài người chăn thú, họ cho dê cừu ăn cỏ trên thảo nguyên của lũng, có lẽ chúng tôi là những người duy nhất đi qua thành phố thạch thất bị bỏ quên này.

    Một sự yên tĩnh đến nao lòng! Một sự cô tịch xâm chiếm tâm can! Một sự yên tĩnh đầy tiếng nói của quá khứ; một sự cô tịch vẫn đầy sự hiện diện của vô số thế hệ đã sống, đã dựng xây thành thị và đã ở tại đây. Nhiều thạch thất này đã là trú xứ và thiền phòng của tu sĩ và ẩn sĩ, nên cả chốn này chứa đầy những tâm hồn hiến dâng và đời sống quán tưởng. Những tảng đá hầu như quên mình vươn vút lên trời xanh.

    Như một miếng sắt khi có từ tính thì giữ sức hút trong một thời gian; tương tự thế, nơi đây có một không khí của sức mạnh tâm linh và sự tươi sáng còn giữ lại, nó làm ta quên lo ngại và sợ hãi, lòng tràn đầy an bình và sáng sủa lạ lùng.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #138
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chúng tôi cắm lều ở đây đã một tuần, nhưng thời gian dường như dừng lại trong lũng, đến nỗi chúng tôi không còn nhớ tới nữa. Người ta kể tôi nghe Dawa-Dsong là chỗ ở của một vị tỉnh trưởng. Thế như nhà (dsong) của ông không gì khác hơn là một căn nhà nhỏ, cây cối bao quanh, tại chân của cổ thành phế tích gần bờ tường thành, chỗ cắt lũng Dawa-Dsong với lũng chính. Chúng tôi thất vọng khi nghe vị tỉnh trưởng đi thị sát và không ai biết bao giờ ông sẽ về, kể cả vợ ông cũng không biết gì; bà ở nhà một mình với hai người hầu cận. Khi nghe tôi gặp khó khăn trong vấn đề di chuyển, bà hứa với tôi sẽ giúp. Nhưng hiện nay trâu đang ăn cỏ trên cao nguyên và không có ai bắt nhốt chúng lại cả, vì chồng bà đem theo tất cả nhân viên. Theo tập tục của Tây Tạng thì tỉnh trưởng đi đâu cũng có cận vệ vũ trang đi cùng, không phải chỉ vì vấn đề an ninh thôi, mà vì uy tín cá nhân. Thế nên chúng tôi đành phải đợi - điều mà chúng tôi không muốn làm.

    Chiều nọ trên đường vẽ về, hôm đó Li phải canh lều, tôi gặp một vị Lạt ma già từ một trong những tòa nhà hư sập gần đền thờ có mái vàng đến. Ông chào hỏi thân thiện và xem ra cũng ngạc nhiên không kém tôi.

    Sau khi thăm hỏi xã giao, chúng tôi đi vòng quanh đền và quay bánh xe cầu nguyện để trên tường. Trong lỗ hổng sau bánh xe có bàn tay nào đã nhét vài tờ kinh vào đó, có lẽ chúng rơi từ trong đền hay tháp thờ nào, vì tại Tây Tạng không ai xé bỏ kinh sách, dù mẩu giấy nhỏ nhất, cũng không để cho chúng bị người hay thú dẫm nát.

    “Ông là Lạt ma”, bất ngờ ông già nói với tôi, hầu như ông tiếp tục cuộc đối thoại nội tâm, “nhưng ông từ xứ khác đến. Vậy ông đọc tờ Kinh được không?”

    “Tất nhiên là được”.

    “Thế thì ông đọc cái gì đây”, và ông rút ra một tờ nằm trong hốc sau bánh xe.

    Tôi đọc: “Con nguyện làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, vô lượng không gian; con nguyện đi trên con đường từ bi, nguyện cầu giác ngộ hoàn toàn”.

    Khuôn mặt của ông già sáng lên, ông nhìn sâu vào mắt tôi và nắm lấy hai tay như tìm lại người anh em lâu ngày lưu lạc nói: “Chúng ta cùng đi trên một con đường”.

    Không cần nói thêm gì nữa - trong lúc đá hầu như cháy sáng lên trong ánh chiều tà, tôi vội trở về lều nằm sâu trong lũng.

    Khi gần đến nơi thì Li cho hay, trong lúc tôi vắng mặt có một người đến báo, rằng trâu mà chúng tôi chờ mãi, nay đã được bắt lại và một hai ngày nữa sẽ đến với chúng tôi.

    Thật là một tin vui. Thế nhưng lòng buồn nghĩ, chúng tôi sẽ không bao giờ thấy lại mái vàng của ngôi đền thiêng liêng này, trong dó cả ngàn năm qua bao nhiêu tu sĩ đã đi theo đường giác ngộ và trong đó tôi tìm được một người bạn - người bạn vô danh và là kẻ đồng hành - mà mắt nhìn long lanh của ông còn đọng mãi trong tôi cùng với niềm an lạc và hạnh phúc sâu xa mà chúng tôi đã tìm thấy trong thung lũng kỳ diệu này.

    Lần sửa cuối bởi hoangtri; 12-24-2017 lúc 06:00 PM
    Om Mani Padme Hum !

  9. #139
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐẾN TSAPARANG


    Sau thời gian ở tại “lũng lâu đài mặt trăng” và những ấn tượng to lớn của vùng khe sâu lũng hẹp dưới chân núi dá trên đường tới Tholing, chúng tôi ngại rằng Tsaparang sẽ gây thất vọng hay ít nhất nó không tranh được với những kỳ diệu thiên nhiên mà chúng tôi đã gặp. Ngày cuối, khi từ một khe leo lên để tránh một mỏm núi, đột nhiên chúng tôi thấy một thành phố vươn lên, như đẽo từ đá, gồm toàn những đền đài và cung điện, thành phố của các nhà vua xưa, đó là đích của chúng tôi: Tsaparang. Sự bất ngờ của cảnh quan này làm chúng tôi nín thở và không dám tin những gì mình thấy.

    Như quyện trong ánh chiều thành phố nằm trên bầu trời tối, vây quanh là một chiếc cầu vòng như ánh hào quang. Chúng tôi sợ tất cả sẽ sớm biến mất như một ảo giác trên sa mạc sau khi chúng đã hiện ra - thế nhưng nó là sự thực không lay chuyển, như đá núi mà trên đó thành phố vươn cao. Ngay cả cầu vồng - một hiện tượng cực hiếm trong vùng đất hầu như không mưa này - cũng nằm lâu trong bầu trời và bao bọc thành phố như hào quang của những báu vật bí ẩn của những tượng vàng và sắc màu rực rỡ, mà những linh ảnh và các nền minh triết của quá khứ vàng son đã tạo thành tác phẩm nghệ thuật.

    Sau hai năm dài gian khổ của chuyến hành hương và sự bất định và sau hơn mười năm chuẩn bị, được thấy đích đến của mình nằm trong một hào quang rực rỡ, lòng chúng tôi không những tràn đầy xúc động mà còn thấy rằng đó là một điều kỳ diệu, nó xảy ra không hề do tình cờ. Đối với chúng tôi, đó là dấu hiệu cho thấy trước những biến cố và khám phá có ý nghĩa trọng đại - sự cảm nhận về trách nhiệm của mình mà chúng tôi phải làm cho đến cuối đời. Đó là sự tuyên bố rằng nổ lực của mình sẽ đưa đến thành công cuối cùng, đồng thời nó cũng là sự xác minh lòng tin tưởng của mình về sự hiện diện của những năng lực là đúng, đó là những sức mạnh dẫn chúng tôi đến đây và cũng vượt qua bao nhiêu hiểm nghèo.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #140
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chúng tôi đến thành phố bị quên lãng này lúc trời vừa tối và tìm được chỗ nghỉ trong một lều đá. Đó là phần trước của một hang động, từng là chỗ ở của những người đặc biệt trong kinh đô này của thời đại Guge. Ngày nay cư ngụ ở đây là một người chăn cừu có vợ con. Ông cũng là người bảo vệ cho ba ngôi đền thoát được sự tàn phá của chiến tranh và thời gian. Tên của ông là Wangdu. Ông rất nghèo, đúng như tục ngữ thường nói “như một con chuột trong nhà thờ” và mừng vui kiếm được ít tiền từ việc đem lại cho chúng tôi nước, gạo và sữa. Trong lều đá nhỏ xíu này, chúng tôi cố gắng sắp xếp tươm tất, mặc dù bên trong lởm chởm và tối đen, nó là hang động thiên nhiên hơn là chỗ ở cho người.

    Trong đêm đầu tiên dáng nhớ đó - đó là dêm 2.10.1948 - tôi viết trong nhật ký: “Mơ ước của đời tôi từ nhiều năm nay là viếng Tsaparang, được đưa ra ánh sáng những báu vật đã hoang tàn của nghệ thuật tôn giáo và truyền thống cổ xưa. Mười năm nay tôi hướng về mục đích này, mặc cho nhiều trở ngại và lời can ngăn của những người nghĩ rằng tôi đi tìm ngôi lầu xây trong không trung. Nay giấc mơ đã thành sự thực và tôi bắt đầu hiểu một giấc mơ khác mà tôi đã có từ ba mươi năm nay. Trong giấc mơ đó tôi thấy một ngọn tháp gỗ nằm trên đỉnh núi. Đó là một ngọn tháp cũ, gió mưa đã làm tróc sơn. Tôi buồn rầu khi thấy cảnh này vì nhớ rằng trong quá khứ, lúc còn nhỏ tôi đã từng đứng trong tháp ngắm cảnh vật xung quanh. Bỗng nhiên tôi thấy Phật hiện đến với tôi, Ngài cầm trên tay thùng đựng sơn và cọ. Tôi chưa kịp nói lên sự ngạc nhiên của mình thì Ngài đưa thùng và cọ cho tôi rồi nói: “Con hãy tiếp tục công việc này của ta và hãy nhận lấy”. Lòng tôi tràn một cảm giác vui sướng và đột nhiên hiểu rằng, tháp này là tháp của tri kiến, đó là biểu hiện của pháp, mà Phật đã xây nên cho những ai muốn vươn ra khỏi thế giới chật hẹp của mình. Vào thời đó, điều mà tôi chưa hiểu là, mình là người được chỉ định phụng sự pháp bằng sơn và cọ; để thể hiện pháp qua một số dạng hình đẹp nhất của nó trong các tác phẩm nghệ thuật cao quí, đưa nó ra khỏi sự quên lãng”.

    Và hồi đó tôi cũng không biết là mình sẽ có một người giúp sức có tài và hăng say, đó là Li Gotami, cũng là người phụng sự các bậc Giác ngộ như tôi và rất yêu thích các tác phẩm lớn của nghệ thuật văn hóa Phật giáo, mà biểu hiện cao quí và trọn vẹn nhất của chúng nằm tại Ajanta và Tsaparang. Chỉ những người mà đời sống tâm linh quan trọng hơn tiện nghi vật chất và niềm ước ao học được pháp Phật lớn hơn tham vọng của cải và quyền lực thế gian mới hoàn thành được những tác phẩm đó, qua đó mà cả tính chất hoang dã của một vùng đá sỏi trở thành sự phát biểu của cái nhìn nội quán và vật chất trần trụi trở thành sự thể hiện của thực tại siêu việt.

    Chúng tôi choáng ngợp trước uy lực của thực tại này, khi ngày hôm sau và chính điện của hai ngôi đền lớn, đền “trắng” và “đỏ”, màu của vách tường bên ngoài, chúng đã trường tồn, thoát mọi tàn phá. Những bức tượng vàng to hơn người thật phát sáng giữa màu sắc ấm áp của các bích họa trên tường, và sinh động hơn tất cả những tượng chúng tôi từng thấy. Đúng, các bức bích họa đó là hiện thân cho cái thần của thành thị bị lãng quên này. Đó là những cái độc nhất mà thời gian không can thiệp được. Thế nhưng chúng tôi cũng biết rằng cả những gì còn sót lại cuối cùng này của thời vàng son cũng sẽ bị tàn lụi, khi thấy những vết nứt trên vách và trần của hai điện. Một số bích họa bị nước mưa hay tuyết tan, thấm qua mái đã dột, làm hư nát, và vài bức tượng của đền thờ trắng vốn làm bằng đất thếp vàng, nay đã hư hại.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •