DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 9/18 ĐầuĐầu ... 7891011 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 81 tới 90 của 176
  1. #81
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ BA - TỬ VONG VÀ TÁI SINH
    __________________________________________________ ______________________________________


    U KHANTI: NHÀ TIÊN TRI TRÊN NÚI MANDALAY


    Lúc hành hương tại Myanmar năm 1929, tôi lưu lại một thời gian nơi Mandaya cùng với Thượng tọa Nyanatiloka Mahathera, vị trưởng môn của tu viện Polagsduwa ở Dodanduwa tại Sri-Lanka, nơi tôi nhập môn tu hành. Sau khi tôi đến Rangoon khoảng hai tuần thì Nyanatiloka Thera cũng đến, để cúng thầy của ông là U Kumara Mahathera, người vừa mất một thời gian ngắn trước đó trong một tu viện nhỏ tại Kyundaw Kyaung. Nyanatiloka Thera là người trở thành tỉ kheo cách đó 26 năm trong chính tu viện này. Thân của thầy ông được đặt trong một quan tài bằng gỗ tếch, được bảo vệ bởi hình Long vương chạm gỗ tinh vi. Quan tài chứa đầy mật để giữ cho thân người chết được lâu cho đến lúc cử hành tang lễ thiêu xác. Theo truyền thống của Myanmar thì thời gian chuẩn bị này có thể kéo dài hơn một năm, và vì chúng tôi không thể đợi lâu như thế nên Nyanmar. Sau hai tuần trên một thương thuyền (như một khu bán hàng trên biển) đi về phía Bắc và giữa đường có ghé thăm vùng Pagan cổ với hàng ngày đền thờ và chùa chiền, chúng tôi dừng chân ở Mandalay, từ đó đi thăm các thánh tích tôn giáo và lịch sử.

    Thánh tích lớn nhất tại Mandalay là một ngọn núi đá, núi vọt lên cao từ bình nguyên gần đô thị. Núi này đầy những đền đài, chùa tháp, đàn tế và các tòa nhà khác, chúng được nối với nhau bằng lối đi, bậc thang có mái che, kéo dài từ chân đến ngọn. Khi ta đến gần chân núi, nổi bật nhất là hai cụm gồm hàng trăm ngôi chùa bé (kể chung khoảng một nghìn rưỡi ngôi chùa), nằm quanh một ngôi chùa trung tâm.

    Nguồn gốc của công trình kiến tạo to lớn này là thời gian vua Mindon Min, trị vì Myanmar từ 1835 đến 1878. Cảm kích từ một giấc mơ, ông bỏ kinh đô cũ Amarapura, xây dựng Mandalay với những cung điện xinh đẹp và các công trình tôn giáo. Là một Phật tử thuần thành, ông muốn đi theo con đường của vị vua trước, người cho khắc giáo pháp của Phật lên bảng vàng được cất giữ trong một ngôi đền đồ sộ. Thế nhưng điều này sinh lòng ham muốn nơi người Trung Hoa, họ xâm chiếm xứ này và lấy theo các bảng đó. Vì thế vua Mindon Min mới cho khắc họa Kinh sách lên bảng đá, chúng không khêu gợi lòng tham của ai, của quân lính ngoại xâm lẫn kẻ cướp thông thường, nhờ thế mà giữ được giáo pháp của Phật cho các đời sau. Kinh sách đó cũng phải đến được với tất cả mọi người, không những chỉ cho học giả hay tu sĩ. Vì thế mỗi bảng đá được dựng trong một khám thờ riêng biệt, mở cửa, với dạng một chùa bé, trong đó tín đồ có thể đọc từng phần của kinh sách, không những bằng tiếng Pali mà cả bản dịch ra tiếng Myanmar.

    Thế nên nhà vua cho xây chùa Kuthodawu với 799 ngôi chùa bé xung quanh, mỗi ngôi được kiến trúc hết sức tỉ mĩ, trong đó có một bia đá hai mặt, ghi lại các bài Kinh thiêng liêng của Đại tạng. Lẽ ra phải có thêm một cụm toàn những chùa như thế được xây lên để ghi lại các bộ Luận, nhưng nhà vua đã từ trần trước khi bắt tay vào việc. Người kế vị là vua Thibaw chỉ quan tâm đến một cuộc sống vương giả và hầu cận với cung nữ. Cuối cùng ông bị người Anh loại bỏ, họ chiếm nước ông làm thuộc địa sau một cuộc chiến ngắn. Công trình của vua Mindon Min bị rơi vào quên lãng và các đền tháp thiêng liêng cũng trở thành hoang phế. Chỉ một số ít người hành hương mới dám đến đây một nơi không còn an toàn vì giặc cướp.

    Nhưng một ngày nọ, có một người hành hương cô độc lên núi, mang đầy đạo tâm. Ông lấy làm tiếc trước cảnh hoang tàn của các Thánh địa - mà theo lòng tin của người Myanmar thì Đức Phật đã từng đến đây - và quyết tâm lấy đời mình ra để phụng sự núi này và sẽ không rời núi trước khi núi lấy lại danh tiếng như cũ. Mặc dù người hành hương này không có gì hơn ngoài bình bát và chiếc áo đỏ đậm của một nhà tu khổ hạnh, ông có một niềm tin vô hạn nơi sức mạnh của tâm linh và không chút lo lắng rằng lấy đâu phương tiện để thực hiện mục đích của mình. Ông kiếm một chỗ ngồi trên đỉnh núi, dưới một Thánh thất đổ nát và bắt đầu thiền định, không cần biết đến sự an toàn hay ăn ngủ của mình. Không ai cướp bóc được gì của ông vì ông không có gì để lấy. Ngược lại những người hành hương khác, khi thấy ông Thiền định, họ lại chu cấp thực phẩm cho ông. Khi không ai đến (thực tế là ít người dám đến) thì ông nhịn đói; khi có thức ăn thì ông ăn. Thế mà dần dần càng có nhiều người thêm can đảm leo lên núi, khi họ nghe có một vị độc cư sống trên núi, trong một đền thờ hoang phế.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #82
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ BA - TỬ VONG VÀ TÁI SINH
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sự hiện diện của ông hầu như làm cho chốn hoang tàn này thiêng liêng trở lại và không bao lâu sau người ta bắt đầu sửa các đàn cũ, dựng đàn mới, kể cả các nơi lưu trú cho khách hành hương được thiền định và nghỉ ngơi. Vì thế qua thời gian, các đền đài, chùa chiền, tượng tháp, nhà cửa và các lối đi có mái che được xây dựng. Công trình càng phì nhiêu thì phương tiện vào các tu sĩ độc cư càng lớn, họ thấy vật đó không phải là của mình, thế nhưng hầu như tất cả của cải thế gian đã tụ lại cho ông. Sau khi lấy lại danh tiếng cho Thánh địa của núi Mandalay, ông cũng chưa hài lòng mà bắt đầu một công trình lớn hơn nhiều, đó là công trình dang dỡ của vua Mindon Min, ông muốn ghi lại các bộ Luận lên đá trong một cụm chùa thứ hai lớn hơn nữa.

    Sau khi U Khanti, người ẩn tu tại núi Mandalay, mà bây giờ trở thành Maha-Hathi, nhà đại tiên tri (rishi), đã thành tựu công trình đó, ông tự nhủ như thế cũng chưa đủ khi khắc họa Kinh sách trên tảng đá để trường tồn với thời gian và dành cho những ai đến viếng chùa đều được đọc, mà còn cần phải phổ biến Kinh sách của Phật ra cho cả thế giới, bằng cách in lại toàn bộ Đại tạng và các bộ luận quan trọng. Đây là một công trình đồ sộ mà không nhà in nào, nhà xuất bản nào đám chịu phí tổn và thi hành. Thế nhưng điều này cũng không làm nhà đại tiên tri ngán sợ. Sức mạnh của ông hầu như vô tận. Trong vòng một thời gian ngắn đáng ngạc nhiên, ông xây nên một cơ sở in ấn ngay dưới chân núi với phương tiện hiện đại và tìm được một nhóm người hợp tác. Lúc này Nyântiloka Thera và tôi tới núi Mandalay thì phần lớn Kinh sách đã được in xong và phổ biến rộng rãi dưới dạng sách đóng gáy chắc chắn, đàng hoàng. Ngay tại Sri-Lanka là nơi sản xuất Kinh sách khá tốt, nhiều bản Kinh Pali quan trọng, nhất là các bản của A-tì đạt-ma (Abhidhamma - Thắng luận) cũng không có được.

    Khi nghe đến công trình tốt đẹp của Ukhanti, chúng tôi không khỏi mong được làm quen với ông và một sáng nọ, chúng tôi tìm đường đến thăm ông tại núi Mandalay. Vì ở ngoài thành và khá xa ngọn núi thiêng đó, chúng tôi buộc phải đi xe ngựa. Khi chúng tôi đến nơi, người ta báo sáng sớm nay ông đã rời núi, đến một nơi cách đó khoảng 20, 25 dặm để hướng dẫn công cuộc trùng tu một di tích cổ Phật giáo.

    Chúng tôi hết sức thất vọng, không biết bao giờ mới được trở lại đây vì có một chương trình làm việc đầy ngập, mỗi ngày đầy những thăm viếng, thảo luận, diễn giảng, tiếp khách. Chúng tôi chần chừ lên xe và lúc xe chưa kịp quay đầu thì một chiếc ô tô chạy lại, ngược chiều với chúng tôi và đậu trước hành lang để mái che dẫn lên núi. Một dáng người cao lớn, mặc áo choàng đỏ bước ra khỏi xe. Nơi người đó toát ra một ấn tượng sâu đậm với một dáng đi ung dung quí phái, với phẩm cách tự nhiên của một nhà vua. Chúng tôi biết ngay người này phải là nhà Đại tiên tri. Chúng tôi liền dừng xe ngựa, nhảy xuống đi đến cửa và được nồng hậu cho hay rằng U Khanti đã bất ngờ trở lui và chúng tôi được dịp gặp ông. Chúng tôi được đưa vào một đại sảnh và được nhà tiên tri tiếp đón với một số Tỷ kheo và cộng sự của ông. Một lần nữa chúng tôi lại thấy nhân cách của ông vượt hẳn những người xung quanh, và mặc dù ông là thành viên của Tăng già (Thượng tọa bộ) nhưng được các vị đó kính trọng, - các người được xem là giữ gìn ngôn từ của Đức Phật -, ông được các vị đó xem tôn quí hơn trong hàng ngũ Giáo hội.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #83
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ BA - TỬ VONG VÀ TÁI SINH
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ông cười thân thiện thăm hỏi và cuối đầu lễ độ trước Nyanatiloka, - vị Thượng tọa của Giáo hội - và mời chúng tôi ngồi, cho mang trà và bánh vào. Có lúc ông phải trả lời vài câu hỏi của thư ký, họ mang các giấy tờ cho ông hoặc nghe các chỉ thị của ông. Những điều này xảy ra một cách nhẹ nhàng thoải mái nên ông vẫn quan tâm đến chúng tôi, vì thế câu chuyện cũng không bị đứt đoạn. Ông tỏ vẻ đặc biệt quan tâm về việc Tổng hội Phật giáo thế giới vừa được thành lập mà Chủ tịch chính là Nyanatiloka, còn tôi làm Tổng thư ký. Khi nói về kế hoạch của chúng tôi, biến “di tích Dodan-duwa” thành một Trung tâm Quốc tế cho Văn hóa Phật giáo và sự cần thiết phải đưa Kinh sách Phật giáo tới với con người thì tôi định nhắc tới quan tâm đặc biệt của mình về bộ Luận A-tì-đạt-ma và cũng khó tìm ra Kinh sách đó. Người đó biến đi trong một căn nhà bên cạnh mà sau tôi biết đó là nhà in và đóng sách. Chỉ vài phút sau ông trở lại với một chồng sách trên tay. “Đây là quà cho các vị”, nhà tiên tri cười nói với chúng tôi và cho người hầu đặt sách trước mặt. Làm sao chúng tôi mô tả được sự kinh ngạc của mình? Đó chính là các cuốn mà chúng tôi thiếu trong tủ sách: một bộ Luận hoàn chỉnh của A-tì đạt-ma. Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng và không nói nên lời về khả năng của ông đọc được ý nghĩ thầm kín của mình và về lòng tốt của ông khi tặng món quà quý báu này.

    Khi thấy niềm vui này, ông sẵn sàng tặng thêm các bộ sách khác có trong nhà in, với gáy da, chữ mạ vàng. Thế nhưng số lượng sách quá lớn đến nỗi chúng tôi không chất lên xe ngựa nổi nên ngày hôm sau phải chất lên một chiếc xe khác. Dựa trên báo chí nói về chúng tôi tại Mandalay thì trị giá những sách mà chúng tôi nhận được từ vị đại tiên tri này lên đến 700 ru-pi mà ngày nay trị giá của chúng không dưới 3000 ru-phi Ấn Độ. Thật là một món quà Vương giả, không làm sao chúng tôi nói hết sự xúc động của mình.

    Sau khi từ biệt ông, chúng tôi được một vài Tỉ kheo hộ tống qua vô số đàn tràng và đền thờ của ngọn núi thiêng này để có một ý niệm về cái vĩ đại của công trình mới đây và nó cũng chỉ mới là một phần nhỏ công sức của con người lạ lùng này. Trong câu chuyện với các Tỉ kheo thì một vị mới cho hay là sáng nay thật ra vị ẩn tu đã rời núi để đến xem xét một công trình đang tu sửa. Thế nhưng đang kiểm tra công việc thì ông bỗng dưng nói phải về lại ngay Mandalay vì có khách phương xa đến thăm. Và không chút chần chừ ông nhảy lên xe, bảo tài xế chạy về càng nhanh càng tốt. Và hầu như thấy hết trước mọi việc, ông đến chân núi Mandalay, thì chúng tôi vừa định quay về.

    *
    * *

    Bây giờ chúng tôi rõ cuộc gặp gỡ này không hề là sự tình cờ và khi nghe chúng tôi thú thật mình ngạc nhiên xiết bao khi vị tiên tri đọc được ý nghĩ của mình về các tập sách thì vị Tỉ kheo nọ mới nói với giọng run run: “Các vị không biết Ngài là ai sao? Ngài là tái sinh của vua Mindon Min”.

    Tôi phải thú nhận là không có chút nghi ngờ gì về sự thật của câu nói này, vì nó chỉ xác nhận lại cảm giác của mình khi thấy điệu sang trọng của nhà tiên tri khi gặp ông lần dầu. Cách xuất hiện của ông có một cái gì vương tước, làm nảy sinh lòng kính trọng. Thái độ, hoạt động và nhân cách của ông đối với tôi là minh chứng lớn nhất cho một mối liên hệ chủ động với một tiền kiếp đáng kính, hơn mọi chứng minh có tính chất “bằng cớ” khác. Cuộc đời và hoạt động của ông cho thấy rõ rệt rằng ông có một năng lực phi thường về tâm linh. Sự nhớ lại tiền kiếp và mục đích của đời sống cũ đã làm cho ông một sức mạnh, sức mạnh này đã làm cho đời sống mới thêm ý nghĩa. Sự hiểu biết quá khứ của mình đối với ông không là gánh nặng vô bổ mà là động cơ mạnh mẽ để hành động, nó tăng cường thêm tinh thần trách nhiệm về một công trình dang dở của đời sống cũ để lại. đó như sự hoàn thành ý nguyện của một vị Bồ-tát, người giữ được sự liên tục của ý thức siêu việt lên sống chết, dựa trên một mục đích dài hơn đời một con người (35). Mục đích cao cả của ta là tinh tấn vươn lên tự thắng mình và đạt đích tối thượng là sự giác ngộ hoàn toàn, dó là điều làm ta bất tử - chứ không phải là đời sống của một linh hồn đơn lẻ bất biến, mà cái đơn điệu của nó loại ta ra khỏi sự sống và tăng trưởng, không cho tâm hồn tham dự vào cuộc sống phiêu lưu bất tận, giam giữ ta trong tù ngục của giới hạn chính mình.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #84
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ BA - TỬ VONG VÀ TÁI SINH
    __________________________________________________ ______________________________________


    MAUNG TUN KIAING


    Sớm hơn dự định, tôi đến với một trong hợp khác về nhớ lại tiền kiếp, một trong hợp đặc biệt vì ở đây có nhiều cách để kiểm chứng sự thật - mặc dù bản thân tôi không mấy quan tâm, sự tái sinh có thể chứng minh được hay không? Ý niệm tái sinh đối với tôi tự nhiên và đáng tin hơn mọi lý luận, nó cho đời sống cá nhân một ý nghĩa sâu xa hơn va nó ăn khớp vào với quá trình tiến hóa của sinh vật, như những phát hiện của sinh vật tâm lý học cho thấy.

    Tại Maymyo, trong cung điện mùa hè của chính phủ Myanmar hồi đó ở các tiểu bang miền Bắc, nơi mà Nyanatiloka và tôi tránh cái nóng của xứ Mandalay chúng tôi nghe đến một cậu bé tên là Maung Tun Kyaing, cậu nhớ mọi chuyện của tiền kiếp, đến nỗi thống đốc Myanmar, Sir Henry Butler mời cậu về nơi ở của mình tại Maymyo để biết cho rõ về hiện tượng lạ này. Cậu gây một ấn tượng tốt đẹp lên vị thống đốc và tất cả những ai có mặt trong buổi phỏng vấn đáng nhớ này đều thừa nhận là tất cả đều khuyên cậu nên truyền khắp nơi thông điệp tốt đẹp này, kể cả đi thăm viếng các trại tù để mang lại ánh sáng và hy vọng cho những ai phải sống trong cảnh tối tăm. Kể từ lúc đó cậu đi từ nơi này qua nơi khác và hàng nghìn người ham thích lắng nghe những lời cậu nói.

    Lúc đó thì không ai biết cậu ở đây và tôi thì đã quyết định đi ngược lên miền bắc, qua bắc Myanmar để đến Trung Quốc (Vân Nam), nên tôi từ giã Nyanatiloka khả kính, trở lại Mandalay và đi bằng tàu thủy chạy bằng hơi nước ngược lên Bhamo, nơi mà các đoàn người ngựa phát xuất đi Vân Nam. Trong một tu viện nhỏ gần một ngôi chùa tôi tìm được chỗ nghỉ và nơi đó tôi căng chiếc giường dã chiến, ngủ trong chính điện.

    Sau khi ở trên boong tàu đầy người, chúng tôi sống như trong một đại gia đình thì bây giờ có cảm giác thật kỳ lạ; bỗng nhiên ở một mình trong một căn phòng tối và rộng, trong đó có ba tượng Phật bằng đá trắng với miệng cười như nhau nhìn xuống tôi. Trước khi đi ngủ tôi hỏi thăm giờ giấc vì đồng hồ đã đứng do lên giây. Thế nhưng không một nhà sư nào biết nói tiếng Anh và xem ra trong điện chẳng có cái đồng hồ nào, nên không ai giúp tôi được.

    Sáng hôm sau khi tôi ngủ dậy và thấy xung quanh toàn những người, tôi không biết mình đã ngủ bao lâu. Vài người trong số đó mang theo thau đựng nước, khi tôi chưa hiểu gì cả thì họ đã đi nhanh đến tượng Phật và tạt mạnh vào tượng. Tưởng chừng như điện đang có đám cháy. Tôi không hiểu họ hành động kỳ lạ như thế với mục đích gì và cũng đang lo mình sẽ cùng chung số phận bị tạt nước như Phật. Nhưng may thay họ biến mất, không chút gì để ý đến tôi.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #85
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ BA - TỬ VONG VÀ TÁI SINH
    __________________________________________________ ______________________________________


    Về sau tôi mới biết đó là ngày “lễ nước”, theo lệ thì họ “tắm Phật” và ngoài đường người ta xịt nước lẫn nhau - chỉ những người mang áo vàng mới được tha. Xem ra nhờ chiếc áo vàng mà tôi đỡ phải nước lạnh. Thế nhưng tôi tự nhủ cần chuẩn bị những bất ngờ xảy ra. Điều bất ngờ quả nhiên đến với tôi: một người thợ đồng hồ, ông bảo đến để sửa đồng hồ cho tôi. Ông bảo phải đi từ phố đến cái đền xa xôi nay vì được nghe là chiếc đồng hồ tôi bị hư. Khi tôi bảo đó chỉ là sự hiểu lầm và chiếc đồng hồ chạy bình thường thì ông cười vui vẻ và cho hay không tiếc công đi vì nhờ đó mà ông có dịp làm quen với tôi. Tôi cũng nói với ông là tôi rất thích đã tìm ra người nói được tiếng Anh.

    Qua tuần trà, chúng tôi nói chuyện vui vẻ, trong câu chuyện tôi có nhắc đến Maung Tun Kyaing và bày tỏ hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp được cậu. “Không có gì dễ hơn”, người thợ đồng hồ nói, “Maung Tun Kyaing hiện đang ở Bhamo và hôm nay sẽ nói chuyện trong một tu viện, không xa đây bao nhiêu”.

    “Thật là trùng hợp hy hữu’, tôi kêu lên, “hành trình của tôi hôm nay dẫn tôi đến đây mà không hề biết Maung Tun Kyaing hiện đang ở vùng này. Hầu như tôi chỉ mong ước là đủ để thành sự thực”.

    “Chắc rồi”, ông nói, “đó là sức mạnh của sự mong ước chính đáng, sức mạnh đó sẽ đưa ta đến đúng chỗ. Không có gì quá trình xuất hiện trong đời một cách tình cờ cả. Tôi nghĩ rằng sự gặp gỡ của chúng ta, dù do hiểu lầm, cũng không phải tình cờ mà là một khâu cần thiết để thành tựu mong ước của ông”.

    “Ông có lý”, tôi thừa nhận, “và tôi hết sức cám ơn ông đã đến đây và báo cho tôi tin này”.

    *
    * *

    Khi tôi đến tu viện nơi Maung Tun Kyaing đang lưu trú thì cậu sắp diễn giảng trước một đám đông đứng chật sân viện. Thật là lạ khi thấy một cậu bé nói trước thính giả với sự ung dung và tự tin của một diễn giả chuyên trách. Khuôn mặt cậu ngời sáng, giọng cậu trong trẻo và có âm điệu như tiếng chuông. Mặc dù không hiểu một chữ cậu nói, tôi cũng rất vui thích được nghe, giọng cậu như toát ra từ trái tim, nghe nhe tiếng chim hót. Sau buổi diễn giảng được mọi người chăm chú lắng nghe, người ta đưa tôi đến gặp cậu, cậu được người cha và một cậu em đi cùng. Cả hai cậu bé đều mặc áo vàng, mặc dù số tuổi thiếu niên, cả hai cậu vẫn chưa gia nhập tăng đoàn. Nhìn bề ngoài thì Maung Tun Kyaing xem ra chưa tới sáu tuổi, em cậu chắc khoảng năm tuổi. Người ta bảo với tôi rằng Maung Tun Kyaing lên tám và cậu em lên bảy. Thế nhưng giữa hai cậu khác nhau biết bao. Cậu em nhìn giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác cùng tuổi; Maung Tun Kyaing thì ngược lại, có một vẻ đẹp khác thường. Ít khi tôi bắt gặp biểu hiện một sự thông minh và sinh động cao độ như thế, hòa lẫn với sự thanh tịnh và sức tỏa sáng trên khuôn mặt con người. Cậu không chú e dè khi tôi xem các dấu hiệu tốt đẹp trên người cậu mà người cha chỉ cho tôi thấy, thông qua một người thông dịch. Cậu trả lời mọi câu hỏi của tôi không chần chừ và với sự cởi mở tự nhiên.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #86
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ BA - TỬ VONG VÀ TÁI SINH
    __________________________________________________ ______________________________________


    Câu chuyện về đời cậu được người cha kể lại, một người đơn giản, cởi mở và được Maung Tun Kyaing cũng như những tu sĩ và cư sĩ có mặt công nhận. Câu chuyện này đối với tôi là bằng chứng thú vị nhất và quan trọng nhất cho ý niệm của sự tái sinh và khả năng nhớ lại tiền kiếp. Cũng may là tôi có sẵn giấy bút để ghi lại mọi điều của cuộc phỏng vấn, cách đây đã 34 năm. Câu chuyện như sau:

    Maung Tun Kyaing là con một người đan chiếu nghèo, không biết đọc cũng không biết viết. Lúc lên bốn, người cha mang cậu và đứa em ra chợ phiên ở làng bên cạnh. Khi họ đến gần làng thì gặp một người vai mang một bó mía, đem ra chợ bán. Người đó thấy hai đứa trẻ, có lẽ anh nghĩ rằng người cha không mua được gì cho con nên tặng mỗi đứa trẻ một khúc mía. Trong lúc đứa em mừng rỡ vội ăn mía thì Maung Tun Kyaing nhắc em trước khi ăn phải cám ơn người cho hoặc chúc lành người đó (Sukkhi hotu là cách nói theo tiếng Pali mà các tu sĩ hay nói). Khi cậu nói với em điều đó thì đường như cánh cửa của trí nhớ tiền kiếp bỗng mở toang và dưới ảnh hưởng của ký ức ào ạt, cậu nhờ cha nâng mình lên vai và nói về hạnh bố thí (một trong những hạnh quá trình của Phật giáo). Người cha vui lòng mỉm cười làm theo, cho đó là chuyện trẻ con. Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của ông và mọi người chung quanh, cậu bắt đầu giảng về hạnh bố thí theo một cách mà không ai có thể làm hoàn hảo hơn. Càng lúc càng có nhiều người tụ tập để nghe người giảng pháp trẻ tuổi này, người cha bối rối không biết làm sao với sự thay đổi đột ngột của con mình. Cậu bé thì thản nhiên như không và nói với cha sau bài giảng: “Thưa cha, ta hãy đến tu viện con”.

    “Con nói gì, tu viện của con?”

    “Đó tu viện đó, cha không biết sao?”

    “Ta không nhớ là con từng đến đó”, người cha đáp, “nhưng ta cứ đến đó xem sao”.

    Khi họ đến tu viện thì gặp một nhà sư già, đó chính là vị tu viện trưởng. Maung Tun Kyaing thì hầu như lạc trong suy tư, nhìn vị sư già mà không biết làm lễ. Người cha nhìn cậu và nhắc “Con kính chào hòa thượng đi chứ”. Nghe xong cậu bé chào vị sư trưởng, nhưng theo kiểu ngang hàng chứ không theo cách thông thường là quì vái, trán đụng đất.

    “Con không biết ta là ai sao?”, vị sư trưởng hỏi.

    ‘Tất nhiên là con biết”, cậu bé trả lời không chút lúng túng. Và khi vị sư trưởng ngạc nhiên nhìn cậu, cậu nói tên vị hòa thượng.

    “Làm sao con biết? Có ai cho con nghe tên ta chăng?

    “Không”, cậu trả lời, “Thầy không nhớ sao, con là đạo sư của Thầy, U Pandeissa”.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #87
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ BA - TỬ VONG VÀ TÁI SINH
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vị sư trưởng ngạc nhiên tột độ, nhưng muốn chắc chắn, ông hỏi cậu: “Thế thì con phải biết ta là ai, trước khi ta gia nhập Tăng đoàn, Nếu con nhớ ra thì hãy nói nhỏ vào tai ta”(36).

    Và cậu bé làm theo lời yêu cầu. Và khi vị Thượng tọa nghe đến tên tục mình, mà không ai biết đến ngoài ông và vài người khác, - những kẻ biết đến ông từ bé và lớn lên cùng thời với ông -, thì ông quì xuống chân cậu, trán đụng đất và kêu lên giọng đầy nước mắt: “Tôi biết rồi, Ngài là thầy của tôi”.

    Ông đưa cậu cùng người cha và đứa em vào tu viện, nơi đó Maung Tun Kyaing biết rõ từng chi tiết, đồng thời nhắc đến một cái phòng nơi cánh Đông, chỗ cậu từng ở và hay thiền định. Nhắc lại tượng Phật mà cậu hay thờ cúng, mỗi ngày thắp nhang đèn và những điều khác mà vị Thượng tọa cũng biết đến. Cũng chưa bao nhiêu năm trôi qua, kể từ ngày U Pandeissa, - vị sư trưởng của tu viện Yungkyaung - nhập diệt.

    Thế nhưng điều trọng nhất là Maung Tun Kyaing không những chỉ nhớ đời sống tiền kiếp mà cậu còn giữ lại tri kiến xưa. Khi vị Thượng tọa chỉ cậu vài đoạn kinh Pali cũ, cậu tỏ ra đọc và hiểu rõ, mặc dù chưa hề đi đến trường và lớn lên trong một gia đình không ai biết đọc viết - chứ đừng nói về kiến thức về ngôn ngữ Pali. Và nếu còn có nghi ngờ gì về việc nhớ lại tiền kiếp thì đây là minh chứng.

    Khi người cha và hai con chuẩn bị về nhà, ngôi nhà cũng nằm trên bờ sông như tu viện, thì vị sư trưởng đề xuất lấy một trong những chiếc thuyền của tu viện mà đi. Mọi người đi xuống bờ, nơi đó có nhiều thuyền đỗ, vị sư hỏi Maung Tun Kyaing muốn lấy chiếc nào. không chút chần chừ Maung Tun Kyaing chỉ vào một chiếc, đó là thuyền của mình.

    Thuyền của người Myanmar thường mang màu sắc rực rỡ, đầu thuyền có vẽ hai mắt, trông chúng như những con vật sống động. Điều này phù hợp với niềm tin truyền thống cổ Myanmar, cho rằng mọi sự đều sống, mọi sự có một cuộc đời riêng vì chúng có thần, gọi là nat. thế nhưng nếu ai biết hô triệu danh tánh và biết các điều liên hệ đến một nat thì họ có quyền lực với chúng ta và vì thế không ai nói danh tánh này cho người khác. Chỉ chủ nhân và những người bạn thân cận mới được biết.

    Vì thế vị sư trưởng nói: “Ngài bảo thuyền này của Ngài, thế thì Ngài có biết tên nó chăng?”. Cậu bé trả lời đúng tên.

    Sau tất cả những bằng cớ này thì không còn ai nghi ngờ việc Maung Tun Kyaing chính là U Pandeissa tái sinh, vị sư trưởng cũ của Yunkyaung và mọi người đều muốn nghe cậu giảng. Khắp nơi đều gửi cậu lời mời và cha mẹ cậu lo lắng cho sức khỏe con mình không biết có kham nổi không. Nhưng cậu phản đối những ưu tư và nói; “Đức Phật trải qua vô số kiếp, hành động quên mình và hướng đến Giác ngộ. Vì thế con cũng không ngại khổ để đạt Phật quả. Chỉ khi đạt được mục đích cao nhất con mới làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.”

    Các bài giảng của cậu gây ấn tượng đến nỗi hàng ngàn người đến thăm và nghe cậu. Thậm chí cả một tu viện vì quá nhiều người chen chúc đã bị sập nhưng may không ai chết, vì tu viện Myanmar được làm phần lớn bằng gỗ, xây trên các cột gỗ cao. Tòa nhà vì thế mà lụn từ từ. Đủ thời giờ cho mọi người chạy thoát.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #88
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ BA - TỬ VONG VÀ TÁI SINH
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cuối cùng thì danh tiếng của Maung Tung Kyaing đến tai vị Thống đốc bang Myanmar, Sir Henry Butler, lúc đó ông đang ở cung điện mùa Hè tại Maymyo. Để kiểm tra sự thực về những gì mọi người kể về cậu, ông cho người đưa cậu đến Maymuo.

    Maung Tun Kyaing không những chỉ minh chứng về mọi mặt tiếng tăm của mình, cậu còn trình bày một cách thuyết phục giáo lý Phật giáo để cuối cùng Sir Henry tặng cậu rất nhiều kẹo bánh và thêm một tờ giấy bạc trăm ru-pi. Maung Tun Kyaing cũng như cha cậu chưa bao giờ thấy một tờ giấy bạc lớn như thế, chưa hề sở hữu món tiền như thế bao giờ, thế nhưng cậu từ chối không nhận - vì theo lời cậu nói không thể đem pháp ra mà bán và theo quy định của tu sĩ là không nhận tiền bạc. Thế nhưng cậu nói thêm là kẹo bánh thì có thể nhận, lương tâm cho phép, vì cậu được nhận thực phẩm biếu tặng. Mặc dù những qui định này chưa ràng buộc đến cậu nhưng Maung Tun Kyaing tự xem mình là tỉ kheo, trong kiếp trước là thế, kiếp này cũng thế.

    Maung Tun Kyaing cũng muốn tặng lại vị Thống đốc một món quà nhưng vì không có gì ngoài chuỗi hạt, cậu cởi nó ra từ vòng tay và tặng vị Thống đốc, vị này hết sức xúc động và tươi cười nhận lấy. Khi cám ơn cậu, ông nói: “Thế thì cậu phải chỉ cho tôi cách sử dụng chuỗi hạt như thế nào” và Maung Tung Kyaing trả lời: “Nó dùng để quán tưởng ba tính chất của đời sống, đó là : Vô thường, Khổ và Vô ngã’. Sau đó cậu giải thích ngắn gọn ý nghĩa từ ba từ này trong giáo lý Phật giáo.

    Vị Thống đốc có ấn tượng sâu sắc khi nghe những sự thực thâm sâu đó từ miệng một đứa trẻ. Làm sao một đứa trẻ bốn tuổi mà đạt được sự minh triết của một cụ già? Vì đứa trẻ đó nói năng không phải như một đứa trẻ, chỉ lặp lại chữ nghĩa do ai dạy cho mà không hiểu được ý nghĩa - ngược lại, cậu nói chuyện đầy tính thuyết phục và lòng thành tâm, nên Sir Henry không nghi ngờ vì về sự thực này và yêu cầu cậy hãy mang thông điệp của mình dến với toàn dân Myanmar: “Hãy đi từ góc này đến góc kia của đất nước và giảng cho những người cao nhất đến những kẻ thấp nhất, cả những tù nhân trong trại giam; vì không ai hơn cậu có thể làm rung động được trái tim của những tên đạo tặc chai lì nhất cũng phải mềm dịu trước niềm tin thành khẩn và tấm lòng tốt đẹp”.

    Thế nên khắp nơi trên Myanmar, không những trái tim mà cả những cánh cửa trại tù cũng mở ra cho người giảng pháp bé nhỏ này, người mà đi tới đâu cũng mang lại niềm vui và lòng sùng tín nơi con người, cho họ một niềm tin mới.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #89
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ TƯ - MIỀN NAM & TRUNG TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẦN THỨ TƯ

    MIỀN NAM & TRUNG TÂY TẠNG

    GIAI ĐOẠN MỚI: ADSCHO RIMPOTSCHÉ



    Kể từ chuyến đi lên vùng cao nguyên miền Tây Tây Tạng và Ladakh mà từ đó tôi mang về lại toàn thể hình ảnh của tám mươi bốn vị Thành tựu giả (Siddha) và một số lớn bản sao các bích họa trong các đền thờ thì tôi quan tâm về đạo lộ huyền bí của các vị Tất địa, về giáo pháp và cuộc đời của họ, có phần lịch sử, có phần huyền hoặc cũng như hình tượng của họ, mối quan tâm đó ngày càng lớn. Với mối quan tâm đó, tôi quyết định đi thăm đền của vị Rintschen Sangpo tại vương quốc Guge ngày nay đã hoang phế, vì tôi hy vọng sẽ tìm thấy những gì còn sót lại của truyền thống tâm linh cũ nhất và cũng hoàn hảo nhất của nghệ thuật tôn giáo Tây Tạng.

    Kể từ ngày xuất hiện linh ảnh trong đền núi đá trên đường đi Tschang-Thang đến nay thì sáu năm đã trôi qua - đó là một biến cố đã mở mắt cho tôi về ý nghĩa phi thường của những linh ảnh đầy sáng tạo và vai trò của nghệ thuật trong tôn giáo, nó vượt lên giá trị thiện mỹ thông thường, nó ẩn chứa cái chìa khóa mở ra cho chúng ta thấy các Mạn-đa-la, mở ra các linh ảnh và cả toàn bộ phép tu thiền định cũng như mỗi song hành giữa thế giới nội tại của con người với vũ trụ xung quanh.

    Tôi dùng sáu năm đó để nghiên cứu đời sống tâm linh và Kinh sách Tây Tạng và để sưu tầm tất cả thông tin về hoạt động của Rintscheen Sangpo cũng như vài trò của ông trong việc thiết lập và củng cố Phật giáo tại miền Tây Tây Tạng bị điêu tàn sau thời Langdarma. Thế nhưng lúc chuẩn bị chuyến viếng thăm lại Tây Tây Tạng thì chiến tránh thế giới lần thứ hai nổ ra và hủy tất cả hy vọng thực hiện kế hoạch của tôi.

    Tsaparang trở nên một cái đích hầu như không thể đạt tới đối với tôi. Trong thời gian đó thì tôi tìm được nơi Li Gotami - người bạn đồng hành trong kế hoạch của mình, người đàn bà quyết định cùng chia sẻ công việc và cuộc đời với tôi, trên cơ sở mục đích tâm linh và nghệ thuật chung cũng như quan tâm đặc biệt của Li về nghệ thuật Tây Tạng. Chúng tôi làm quen với Rabindranath Tagore(37) trong viện đại học quốc tế Santinikentan tại Bengal, nơi tôi làm giảng viên cho lớp cao học và cũng là nơi Li Gotami trải qua mười hai năm nghiên cứu nghệ thuật Ấn Độ (lúc đầu với Nandal Bose và về sau với Rabindranath Tagore) và học được nghệ thuật làm bích họa cũng như tranh Thanka của nghệ nhân Tây Tạng. Tôi đưa Li vào các chi tiết của hình tượng cũng như thế giới quan Tây Tạng và cuối cùng Li cùng tôi thọ giới phái Kargyutpa, trở thành vợ tôi và là bạn đồng tu. Hình như Tomo Géché Rimpotsché đã biết trước điều này vì ông đã ban phép cho Li trong lần gặp cuối cùng tại Sarnath và khi nghe Li hỏi liệu có thành công lớn nếu dâng hiến đời cho phương pháp.

    Lễ cưới tôn giáo của chúng tôi được chủ trì bởi Adscho Rimpotsché(38), ông là tu viện trưởng của Tsé-Tscholing. Một vị Lạt ma thân thiết lâu năm với tôi khuyên tôi nên cầu thỉnh đến Adscho, lúc đó Adscho đã tám mươi bốn tuổi và là một Đại sư trong phép tu thiền định. Niềm tôn kính ông ở miền Nam Tây Tạng cũng như tại Bhutan và Sikkim được thể hiện bằng một ngôi đền hai tầng tuyệt đẹp xây nên do sự cúng dường của tín đồ. Mặc dù trong tay ông là những số tiền khổng lồ cho tòa nhà, tranh tượng cũng như mua thỉnh nhiều Kinh sách và trang Thanka quí giá, ông không có tài sản cá nhân nào cả và sống hết sức đạm bạc trong một căn nhà gỗ nhỏ dưới chân đền.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #90
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ TƯ - MIỀN NAM & TRUNG TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cũng như các vị Lạt ma tại Latchen và các vị Tất địa trước mình, ông là người có gia đình. Vợ ông là một người Damema đích thực, một con người vị tha, như vợ của Marpa. Bà là mẹ của tất cả những ai nằm trong vòng quen biết của bà và của chồng bà, nhất là đệ tử của ông. Adscho Rimpotsché là hiện thân của vị Tất địa Dombhi-Beruka vào thế kỷ thứ tám sau Công nguyên, người đã từ bỏ ngôi vua để sống cuộc đời thiền định trong sự cô tịch của rừng núi, nơi mà sau nhiều năm tinh tấn giác ngộ và trở thành một vị Tất địa. Sau khi chứng ngộ, ông trở lại với quần thần và trở thành vị nhà lãnh đạo tâm linh, là tấm gương sinh động của sự chứng thực của con người và phụng sự cho chúng sinh. Được nhận phước lành của một người như thế và được ông khai thị cho các phép thiền định và ấn quán đặc biệt, đối với chúng tôi là một biến cố, thêm sức mạnh cho đời sống tâm linh của mình.

    Sau Tomo Géché Rimpotsché, không có sự tiếp nối nào hoàn hảo hơn, để có thể hướng dẫn và cảm khái chúng tôi. Thậm chí tôi thấy rằng, tất cả những lần quán đỉnh vào các phép thiền định và giáo pháp của Kim cương thừa mà chúng tôi nhận được trong hai năm sau đó từ những lần đi hành hương tại miền Nam, Trung và Tây Tây Tạng, chúng không những chỉ có liên hệ với nhau, mà nằm trong một Man-da-la hoàn hảo. Nằm trong một “vòng tròn huyền bí”, trong đó chứa đựng tất cả khía cạnh quan trọng của đời sống tâm linh Tây Tạng.

    Điều kỳ lạ là trong thời gian ở Yiga Tscholing tôi được một người bạn gốc Sikkim tặng cho một bức tranh Thanka vẽ một đồ hình Man-đa-la: Phật Thích-Ca Mâu-Ni ở giữa, phía trên là A-Di-Đà, hiện thân của Vô lượng quang, phía dưới là Liên Hoa Sinh, người giảng Tử Thư (Bardo Thodol) và giáo pháp huyền bí “đạo lộ trực tiếp”. Hai góc phía trên một bên là Văn Thù, hiện thân của trí huệ siêu việt và góc kia là thần Tara, nữ thần giải thoát, hiện thân của tình thương từ mẫu, mặt bổ túc của trí huệ siêu việt của Văn Thù. Hai góc kia, một bên là Quán Thế Âm, hiện thân của lòng từ bi và tâm sẵn sàng cứu độ, còn góc kia là Kim cương thủ, người giữ Kim cương chử của sức mạnh tâm linh và của giáo lý bí truyền.

    Ý nghĩa sâu kín của bức Thanka được trình bày qua vị trí của các hình. Nó là then chốt mở cánh cửa của đạo lộ thiền định mà Man-đa-la chứa đựng. Không có nó thì các hình ảnh chỉ là những biểu tượng chết cứng chứ không phải là bảng chỉ đường dẫn lối cho hoạt động tâm linh trên đường giác ngộ.

    A-Di-Đà, Thích-Ca Mâu-Ni và Liên Hoa Sinh đại diện cho sự giáng hiện của nguyên lý tâm linh xuất hiện từ Pháp thân thường trụ, biến thành dạng xuất hiện nhất thời của Ứng thân, trong dạng của Đức Phật lịch sử và người đại diện vĩ đại của Ngài, người đưa đạo Phật đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám.

    Trục trung tâm của sự giáng hiện tâm linh và thứ tự thời gian nằm thẳng đứng trên bình diện phi thời gian (vì luôn luôn hiện diện) của bình diện tâm linh. Từ nơi đây Pháp thân tùy theo tính chất của Phật quả, tách ra: tương tự như một lăng kính trong đó một tia sáng tách ra nhiều màu khác nhau. Nơi đây là chỗ sinh ra các hình ảnh uyên nguyên của phép thiền định: nó trình bày những thân khác nhau tùy theo tính chất của kẻ Giác ngộ. Báo thân chỉ là thân hữu sắc nhưng phi thời gian và phi vật chất, đó là thân nằm giữa Pháp thân _ vô sắc, phi thời gian _ và Ứng thân, đó là thân vừa thân vật chất (thân người) vừa phi vật chất (một dạng xuất hiện thấy được của Thiên nhân giáng thế).

    Trong Man-đa-la này của chúng ta thì các Báo thân chính là bốn góc của hình vuông (hay bốn cánh của một hoa sen), mà đường chéo của nó cắt nhau tại chỗ Thích-Ca Mâu-Ni, điều đó nói lên các tính chất của những Báo thân đó hội tụ trong Ngài.

    Nếu hai đường chéo của hình vuông nối hai hình lại với nhau trong một nguyên lý như nhau, thì những đường ngang và dọc của hình vuông Báo thân nối lại những hình mà chúng có tính chất đối lẫn nhau; vì theo quan điểm Phật giáo thì sự thăng bằng tâm linh là điều kiện tiên quyết của Giác ngộ. Nếu chỉ thuần trí huệ hay thuần từ bi cũng không dẫn đến giải thoát. Trí huệ thiếu từ bi sẽ dẫn đến sự khô cứng, từ bi thiếu trí huệ sẽ dẫn đến sự tan rã. Chỉ nơi mà tim và óc hợp lại thì mới có giải thoát đích thực. Trong thuật ngữ Phật giáo thì Bát Nhã (prana, trí huệ, tri kiến) và phương tiện (upaya), phương cách để tỏ lộ những gì tri kiến như lòng từ, lòng bi, hai mặt đó phải thăng bằng với nhau. Nói cách khác: sự thống nhất của nguyên lý nhận thức và nguyên lý cảm xúc, giữa Logos và Ethos, giữa tư duy và hành động, giữa tính chất lý trí và cảm xúc, giữa hiểu biết và hành động… là cần thiết để chứng thực cái cao nhất mà con người đủ sức đạt tới. Thế nên các đường nằm ngang phía trên thể hiện như sau:

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •