DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/18 ĐầuĐầu 123412 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 176
  1. #11
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    NHỮNG LINH ẢNH
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nhưng bao lâu nó còn là sự thực tương đối do tâm tạo tác thì bấy lâu sự sáng tạo đó là “thực”, tức là có một năng lực thực. Chúng sinh thành và hoại diệt như mỗi một tác phẩm nghệ thuật, chúng được sinh ra từ chứng thực cao nhất của tâm và dù chúng không có thực tính, không chứa thực tại tự thân thì chúng vẫn chứa những biểu tượng, mà dạng của những biểu tượng đó cứ luôn trở lại để chỉ đường, để nhắc nhở ta đến cái thành tựu cao tột, đến sự giác ngộ.

    Vì thế trong các Kinh sách (nhất là Kinh sách Mật tông Tantra) luôn luôn ta được nhắc nhở phải tránh hai cực đoan, một bên cho linh ảnh của những tầng lớp ý thức cao là thực tại cuối cùng - nếu bị như thế ta sẽ vướng nơi chúng và kẹt giữa đường, - còn bên kia phủ nhận mọi tính cách có thực của chúng, cho chúng chỉ hoàn toàn do tâm tạo. Nếu thế chúng ta sẽ nhận thức sai về vai trò quyết định của tâm thức cũng như khả năng tiềm tàng cẻ nó và đánh mất một phương tiện quí báu của sự tiến bộ.

    Tomo Géshé rất ý thức về hai cực đoan này của tư tưởng con người cho nên khi học trò xin vẽ lại những linh ảnh tại Tschorten Nyima để truyền lại cho đời sau thì ông đồng ý nhưng không quên nhắc đến sai lầm khả dĩ là, tưởng một dạng xuất hiện nào đó là thực thể cuối cùng. Những linh ảnh này đã có ảnh hưởng lớn lao đến Tomo Géshé và học trò của ông. Những linh ảnh đó cho ông một thẩm quyền mà tại Tây Tạng, các vị tái sinh (Tulku) mới có, đó là những vị chứa tâm Bồ-tát, có thệ nguyện kiên định là lấy hiện thân làm sinh vật, các vị đó có quyền năng chủ động tái sinh trong tương lại, có đầy đủ điều kiện cần thiết, để mang lại lợi ích cho con người.

    Kết quả trực tiếp của linh ảnh tại Tschorten Nyima là Tomo Géshé cảm thấy mình không chỉ có trách nhiệm với dân tộc và đất nước mình trong việc trao truyền pháp Giác ngộ, mà cả thế giới bên ngoài, không phân biệt chủng tộc, giai cấp hay tôn giáo. Vì thế mà ông bỏ bình nguyên yên tĩnh của mình để đi đến các nước quanh vùng Himalaya. Và bất cứ nơi đâu đặt chân đến, ông gieo trồng niềm tin và hy vọng trong lòng mọi người. Ông cứu giúp kể bệnh tật chỉ băng cách rờ đến họ và bằng sức mạnh tâm ý mình, ông giảng đạo pháp thiêng liêng, làm cho họ “vui thích lúc đầu, vui thích lúc giữa, vui thích lúc cuối”[5]; ông khai thị cho những ai sẵn sàng đón nhận sự thực của Pháp và có khi phải bỏ lại đồ đệ của mình để lên đường mang Chính pháp đi truyền bá cũng như đã vì thế mà ông đã bỏ thung lũng hiền hòa của mình ra đi.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #12
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    TU VIỆN YI-GAH TSCHOLING
    __________________________________________________ ______________________________________


    TU VIỆN YI-GAH TSCHOLING


    Để hiểu ý nghĩa của đời sống chúng ta, để nhận rõ những mối dây và hình ảnh kỳ lạ đan chằng chịt trong số phận của mình (theo quan điểm Phật giáo, đó là kết quả của Nghiệp, tất cả tạo tác của ta trong quá khứ), thỉnh thoảng ta phải nhìn lui để thấy những mối dây của mạng lưới này, cái mà ta gọi là cuộc đời, xuất phát từ đâu, chạy như thế nào. Một cái nhìn, vài tiếng nói vô bổ, vài tiết điệu rời rạc vang lên trong một đêm hè yên lặng; một cuốn sách tình cờ đến tay ta, một bài thơ, một mùi hương gọi nhớ - tất cả những ấn tượng dường như tình cờ đó có thể sinh ra năng lực làm thay đổi và quyết định cả cuộc đời tương lai của ta hay là chìa khóa mở ra cho thấy những bí ẩn sâu xa nằm trong quá khứ.

    Khi viết những dòng này, xung quanh tôi là mùi hương dầu của loại nhang Tây Tạng và gợi cho tôi nhớ lại nơi chốn mà lần đầu tôi ngửi đến nó. Tôi thấy mình ngồi trong điện của một tu viện Tây Tạng, được chiếu sáng bằng đèn dầu, xung quanh mình là một loạt những hình tượng lạ lùng, một số thì hiền hòa an lạc, số khác thì dữ tợn phẫn nộ và số khác nữa thì xem ra kỳ dị và bí ẩn. Như xuất phát từ cõi không gian nào đầy bóng tối, các hình tượng đó chiếm đầy nội thất của ngôi đền. Nhìn tổng thể, hầu như các tượng đó có một sự sinh động, một sự hòa điệu giữa màu sắc và tiết điệu, chúng phản ánh cái đa diện phong phú của một nhất thể bao trùm.

    Tôi đã vào trú ẩn tại tu viện này trong một ngày dông bão dữ dội, nó cắt đứt tất cả mói liên lạc với bên ngoài và chôn vùi cảnh vật mùa Hè dưới băng tuyết. Sự bất ngờ và năng lực của trận bão đầy tuyết và mưa đá thật lạ lùng, đến nỗi cả người già cả ở vùng này cũng chưa hề thấy lần nào tương tự trong đời mình và đối với tôi là kể vừa đến từ Sri-Lanka, mang y vàng của một tu sĩ Thượng tọa bộ, choàng chiếc khăn nhẹ, chân mang dép mỏng, thì tất cả hiện ra có vẻ ma quái hay một cơn mơ kỳ dị.

    Còn tu viện - nằm trên cao dãy Darjeeling, xung quanh là thung lũng - trên chỏm núi chơ vơ, như một trái bóng để các đám mây đang gàm thét xô đảy, chúng xuất phát từ chiều sâu nào mà mang theo hàng ngàn tia chớp và sau đó là một loạt mây từ những đỉnh cao băng tuyết Himalaya đổ xuống, sự hỗn độn đến như thế là cùng. Tiếng sấm động vang lên không ngừng, tiếng đổ như trống dọi của mưa đá trên nóc điện và tiếng gầm rú của dông bão trộn lẫn nhau như bản hòa tấu của Địa ngục.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #13
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    TU VIỆN YI-GAH TSCHOLING
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vì sẽ nhiều ngày nên tôi không rời tu viện được, vị sư trưởng vui vẻ mời tôi ở cùng phòng với ông. Ông mang cho tôi chăn ấm và cố hết sức để tôi được thoải mái. Căn phòng nhỏ vì thế mà quá nóng và đầy khói nhang cũng như mùi củi khô mà thỉnh thoảng vị sư trưởng ném vào lò sưởi lúc tụng niệm làm tôi hầu như ngạt thở và không ngủ được. May thay ngày hôm sau, ông cho tôi về ở góc của tu viện lớn này, mà nơi đó có thể băng qua sân tu viện, nó cách ly ngôi đền và tòa nhà chính của điện.

    Tại sao tôi lại rời bỏ cuộc sống yên lành tại Sri-Lanka, một thiên đường ấm áp để đi vào một vùng ma quái đầy dông bão của Himalaya và không khí kỳ lạ của một tu viện Tây Tạng? Chưa bao giờ Tây Tạng đóng vài trò gì trong kế hoạch của tôi và có sức thu hút tôi. Đối với tôi, Sri-Lanka đã thỏa mãn tất cả sự mơ ước và vì tôi đã nghĩ rằng mình sẽ sống tại đó đến cuối đời nên đã xây dựng ngay giữa đảo một cái cốc - nằm giữa đường từ Kandy và Nuwara Eliya - trong một vùng sơn cước yên lành với mùa Xuân trường cửu, không bị ánh nắng màu Hè và sức lạnh mùa Đông xâm phạm, cây cối đâm chồi nở lộc quanh năm. Thế nhưng một ngày nọ tôi nhận được thư mời tham dự một hội nghị quốc tế về Phật giáo tại Darjeeling với tính cách là đại biểu của Sri-Lanka và làm chủ tọa điều khiển Tiểu ban Kinh sách của hội nghị. Mới đầu chần chừ, cuối cùng tôi nhận lời tham gia. Tôi được động viên bởi ý nghĩ, đây chính là dịp để trình bày giáo pháp thuần túy của Phật đã được Sri-Lanka gìn giữ, tại một nơi mà ngôn từ của Phật đã bị một hệ thống thờ Quỉ Thần và niềm tin sai lạc bóp méo.

    Và bây giờ tôi ở đây, trong xứ sở kỳ dị của Lạt ma giáo, không nói được thứ tiếng của họ, không có chút hiểu biết nào về ý nghĩa của vô số hình ảnh và biểu tượng, chúng nằm đầy trên các bích họa cũng như tượng hình quanh tôi. Chỉ các tượng Phật và Bồ-tát là tôi quen. Nhưng khi ngay đó đến, ngày mà bầu trời xanh lại và người ta có thể liên lạc với bên ngoài, và không có gì ngăn cản tôi rời Darjeeling trở về với Sri-Lanka thoải mái thì tôi không còn muốn đi nữa. Hầu như có một sức mạnh không cản nổi giữ tôi lại và càng ở lâu trong thế giới huyền hoặc này mà tôi đã chứng kiến hàng loạt những chuyện kỳ lạ, tôi càng cảm giác mình đang được vén màn cho thấy một dạng thực tại mới mẻ và mình đứng bên bờ một cuộc sống mới.

    Làn này là lần đầu trong đời tôi hiểu được thế nào là sự liên hệ phi ngôn ngữ với con người và sự vật, sự liên hệ này lúc đầu sở dĩ có chỉ vì tôi không nói được tiếng nói địa phương, thế nhưng nó lại sinh ra một khả năng nhận cảm sâu xa và một chứng thực trực tiếp, mà thường những chứng nghiệm đó bị dập tắt ngay vì nói năng diễn đạt quá nhiều mà phần lớn con người đã quen.

    Chỉ tại phương Đông, người ta mới biết một dạng trao đổi trong sự lặng yên giữa người với người, nó được gọi là darshan. Darshan có nguyên nghĩa là “quán sát”, vừa mang nghĩa vật lý tâm linh (thế giới quan). Theo nghĩa vật lý thì đó là sự tham dự im lặng vào một con người, chỉ việc nhìn và ý thức về một người, không thấy cần phải chuyện trò gì vì câu chuyện sẽ chỉ làm mất tính cách trực tiếp của ấn tượng đầu tiên hay mất mối liên hệ nội tại giữa hai bên hay của sự tham gia trực giác. Thế nên các vị đạo sư tôn giáo (hay các vị khác tuy không thuyết giảng nhưng làm gương cho người khác) hay sử dụng darshan đối với học trò tâm đạo. Nơi đây cần nhắc lại một thí dụ xứng đáng là bậc Thánh nhân Ramana Maharschi tại Nam Ấn Độ, là người mà hàng ngàn kẻ tầm đạo từ mọi phần đất Ấn Độ và thế giới tìm gặp, chỉ xin được ngồi im lặng bên cạnh ông; vì chỉ riêng sự hiện diện của một Thánh là đã mang phước và thành quả sâu xa hơn hẳn một cuộc thảo luận trí thức hay một buổi thuyết giảng nhiều lời. Nhiều người đã đến tìm ông, mang theo nhiều câu hỏi, cuối cùng nhận ra rằng với sự có mặt của ông thì vấn đề đã tiêu tan, hay ông đã trả lời trước khi họ đặt câu hỏi. Nhưng đó là chuyện xa, bản thân tôi cũng đã có dịp thực chứng điều tương tự.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #14
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    TU VIỆN YI-GAH TSCHOLING
    __________________________________________________ ______________________________________


    Như đã nói, tôi ở trong một góc của đền. Đền này gồm một chính điện hình vuông, ngự trị bởi một bức tượng Di Lặc vĩ đại. Đầu của bức tượng được ánh sáng từ một cửa sổ đối diện chiếu vào; nếu không, nó sẽ mất hút trong bóng tối của đoạn mái cao của chính điện. Cửa sổ này nằm giữa đoạn mái thấp của phần trước và đoạn giữa của đền, trên đoạn này là một mái nhà thứ ba, che chính điện hình vuông có cột. Trên đoạn hình vuông này là tầng một thờ mười phương chư Phật. Tầng nằm trên bốn cột cao, sơn son, mang nhiều hình chạm trổ. Buổi tối khuôn mặt vàng của Di Lặc phản chiếu ánh sáng mờ nhạc của ngọn đèn vĩnh cửu, ngọn đèn nằm giữa chính điện trước bàn thờ đá, trên đó là các phẩm vật cúng đường như chén nước, đèn dầu, bánh cúng hình nón (torma), nhang cắm trong những chén cơm.

    Hai bên phải trái của bàn thờ đá này là các chỗ ngồi thấp, nệm cứng và các bàn nhỏ để trà (tschotse). Chỗ ngồi cho tu sĩ tụng niệm này mà trong các dịp lễ lớn phải thêm vài hàng, nằm từ cổng vào cho đến vách sau của điện. Tượng Di Lặc chiếm trung tâm của tấm vách đó, hai bên là các tượng nhỏ của các vị Phật và Bồ-tát khác, kể cả tượng của Đại lai lạt ma thứ 13 và người sáng lập ngôi đền. Phàn còn lại của vách sau và một phần quan trong của hai vách hai bên gồm toàn hàng trăm bộ Kinh sách thiêng liêng (Kandschur và Tanschur), chúng nằm trong các hộc nhỏ. Sách Tây Tạng gồm những tờ giấp hẹp bề ngang, làm bằng tay, để rời, in theo kiểu nằm ngang hoặc viết tay, chúng thường được để giữa hai miếng gỗ trang trí đẹp, cuốn trong vải đỏ hay vàng và bề ngang tờ giấy có một miếng vải ghi số hay dấu cuốn sách. Miếng vải này được gọi là “đầu” cuốn sách nằm lòi ra khỏi hộc, cho thấy một sự trang trí hài hòa của một cấu trúc bằng gỗ to rộng, sơn son, có khắc họa, có khi dát vàng.

    Vách tường nếu không bị tượng hay sách vở che mất thì thường mang đầy bích họa, diễn tả sinh vật sống ở những dạng khác nhau: con người và phi nhân, thánh thần và ma quỉ, những dạng hình hiền hòa và phẫn nộ, từ bi và dữ tợn. Loài phi nhân nhiều tay ôm nhau trong sự giao phối tình dục, xung quanh là khói và lửa - và ngay bên cạnh đó là Thánh Thần ngồi yên trên tòa sen, hào quang chiếu sáng, dưới chân là đồ đệ phủ phục. Rồi các nàng Tiên nữ với sắc đẹp dịu hiền và Thiên nhân trong điệu múa xuất thần, trang sức với sọ người và chuỗi hạt đầy những đầu lâu, song song là tu sĩ khổ hạnh thiền định trong hang động hay dưới gốc cây và các nhà thông thái thuyết giảng cho học trò. Giữa những cảnh đó là đồi xanh và thác nước, phía sau là núi tuyết và mây bay, phía trên là không gian đầy sắc xanh thẩm với thiên thể và những biểu hiện bí ẩn. Thấp nhất là nguồn suối của biển sinh tử với ngọc ngà châu báu, cùng Thần rắn giữ cửa cũng như sinh linh dưới đáy biển

    Toàn bộ vũ trụ hầu như tập hợp lại trong đền này và những bức vách mở ra một chiều sâu chưa hề biết. Giữa hàng ngàn hình dạng của vũ trụ đầy những đời sống và vô số mức độ ý thức khác nhau, tôi sống trong một trạng thái của sự kỳ diệu; tiếp nhận muôn hình vạn trạng của cảm thọ, nhưng không hề tìm cách giải thích hay lý luận về chúng, cũng không “nắm bắt” chúng theo cách tư duy. Tôi chấp nhận nó cũng như người ta đứng trước cảnh vật một vùng đất lạ, nơi ta đến lần đầu, thâu nhận nó vào tâm thức của mình.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #15
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    TU VIỆN YI-GAH TSCHOLING
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nếu lúc đó có người giảng cho tôi nghe về những chi tiết của cảnh vật thì có lẽ sự chú ý của tôi sẽ bị hướng về hình tượng và lịch sử; và cách tiếp nhận lý luận đó đã làm tôi đánh mất tính trực tiếp của những cảm thọ ban đầu về sự hồn nhiên của phản ứng nội tâm của tôi khi gặp thế giới mới. Nơi đây không phải tôi gặp trí tưởng tượng của chỉ một con người đơn lẻ, mà linh ảnh của vô số thế hệ những con người thiền định, linh ảnh của họ xuất phát từ chứng thực nội tâm, trên một thực tại tâm linh, mà ở thực tại đó, lý luận tư duy của tôi không vươn tới, không thể đánh giá hết.

    Và dần dần thực tại đó chiếm hẳn tôi. Thực tại đó xuyên suốt qua hình dung và thang giá trị của tôi về thế giới vật chất, tra vấn, tạo nên một sự chuyển hóa về thái độ và ý thức của tôi. Tôi nhận ra rằng, các thực tại tôn giáo và đời sống tâm linh là một bước đi vượt ra ngoài biên giới của ý thức bình thường, chứ không phải chỉ là sự thay đổi ý kiến hay quan niệm, không phải chỉ là thêm thuyết phục bằng những luận cứ tri thức hay lý luận tổng hợp; những điều vừa kể này không bao giờ mang ta ra khỏi vòng vây của khái niệm đã biết, mà với những khái niệm đó, ta xây dựng nên “thực tại vật chất” và “lý luận phải trái” của con người. Thế giới của những điều “hiển nhiên” đó từ xưa đến nay là chướng ngại lớn nhất ngăn cản cái nhìn sáng tạo và sự tìm kiếm những tầng mức khác của ý thức hay những chiều sâu khác của thực tại. Đời sống tâm linh dựa trên khả năng cảm thọ và chứng thực nội tại. Đời sống tâm linh dựa trên khả năng cảm thọ và chứng thực nội tại, nó không cần đến tư duy, vì tư duy là lý luận chỉ là một tiến trình tâm linh của tiêu hóa và hấp thụ, chúng đi sau khả năng nói trên chứ không đi trước.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #16
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    KATSCHELA, NGƯỜI BẠN ....
    __________________________________________________ ______________________________________


    KATSCHELA, NGƯỜI BẠN VONG NIÊN VÀ NGƯỜI HƯỚNG ĐẠO


    Biết nhiều không phải hay,

    cái Biết che cái Thấy.

    Chân nhân nghe tiếng gọi,

    và biết tin lời Người.


    Thỉnh thoảng nửa đêm tôi tỉnh dậy và nhìn nét mặt từ bi của khuôn mặt Di Lặc chập chờn trong những dạng hình khác đầy bóng tối, chúng bao phủ hết ngôi đền trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn vĩnh cửu. Và trong khuôn mặt bằng vàng, sáng một cách dịu dàng thì cặp mắt to xanh đậm của Ngài hầu như đầy sự sống và tôi cảm thấy cái nhìn của cặp mắt đọng lại trên tôi, vô cùng êm ái.

    Cũng có lúc nửa đêm tôi tỉnh dậy và nghe tiếng nuốt nước miếng kỳ lạ cùng với nhịp thở nặng nề. Vì đêm rất lạnh và vùi mình trong chăn nên một lúc sau tôi mới quyết định dậy nổi và nhìn xung quanh xem có gì. Tôi tò mò vì thực tế là ban đêm đền khóa cửa và nghĩ chỉ có mình tôi trong đền, ngoài tôi ra không có một sinh vật nào khác.

    Tôi đứng dậy dụi mắt và thấy bóng một ông già cử động chậm chạp trước bàn thờ. Ông chắp hai tay lại trên đầu, quì xuống và nằm dài trên mặt đất, tay duỗi về phía trước. Sau đó ông lại đứng lên và lặp lại hành động cúi lạy này, lần nữa rồi lần nữa, cho đến khi thở hổn hển vì mệt. Sau khi cúi lạy vô số lần trước tượng Di Lặc, ông đi dọc theo vách tường ngôi đền, nghiêng đầu trước mọi bức tượng và kính trọng dùng trán sờ đến các hàng dưới cùng xếp Kinh sách vào chân Di Lặc. Ông đi vòng theo chiều từ trái qua phải (tức là chiều mặt trời quay) theo cách cổ Phật giáo; và khi qua vách tường bên phải, đến góc của tôi thì tôi nhận ra ông là vị tu sĩ già khả kính, ở trong một phòng nhờ bên cạnh cửa vào đền.

    Tôi nhận ra ông với cái lưng hơi còng và nhờ bộ râu mà người Tây Tạng ít có. Ông là tu sĩ già nhất trong viện, quê ở Schigatse, nơi sống của lạt ma Taschi (tức là Ban thiền lạt ma), là người mà hồi còn trẻ ông đã phụng sự rất thân cận. Bây giờ ông còn được một món tiền hưu ít ỏi mà về sau tôi biết rằng ông dùng phần lớn để sửa chữa hay trang hoàng cho ngôi đền, trong lúc bản thân ông thì sống trước cổng như kẻ nghèo và ít ai để ý nhất và không sở hữu cái gì ngoài miếng thảm để ngồi và quần áo ông mặc. Ông còng lưng không phải vì tuổi tác mà vì năm này qua năm khác ngồi thiền định trên tấm thảm. Đời của ông quả thật là một cuộc đời cống hiến cho tôn giáo.

    Thế nhưng điều này không ngăn cản Katschenla thỉnh thoảng chơi với trẻ con, chúng hay tụ tập trong sân tu viện, có khi vào hẳn trong đền để chọc ghẹo ông. Ông vui đùa với chúng và giả vờ đuổi chúng ra khỏi đền bằng cách rượt bắt chúng giữa những hàng ghế. Thế nhưng cặp mắt của ông ánh lên vui tươi nên thái độ đe dọa của ông mất hết hiệu lực và cả đứa con nít nhỏ nhất, nghịch ngợm kéo áo ông cũng gập người lại mà cười khi ông tìm cách chụp chúng.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #17
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    KATSCHELA, NGƯỜI BẠN ....
    __________________________________________________ ______________________________________


    Dù tuổi đã cao nhưng không khi nào Katschenla ngồi yên - khi thì ông dùng hai miếng vải chùi lui chùi tới cho nền bóng lên, khi thì chùi hàng trăm cây đèn dầu và chén đựng nước hay các bình khác trên bàn thờ rồi sắp xếp lại ngay ngắn, khi thì đọc Kinh sách hay tụng niệm cầu an lạc cho mọi người hay cử hành lễ lạc để cầu an cầu phước - luôn luôn ông sống phụng sự cho đền hay tu tập tâm linh.

    Trong nhiều dịp đặc biệt ông nắn nhiều hình tượng bằng đất sét rất đẹp, diễn tả các vị Phật, Bồ-tát hay hộ pháp được nhiều người tôn thờ. Được xem ông làm thật thích, từ lúc trộn, bóp đất sét, ép trong khuôn rỗng bằng kim loại rồi sửa chữa các chi tiết, phơi khô và nung ở nhiệt độ đều trong một cái lò than nhỏ và sau đó là vẽ màu hay dát vàng, mỗi một khâu công việc đều có chân ngôn[6] và cầu nguyện kèm theo, cầu phước của chư vị đã Giác ngộ cũng như tất cả năng lực trong vũ trụ, năng lực đó hiện diện trong đất và khí, trong lửa và nước, trong tất cả mọi yếu tố làm nên đời sống chúng ta và sự thành tựu tác phẩm.

    Cho nên cả công việc thủ công cũng là một nghi lễ với ý nghĩa sâu xa và là một hành động hiến mình và thiền định. Ông làm những vật thể vật chất trở thành nơi chuyên chở những năng lực, mà tác động của chúng đã đóng vai trò quan trọng luc hình thành những vật thể đó. Đối với người Tây Tạng thì thế giới không tách làm hai thành vật chất và tinh thần mà vật chất chỉ là tâm thức đã trở thành thấy được sờ được, tức là năng lực của vũ trụ đã mang dạng hình và nhận cảm quan trong tâm thức con người. Cũng như tâm đã kết tinh thành ngôn từ, như tư tưởng đã biến thành câu chữ, thì sự chứng thực đã kết tinh thành hình tượng thờ cúng, dù nó là tượng hay hình tô màu, không màu; và cả hai, ngôn từ hay hình tượng trở thành biểu tượng tích cực và vật chuyên chở các năng lực siêu nhiên cho những ai sẵn sàng mở lòng vì những năng lực đó. Mỗi một hành động sáng tạo đều kết thành một thực tại tâm linh. Vì thế mà hành động sáng tạo một tác phẩm tôn giáo quan trọng hơn sản phẩm của nó. Hành động đó cho tác phẩm của mình một sức mạnh và ý nghĩa huyền bí, chúng tiếp tục tác động. Đó là ý nghĩa sâu kín của “Vạn Phật Điện”, thường có trong các ngôi đền tại Tây Tạng và Viễn Đông. Cũng một lời cầu nguyện hoặc chân ngôn được nhắc hoài không ngưng vì hành động của tâm thức tụng niệm quan trọng hơn việc hiểu ý nghĩa hay nội dung của chúng, nên trình bày ngàn lần một tượng Phật duy nhất không phải chỉ nói lên tính vũ trụ của Phật quả, thời nào hay ở đâu cũng hiển hiện được, mà diễn tả hành động sáng tạo ngàn lần.

    Tôi không thể nói hết những điều mà Katschenla đã dạy tôi một cách giản đơn và kiên nhẫn. Lòng phụng sự quên mình, sự sẵn sàng giúp đỡ và nhất là sự cố gắng thành tâm nhằm đưa tôi vào thế giới tâm linh của ông đã chuẩn bị nội tâm cho cuộc gặp gỡ với vị đạo sư của tôi. Thực tế là, ông chính là một phần sinh động của vị đạo sư, vị luôn luôn hiện diện trong tâm ông, không bao giờ lìa xa, cho nên khi nói đến lòng biết ơn và kính trọng của tôi đối với đạo sư thì cũng đồng thời nói đến ông.

    Ông lo lắng cho tôi được thoải mái như cho chính con ruột ông. Ông dạy cho tôi những từ Tây Tạng đầu tiên bằng cách chỉ những vật thể khác nhau và nói tên của chúng. Mỗi buổi sáng ông mang nước nóng cho tôi - một sự xa xỉ mà ông cũng như các tu sĩ khác không dám có - và ân cần ngồi xuống bên tôi, ông nói: “tschu tsawo” (nước nóng). Ông chia cho tôi loại trà bơ mà ông ưa thích, được giữ ấm suốt ngày bằng cách để trên lò than sau chỗ ngồi. Ngay từ đầu, tôi thích uống loại trà kỳ lạ này, trộn lẫn loại trà tàu, thêm chút bơ, muối và sôđa - mà phần lớn người không phải Tây Tạng thấy khó uống - có lẽ là nhờ tình cảm lớn lao của Katschenla, vì không bao giờ tôi nghĩ có thể từ chối một món quà ân cần như vậy. Về sau tôi mới biết mình quen được với trà này là rất quan trọng, vì đó là một thức uống không gì thay thế được và rất bổ đưỡng trong những chuyến du hành trên cao nguyên Tây Tạng lạnh giá.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #18
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    KATSCHELA, NGƯỜI BẠN ....
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trước khi thưởng thức chén trà buổi sáng, Katschenla thường lấy một nhúm hạt giống màu đen, để trong lòng bàn tay ra dạng một con bò cạp, vừa đọc chú trừ tà vừa ném vào lửa. Khi khác ông cầm nhang hoa lên trước cửa sổ, vẽ những ấn quyết kỳ lạ, xem là phẩm vật tượng trưng dâng lên cho các bậc Giác ngộ, miệng tụng Kinh tán thán. Điều này diễn ra với những cử động mềm mại, đầy ấn tượng làm tôi hầu như thấy những phẩm vật đó hiện ra trước mắt, rõ như lòng thành khẩn trong sự dâng cúng. Thế nhưng, những cử động này không hề có tính chất biểu diễn mà chúng hiện ra như một cách diễn tả của một con người nội tại, như sự nhịp nhàng của hơi thở, như nhịp đập của các bậc Giác ngộ, trước mặt vô số Quỉ Thần, cũng nhẹ nhàng tự nhiên như giữa người và thú, bằng cách ông tỏ lòng kính trọng và ân cần với mỗi đối tượng.

    Buổi tối thường Katschenla tay mang đèn dầu đến với góc đền yên lặng của tôi, ngồi trước mặt và ra hiệu cho tôi lấy giấy bút. Với lòng kiên nhẫn vô bờ, ông nhắc đi nhắc lại cho tôi nghe Kinh cầu nguyện, Kinh tán thán, bắt tôi lập lại cho đến lúc tôi phát âm và nhấn chỗ thật đúng. Ông không quan tâm khi mới đầu tôi không hiểu chữ gì, thế nhưng nhờ ông chỉ, tôi thấy hình tượng các vị Phật và Bồ-tát cũng như các vị Hộ pháp quan trọng liên hệ với các lời cầu nguyện và hô triệu thế nào mà tôi được hướng dẫn thực sự, hiểu mối liên hệ của ngôn từ và hình ảnh nhất định.

    Đối với ông thì những gì ông chỉ cho tôi có giá trị tột cùng, không cần biết tôi có hiểu hay không. Và tôi cũng phải nói thật là mình cũng cảm nhận sự đoán chắc chắc đó và lòng vui sướng, vì tôi tin rằng một món quà được trao trong tình thương và sự chân thành như thế, tự nó đã có giá trị rồi. Tôi cảm nhận có cái gì từ nơi cụ già tốt bụng này chảy tràn trong tôi, cho tôi một cảm giác an lạc mà không thể giải thích được. Đây là lần đầu tôi chứng được sức mạnh của thần chú - phải bỏ mọi khái niệm lý luận mới hiểu được - trong đó âm thanh của tâm thức nằm ẩn trong tim đã được chuyển hóa và được nghe thấy. Và vì đó là “âm thanh của tim” chứ không phải của đầu óc nên tai không nghe thấy và óc không nắm được.

    Chỉ về sau tôi mới hiểu được nội dung và ý nghĩa của những lời cầu nguyện này; nhưng sự hiểu biết này không làm quên những thành quả đầu tiên, vì sau này tôi đã biết, quan trọng hơn xa sự hiểu biết là trạng thái lúc trao truyền những ngôn từ đó, là lòng thanh tịnh và sự thành tâm của người trao truyền.

    Om Mani Padme Hum !

  9. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    chimvacgoidan (10-22-2017)

  10. #19
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    TU HỌC VÀ CÁC NGHI LỄ
    __________________________________________________ ______________________________________


    TU HỌC VÀ CÁC NGHI LỄ


    Dưới sự dẫn dắt tốt bụng của Katschenla tôi sớm ý thức nhiều điều nhỏ bé mà ngày trước tôi không mấy quan tâm hay cho chúng có ý nghĩa gì, những điều rất hữu ích để nâng tâm thức lên một mức độ cao hơn, nhờ đưa những hành động và thái độ thường nhật nhất vào trong sự tu học và thiền định.

    Tôi học cách cầm một cuốn Kinh, kính trọng đưa lên trán trước khi mở bọc lấy ra - cần nhớ rằng trong đó là ngôn từ của các bậc Giác ngộ - làm sao cho các tờ Kinh không bị lộn xộn [7] và mỗi một âm phải được xem là một chú nên một tờ Kinh hư hỏng, không đọc được hay vô ích cũng không được vứt bừa bãi để cho người hay thú có thể đạp lên. Vì lý do này mà phía ngoài đền thường có một bệ thờ để cất chứa những tờ Kinh hư hỏng hay dư thừa và các đồ vật cúng dường hết dùng tới.

    Tôi học cách đi đứng trong tu viện, trước hết là hướng đi, đó là hướng của thiên thể quay xung quanh mặt trời - điều đó có nghĩa luôn luôn ta phải thấy đức Phật hiện diện, Ngài là mặt trời tâm linh và kẻ Giác ngộ của nhân loại, được cung kính bằng cách đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ.

    Ngay cả khi qua sân trước đền để đến tòa nhà chính nằm bên trái, tôi cũng phải đi toàn vòng bên mặt của đền. Như thế tôi đi qua một dọc những bánh xe đồng, trên đó có khắc sáu âm thần chú OM MANI PADME HUM và bên trong chứa những cuộn làm bằng giấy Tây Tạng rất bền, trên đó câu thần chú này được chép hàng trăm ngàn lần.

    Cũng như đã nhắc khi nói về các hình tượng đất sét thì sự hình thành các cuộn giấy này là một nghi lễ thiêng liêng, trong đó năng lực tâm linh được tập hợp và vận động, chúng sẽ mang lại lợi ích cho những ai có tâm sẵn sàng đón lấy. Khi đi ngang, chỉ cần đụng nhẹ thì bánh xe đã quay, tôi nhắc lại trong tâm câu thần chú mà Katschenla đã chỉ; vì không có người Tây Tạng nào thực sự quan tâm đến tôn giáo của mình và có chút hiểubiết sâu sắc lại có thể ngây thơ tin rằng một hành động hoàn toàn cơ giới có thể mang lại lợi ích tâm linh cho họ hay cho ai khác, hay nghĩ rằng quay bánh xe một cái là hàng ngàn lời cầu nguyện lên tới trời xanh.

    Người Tây Tạng không có ý muốn “đánh lừa thần thánh” bằng cách cầu nguyện để kéo các Ngài về phía mình; cũng như họ không muốn trốn tránh khổ nhọc hay trách nhiệm về việc làm của mình.

    Khi một nông dân Tây Tạng đem bánh xe cầu nguyện (mani-tschor-khor) đến một suối nước hay kinh lạch tưới tiêu cho ruộng đồng mình, là muốn ban phép cho nước và cho những ai ăn thực phẩm của mình làm ra. Thế nhưng, thêm một điều là âm thanh tiếng chuông khi quay bánh xe đó sinh ra, sẽ đánh thức thần chú đầy phước hạnh nằm sẵn trong tâm người.

    Nguồn gốc của mani-tschor-khor là gì? “Quay bánh xe pháp” (Chuyển pháp luân) là một ẩn dụ mà bất cứ Phật tử nào cũng biết và có nghĩa là “đưa vào vận hành các sức mạnh của qui luật vũ trụ và đạo lý”. Khi đưa tschor-khor vào vận hành, anh ta lập lại hành động tâm linh của Phật cách đây 2500 năm, đã “quay bánh xe Pháp”. Hành động này do một vị giác ngộ làm chưa đủ - mỗi ai muốn giác ngộ cũng phải tự mình làm một cách sáng tạo và thực hiện trong thâm tâm mình.

    Om Mani Padme Hum !

  11. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    chimvacgoidan (10-22-2017)

  12. #20
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    TU HỌC VÀ CÁC NGHI LỄ
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ta có thể hiểu ý nghĩa sâu xa và sự song hành trong vũ trụ của biểu hiện này khi nhớ rằng toàn bộ vũ trụ được xây dựng trên vận động quay: các vì sao và hành tinh quay quanh trục của chính mình, các thiên thể quay xung quanh mặt trời hay các điện tử quay quanh hạt nhân nguyên tử. Nếu một đy-na-mô quay quanh mà phát ra điện lực[8] và khi sự quay của tâm con người quanh một đối tượng ý thức hay một vấn đề sinh ra một tình trạng chú tâm, tình trạng đó có thể phát minh những điên đảo lộn thế giới hay dẫn đến một mức độ ý thức cao hơn, thâm chí đến sự giác ngộ hoàn toàn thì có gì đáng ngạc nhiên khi người Tây Tạng tin rằng các năng lực cao đẹp được tập trung lên trong lúc hình thành một mani-tschor-khor sẽ bám giữ trong thể vật chất của vật đó, theo một cách nào đó, được động viên và trao truyền lại cho ai quay nó?

    Tất cả những ý nghĩ đó tràn ngập tâm tôi khi hàng ngày tôi đi vòng quanh đền và tu viện. Mặc dù tu viện cách nhà dân vùng Ghoom không hơn một dặm, nhưng ở đây dường như thuộc về một thế giới khác. Giữa làng và tu viện là một ngọn đồi dốc có nhiều cột cúng dường sơn trắng và một vườn cây với nhiều phướn trắng bao quanh. Một cột phướn mang cờ trắng cao khoảng tám mét, mang trên đỉnh biểu hiện của mặt trời, mặt trăng, lửa, có khi là hình kiếm trí tuệ hay chĩa ba. Những lá cờ trắng mang chú nguyện hay dấu hiệu phúc lạc dài khoảng ba phần tư mét, nằm suốt dọc cột cờ, chỉ trừ một mét rưỡi cuối cột là không. Mỗi một lá cờ này do một cá nhân cúng dường hay một gia đình qui y với tu viện. Cờ biểu hiện ân phước cũng như nhắc nhớ chính pháp cho người từ xa đến tu viện hay những người sống quanh đó.

    Trong mùa mưa thì đỉnh núi cao khoảng hai ngàn năm trăm mét, mà trên đó tu viện này được xây dựng, hầu như suốt ngày bị một đám mây khổng lồ bao phủ, nên buổi trưa mà vẫn phải thắp đèn trong điện, bên ngoài thì sương mù che kín. Toàn bộ khu vực dường như trôi bềnh bồng trong mây, bị gió thổi qua vô số lá cờ trắng xung quanh điện và quanh các tháp trên núi. Thế nhưng toàn thể không gian và ngay cả các vật thể chìm đắm trong sương mù không hề tạo ra cảm giác tuyệt vọng mà chỉ tăng thêm phần bí ẩn của khu vực và cho một cảm giác an tâm, vững tin và yên lành, một tâm thức an lạc, sống xa rời tất cả cái hối hả tất bậc của thế nhân.

    Khi đi vòng quanh ngọn núi kỳ diệu đầy mây mù này, tôi thường thấy dường như các tòa nhà vừa mới hiện thân trước mắt và chúng không có thực tính như tư tưởng luôn đổi thay của tôi; còn bản thân tôi thì hình như vô hình với người khác, như một thần thức đã thoát khỏi thân. Xung quanh tôi hình như có một cõi sống siêu nhiên và khung cảnh tĩnh lặng chỉ làm tăng lên những tiếng động kỳ lạ, nó vang trong không khí, khi lên khi xuống. Chưa bao giờ tôi nghe tiếng động này: nó sinh ra từ những ngọn phướn dài và mỏng rung trong chiều gió thổi lên liên tục từ bình nguyên Ấn Độ. (Đó chính là luồng khí ấm và ẩm dần lên, gặp luồng gió lạnh từ Himalaya mà sinh ra mây mù liên miên trên đỉnh núi này). Trộn lẫn với tiếng động kỳ lạ này là tiếng chuông bạc của mani-khor-lo nằm trong một tòa nhà nhỏ bên cạnh ngôi đền chính, do một ông già mù quay, ông vừa quay vừa lầm bầm đọc thần chú.

    Om Mani Padme Hum !

  13. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    chimvacgoidan (10-22-2017)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •