Theo pháp tu của Tịnh đô tông, người tu lúc lâm chung cần hộ niệm trợ lực tâm linh, trấn an tinh thần để người hấp hối an lành ra đi. Vậy hoạt động hộ niệm không sai ngược lại là rất tốt, vấn đề là hộ niệm như thế nào, ở đâu. Ban hộ niệm bất luận theo đạo tràng nào, bất luận là cư sĩ, Tăng sĩ cũng không vấn đề, vấn đề là ở chỗ làm như thế nào cho hiệu quả.
Trong khi đó, thưa ngài Tiến sĩ, ngài cho rằng nên dừng lại hoạt động này hoặc ít nhất ra nên “giảm” hộ niệm, “tăng” tự tu, vậy chẳng khác nào ngài “dài tay” vào chuyện người khác hay không? Giả sử ngài là tu sĩ Thiên Thai tông, ai đó là Tiến sĩ lên đài phát biểu, đừng tụng Kinh Pháp hoa làm gì cho mất thời gian, để thời gian làm Phật sự, từ thiện, ấn tống kinh điển..ngài nghĩ sao? Cho nên tôi khuyên ngài một điều: không chấp vào hiện tượng mà hãy quán xét bản chất để đề ra hoạch định hoặc đưa ra luận kiến. Muốn thưởng thức nghệ thuật phải có trình độ nghệ thuật như câu danh ngôn đã nói, xem ra ngài đã lạm bàn nghệ thuật tâm linh rồi!
Thưa ngài Tiến sĩ Thích Nhật Từ!
Tôi nói ngài lạm bàn nghệ thuật tâm linh là không ngoa ngữ vì ngài nhận định về 5 điều kiện để vãng sanh Tây phương Cực lạc không chính xác, không đầy đủ, nhất là khi ngài bàn về “nhất tâm bất loạn”. Theo giáo điển của Tịnh độ tông và đại nguyện của đức A mi đà Phật, mọi chúng sanh tu Phật và tin Phật A mi đà đều có thể vãng sanh, tùy theo từng mức độ tâm linh mà về cõi Tây phương trong 1 đến 9 tầng (cửu phẩm liên hoa), không phải nhất thiết phải nhất tâm mới vãng sanh.
Hơn nữa, nếu không vãng sanh Tây phương Cực lạc thì người tu được hộ niệm cũng thác sanh về cõi lành. Vì vậy, hộ niệm là một hoạt động tâm linh thật tốt, thể hiện Bồ đề tâm dụng một cách thiết thực. Do vậy, quan điểm của ngài nêu ra hạn chế, e rằng không khách quan về tình hình thực tế tâm linh.
4/ ĐÔI ĐIỀU KẾT LUẬN
Kính thưa Tiến sĩ Thích Nhật Từ!
Với tư cách là người con Phật, tôi mong muốn mọi người tu dù ở các tông phái, pháp môn nào đều thành tựu hạnh phúc của Phật tánh. Vấn đề chỉ trầm trọng là ở mỗi cá nhân người tu, làm điều tà vạy lạc lối Bồ đề. Do vậy, với tinh thần nêu cao chánh kiến Phật đà, tôi không tán thành quan điểm áp đặt của tiến sĩ lên những quan kiến Phật học, gây ảnh hưởng những đạo tràng của các tông phái khác bởi tính bộ phái của mình, gây ảnh hưởng đến pháp tu của họ đang đặt hết niềm tin.
Tôi, tuy là hành giả Mật tông nhưng vẫn bày tỏ sự kính ngưỡng những tu pháp của Tịnh độ tông, cảm khái hết lòng trước những đại nguyện của A mi đà Phật, quy ngưỡng về Tây phương Cực lạc quốc. Kinh Hoa nghiêm viết “Biển Phật mênh mông chỉ có niềm tin mới nhập hải”. Tôi kết thúc bài này bằng câu ca dao của ông bà ta:
DÙ AI NÓI NGẢ NÓI NGHIÊNG
LÒNG TA VẪN VỮNG NHƯ KIỀNG BA CHÂN
Làng Phước Thành ngày 29/11/2014
THINLEY-NGUYÊN THÀNH