Kinh :
“Lại chỗ tinh minh đứng lặng không giao động của ông mà gọi là thường hằng thì nơi thân ông chẳng ra ngoài những sự Thấy, Nghe, Hay, Biết. Nếu nó thật là tính tinh chân thì chẳng chứa nhóm hư vọng, vì sao các ông trong năm xưa đã từng thấy một vật lạ, trải qua nhiều năm không hề nghĩ đến, về sau bỗng nhiên thấy vật lạ đó thì nhớ lại rõ ràng, không hề sót mất. Vậy trong cái tinh minh đứng lặng không lay động này, niệm niệm chịu sự huân tập không thể tính toán hết được.
“Anan, nên biết cái trong lặng này chẳng phải chân thật, như dòng nước chảy xiết, trông như đứng yên, vì chảy nhanh nên không thấy chứ chẳng phải không chảy. Nếu chẳng phải là nguồn Tưởng thì đâu chịu tập khí hư vọng. Nếu sáu Căn của ông chưa được chia hợp, dùng thay lẫn nhau thì cái Vọng Tưởng đó không khi nào diệt được. Vậy nên hiện nay cái tập khí tập hợp quán xuyến những sự Thấy, Nghe, Hay, Biết của ông là cái Tưởng tinh vi tế nhiệm, điên đảo, ảo tượng rỗng không Thứ Năm trong tánh trong lặng thấu suốt của ông.
“Anan, năm cái Thọ Ấm đó do năm Vọng Tưởng tạo thành.
Thông rằng :
Sự sanh diệt của Hành Ấm, niệm niệm chẳng dừng, chỉ là u ẩn không thể thấy. Còn đến chỗ lặng trong chẳng giao động là đã diệt sự sanh diệt, vì sao còn gọi là Vọng Tưởng ? Vì còn cái Thức Thể tinh minh vậy. Cái Thức Thể tinh minh này, thiện ác chẳng manh động, Ý Thức đều mất, trong lặng thường ngưng, tương tự cùng loại với Bản Giác tinh chân nhưng thật chẳng phải là Bản Giác tinh chân. Cái Bản Giác tinh chân chẳng rơi vào Thấy, Nghe, Hay, Biết nên không chịu sự huân tập. Nay cái chỗ lặng trong chẳng giao động, cái biết không còn, lạc vào chỗ vô ký. Tánh của vô ký thông với Hiện Lượng, chẳng ra ngoài cảnh giới Thấy, Nghe, Hay, Biết của năm Thức trước. Cái Thấy, Nghe, Hay, Biết này tuy không suy nghĩ so tính, nhưng có thể lãnh nạp, chịu sự huân tập. Bởi thế hễ thấy vật lạ, dầu không nghĩ đến, nhưng một lần thấy lại là nhớ rõ ràng. Thật giống như con cá bị băng giá ép, gặp cảnh bèn nhảy ra, thì sự Sanh Diệt chưa từng mất hết vậy. Thế nên biết rằng cái trong lặng này chẳng phải chân thật, niệm niệm chịu sự huân tập, quán xuyến tập hợp các tập khí, tinh vi tế nhiệm thường huân tập chẳng ngừng, giống như xâu chuỗi kết nhau vậy.
Có cái Tinh Minh này tức là có cái Thấy, Nghe, Hay, Biết này. Có cái Thấy, Nghe, Hay biết này tức là chẳng lìa căn trần thì hay quấy loạn cảnh mà chịu huân tập, dung chứa kết tập vọng nghiệp, nên chẳng phải là tánh trong lặng chân thật. hẳn phải ngược dòng toàn nhất, tiêu tan sáu cửa, thoát suốt căn trần, sáu căn dùng lẫn nhau. Chỉ một cái Tinh Chân, nương căn phát sáng, đóng mở tự do, tập khí hư vọng không có chỗ nương tựa. Bởi thế, miệng như lỗ mũi, mắt tựa lông mày ! Lấy tai xem sắc, sắc chẳng động lay. Lấy mắt nghe thanh, thanh không níu kéo. Như thế mới là Diệu Trạm Tổng Trì, vọng tưởng không do đâu mà vào được.
Năm Thức trước chưa hợp vào tư duy thì cái thể gần với Thức Thứ Tám. Cho nên Thức Thứ Sáu và Thức Thứ Bảy chuyển ở trên nhân thì Thức Thứ Tám và năm Thức trước mới viên mãn ở trên quả. Nếu chẳng có Hậu Đắc Trí thì không thể chuyển năm Thức trước. Cho đến khi chuyển Thức thành Trí, đắc cái trong lặng chân thật thì sau đó mới tin Thức Thứ Tám là chủng tử vi tế sanh diệt, chảy nhanh nên không thấy, chứ không phải không chảy, tuy giống như lặng yên, không thể gọi là trong lặng chân thật. Trong Tánh trong lặng thấu suốt cái Tưởng tinh vi tế nhiệm, ảo tượng rỗng không, hình như có hình như không, nhưng chưa từng không có cái Tưởng. Cho nên cũng gọi đó là Vọng Tưởng vậy. Thức Thứ Tám nương nơi cái Chẳng Sanh Chẳng Diệt hòa hợp với cái Sanh Diệt mà thành. Bằng như ngược Trần hợp Giác, y vào cái Chẳng Sanh Diệt thì gọi là Chánh Trí. Nếu ngược Giác hợp Trần y vào nơi Sanh Diệt thì gọi là Điên Đảo. Cội nguồn Tưởng tức là cái chỗ động ban sơ của Thức, năm thứ Vọng Tưởng đều do đây mà khởi. Do một niệm mê lầm hư vọng, nhận lấy nó, giữ lấy nó mà tự che khuất. Thế nên mới gọi là năm Thọ Ấm, hay năm Thủ Ấm đều do Vọng Tưởng làm gốc vậy.
Thiền sư Vĩnh Gia nói : “Biết rõ trong một Niệm đủ cả năm Ấm : Rành mạch phân minh tức là Thức Ấm. Thu lãnh nơi Tâm tức là Thọ Ấm. Tâm duyên theo lý ấy tức là Tưởng Ấm. Hành dụng lý ấy tức là Hành Ấm. Làm dơ Chân Tánh tức là Sắc Ấm. Năm Ấm này toàn thể là một Niệm. Một Niệm khởi lên toàn là năm Ấm. Rõ ràng thấy trong một Niệm không có gì là chủ tể, tức là Huệ Nhân Không. Thấy như huyễn hóa tức là Huệ Pháp Không”.
Hẳn như chỗ Tổ Vĩnh Gia nói : “Nhân Pháp đều Không thì Thức Ấm mới hết rồi sau mới có thể siêu vượt Mệnh Trược vậy”.
Ngài Triệu Châu hỏi Tổ Đầu Tử : “Khi người chết sống lại thì sao ?”
Tổ Đầu Tử nói : “Chẳng được đi đêm, đến trong chỗ sáng”.
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :
“Trong “sống” có mắt lại như “chết”
Thuốc kỵ khỏi cần khám “tác gia”
Phật xưa còn nói “chưa từng đến”
Chẳng biết ai đây thoát trần sa”.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :
“Thành (hạt) cải kiếp đá diệu tột sơ
Mắt “sống” “trong Không chiếu rỗng hư
Chẳng được đi đêm, về ngày sáng
Tin nhà chưa khứng phó chim, sò”.
Cái Diệu này tuyệt hết “Nguồn Tưởng”, không dung chứa tập khí hư vọng. Ấy là Thật Tế Lý Địa, không động bước mà tới, rõ ràng cái cách chuyển Thức thành Trí vậy.