Kinh :

“Thế nên Như Lai phát minh cho các ông rằng bản nhân của năm Ấm đồng là Vọng Tưởng. Thân thể của ông trước hết nhân cái Tưởng của cha mẹ mà sanh. Tâm của ông nếu chẳng phải là Tưởng thì đâu có đến trong Tưởng mà gá mạng. Như Ta đã nói ở trước, Tâm tưởng đến vị chua thì trong miệng chảy nước bọt. Tâm tưởng việc lên cao, trong lòng bàn chân thấy ghê ghê. Dốc cao không có, vật chua chưa tới, thân thể của ông nếu chẳng cùng loài hư vọng thì cớ sao nghe nói tới chua thì nước miếng chảy ra ?
“Thế nên, phải biết Sắc Thân hiện giờ của ông chính là Vọng Tưởng kiên cố Thứ Nhất.




Thông rằng :

Tưởng sanh ra ở đâu ? Sanh ở nơi Thức vậy. Chỗ Thức vừa bắt đầu động, đó là nguồn gốc cái Tưởng. Thức là Mệnh Căn, nương Tưởng mà truyền. Thức động ắt Tưởng sanh, Tưởng sanh thì Mạng lập, Mạng lập thì bốn Đại đầy đủ, đó là chỗ nói “Ba thứ Mệnh, Tưởng, Thức hòa hợp mà thành người” vậy. Bởi thế, cái Tưởng của mình hợp với Tưởng của cha mẹ thì phước đức tốt xấu tùy theo chỗ nguyện mà cái Sắc Thân kiên cố ở đó hiện ra vậy. Trước khi chưa sanh thì chỉ có Tưởng. Trước khi chưa có Tưởng thì chỉ có Thức. Cái Thức Thần chẳng chết gọi là Mệnh Căn. Mệnh Căn muốn sự kiên cố trường cửu, nên đã hiện ra Sắc Thân thì chỉ sợ tiêu mất. Đây là chứng cớ rõ ràng của Vọng Tưởng kiên cố.

Nếu cho rằng nương cái khí Âm Dương trời đất mà thật có thân này, chứ chẳng phải hư vọng mà lập ra, thì nghe nói đến me hẳn không sanh nước miếng, nghe nói đến bờ vực không cảm thấy ghê ghê, không theo vọng mà trôi lăn được. Đàng này trong miệng thì nước miếng chảy ra, dưới chân thấy rợn rợn; chưa hẳn là cảnh thật, chỉ nhân Tưởng mà sanh ra thì quả thân này rõ ràng thuộc cùng loại Vọng Tưởng, nên cùng với Vọng Hoặc tương ứng. Thế thì còn lạ gì thân này chẳng do cái Tưởng của cha mẹ mà sanh ra ư ? Chỉ có Tưởng theo với Tưởng, như tưởng me sanh ra thì có nước miếng, tưởng vực thì ghê chân. Cái Sắc Thân hiện có đây rõ ràng là một Vọng Tưởng kiên cố. Thế nên nói đến Sắc Ấm thì gốc là Vọng Tưởng kiên cố. Nếu biết rõ cái Tưởng này chẳng phải nhân duyên sanh, chẳng phải tự nhiên sanh, toàn là hư vọng, ngay đó là tịch diệt, vốn tự không có Sắc, thì có cái gì đan dệt mà làm ra Kiếp Trược ư ? Bởi thế mà hóa Không cái Kiếp Trược vậy.

Huệ Trung Quốc Sư thượng đường rằng : “Cây thanh la bám nương lên trên đỉnh cây tòng khô. Mây trắng lững lờ tụ tán trong Thái Hư. Muôn pháp vốn nhàn mà người tự náo !”

Tổ Vân Môn thượng đường : “Này quí Thượng Tọa, chớ có vọng tưởng ! Trời là trời, đất là đất, núi là núi, nước là nước, tăng là tăng, tục là tục !”

Im lặng giây lát, rồi nói : “Cùng ta đem đặt vững ngọn núi lại đây !”

Có nhà sư bèn hỏi : “Kẻ học nhơn thấy núi là núi, nước là nước thì thế nào ?”
Tổ Môn nói : “Ba cửa để làm gì mà lại cỡi Phật điện từ trong ấy đi qua ?”
Hỏi rằng : “Như vậy thì đừng có vọng tưởng vậy”.
Tổ Môn nói : “Trả lại thoại đầu của ta đây !”
Phàm kẻ học nhơn rõ biết muôn pháp vốn nhàn, Sắc Ấm chẳng có, biết rõ Vọng Tưởng là hư vọng, ăn nhằm gì đến ta thì có gì mà chẳng “Không” cái Sắc Ấm. Chỉ vì chưa rõ thoại đầu của Vân Môn. Tham đi !