DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 588
  1. #1
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Đây là trả lời chung câu hỏi “Các nẻo là vốn tự có hay là do tập khí hư vọng của chúng sanh sanh khởi ra ?” Căn cứ theo chỗ chiêu cảm của bảy nẻo tùy nghiệp thọ sanh, hoặc thiên đường, địa ngục... hoặc cõi người thì khổ vui chẳng đồng, nhưng mỗi nẻo đều có đồng nghiệp tương thành, tức là trong đồng phận vốn có chỗ sẵn, không thể cho là không có, vì nó vốn là do tập khí hư vọng sanh ra vậy. Tánh của chúng sanh vốn là Chân Tịnh, chẳng rơi vào Thánh, phàm. Bởi tự dấy khởi tình kiến, chẳng biết đó là hư vọng, hư vọng mà huân tập hoài thì không bỏ được nữa. Từ thân xác khởi vọng niệm thì cái vọng kiến đó, tập khí hư vọng đó ở trong phần của thân xác. Từ ý tưởng khởi vọng niệm thì cái kiến, cái tập khí hư vọng đó ở ngoài phần của thân xác. Trong phần của thân xác, do Ái mà mắc Tình : miệng đối với vị, mắt đối với sắc, tâm đối với của cải hay sanh ra ái thủy. Tánh nước chảy xuống nên theo đó mà rớt xuống. Ngoài phần của thân xác, do Suy mà mắc vào Tưởng : hoặc để tâm nơi cõi Phật, hay muốn sanh lên cõi trời, hoặc giữ thiện pháp, nên hay sanh ra cái khí trội hơn. Khí thì bay lên, nên theo đó mà đi lên. Thuần là Tưởng thì sanh từ cõi Đao Lợi trở lên, có tịnh nguyện thì sanh cõi Tịnh Độ. Chín phần Tưởng thì làm Phi Tiên; tám phần Tưởng thì làm Đại Lực Quỷ Vương. Bảy phần Tưởng thì làm Phi Hành Dạ Xoa. Sáu phần Tưởng làm Địa Hành La Sát. Bởi vì Tưởng trội vượt nên chỗ đi không ngăn ngại vậy. Nhưng Tình có tà, chánh. Chánh thì không rời pháp tòa của Như Lai, bởi trước giờ giữ Giới, trì Chú, phụng sự thiện tri thức, nên rốt cuộc làm Thần Hộ Pháp. Tình và Tưởng ngang nhau thì sanh ở cõi người. Sáu phần Tình thì làm cầm thú. Bảy phần Tình thì làm ngạ quỷ. Tám phần Tình thì sanh vào địa ngục Hữu Gián. Chín phần Tình thì sanh vào địa ngục Vô Gián. Thuần là Tình thì chìm vào địa ngục A Tỳ. Có thêm các tội chê Phật, báng Pháp thì lại sanh vào địa ngục A Tỳ mười phương không có ngày ra. Ấy là vọng nghiệp tự chuốc lấy, sạch dơ có khác vậy.
    Nếu chẳng vướng mắc nơi Tình ắt địa ngục không. Chẳng vướng mắc nơi Tưởng ắt thiên đường không. Tình, Tưởng đều không thì tuy ở nhân gian mà tâm dạo nơi cõi Phật. Bảy nẻo nghiệp vẫn có sẵn thì Tịnh Độ cũng có sẵn rõ ràng vậy. Trở lại cái bổn lai chúng sanh chân tịnh của ta mà chẳng sanh nơi Tịnh Độ thì sanh về đâu ? Có nhà sư hỏi Tổ Bách Trượng : “Đối với tất cả cảnh, như sao mà được tâm như gỗ đá nhỉ ?”
    Tổ Trượng nói : “Tất cả các pháp vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, cũng chẳng tự nói trái phải, dơ sạch, cũng không có tâm trói buộc người. Chỉ tại con người tự hư vọng dấy nghĩ mà vướng mắc, tạo ra đủ thứ giải thoát tìm hiểu, khởi bao nhiêu thứ tri kiến, sanh bao nhiêu thứ thương ghét. Chỉ rõ các pháp vốn chẳng tự sanh, hết thảy đều từ một niệm vọng tưởng điên đảo bám giữ tướng của tự mình mà có. Biết Tâm cùng cảnh vốn chẳng đến nhau, ngay đây là Giải Thoát. Mỗi mỗi các pháp, hiện đây tịch diệt, hiện đây là đạo tràng. Cái Tánh vốn hiện có, chẳng thể đặt tên, phân hạng. Xưa nay chẳng là phàm, chẳng là Thánh, chẳng là dơ sạch, cũng chẳng không hay có, cũng chẳng phải thiện, ác. Tương ưng với các pháp nhiễm ô thì gọi là cảnh giới Trời, người, Nhị Thừa. Bằng như tâm dơ sạch hết tuyệt, chẳng trụ ràng buộc, chẳng trụ giải thoát, không có hết thảy tâm lượng hữu vi, vô vi, ràng buộc, giải thoát, thì ở ngay trong sanh tử, mà tâm đó tự tại. Rốt ráo chẳng cùng các thứ trần lao hư huyễn, uẩn giới sanh tử giả dối. Các thứ nhập, hòa hiệp rỗng nhiên không nhờ gởi. Hết thảy chẳng dính giữ, ở đi không ngăn ngại. Tới lui sanh tử giống như cửa thường mở hoác !” Tổ Bách Trượng đại từ thuận lời phát huy, thầm hợp với ý chỉ đoạn kinh này. Nơi đây mà thừa thọ, đảm đương được ngay thì Tình, Tưởng liền vượt thoát, chẳng kẹt vào tà kiến. Rốt là Như Lai hẳn khen “Hay thay” vậy.




  2. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    sonha (01-21-2016)

  3. #2
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Đức Thế Tôn nói về mười Tập Nhân, mỗi mỗi phối hợp với sự việc trong địa ngục, không sai mảy tơ. Tập quán thì hẳn có nguyên nhân. Cái nhân đó chỉ có thể sanh ra các tướng nước, lửa, nhưng chưa có cái Dụng, lại thêm vào các thói quen giao tiếp đối đãi nhau mà thành sắt nóng, giá lạnh... các thứ. Nhưng mười phương Như Lai ở ngay trong chỗ nhân sanh khởi mà thấy suốt sự tốt, xấu nên chẳng có sự gì để tu. Bồ Tát thì biết rõ đó là cái họa hại nên thận trọng thanh khiết mà không phạm nên xa lánh chúng. Dù có địa ngục mà trước đã không có nhân, nên chỉ có Phật cùng Bồ Tát mới có thể nói là không có địa ngục vậy. Còn chưa đến Tâm, Hạnh như thế làm sao mà cho rằng tất cả là Không.

    Đức Di Lặc nói : “Trong Dục Giới có ba mươi sáu chốn. Đó là tám đại địa ngục. Sao là tám ? Một là Đẳng Hoạt, hai là Hắc Thằng, ba là Chúng Hợp, bốn là Hiệu Khiếu, năm là Đại Hiệu Khiếu, sáu là Thiêu Nhiệt, bảy là Cực Nhiệt, tám là Vô Gián. Các chốn địa ngục này rộng mười ngàn do tuần. “Ngoài những chỗ này lại có tám chốn địa ngục lạnh. Sao là tám ? Một là Pháo, hai là Pháo Liệt, ba là Hác Phàm, bốn là Hác Hác Phàm, năm là Hổ Hổ Phàm, sáu là Thanh Liên, bảy là Hồng Liên, tám là Đại Hồng Liên. Từ chỗ này xuống ba mươi hai ngàn do tuần thì đến Đẳng Hoạt. Từ chỗ này lại cách bốn ngàn do tuần thì có địa ngục khác như chốn đại địa ngục Đẳng Hoạt. Chốn địa ngục lạnh ở trước cũng vậy. Từ chỗ này lại cách hai ngàn do tuần có các địa ngục khác nữa”.

    Ngài lại dạy : “Ở trong đại địa ngục Đẳng Hoạt chịu nhiều cực hình khổ sở. Các hữu tình kia phần nhiều hướng về chỗ tạo nghiệp tăng thượng, sanh ra đủ thứ khổ, lần lượt khởi lên mà tàn hại lẫn nhau, chết giấc nằm lăn lóc trên đất. Khi ấy trên không có tiếng nói lớn, xướng lên rằng “Các hữu tình kia được sống trở lại hết thảy”. Liền đó, các hữu tình lại bỗng đứng dậy”.

    Xem đây thì rõ là địa ngục không phải là không có chỗ nhất định. Kinh Tịnh Độ Tam Muội nói : “Xưa Quốc Vương Tỷ Sa và Thủy Vương Duy Đà đánh nhau. Vua Duy Đà thua, phát thệ nguyện làm vua dưới đất. Khi ấy, bề tôi vua có mười tám người dẫn một trăm vạn người nguyện trên đầu mọc sừng theo vua giúp trị theo pháp để xử trị người có tội. Nay gọi là vua Diêm La, Ngưu Đầu, A Bàng đó vậy”. Xem đây thì rõ ràng địa ngục cùng thân thể chẳng phải từ mười phương đến, mà chỉ do ác nghiệp trói buộc sanh ra thân địa ngục vậy. Mười Tập Nhân : Dâm, Tham, Mạn, Sân, Trá, Cuống, Oán, Ác Kiến, Vu Vạ và Kiện Tụng tương tự như năm mươi mốt Tâm Sở : Phẫn, Hận, Não, Phú, Cuống, Siểm, Kiêu, Hại... Nhưng vì sao tóm lại thành mười ? Ở đây, chỉ kể các nghiệp bất thiện.

    Cho nên Tham, Sân, Mạn và Tà Kiến thuộc về Ý Nghiệp, mà Mạn được gọi là uống nước Si, thì trong đã có Si vậy. Oán, Sân và Dâm thuộc về Thân Nghiệp mà tập khí Oán, Sân, Sát... thì Sát, Đạo đã ở trong đó vậy. Cuống, Trá, Vu Vạ, Kiện Tụng thì ý nghĩa cũng tương tự. Vì sao phân ra bốn ? Vì đó là bốn cái thuộc về Khẩu Nghiệp. Cho nên Cuống là Vọng Ngữ, Trá là Ỷ Ngữ, Vu Vạ là Lời Ác, và Kiện Tụng là Lưỡng Thiệt. Dâm là chỗ tự đến của thân kiến, lại là gốc ban đầu tạo nghiệp nên đầu hết nêu ra Dâm. Dâm do cọ xát mà sanh lửa. Tham do thu vào mà sanh nước. Tương tự như người dương thịnh thì nằm mộng thấy lửa, người âm thịnh thì nằm mơ thấy nước. Giường sắt, cột đồng là cái thói quen chồng chất của Vọng Tưởng ôm giữ, nằm nghỉ lâu dài vậy. Ba ba, tra tra, la la là âm thanh rên chịu lạnh. Đó là tên khác của hổ hổ, hác hác. Sen xanh, đỏ, trắng là màu của băng lạnh vậy. Nước Si ở Thiên Trúc có, hễ uống vào thì si mê, cùng loại với nước suối tham, uống vào thì á khẩu, to bụng. Sự kiêu dật cũng có mùi vị ấy nên người cùng siểm nịnh thì như ngâm trong nước bẩn mà chẳng tự biết. Thói quen dâm dục do nóng bức mà phát hỏa, tự hao tinh khí. Thói quen nóng giận do nghịch khí phát hỏa, làm mạnh thêm khí nóng. Hỏa khắc Kim nên nung đốt cái Khí khiến cho Khí tuy cứng mà phải tự thương tổn.

    Thói quen dối trá nương nơi gian dối mà khởi ác, ban đầu là cười vui, kế đến là lan man. Cái trí xảo như nước nên giả dối lấy trí mẹo làm đầu, như beo sói tuy rất nhỏ mà có thể ăn cọp. Thói quen lừa gạt thì giả vờ có đức hạnh khiến người khác mê mờ, ví như gió nổi bụi khiến người không thấy. Bởi thế sự cướp hại, lừa người không thấy cũng như rắn độc bất ngờ cắn người vậy. Giận dữ lộ ra ngoài nên sát khí nổi lên, thuộc về Sát. Oán ghét chứa bên trong nên ôm giữ độc ác như lấy bao trùm người mà đánh, đó là việc ám muội, tức thuộc về trộm. Quỉ Vi Hại, rượu chim Cưu đều là âm độc.

    Thói quen tà kiến có năm : Một là Thân Kiến, là chấp thân có thực nên toan tính đủ điều. Hai là Biên Kiến, đó là với tất cả các pháp chấp là Đoạn, là Thường. Ba là Tà Kiến, là hiểu sai ngộ lầm, bác bỏ không có Nhân Quả. Bốn là Kiến Thủ, đó là chẳng phải thật Quả mà cho là Quả, ví như lấy cõi trời Vô Tưởng mà cho là Niết Bàn. Năm là Giới Cấm Thủ, đó là chẳng phải Nhân mà cho là Nhân, ví như giữ giới chó, bò... mà cho là Nhân để sanh cõi Trời. Năm Tà Kiến này gọi chung là ác kiến, tương phản lẫn nhau, như người đi đường, kẻ đi người lại, chỗ thấy biết trái khác nhau, nên cần phải khám hỏi. Ép uổng người lương thiện, chẳng vặn vẹo mà làm ra vặn vẹo, nên bị ép cái xác, khô kiệt máu huyết, hoặc cân đo máu và xác cho đúng lượng, như loài súc vật vậy.

    Thói quen kiện tụng thì do đây kia, sanh ra chuyện kiện thưa, đâm ra nhọc nhằn, giống như đội núi mà đi dưới biển, Bồ Tát há chịu làm ư ? Năm Kiến Chấp và Tham, Sân, Si, Mạn đoạn rồi thì chứng quả Thứ Ba là Đoạn Trừ Hoặc của chín phẩm của địa dưới. Còn các Hoặc(56) này chẳng có đoạn thì tạo nghiệp không ngớt, có nhân thế nào thì quả phải thế ấy.

    Xưa, có Ông Lý Lưu Hậu, tự Đoan Nguyện hỏi thiền sư Đạt Quan rằng : “Người chết rồi đi về đâu ?”
    Tổ Quan nói : “Chưa biết sống sao biết chết ?”
    Ông Lý nói : “Sống thì Đoan Nguyện này biết rồi”.
    Tổ Quan nói : “Sống từ đâu đến ?”
    Ông Lý trầm ngâm.
    Tổ vỗ vào ngực, nói : “Chỉ tại trong ấy, suy nghĩ cái gì ?”
    Ông Lý : “Dạ, hiểu. Chỉ biết đường ham, ngờ đâu lạc nẻo !”
    Tổ khoát gạt ra, bảo : “Trăm năm một giấc chiêm bao”.
    Ông Lý lại hỏi : “Địa ngục rốt cùng là có hay không ?”
    Tổ đáp : “Chư Phật hướng về trong Không mà nói Có : mắt thấy Không-hoa. Ông lại ở trong Có tìm Không : tay mò trăng dưới nước. Nực cười thay trước mắt thấy nhà tù mà không tránh, ngoài tâm thấy thiên đường mà muốn sanh về ! Đâu biết thích sợ tại tâm thì thiện ác thành tựu. Ông chỉ rõ biết Tự Tâm, tự nhiên không nghi hoặc !”
    Ông Lý hỏi : “Tâm làm sao rõ ?”
    Tổ đáp : “Thiện ác thảy chẳng suy lường !”
    Ông lại hỏi : “Chẳng suy lường rồi, tâm về chốn nào ?”
    Tổ nói : “Mời Thái Úy về sở làm”.
    Tổ Động Sơn hỏi nhà sư : “Ở đời cái gì là khổ nhất ?”
    Nhà sư đáp : “Địa ngục khổ nhất”.
    Tổ Sơn nói : “Không phải đâu ! Ngoảnh về dưới sợi chỉ dệt áo này mà chẳng rõ chuyện đại sự, ấy mới khổ”.
    Ngài Đơn Hà tụng rằng :

    “Vạc sôi lò lửa bao nhiêu chuyện
    Địa ngục, tam đồ khổ hết than !
    Phải tin Tổ Động, lời thân thiết
    Dưới lớp cà sa chớ mơ màng !”.


    Rõ đại sự thì không có nhân địa ngục, nên địa ngục chưa phải là khổ. Còn chẳng rõ Tự Tâm thì khổ hết chỗ than !



  4. #3
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Chỗ hiện báo chuốc lấy của mười Tập Nhân là từ kiến phần sanh ra. Có Nhân ấy thì có Báo ấy, mỗi tùy theo loại. Sáu cái Giao Báo ấy là do sáu thức căn trần gồm thành tướng phần. Hiện báo lúc lâm chung và quả báo sanh vào địa ngục tuy chẳng lìa các căn nhưng khi tạo ác nghiệp của mười Tập Nhân thì sáu căn đều sử dụng, nên một căn chịu ác báo thì sáu căn cũng giao nhau cái ác báo đó vậy. Ví như một cái nghiệp tham mùi vị : Lưỡi nếm sanh mạng khiến các cái kia cũng chịu lây. Cho nên khi Lưỡi chịu quả báo vì món ăn này mà dùng lửa nấu nướng, nên cái thấy là sắt đá nóng; vì món ăn này, quay nướng thơm tho nên hơi thở là lồng sắt lớn. Vì món ăn này bắn giết thú, chim nên xúc là tên cung nỏ. Vì món ăn này, mong tưởng khát khao nên ý nghĩ là sắt nóng bay. Đó là sáu Giao Báo của Thiệt Căn, các căn khác có thể từ đó suy ra vậy.

    Bộ Hiệp Luận dẫn kinh Dịch để chứng minh : Ly là mắt, Khảm là tai, Cấn là mũi, Đoài là miệng, Khôn là thân, suy nghĩ lại là Ly - Hỏa của địa vị tâm. Đốt cái nghe thì Ly Hỏa biến nơi Khảm Thủy nên làm ra vạc sôi, đồng chảy. Đốt hơi thở thì Ly Hỏa biến nơi Cấn Thổ nên làm ra khói đen, lửa đỏ. Đốt cái nếm thì Ly Hỏa biến nơi Đoài Kim nên làm ra hòn lửa, cơm sắt. Đốt cái xúc thì Ly Hỏa biến nơi Khôn Thổ nên làm ra tro nóng, lò than. Đốt tâm thức thì Ly Hỏa biến nơi Ly Hỏa của địa vị Tâm nên làm ra lửa sao rưới khắp. Đối với sự đốt cái thấy thì nghĩa đồng nhau, nên không lập lại, chứ không phải sót. Mỗi mỗi suy ra khá phù hợp, có vẻ mới lạ.

    Sáu Căn cùng tạo tác đủ cả mười nghiệp thì quả là đọa vào địa ngục A Tỳ Vô Gián. Nghiệp đã không gián đoạn thì khổ cũng vô gián. Nếu một căn mà gồm đủ ba, bốn căn; trong mười nghiệp mà thiếu hai, ba nghiệp; và ba thứ Thân, Khẩu, Ý chẳng hết cả sáu căn, tạo nghiệp Sát, Đạo, Dâm không đủ cả mười Tập Nhân, hoặc đủ hai khuyết một, hoặc phạm một thiếu hai thì nghiệp nhẹ hơn nên khổ ít hơn. Nghiệp tuy mỗi người tạo riêng nhưng khổ thì cùng chịu, nặng nhẹ chẳng bằng nhau, mỗi mỗi đều có chỗ sẵn, hết thảy do sáu căn làm môi giới vậy.

    Ở đoạn trước, mười phương vi trần Như Lai khác miệng đồng lời, nói với Ông Anan rằng : “Lành thay ! Anan, ông muốn biết về cái câu sanh Vô Minh. Cái khiến ông luân chuyển, kết căn của sanh tử chỉ là sáu căn của ông chứ chẳng phải gì khác. Ông lại muốn biết Vô Thượng Bồ Đề, khiến ông chóng chứng an lạc giải thoát tịch tỉnh diệu thường, cũng là sáu Căn của ông chứ chẳng phải gì khác !” Ôi, một Căn tạo nghiệp thì sáu Căn chịu ác báo là như vậy. Một Căn thanh tịnh thì các Căn được thanh tịnh cũng là như vậy. Cơ mê ngộ chỉ trong khoảng sấp ngửa bàn tay ! Bởi thế, thấy biết mà xoay lại thì lửa chẳng thể đốt. Thấy, Nghe xoay về thì nước chẳng thể chìm. Chỉ khiến một Căn về nguồn, sáu Căn liền giải thoát. Đã không có nghiệp nhân thì cái gì là nghiệp quả ? Vọng Tưởng chẳng sanh, khắp khắp là chân tịnh. Lại còn có địa ngục nào ư ?

    Tổ Dược Sơn chỉ dạy đại chúng rằng : “Tổ Sư chỉ dạy các ông bảo hộ. Tham, Sân nổi lên, một mực đề phòng, ngăn cấm. Chẳng có dạy thôi cảm xúc. Ấy là tự ông muốn như cây khô, tảng đá ! Lại cần gánh vác, thật không có lá cành chi khá được. Tuy nhiên như thế, lại nên tự xem, chẳng được tuyệt bỏ lời lẽ nói năng. Ta nay vì các ông nói ra cái lời lẽ ấy, hiển bày cái không lời. Cái ấy xưa nay vốn không có các thứ tai, mắt !”

    Khi ấy, có nhà sư hỏi : “Sao có sáu đường chúng sanh ?”

    Tổ Sơn nói : “Ta nơi yếu luân đây, tuy ở trong đó, vốn là chẳng nhiễm !”

    Hỏi : “Chẳng rõ phiền não trong thân thì như thế nào ?”

    Tổ Sơn nói : “Phiền não là cái tướng trạng gì ? Ta lại muốn ông xét xem coi, lại có một thứ gì chăng? Chỉ xem trên lưng giấy ba thứ ngữ ngôn ghi chép thì đa phần bị Kinh, Luận làm cho lầm lạc. Tôi chẳng từng xem sách vở, Kinh, Luận gì ráo ! Ông chỉ vì mê nơi Sự mà bỏ chạy. Tự mình chẳng định nên bèn có sanh tử tâm ! Chưa từng học được một lời hay nửa câu, một Kinh một Luận nào thì nói cái gì Bồ Đề với Niết Bàn, thế với xuất thế ? Còn cứ Bồ Đề, Niết Bàn, thế với xuất thế, đó là sanh tử. Như chẳng bị sự được, mất ràng buộc tức là không có việc sanh tử. Ông có thấy luật sư nói các đề mục trong Giới Luật thế ấy chính là cội gốc sanh tử. Tuy nhiên như thế, nghiên cứu rốt ráo sanh tử bèn chẳng thể đắc.

    “Trên đến Chư Phật, dưới đến sâu kiến, trọn cả đều có Cái Ấy, dù cho dài ngắn tốt xấu chẳng đồng. Cái Ấy chẳng từ ngoài đến thì chỗ nào có người rỗi rảnh đào địa ngục chờ ông ? Ông muốn biết nẻo địa ngục thì nay đây chỉ cái kẻ nấu vạc nước sôi là đó. Muốn biết nẻo ngạ quỉ thì nay đây chỉ cái kẻ nhiều dối, ít thật, khiến người không tin là đó. Muốn biết nẻo súc sanh thì hiện đây kẻ không biết nhân nghĩa, không rõ thân sơ là đó. Há đợi gì mang lông đội sừng, chặt cắt, treo ngược ư ? Muốn biết trời, người thì chỉ nay đây người oai nghi trong sạch, ôm bát trì bình là đó. Thiết thân bảo nhậm thì khỏi đọa các nẻo. Thứ nhất là chẳng được vất bỏ Cái Ấy. Cái Ấy chẳng phải là dễ được. Cần hướng về đỉnh núi chót vót mà đứng, đáy biển mịt mù mà đi ! Chỗ ấy không dễ dàng đi đứng mới có chút phần tương ứng.

    “Như nay bày ló ra đều là người lắm chuyện, thì làm sao mà tìm cái người si độn kia cho được !

    Đừng chỉ ghi nhớ lời lẽ trong sách mà làm cái thấy biết của mình, thấy người không hiểu thì sanh ra khinh mạn. Cái đám đó đều là ngoại đạo, xiển đề có ăn nhằm gì cái Tâm Ấy đâu ! Cần miên mật mà xét cho thấu suốt ! Có nói như vậy cũng vẫn còn là chuyện bờ mé của tam giới !

    “Ở dưới lớp áo thầy tu chớ có bỏ luống qua. Đến trong ấy lại càng tế vi nhặt nhiệm ! Chớ có rỗi nhàn, cần nên trân trọng !”
    Lại như Tổ Mục Châu cùng vị giảng sư đang uống trà.
    Tổ Mục Châu nói : “Tôi cứu ông chẳng được đâu !”
    Nhà sư đáp : “Dạ, tôi hiểu, xin thầy chỉ bày”.
    Tổ Châu chỉ cái bánh chiên, hỏi : “Đó là cái gì vậy ?”
    Nhà sư đáp : “Sắc pháp !”
    Tổ Châu nói : “Cái gã chun vào vạc dầu sôi này ! Chẳng kể tại gia hay xuất gia, chỉ là tự gây nghiệp, gồm căn, gồm cảnh mà chẳng được giải thoát !”
    Kỳ dị thay lời lẽ của hai Ngài Dược Sơn, Mục Châu !



  5. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    socnho (01-25-2016)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •