Kinh :
“Tánh Khác nhập vào Đồng, tánh Đồng cũng diệt, gọi là Ly Cấu Địa.
Thông rằng :
Ở trước thì Tâm, Phật hai cái đều Đồng, số lượng tiêu diệt là chỉ quy về một cái Tánh Thiện của ta mà luận. Nay thì tánh Khác nhập vào Đồng là nêu bày chúng sanh, quốc độ đồng một Tánh đây. Rắn, rồng lẫn lộn, phàm Thánh xen nhau, đó là cảnh giới của Bồ Tát. Nếu chẳng giác thông suốt ý chỉ chẳng dơ chẳng sạch của Như Lai thì chưa dễ thấu đạt chỗ này. Nếu thấy Tánh chúng sanh là khác, tức thấy chúng sanh dơ. Nay đã nhập vào Đồng là đã lìa cái dơ của bờ mé dơ vậy. Nếu thấy chúng sanh tánh Đồng thì tánh Đồng chưa mất, ấy là pháp dơ. Nay tánh Đồng cũng diệt mất, tức là lìa cái dơ của bờ mé sạch vậy. Cái Ly Cấu Địa này là chỗ tôn trọng trong địa vị Bồ Tát : dứt lìa cái dơ của bờ mé thanh tịnh, trở về Bản Thể vốn không dơ của Như Lai, chứ chẳng phải lấy sự lìa cái dơ của bờ mé dơ mà có thể bàn đến. Nhà sư hỏi Tổ Thụy Nham : “Như sao là Phật ?” Đáp : “Trâu đá”.
Hỏi : “Như sao là Pháp ?”
Đáp : “Trâu đá con”.
Hỏi : “Như vậy tức chẳng đồng ư ?”
Đáp : “Hợp chẳng được”.
Hỏi : “Vì sao hợp chẳng được ?”
Đáp : “Không có cái Đồng để đồng với thì hợp cái gì ?”
Lại có nhà sư hỏi Tổ Tào Sơn : “Tuyết phủ ngàn núi, vì sao đỉnh cô chót ấy chẳng trắng ?”
Tổ Sơn nói : “Phải biết có cái khác trong cái khác”.
Hỏi : “Như sao là khác trong khác ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng sa vào màu sắc các núi”. Tổ Thụy Nham khéo nói cái Đồng, Tổ Tào Sơn khéo nói cái Khác. Hợp hai tắc trên mà xem, ắt biết tánh Khác nhập vào Đồng thì không có cái Đồng nào để đồng. Lìa dơ thì thành khác, hóa ra là Khác ở trong Khác. Ở đây há có thể lấy sự nông cạn mà nhìn vào được ư ?