Kinh:
Mười là, thuần Âm không trần, Căn Cảnh viên dung, không năng sở đối, có thể khiến cho tất cả chúng sanh căm giận lìa lòng oán giận.
Thông rằng:
Sân so với Tham lại càng vi mật, rất khó nhổ khỏi. Nên lìa Trần thì có thể dứt Tham, còn Sân thì phải không có Trần rồi sau mới dứt được vậy. Bên ngoài không có chỗ Sở Đối thì dễ, trong không có cái Năng Đối thì khó. Chẳng được Căn Cảnh viên dung, thuần lại càng thuần, khó nói lời này. Tuy nhiên, cũng có thể dùng sân giận mà làm Phật sự.
Như thầy Từ Minh, ở Tổ Phần Dương hai năm, chưa được nhập thất, mỗi lần gặp là bị mắng nhiếc, hoặc chê bai các nơi khác, đến khi dạy bảo thì đều là chuyện phàm tục thô bỉ.
Một đêm nọ, thầy than rằng “Từ khi đến học pháp đã hai hạ, chẳng được chỉ bày, chỉ tăng thêm trần lao thế tục; thầm nghĩ năm tháng trôi mau, việc mình chẳng rõ, mất đi sự lợi ích xuất gia”.
Lời chưa dứt, Tổ Dương quắc mắt, nói: “Ác tri thức! Dám nói thêm nói bớt cho ta!”
Rồi nổi giận cầm gậy rượt.
Thầy Minh định kêu cứu. Tổ Dương bịt miệng, bèn đại ngộ, nói: “Mới biết đạo của Lâm Tế vượt khỏi thường tình”.
Từ đó, phục dịch bảy năm mới ra đi.
Sau, ở Từ Minh, thầy Hoàng Long Nam thiết tha cần cầu khai thị.
Tổ Minh nói: “Ông học thiền Vân Môn ắt rành yếu chỉ. Như nói “Tha Động Sơn ba gậy”, là có hợp phần ăn gậy hay không hợp phần ăn gậy?”
Thầy Nam đáp: “Có hợp phần ăn gậy”.
Tổ Minh nghiêm sắc mặt, nói: “Từ sáng đến chiều cắt réo quạ kêu lẽ ra đều phải ăn gậy!”
Tổ Minh lại hỏi: “Triệu Châu nói “Lão bà Đài Sơn, ta đã vì ông khám phá rồi vậy”. Thế đâu là chỗ Triệu Châu khám phá Lão bà?”
Thầy Nam toát mồ hôi chẳng đáp được.
Ngày sau lại tới, Tổ Minh mắng nhiếc không dứt.
Thầy Nam nói: “Chửi mắng há là từ bi thí pháp ư?”
Tổ Minh nói rằng: “Ông cho là chửi sao?”
Thầy Nam ngay lời đại ngộ. Nhân trình kệ rằng:
“Kiệt xuất tùng lâm thiệt Triệu Châu
Lão bà khám phá, mất nguyên do
Giờ đây bốn biển trong như kính
Người đi chớ giận oán con đường”.
Tổ Minh gật đầu.
Các thứ giận dữ này thì không xa lìa lại càng tốt.