DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 20/59 ĐầuĐầu ... 10181920212230 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 191 tới 200 của 588
  1. #191
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, Ta thuyết Phật Pháp, từ nhân duyên sanh, chẳng phải giữ lấy các tướng hòa hợp thô phù của thế gian. Như Lai phát minh các pháp thế gian và xuất thế gian, đều biết rõ cái Bổn Nhân của chúng, theo duyên gì mà có ra. Như vậy cho đến một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng biết số mục. Hiện trước mặt đủ thứ: cây tùng thẳng, con hộc trắng, con quạ đen đều rõ nguyên do.

    Thông rằng:

    Phật biết pháp thế gian và xuất thế gian đều do nơi tâm. Tùy theo nhiễm duyên thì có ra chín cõi. Tùy theo tịnh duyên thì có được Phật Giới. Cái nhân duyên này mà hiểu được thì cho đến hằng sa giọt mưa cùng các thứ hiện tiền Nhân gì, Duyên gì đều biết nguyên do. Phật có hai Trí: Quyền Trí và Thật Trí. Thật Trí thì rõ Lý; Quyền trí thì soi chiếu Sự Vật. Thế nên, biết được các thứ nguyên do là do Quyền Trí soi chiếu sự vật vậy. Pháp Thân Như Lai tròn đầy toàn khắp, không có một vật nào ở ngoài Pháp Thân, vậy có gì mà Như Lai không biết ư?

    Tổ Động Sơn thượng đường nói: “Bảo sơn tăng này nói gì thì được? Cổ tức kim, kim tức cổ. Vì thế kinh Lăng Nghiêm nói “Cây tùng thẳng, cây gai cong, con hộc trắng, con quạ đen”. Có biết không? Tuy nhiên như thế, chưa chắc là cây tùng cứ một mực thẳng, cây gai một mực cong, con hộc thì cứ trắng, con quạ thì cứ đen. Động Sơn này nói: “Trong ấy cũng có cây tùng cong, cũng có cây gai thẳng, cũng có con hộc đen, cũng có con quạ trắng”. Đứng lâu rồi, trân trọng!”

    Hãy nói xem, Động Sơn chuyển Lăng Nghiêm hay bị Lăng Nghiêm chuyển? Rốt cuộc làm sao hiểu lời nói đó?

    Kinh:

    “Thế nên, Anan, tùy nơi tâm ông mà chọn lựa trong sáu Căn. Nếu trừ được cái nút của Căn, thì Trần Tướng tự diệt, các Vọng tiêu mất, còn đợi cái Chân nào nữa?

    “Anan, nay Ta lại hỏi ông: Cái khăn hoa này hiện có sáu nút, có thể cũng một lúc mở ra tất cả để trừ hết được không?”

    - Thưa Thế Tôn, không. Những nút ấy vốn theo thứ lớp cột lại mà sanh, thì nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút ấy tuy là đồng thể, nhưng cột lại không đồng thời, thì khi cởi nút, làm sao cùng một lúc mà trừ hết được ?

    Phật dạy : “Cởi trừ sáu Căn cũng như vậy. Căn ấy khi mới mở, thì trước hết được Nhân Không, đến khi Tánh Không tròn sáng thì giải thoát được Pháp Chấp. Giải thoát khỏi Pháp Chấp rồi, thì cả hai Nhân Không và Pháp Không đều chẳng sanh. Đó gọi là Bồ Tát do Tam Ma Địa mà đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn”.


    Thông rằng:

    “Một Căn đã trở lại nguồn, sáu Căn thành giải thoát”, thật rõ ràng như thí dụ này. Mê thì sáu Căn cùng cột nút, ngộ thì sáu Căn dùng thay nhau, có thứ lớp gì đâu? Chỉ vì mê lại càng tích chứa thêm mê, mà có từ tinh tế đến thô phù; ngộ thì càng ngộ, mà từ thô phù đến tinh tế. Chẳng phải là không có thứ lớp, nhưng chẳng phải nhổ thoát một Căn rồi các Căn kia theo thứ tự nhổ thoát theo. Lời Phật viên dung, vốn nào có vướng mắc. Như gọi là nút thứ nhất, thì nút thứ hai, thứ ba cũng đồng là nút mà không thể gọi là nút thứ nhất được. Tên thì khác nhau mà đồng là nút, thì cái thứ nhất là cái thứ sáu, cái thứ sáu là cái thứ nhất.

    Người ta sanh ra, từ trong thai cho đến khi đầy đủ hình thể, sáu Căn chẳng phải không có trước sau. Đến khi mười tám giới đã thành, thì Căn có cái viên thông, cái chẳng viên thông. Theo cái viên thông, dư sức chứng Đạo một ngày. Chẳng theo cái viên thông, trăm kiếp tu Đạo chẳng đủ. Ngày và kiếp khác xa nhau, thì sáu Căn có cái nhanh, chậm chẳng đồng. Thế nên, Căn có cái dễ nhổ dứt, có cái khó nhổ dứt.

    Khổng Tử nói “Sáu mươi tuổi thì lỗ tai tùy thuận”, đó là nhĩ căn đã chuyển hóa rồi vậy. Lại nói, “Bảy mươi tuổi tùy theo tâm, mà chỗ muốn không ra ngoài khuôn phép”, đó là ý căn đã chuyển hóa rồi, cũng có ít nhiều thứ lớp.

    Cái cột nút này chẳng tích chứa trong một ngày, thì cởi mở cũng không phải trong khoảng khắc mà trừ được. Ban đầu, được Nhân Không, cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn, tức là thứ lớp Vào dòng mất cái Sở, để ám chỉ Xoay lại cái nghe là Viên Thông Đệ Nhất, chờ Ông Anan tự chọn đó. Nhân Không là phá cái giả danh của năm Ấm, nghĩa là đoạn được Kiến Hoặc vậy. Pháp Không là phá cái thật pháp của năm Ấm, nghĩa là đoạn được Tư Hoặc. Cho đến phá cái pháp trong sạch là Niết Bàn, thì vĩnh viễn đoạn dứt căn bản Vô Minh. Cả hai cái không ấy chẳng sanh, tức là Tánh Không bình đẳng. Cái Sở Không đã dứt thì cái Năng Không cũng diệt, Cảnh và Trí đều tiêu mất, Năng và Sở đều tịch diệt, đó tức là cái Định Thủ Lăng Nghiêm, “Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động Tôn” vậy. Thế nên nói là đắc Vô Sanh Nhẫn.

    Nhà sư hỏi Tổ Bách Trượng: “Như thế nào là pháp yếu Đốn Ngộ của Đại Thừa?”

    Tổ Bá Trượng nói: “Các ông trước dứt hết các duyên, ngừng thôi muôn sự. Thiện cùng chẳng thiện, thế gian cùng xuất thế gian, hết thảy các pháp đều không nhớ nghĩ, đều không dính líu. Buông bỏ thân tâm, bèn được tự tại. Tâm như gỗ đá, không có chỗ biện biệt. Tâm không chỗ động. Tâm Địa nếu Không, mặt trời Trí Huệ tự hiện. Cũng như mây tan thì mặt trời hiện ra vậy. Chỉ hết tất cả bám níu, Tham, Sân, Yêu, Giữ, thì các Vọng Tình sạch dơ đều dứt, trước năm Dục, Bát Phong chẳng động, chẳng bị Thấy, Nghe, Hay, Biết buộc ràng, thế là tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, đó là người Giải Thoát. Trước hết thảy cảnh, tâm không tịnh hay loạn, chẳng thu nhiếp, chẳng tán loạn, suốt qua tất cả thanh sắc, không có chỗ vướng ngăn, gọi là Đạo Nhơn. Thiện ác, phải trái đều chẳng vận dụng. Chẳng lấy mà cũng chẳng bỏ tất cả pháp, gọi là người Đại Thừa. Chẳng bị tất cả thiện ác, có không, dơ sạch, hữu vi vô vi, thế và xuất thế, phước đức trí huệ buộc ràng, thế gọi là Phật Huệ. Phải trái, tốt xấu, điều đúng điều sai, hết thảy thức tình thấy biết dứt sạch, không gì trói buộc được, chốn chốn đều tự tại an nhiên, gọi là Bồ Tát Sơ Phát Tâm, tiện bề chứng Phật Địa”.

    Tổ Bách Trượng lời lẽ nói ra thầm hợp với ý chỉ của kinh. Chẳng phải là người đại giải thoát làm sao có được lời giải thoát này?




  2. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    Phúc Hạnh (09-21-2015)

  3. #192
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU


    MỤC BA: HỎI ĐẠI CHÚNG VỀ VIÊN THÔNG

    Kinh:

    Ông Anan và cả đại chúng nhờ Phật chỉ dạy, Trí Huệ viên thông, được không nghi lầm, cùng lúc chấp tay đảnh lễ chân Phật, thưa: “Ngày nay chúng tôi thân tâm sáng suốt, vui thích mà được không ngăn ngại. Mặc dầu tỏ ngộ được nghĩa Một và Sáu mất hết, mà còn chưa rõ cội gốc viên thông. Thưa Thế Tôn, chúng tôi phiêu linh bơ vơ nhiều kiếp, may đâu lại được dự vào dòng giống của Phật, như đứa con mất sữa, bỗng nhiên gặp được mẹ hiền. Nếu nhân nơi đây mà được thành Đạo, thì chỗ được mật ngôn đồng với nguồn tỏ ngộ, mà cùng với lúc chưa nghe không có sai khác. Xin Phật rủ lòng Đại Bi ban cho chúng tôi Pháp bí mật trang nghiêm, thành tựu sự chỉ bày tối hậu của Như Lai”.

    Nói xong lời ấy, năm vóc gieo xuống đất, lui ẩn vào trong tâm cơ sâu nhiệm, mong Phật tâm truyền.

    Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo khắp các vị Đại Bồ Tát và các vị lậu tận Đại A La Hán trong hội rằng: “Các ông là những vị Bồ Tát và A La Hán sanh trong Phật Pháp mà đắc thành Vô Học. Nay Ta hỏi các ông: Trong lúc ban đầu phát tâm, trong mười tám giới, ngộ được viên thông ở giới nào, và do phương tiện gì mà vào Tam Ma Địa?”


    Thông rằng:

    Chỉ bày cái Huệ Giác Viên Thông, tức ở trước là Sáu mở Một tiêu cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn. Do Sáu mở mà thân suốt thông vô ngại. Do Một tiêu mà tâm vô ngại. Tuy chưa đến chỗ sáu căn thanh tịnh, nhưng Nhổ Một Sáu tiêu, Sáu tiêu Một mất nên đã sáng suốt không còn nghi lầm. Có điều chưa rõ gốc Căn Viên Thông ở đâu. Căn nào là Viên Thông nhất? Theo Căn nào mà nhập để chứng Viên Thông?

    Theo Căn Viên Thông mà chứng Quả Viên Thông, với Anan thì nhân chỗ này mà thành Đạo, với Như Lai thì đó là sự khai thị tối hậu, nên Ông Anan mới xin Phật mật trao cho pháp sâu nhiệm trang nghiêm.

    Nếu luận về Căn Viên Thông, thì trước đã bày rõ rằng mười phương Như Lai ở nơi mười tám giới mỗi mỗi tu hành đều đắc viên mãn Bồ Đề Vô Thượng, trong đó không có hơn kém. Nay lại bảo khắp các vị Bồ Tát và A La Hán lúc mới đầu phát tâm ngộ Viên Thông ở giới nào, do phương tiện gì mà vào Tam Ma Địa? So sánh Căn Viên Thông, còn tự có thể nói được. Đến phương tiện ngộ nhập thì mỗi người tự biết, tự chứng, há lời nói có thể đến được ư? Lời nói không thể đến, thì chỉ có thể tâm truyền.

    Căn cứ vào sự cầu xin của Ông Anan, là mong Phật tâm truyền, chứ không lấy lời mà nói, còn Ông Anan cũng lấy tâm mà nhận lãnh, chứ không phải lấy sự nghe mà nghe. Không lấy lời nói mà truyền, đó là mật ngôn. Không lấy sự nghe mà nghe, đó là cội nguồn tỏ ngộ. Cho nên được mật ngôn của Phật, thì đồng với cội nguồn tỏ ngộ, nên tuy có nghe mà cũng như chưa nghe. Nghe mà chẳng nghe, đó là thực nghe. Bởi thế mới “Lui ẩn vào trong tâm cơ sâu nhiệm, mà mong đắc vậy”.

    Giả sử, Phật có thể ban cho, Ông Anan có thể đắc, thế chẳng phải là Mật. Lấy đó mà chứng Viên Thông, thì chẳng phải là Viên Thông vậy. Ngộ là do tự ngộ, há ai có thể đưa cho mình ư?

    Thiền sư Bàn Sơn Tích thượng đường nói : “Một đường hướng thượng, ngàn Thánh chẳng truyền. Người học mệt nhọc hình hài, như vượn bắt bóng!”

    Bóng mà bắt được, thì cái Bí Mật Trang Nghiêm mới truyền được!

    Tiết Độ Sứ Kinh Nam là Thành Nhuế, vào cúng dường Ngài Vân Cư, hỏi rằng : “Đức Thế Tôn có Mật Ngữ, Ngài Ca Diếp chẳng che giấu là thế nào?”

    Tổ Ứng gọi : “Thượng Thơ!”

    Ông Nhuế ứng tiếng : “Dạ!”

    Tổ Ứng nói : “Hội chăng?”

    Ông Nhuế nói : “Không hiểu”.

    Tổ Ứng nói : “Nếu ông không hiểu, thì Thế Tôn có Mật Ngữ. Nếu ông mà hiểu, thì Ngài Ca Diếp chẳng che giấu!”

    Thế nên biết chuyện này, chẳng tự ngộ suốt thì không thể được.



  4. #193
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    I. VIÊN THÔNG VỀ THANH TRẦN


    Kinh:

    Nhóm Ông Kiều Trần Na năm vị Tỳ Kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Ở Lộc Uyển và ở Kế Viên, chúng tôi được nhìn thấy Như Lai khi mới thành Đạo. Chúng tôi do Âm Thanh của Phật mà tỏ ngộ Tứ Đế. Phật hỏi trong hàng Tỳ Kheo, thì trước tiên tôi thưa là hiểu. Thế Tôn ấn chứng cho tôi tên A Nhã Đa (Hiểu), là Âm Thanh nhiệm mầu toàn vẹn. Tôi ở nơi Âm Thanh, đắc A La Hán.

    “Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ tu chứng của tôi, thì Âm Thanh là trên hết”.


    Thông rằng:

    Ông Kiều Trần Na ban đầu ngộ hai chữ Khách Trần, đã được đặt tên là Giải. Ở nơi Âm Thanh của Phật tỏ ngộ pháp Tứ Đế. Đức Phật ban đầu ở vườn Lộc Uyển chuyển ba pháp luân Tứ Đế. Một là, Tướng Chuyển. Hai là, Khuyên Tu Chuyển. Ba là, Chứng Chuyển.

    Một là, Tướng Chuyển: chỉ bày cái tướng trạng, đây là Khổ, đây là Khổ Tập, đây là Khổ Diệt, đây là Đạo Khổ Diệt.

    Hai là, Khuyên Tu: khiến nên tu, nên biết cái Khổ, nên biết Khổ Tập... nên biết Đạo.

    Ba là, Chứng Minh: đưa mình ra chứng minh cho chân lý ấy. Khổ ta đã biết, chẳng cần trở lại biết, cho đến Đạo ta đã tu, không cần tu lại nữa.

    Tỏ ngộ Tứ Đế thì chỉ mới cởi bỏ được cái pháp sanh diệt, đó là tỏ ngộ nơi hai chữ Khách Trần, nhân đó đắc A La Hán. Há bảo rằng Âm Thanh đều là sanh diệt, mà ta chẳng sanh diệt theo sao? Âm Thanh đều là Khách Trần, mà ta chẳng phải là Khách Trần sao? Nhưng nói cái Âm Thanh nhiệm mầu, ẩn mật tròn vẹn, thì cái ẩn mật tròn vẹn ấy lại ở nơi Âm Thanh vậy. Há cho Âm Thanh là sanh diệt, mà nó là chẳng phải sanh diệt đấy chứ! Cho Âm Thanh là Khách Trần, mà nó thật là chẳng phải Khách Trần đấy chứ! Cái ngộ này là chỉ có Ông Kiều Trần Na tự biết, đâu nói với ai được, nên mới gọi là Mật. Chỗ Chứng của ông là ở Âm Thanh, nên lấy Âm Thanh làm Viên Thông vậy.

    Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn lúc ở với Tổ Bách Trượng, tâm trí thông minh, mà tham thiền chẳng được.

    Đến khi Tổ Bách Trượng tịch, bèn đến tham học với Tổ Quy Sơn.

    Tổ Quy Sơn nói: “Ta nghe ông ở chỗ Tiên Sư Bách Trượng, hễ hỏi một thì đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Cái thông minh lanh lợi đó là cái ý thức vọng tưởng của căn bản sanh tử. Giờ đây, khi cha mẹ chưa sanh ra, hãy nói một câu xem!”

    Trí Nhàn bị hỏi, lập tức ngẩn ngơ.

    Bèn trở về liêu phòng, lấy hết sách vở từng đọc qua, tìm từ đầu chí cuối một câu để trả lời mà không thể nào có. Bèn tự than rằng “Bánh vẽ chẳng làm cho hết đói!” Mấy lần cầu xin Tổ Quy Sơn nói vỡ ra cho.

    Tổ Sơn nói : “Nếu ta nói cho ông, ngày sau ông sẽ chửi ta. Cái ta nói ra đó là cái của ta, nào có ăn nhằm gì đến ông!”

    Trí Nhàn bèn đem hết sách vở đã đọc ra đốt sạch, nói: “Đời này chẳng có học Phật Pháp! Cứ làm hoài một ông tăng cơm cháo khỏi nhọc mệt tâm thần ư?”

    Rồi khóc mà từ giã Tổ Quy Sơn.

    Đến Nam Dương, thấy di tích của Huệ Trung Quốc Sư bèn dừng ở đó.

    Một hôm đang giãy cỏ, tình cờ một miếng ngói văng chạm cây tre thành tiếng, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Vội vàng trở vào tắm gội, hướng về núi Quy Sơn đảnh lễ, ngợi ca rằng : “Hòa Thượng từ bi, ơn hơn cha mẹ. Lúc ấy vì tôi nói ra, thì làm sao có được chuyện ngày nay”.

    Rồi làm bài tụng :

    “Một chạm, mất sở tri

    Nào còn mượn tu trì

    Động thân, bày lối cổ

    Chẳng rơi (vào) cơ lặng im

    Nơi nơi không dấu vết

    Oai nghi ngoài sắc thanh

    Mười phương người đạt Đạo

    Đều nói : “Thượng Thượng căn”.


    Tổ Quy Sơn nghe được, bảo với Ngài Ngưỡng Sơn: “Tay ấy thấu suốt rồi”.

    Ngưỡng Sơn nói: “Đây là cái tâm cơ ý thức sách vở mà thành, để con đích thân tự khám nghiệm đã!”

    Rồi Ngài Ngưỡng Sơn gặp Ngài Trí Nhàn, hỏi: “Hòa Thượng khen ngợi sư đệ phát minh được đại sự, ông hãy nói ra xem!”

    Ngài Trí Nhàn lại đọc bài tụng trước kia.

    Ngưỡng Sơn nói: “Đây là sự kết tụ ghi nhớ mà thành. Nếu là chánh ngộ, thử nói ra cái khác đi!”

    Ngài Trí Nhàn bèn tụng:

    “Năm xưa nghèo, chưa thật nghèo

    Năm nay nghèo, mới thật nghèo

    Năm xưa nghèo không đất cắm dùi

    Năm nay nghèo dùi cũng không có!”.


    Ngưỡng Sơn nói: “Như Lai Thiền thì cho là ông hiểu, còn Tổ Sư Thiền [Đời nhà Đường, Tổ Ngưỡng Sơn lập ra đề mục Tổ Sư Thiền trước tiên. Gọi chỗ tâm ấn của Tổ Đạt Ma truyền lại là Tổ Sư Thiền, cái pháp thiền tột mức riêng truyền ngoài giáo pháp. Gọi Như Lai Thiền chỉ cái ý tu chưa đến chỗ minh tâm kiến tánh] thì chưa mơ màng thấy!”

    Ngài Trí Nhàn lại tụng:

    “Tôi có một Cơ

    Chớp mắt thấy Nó

    Vậy bằng chẳng hiểu

    Hãy gọi Sa Di!”.


    Ngài Ngưỡng Sơn báo lại cho Tổ Quy Sơn: “Mừng cho Nhàn sư đệ đã hội Tổ Sư Thiền”.

    Tổ Huyền Giác nói: “Hãy nói xem Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền phân hay chẳng phân?”

    Tổ Trường Khánh Lăng nói: “Cùng lúc thong dong”.

    Có nhà sư hỏi Hòa Thượng Diệp Huyện Tỉnh về công án “Cây Bách trước sân” của Tổ Triệu Châu.

    Hòa Thượng nói: “Ta không từ nan mà nói với ông, nhưng liệu ông có tin không?”

    Nhà sư nói: “Lời của Hòa Thượng đáng kính trọng, đâu dám không tin!”

    Hòa Thượng nói: “Ông có nghe tiếng giọt mưa trước mái nhà chăng?”

    Nhà sư hoát nhiên mở tỏ, bất giác la lên: “Chao ôi!”

    Ngài bảo: “Ông thấy đạo lý gì?”

    Nhà sư dùng kệ đáp:

    “Giọt mưa đầu mái

    Rõ ràng rành rẽ!

    Phá nát Càn Khôn

    Ngay đó tâm dứt”.


    Như chỗ chứng của Ngài Trí Nhàn và nhà sư trên đây, cũng lấy Âm Thanh là hơn hết vậy.



  5. #194
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    II. VIÊN THÔNG VỀ SẮC TRẦN


    Kinh:

    Ông Ưu Ba Ni Sa Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi cũng được thấy Phật trong lúc mới thành Đạo. Tôi quán Tướng Bất Tịnh, sanh lòng nhàm chán lìa bỏ rốt ráo, ngộ tánh của các Sắc, từ Tướng Bất Tịnh đến Tướng Xương Trắng và vi trần, chung cuộc về hư không, cả hai, Không và Sắc, đều Không, thành Đạo Vô Học. Đức Như Lai ấn chứng cho tôi cái tên Ni Sa Đà (Trần Tánh Không). Cái Sắc Tướng của Trần đã hết, thì Sắc nhiệm mầu toàn vẹn. Tôi do Sắc Tướng mà đắc A La Hán.

    “Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì Sắc Trần hơn cả”.


    Thông rằng:

    Ông Ưu Ba Ni Sa Đà ham Sắc Trần nên Phật dạy dùng Quán Bất Tịnh để đối trị. Cái Sắc tuy là dễ ưa nhưng vì bất tịnh mà có thể sanh nhàm chán tột bậc, huống gì là các Tướng Xương Trắng, vi trần sau khi chết đi.

    Một là sình chướng; hai là máu mủ hôi thối; ba là đổi sắc; bốn là bầm xanh; năm là giòi bọ đục khoét, rã rời; bảy là trơ xương; tám là thiêu đốt; chín là tất cả thế gian không giữ được. Đó là chín Pháp Quán Tưởng. Khi chín Pháp Quán này thành tựu, Sắc Tánh rốt ráo quy về Không. Không mà không có chỗ Không, thế là Sắc và Không đều Không, đắc Trí Huệ Giải Thoát, thành Đạo Vô Học. Cái Sắc Trần đã hết sạch, thì cái Sắc mầu nhiệm ẩn mật vẹn toàn. Há lìa ngoài Sắc Trần mà riêng có cái gọi là Diệu Sắc sao? Há không cái Sắc Tướng mà cho cái năng không ấy là Diệu Sắc ư? Há Sắc Tướng có sanh diệt, còn Sắc Tánh không sanh diệt mà cho là Diệu Sắc ư? Phải chăng tâm không tham trước, thì tất cả Sắc đều là Diệu Sắc?

    Chỗ Ngộ này của Ông Ni Sa Đà thật khó lấy lời lẽ mà thuật bày, chỉ có thể gọi là Diệu, là Mật, là Viên thôi vậy.

    Xưa, có bảy hiền nữ đi chơi trong rừng, nơi bỏ thây ma.

    Một cô chỉ xác chết nói: “Thây thì ở đó, người ở chốn nào?”

    Một cô nói: “Sao? Sao?”

    Các cô quán kỹ, mỗi người đều khế ngộ.

    Cảm đến Trời Đế Thích rãi hoa và nói: “Nguyện các chị Thần Nữ cần dùng cái chi, tôi sẽ suốt đời cung cấp”.

    Các cô nói: “Chúng tôi thì tứ sự [Y phục, ngọa cụ, y dược, ẩm thực] và bảy báu [Vàng, bạc, ngọc, châu, san hô, hổ phách, mã não] đều có đủ, chỉ cần ba vật. Thứ nhất là cần một cây không rễ. Thứ hai là một mảnh đất không có âm dương. Thứ ba là một hang núi kêu không dội tiếng”.

    Đế Thích nói : “Hết thảy món cần dùng, tôi đều có. Còn ba vật ấy tôi thật không thể có”.

    Các cô nói : “Nếu Ngài không có các thứ ấy, thì làm sao giúp người?”

    Đế Thích ngỡ ngàng, bèn cùng các cô đến thưa với Phật.

    Phật nói : “Này Kiền Thi Ca, các đệ tử Đại A La Hán của ta chẳng hiểu được nghĩa ấy. Chỉ có các Đại Bồ Tát mới hiểu nghĩa ấy”.

    Đây cũng là Quán Tướng Bất Tịnh mà chứng vậy.

    Lại như Ngài Linh Vân nhân thấy hoa đào mà ngộ Đạo, bèn có bài tụng:

    “Ba chục năm nay tìm kiếm-khách

    Bao lần lá rụng lại đâm cành

    Từ lần thấy được đào hoa đó

    Đến mãi ngày nay chẳng muốn nghi”.


    Trình chỗ ngộ với Tổ Quy Sơn.

    Tổ dạy: “Theo duyên mà nhập, vĩnh viễn chẳng lui sụt mất mát, ông hãy khéo hộ trì”.

    Ngài Huyền Sa nói: “Đích đáng thì thật đích đáng, nhưng dám chắc Lão Huynh chưa thấu suốt trong đó!”

    Ngài Linh Vân nói: “Sư Huynh suốt được chưa?”

    Ngài Giác Phạm tụng rằng:

    “Người [Linh Vân] thấy một lần không thấy lại

    Cành cành trắng đỏ, thấy đâu hoa

    Chẳng chịu khách trên thuyền câu cá

    Hóa ra trên đất cứu ngư, sò”.


    Ngài Đầu Tử tụng rằng :

    “Trước núi đào sanh, vườn cũ xuân

    Hoa ngập cành hồng, tỉnh lại thân

    Chỗ chứng, thôi ông đừng phụ lực

    Vẻ cười tuy mở, ý sanh sân

    Khói tỏa liễu xanh, oanh thả giọng

    Mưa xoi nham thạch, dựa xóm không

    Mặt trời lố dạng, không tin tức

    Ngựa gỗ hý vang quá Hán, Tần”.


    Theo chỗ thấy của Ngài Linh Vân, cũng lấy Sắc làm tột bực.



  6. #195
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    III. VIÊN THÔNG VỀ HƯƠNG TRẦN


    Kinh:

    Ông Hương Nghiêm đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch rằng: “Tôi nghe Như Lai dạy tôi quán sát chân chánh các tướng hữu vi. Khi ấy tôi từ giã Phật, đầu hôm về tĩnh tọa trong nhà thanh trai, thấy các vị Tỳ Kheo đốt hương trầm thủy, hơi hương vắng lặng bay vào trong mũi tôi. Tôi quán hơi hương ấy, chẳng phải là cây, chẳng phải là không, chẳng phải khói, chẳng phải lửa, bay đi không dính vào đâu, bay đến không từ nơi đâu. Do đó mà cái ý tiêu tan, phát minh Vô Lậu. Như Lai ấn chứng cho tôi cái hiệu là Hương Nghiêm. Cái Hương Trần vừa diệt, thì cái Diệu Hương bí nhiệm toàn vẹn. Tôi do cái hương trang nghiêm ấy đắc A La Hán.

    “Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì Hương Trần là hơn cả”.


    Thông rằng:

    “Phàm là có Tướng, thảy đều hư vọng. Thấy các Tướng chẳng phải Tướng, đó là thấy Như Lai. Như Lai ấy, là nghĩa Như của tất cả các pháp. Đến không từ đâu, đi không về đâu, thì gọi là Như Lai”. Đó là ý chỉ của Kinh Kim Cang Bát Nhã.

    Ông Hương Nghiêm được nghe lời dạy này, hằng tự đế quán. Tình cờ gặp mùi hương, bèn đấy phát minh, “Hương này là vắng lặng, vào trong mũi tôi, chẳng phải khói, chẳng phải lửa, chẳng phải cây, chẳng phải không, chẳng phải tự tướng, chẳng phải tha tướng, chẳng phải cọng tướng, chẳng phải vô nhân tướng, bay đi không dính vào đâu, bay đến không từ nơi đâu, vốn tự vô sanh”. Cái thấy này chính là cái thấy “Các Tướng chẳng phải Tướng, liền thấy Như Lai”. Thế nên đắc Vô Lậu.

    Phàm phu chẳng được Vô Lậu vì Ý Căn chưa tiêu vậy. Ý Căn mà chưa tiêu nên bám lấy Hữu Vi. Một khi bám lấy Hữu Vi, liền lọt vào sanh diệt. Ý Căn tiêu liền chứng Vô Vi. Vô Vi là không sanh diệt. Thế nên Hương Trần thì chợt sanh chợt diệt, mà cái Diệu Hương kia thì nào có chuyện diệt sanh. Chỗ tỏ ngộ của Ông Hương Nghiêm thì cả thảy phân giải đều chẳng được. Thế nên nói là Mật, là Viên, chỉ có tự chứng biết thôi vậy.

    Xưa, Thái Sử Hoàng Sơn Cốc nhân bởi Ngài Viên Thông Tú phấn khích nên đến chỗ Tổ Hối Đường xin chỉ chỗ “Nhậm lẹ”.

    Tổ Hối Đường [Tổ Hối Đường Bửu Giác thiền sư, tên là Tổ Tâm, đời Tống, tại Huỳnh Long Sơn. Nối kế pháp của Tổ Huỳnh Long Nam thiền sư] nói: “Như Đức Khổng Tử nói, “Các ngươi cho ta là che giấu ư? Ta không có chỗ nào giấu giếm!” Thế thì Thái Sử lý luận làm sao?”

    Thái Sử định đáp, Tổ Đường liền nói : “Chẳng phải, chẳng phải”.

    Thái Sử mờ mịt chẳng cùng.

    Một hôm, cùng Tổ Hối Đường đang đi dạo núi, khi ấy cây nham quế nở thơm đầy.

    Tổ nói: “Có nghe thấy hương hoa nham quế không?”

    Ông đáp: “Dạ, có”.

    Tổ nói: “Ta không có chỗ nào giấu giếm vậy”.

    Thái Sử tiêu tan nghi ngờ, làm lễ mà thưa: “Hòa Thượng, tâm lão bà từ bi quá tha thiết!”

    Tổ cười đáp: “Chỉ mong ông đến được nhà thôi”.

    Lại có vị ni sư ngộ Đạo làm bài kệ:

    “Suốt buổi tìm Xuân chẳng thấy Xuân

    Giày rơm dẫm khắp mấy non mây

    Về đây cười nắm hoa mai ngửi

    Xuân ở đầu cành đã trọn phần”.


    Chỗ chứng của vị ni sư này và Ông Sơn Cốc cũng lấy Diệu Hương là hơn cả.



  7. #196
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    IV. VIÊN THÔNG VỀ VỊ TRẦN


    Kinh:

    Hai vị Pháp Vương Tử Dược Vương, Dược Thượng cùng với năm trăm vị Phạm Thiên trong hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Từ vô thủy lâu xa, chúng tôi làm thầy thuốc cho đời, trong miệng thường nếm cỏ cây, kim thạch của thế giới Ta Bà này, số mục lên đến mười vạn tám ngàn, như thế biết tất cả các vị đắng, chua, mặn, lạt, ngọt, cay... cùng các vị biến đổi do các vị kia hòa hợp mà sanh ra, nào lạnh, nào nóng, có độc hay không độc đều biết khắp cả. Được thừa sự các Đức Như Lai, rõ biết tánh của Vị Trần, chẳng phải không, chẳng phải có, chẳng phải tức là thân tâm, chẳng phải lìa thân tâm. Do phân biệt được tánh của mùi vị, do đó mà khai ngộ. Được Phật Như Lai ấn chứng cho anh em chúng tôi danh hiệu là Dược Vương, Dược Thượng Bồ Tát, nay ở trong hội này làm Pháp Vương Tử. Chúng tôi nhân Vị Trần mà giác tỏ, lên bậc Bồ Tát.

    “Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của chúng tôi, thì do Vị Trần là hơn cả”.


    Thông rằng:

    Từ vô thủy kiếp đến nay làm thầy thuốc cho đời, chỉ có thể biết các Vị, đủ để trị bệnh mà thôi. Đến khi phụng sự Như Lai mới biết Tánh của mùi vị, không hay có, đều chẳng phải, không phải Tức, không phải Lìa. Phàm đều chẳng phải không hay có, chẳng Tức chẳng Lìa, đó là cái thể vốn như thế của Tâm Mầu Nhiệm tròn sáng trong Như Lai Tạng vậy. Do Vị Trần mà khai ngộ, giác tỏ Tự Tánh, nên vào địa vị Bồ Tát. Chỗ gọi là Giác đó, nghĩa là trong Như Lai Tạng, Tánh của vị là Chân Không, Tánh Không là Chân Vị, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới. Tức Vị là Giác, tức Giác là Vị, cái ngộ này thật khó nói cho người vậy.

    Ngài Đại Ngu [Tổ Cao An, tự Đại Ngu, tự hiệu Đại Ngu Sơn. Nối pháp Tổ Qui Tông. Tổ Qui Tông nối pháp Đức Mã Tổ] từ giã Tổ Quy Tông.

    Tổ hỏi: “Đi đến chỗ nào?”

    Đáp: “Đi các nơi học Ngũ Vị Thiền” [Năm loại Thiền: ngoại đạo, phàm phu, Tiểu Thừa, Đại Thừa, Tối Thượng Thừa].

    Tổ Quy Tông nói: “Các nơi có Ngũ Vị Thiền, ta trong ấy chỉ có một Vị”.

    Hỏi: “Thế nào là Một Vị Thiền?” [Nhứt vị thiền. Là phép thiền mau tỏ ngộ, mau thấm vào ( tức đốn ngộ, đốn nhập)]

    Tổ bèn đánh.

    Ngài Đại Ngu nói: “Hiểu vậy, hiểu vậy!”

    Tổ nói: “Nói đi, nói đi!”

    Ngài Đại Ngu định mở lời, Tổ lại đánh.

    Sau, có nhà sư đến Tổ Hoàng Bá kể lại chuyện trên.

    Tổ thượng đường nói: “Đại sư Mã Tổ có được tám mươi bốn vị Thiện Trí Thức, vậy mà hỏi ai nấy cái chỗ đại tiện đầy đất, thì chỉ có Quy Tông là được chút ít”.

    Chỉ có Tổ Hoàng Bá tỏ biết sâu xa cái Thiền Một Vị nên cùng Tổ Quy Tông thấy mặt nhau. Sau này, Tổ Hoàng Bá dùng cái cơ Thiền này để bắt Lâm Tế. Ngài Tế không khế ngộ được, bèn chỉ sang Tổ Đại Ngu. Gặp Tổ Đại Ngu, Lâm Tế kể lại nhân duyên ba lần bị đánh cho.

    Tổ Ngu nói: “Hoàng Bá giúp ông trừ hết nỗi khốn khó, lại ở trong ấy mà hỏi có lỗi với không lỗi”.

    Ngài Lâm Tế ngay nơi lời nói đại ngộ, bèn nói: “Té ra Phật Pháp của Hoàng Bá cũng chẳng có gì!”

    Tổ Ngu nắm đứng lại hỏi: “Nói mau, nói mau!”

    Ngài Lâm Tế thoi ba thoi vào sườn Tổ Đại Ngu.

    Tổ thả ra, nói: “Thầy ông là Hoàng Bá, chẳng can dự gì đến ta”.

    Tổ Ngu vừa muốn thi triển cái gia phong của Quy Tông, thì đã bị Lâm Tế đoạt mất, thế mới biết chỗ thấy của Lâm Tế vượt trước một bậc vậy.

    Thiền sư Long Hưng Pháp Cư đã lớn tuổi mới gặp Tổ Hoàng Long và được ấn khả.

    Ngài thượng đường nói: “Việc này cũng như thầy thuốc xem bệnh, hiện thời vả chăng tạp độc đầy bụng chưa dễ chữa trị. Vậy phải cho thuốc để chữa sự chóng mặt tối tăm do bệnh gây ra, rồi sau mới hết được. Còn cứ theo ý mình mà uống thuốc, thì chỉ thêm cuồng loạn, tăng thêm nặng mà thôi. Thế mà mong hết bệnh chẳng phải là lầm ư? Cỏ trước pháp đường đã mọc dày, mà trong lòng không hổ thẹn!”

    Ở nơi các tắc trên mà thông hội được, thì chẳng những biết được mùi vị ấy, mà còn có thể trị bệnh cho người.



  8. #197
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    V. VIÊN THÔNG VỀ XÚC TRẦN


    Kinh:

    Ông Bạt Đà Bà La cùng mười sáu vị Khai Sĩ đồng bạn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch rằng: “Xưa kia, chúng tôi ở nơi Đức Phật Oai Âm Vương, nghe pháp mà xuất gia. Vào giờ tắm của các tăng, tôi theo thứ lớp vào phòng tắm, bỗng ngộ được Tánh Nước: đã chẳng rửa bụi, cũng chẳng rửa thân, khoảng giữa an nhiên, đắc Vô Sở Hữu. Chỗ học xưa không quên, cho đến ngày nay theo Phật xuất gia, được quả Vô Học. Đức Phật xưa ấy gọi tôi tên là Bạt Đà Bà La. Cái Diệu Xúc khai mở rõ ràng, thành bậc Phật Tử Trụ.

    “Phật hỏi về Viên Thông, theo như chỗ chứng của tôi, thì do Xúc Trần là hơn cả”.


    Thông rằng:

    Ngài Tuyết Đậu nêu ra việc xưa rằng: “Có mười sáu vị Khai Sĩ [Bọn Ông Hiền Hộ, 16 Cư Sĩ Bồ Tát] gặp giờ các tăng tắm, theo thứ tự vào phòng tắm, bỗng ngộ tánh nước. Các vị Thiền Đức hiểu làm sao?” Các vị ấy nói: “Cái Diệu Xúc khai mở rõ ràng, thành bậc Phật Tử Trụ [Chỗ dựa nương của Phật Tử]. Cũng cần xuyên thủng bảy lỗ tám hang [Nghiã là lời nói rối rắm, vu vơ. Các thành ngữ đồng nghiã khác như: thất linh bát lạc, thất thượng bát lạc] mới được”.

    Tụng rằng:

    “Xong việc ông tăng thật rảnh rang

    Trên giường thẳng cẳng duỗi chân nằm

    Trong mộng từng thuyết Viên Thông Ngộ

    Rửa nước thơm xong, nhè mặt khạc”.


    Cái này đã thành công án, về sau các vị Lão Túc cùng nó phát minh rất nhiều.

    Thiều Quốc Sư ban đầu ra mắt Tổ Long Nha, hỏi rằng: “Trời không che, đất không chở, lý ấy thế nào?”

    Đáp : “Đạo thì hợp như thế”.

    Phàm trải qua mười bảy lần thưa hỏi, Tổ chỉ đáp như vậy. Ngài lại xin dạy bảo, Tổ nói: “Đạo ấy về sau ông tự hiểu”.

    Về sau, ở núi Thông Huyền, Ngài Thiều đang tắm, bỗng tỉnh ngộ chuyện trước, bèn đầy đủ oai nghi, hướng về chỗ Tổ Long Nha làm lễ, rồi nói: “Lúc ấy mà nói cho tôi, thì hôm nay nhất định phải bị mắng”.

    Sau, Ngài đến tham học Tổ Pháp Nhãn.

    Có nhà sư hỏi Tổ Pháp Nhãn: “Như thế nào là một giọt nước Tào Khê?”

    Tổ Nhãn nói : “Là Tào Khê một giọt nước”.

    Nhà sư ngơ ngẩn lui ra.

    Ngài đang ngồi một bên hoát nhiên khai ngộ, cái nghi vướng bấy lâu như băng tan rã. Đến đây mới được suốt bảy lỗ, tám hang.

    Ngài làm bài kệ:

    “Thông Huyền chót đảnh

    Chẳng phải nhân gian

    Ngoài Tâm không Pháp

    Ngập mắt núi xanh”.


    Tổ Pháp Nhãn nghe qua, nói rằng: “Một bài kệ này, khá khởi lên Tông của ta”.

    Hòa Thượng Thạch Thê nhân có thị giả mời đi tắm, bèn hỏi: “Đã chẳng rửa bụi, cũng chẳng rửa thân, ông làm thế nào?”

    Thị giả đáp: “Hòa Thượng đi trước, rồi tôi đem thuốc tạo-giác [Giống xà phòng, dùng để tắm] lại sau”.

    Hòa Thượng cười ha hả, cơ hồ bị thị giả một phen nhổ nước miếng qua mặt!

    Có nhà sư hỏi thiền sư Thiên U Cái: “Có một cái Viện tên là Vô Cấu Tịnh Quang Thiền Viện, sửa thành nhà tắm. Có người hỏi: “Đã là Vô Cấu Tịnh Quang, vì sao lại làm nhà tắm?” Tôi không đáp được”.

    Ngài Thiên Cái đáp thay rằng:

    “Ba Thu đêm trăng sáng

    Việc gì lại họp nhau”.


    Ngài Đơn Hà lại tụng rằng:

    “Tuy là đáp tận ý sâu xa

    Khổ nỗi đem ra chẳng được gần

    Muốn hiểu “xưa nay vô cấu” ấy

    Phải vào trong nước gặp trưởng nhân”.


    Con gái của Ông Long Đồ Phạm Tuân, từng được Tổ Tử Tâm ấn khả ở Kim Lăng, lập ra một nhà tắm, nơi cửa yết tấm bảng rằng: “Một vật cũng không, tẩy rửa cái gì? Mảy bụi nếu có, khởi từ đâu lại? Nói được một câu cho ra nghĩa lý, mới được vào nhà này mà tắm.

    “Cổ Linh chỉ mới biết lau lưng! Khai Sĩ nào từng rõ Tánh! Muốn chứng Ly Cấu Địa, thì phải suốt thân chẳng nhiễm. Hết thảy đều bảo nước để rửa sạch cái dơ, nào hay nước cũng là trần (bụi). Dầu cho cả nước và dơ chóng trừ, đến đây cũng cần rửa sạch hết!”

    Sau này cô xuất gia làm ni cô tên là Duy Cửu.

    Các vị tôn túc trong mộng nói mộng, mỗi mỗi chỉ ra cái “Diệu Xúc rõ bày”, có thể cùng mười sáu vị Khai Sĩ cùng tham.



  9. #198
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    VI. VIÊN THÔNG VỀ PHÁP TRẦN


    Kinh:

    Ông Ma Ha Ca Diếp và Tỳ Kheo Ni Tử Kim Quang v.v... liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Trong kiếp xưa ở cõi này có Phật ra đời, tên là Nhật Nguyệt Đăng, tôi được thân cận, nghe pháp, tu học. Sau khi Phật diệt độ, chúng tôi cúng dường Xá Lợi, thắp đèn sáng mãi; lại lấy vàng sắc tía đắp thếp hình tượng Phật. Từ đó đến nay, đời đời kiếp kiếp, thân thể thường toàn vẹn sáng ngời như vàng thắm. Nhóm Tỳ Kheo Ni Tử Quang này tức là quyến thuộc của tôi lúc đó, cũng đồng một thời phát tâm như tôi. Tôi quán sát sáu Trần của thế gian thay đổi biến hoại, chỉ dùng pháp Không Tịch, tu Định Diệt Tận, thân tâm mới có thể trải qua trăm nghìn kiếp như thời gian khảy móng tay. Tôi do cái Pháp Không mà thành A La Hán. Đức Thế Tôn bảo tôi tu hạnh đầu đà bậc nhất. Pháp nhiệm mầu mở sáng, các lậu đều tiêu diệt.

    “Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì do Pháp Trần là hơn cả”.


    Thông rằng:

    Trước có nói các bậc Diệt Tận Định đắc bậc Thanh Văn Tịch Diệt, duy Ngài Đại Ca Diếp, ý thức diệt đã lâu, mà hiểu biết đều tròn vẹn, chẳng nhờ tâm niệm. Ngài ngộ được các pháp là Không Tịch mà thành A La Hán. Sáu Trần như sanh, là ở trong Không mà sanh; sáu Trần như diệt, về nơi Không mà diệt. Trần có sanh diệt, Tánh Không chẳng hoại. Trừ sạch Pháp Trần, đó là Pháp Không. Cái Ý chẳng duyên ra pháp, được không sanh diệt. Nên có thể vượt qua trăm ngàn kiếp như khảy móng tay. Cho đến nay, Ngài Ca Diếp vẫn giữ áo cà sa vàng của Phật, nhập định trong núi Kê Túc, chờ Đức Di Lặc hạ sanh mà trao lại, đó là sự linh nghiệm vậy.

    Tỳ Kheo Ni Tử Kim Quang kiếp xưa là một cô gái nghèo. Thuở ấy, Ngài Ca Diếp làm người thợ đúc. Cô lấy vàng nhờ người thợ đúc thếp vàng mặt Phật, nguyện đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng không tình ân ái. Cảm ứng được chín mươi mốt kiếp sanh cõi trời, thân thường toàn vẹn vàng chói. Nay gặp Phật xuất gia, quả nhiên thỏa được nguyện xưa.

    Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác tinh thâm hết ba tạng kinh điển, rành Thiên Thai Chỉ Quán, pháp môn viên diệu. Trong cả bốn oai nghi thường sáng rõ pháp thiền quán. Sau, nhân thiền sư Khê Lãng khuyến khích, cùng thiền sư Đông Dương Sách đến Tào Khê. Mới vừa đến, đi quanh Tổ ba vòng, rồi chống trượng đứng yên.

    Tổ nói: “Phàm là Sa Môn, đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Đại Đức từ phương nào lại, mà tỏ ra quá nhiều ngã mạn?”

    Huyền Giác nói: “Việc sanh tử là lớn lao, cái vô thường rất nhanh chóng!”

    Tổ nói: “Sao chẳng hội cái Vô Sanh, tỏ suốt cái không chóng?”

    Huyền Giác nói: “Thể tức Vô Sanh, rõ vốn không chóng.”

    Tổ nói: “Y vậy”.

    Khi ấy đại chúng đều kinh ngạc. Ngài Huyền Giác mới đầy đủ oai nghi làm lễ Tổ, chốc lát từ giã.

    Tổ nói: “Về gấp thế sao?”

    Huyền Giác nói: “Vốn tự chẳng động, nào có sự gấp?”

    Tổ nói: “Ai biết là chẳng độn?”

    Huyền Giác nói: “Đó là Ngài tự sanh phân biệt”.

    Tổ nói: “Ông thật là được cái ý chỉ Vô Sanh”.

    Huyền Giác nói: “Vô Sanh mà có ý ư?”

    Tổ nói: “Không có ý thì ai phân biệt?”

    Huyền Giác nói: “Phân biệt cũng chẳng phải ý”.

    Tổ khen ngợi: “Hay lắm, hay lắm, ít ra hãy ở lại một đêm”.

    Thời ấy gọi Ngài là “Một Đêm Giác”.

    Chỗ này, nếu chẳng diệt Ý Căn từ lâu, đắc Vô Sanh Nhẫn, thì đâu có thể ứng đáp như âm vang dội theo tiếng vậy được. Từ Ngài Kiều Trần Na đến đây là sáu vị Thánh. Nói là Diệu Âm, Diệu Sắc, Diệu Hương, Diệu Xúc, đều gọi là Diệu, vì không ràng buộc nơi Trần vậy. Đây chính là do sáu Trần mà chứng viên thông.



  10. #199
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    VII. VIÊN THÔNG VỀ NHÃN CĂN


    Kinh:

    Ông A Na Luật Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi lúc mới xuất gia, thường thích ngủ nên Phật la tôi là loài súc sanh. Tôi nghe Phật mắng, khóc lóc tự trách, suốt bảy ngày không ngủ, hư cả hai con mắt.

    “Đức Thế Tôn dạy tôi tu pháp Lạc Kính Chiếu Minh Kim Cương Tam Muội. Tôi chẳng do con mắt, xem thấy mười phương rỗng suốt rõ ràng như xem trái cây trong bàn tay. Như Lai ấn chứng cho tôi, thành A La Hán.

    “Phật hỏi Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì xoay cái Thấy trở về Bản Tánh, đó là Thứ Nhất”.

    Thông rằng:

    Ông A Na Luật Đà là con Vua Bạch Phạn [Em Vua Tịnh Phạn], với Phật là anh em chú bác. Trong đời quá khứ dâng cho một vị Bích Chi Phật một bữa cơm, cảm ứng được chín mươi mốt kiếp có cái Vui Như Ý. Phật thường la rằng “Ôi, ôi, sao lại ngủ. Như loài ốc, loài sò ngủ một giấc cả ngàn năm, chẳng nghe tên hiệu của Phật”. Từ đó, ông cố gắng đến mù cả mắt, bèn được một nửa phần Thiên Nhãn.

    Đại Trí Luận nói “Thiên Nhãn của Ông A Na Luật do tứ Đại tạo sắc, thanh tịnh được một nửa. Thiên Nhãn của Phật cũng là tứ Đại tạo sắc mà thanh tịnh khắp cả”.

    Cái Tam Muội Lạc Kiến Chiếu Minh Kim Cang là pháp môn xoay cái Thấy trở về nguồn Tánh. Minh thuộc Sở, Chiếu thuộc Năng. Trong chỗ Minh, cái Chiếu thường soi tỏ. Trong chỗ Chiếu, cái Thấy thấy suốt. Chiếu từ đâu mà lại? Thấy từ đâu khởi ra? Cho đến chỗ thấy mà không có chỗ thấy, chiếu soi mà không có chỗ chiếu soi, liền được Kim Cương Tam Muội. Đó là Thể của cái Chiếu, Nguồn của cái Thấy vậy. Kim Cương phá nát tất cả, Thấy và Chiếu đều tiêu vong, ấy là Tam Muội Chánh Định, tức là cái Bản Thể Tịch Chiếu vậy. Vui theo cái quán chiếu này, nghĩa là xoay cái Thấy trở về nguồn Tánh. Cho đến được Thiên Nhãn, thì cũng chẳng phải chỗ luận bàn đến được.

    Ngài Đức Sơn khi mới đến Tổ Long Đàm, tuốt vào pháp đường, nói : “Lâu nay vang tiếng Đầm Rồng (Long Đàm), nay đến nơi, đầm lại chẳng thấy, mà rồng cũng chẳng hiện”.

    Tổ Đàm tiến lên, nói: “Ông đã đích thân đến Long Đàm (Đầm Rồng). Căn cứ vào cơ duyên lúc mới đến này thì đáng nhận y bát của Long Đàm”.

    Một buổi tối, đang đứng hầu Tổ.

    Tổ Long Đàm nói: “Khuya rồi sao chẳng về nghỉ?”

    Đức Sơn chỉnh tề bước ra rồi trở lui, nói : “Ngoài tối lắm”.

    Tổ Đàm đốt cây đuốc giấy đưa cho Ngài Đức Sơn, Ngài định cầm lấy, Tổ Đàm liền thổi tắt. Đức Sơn hoát nhiên đại ngộ, bèn lễ bái.

    Tổ hỏi: “Ông thấy cái gì?”

    Ngài Sơn nói: “Từ nay trở đi, không còn nghi cái đầu lưỡi của Lão Hòa Thượng trong thiên hạ nữa”.

    Hôm sau, Tổ Long Đàm lên tòa giảng, nói với đại chúng: “Trong đây có một gã răng như đao kiếm, miệng như chậu máu, một gậy đánh cho chẳng quay đầu, mai kia hướng lên đỉnh núi cô cao, lập đạo ta ở đó”.

    Đức Sơn đem bộ Sớ Sao kinh Kim Cương, Ngài đã viết từ trước, chất trước pháp đường, cầm cây đuốc mà nói rằng: “Có cùng tột các lý lẽ diệu huyền cũng như một mảy lông để giữa thái hư! Thấu suốt hết các mấu chốt của đời cũng nhưng một giọt nước rơi vào biển cả!”

    Rồi đốt sạch, làm lễ từ giã Tổ mà ra đi.

    Như cái pháp nhãn mà Ngài Đức Sơn đắc, so với Ông A Na Luật Đà nhiều ít giống nhau.

    Tổ Lâm Tế lúc sắp tịch, nói bài kệ:

    “Theo dòng không dứt, hơi đâu hỏi tại sao

    Chân chiếu vô biên, lấy chi nói ta-người

    Cái lìa tướng, lìa danh kia, người chẳng nhận

    Kiếm bén đứt lông, dùng rồi phải gấp mài”.


    Tổ lại nói với đại chúng: “Sau khi ta diệt độ, không được diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta”.

    Ngài Tam Thánh bước ra, thưa: “Sao dám diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của Hòa Thượng!”

    Tổ Tế nói: “Về sau, có người hỏi, ông nói thế nào với họ?”

    Ngài Thánh liền hét.

    Tổ nói: “Ai biết Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta, hướng về con lừa mù ấy mà diệt mất”.

    Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

    “Nửa đêm y bát truyền Huệ Năng

    Rối loạn Hoàng Mai, bảy trăm tăng

    Một chi Lâm Tế, Chánh Pháp Nhãn

    Lừa mù diệt mất, người đắc đâu?

    Tâm Tâm ấn nhau

    Tổ Tổ truyền đăng

    Khỏa bằng núi, biển

    Biến hóa đại bàng

    Chỉ danh ngôn ấy khó suy lường

    Đều là thủ đoạn thoát bay lên!”.


    Đến chỗ này thì Chánh Pháp Nhãn Tạng còn lại diệt mất, huống gì là Thiên Nhãn kia?



  11. #200
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    VIII. VIÊN THÔNG VỀ TỶ CĂN


    Kinh :

    Ông Châu Lợi Bàn Đặc Ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi thiếu tụng trì, không có tánh đa văn. Ban đầu gặp Phật, nghe pháp xuất gia, ghi nhớ một câu kệ của Như Lai trong một trăm ngày, thì nhớ trước quên sau, nhớ sau quên trước. Phật thương tôi ngu muội, dạy tôi an cư, điều hòa hơi thở ra vào. Tôi quán hơi thở, cùng tột sự nhỏ nhiệm của các tướng sanh, trụ, dị, diệt, các hành trong từng sát na, thì tâm hoát nhiên được Đại Vô Ngại, cho đến các lậu đều sạch hết, thành A La Hán. Trước pháp tọa của Phật, được ấn chứng thành quả Vô Học.

    “Phật hỏi tôi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì xoay hơi thở theo về Không, đó là Thứ Nhất”.


    Thông rằng:

    Đây là vị Tỳ Kheo đọc thuộc lòng chữ “Chữu” là cái chổi vậy. Đời quá khứ là pháp sư mà bỏn sẻn Pháp, nên bị quả báo ngu độn. Tuy ít đa văn, nhưng ít bị tán loạn, nên có thể điều tức mà thấu nhập. Sự thô tế của hơi thở là do tâm sanh diệt. Tâm dần dần ngừng nên hơi thở từ từ vi tế. Tâm và hơi thở nương lẫn nhau, mà đến cùng tột các tướng sanh, trụ, dị, diệt, các tướng rất vi tế của các hành trong khoảng sát na, thì hơi thở tức là không hơi thở, tâm là vô tâm. Trong khoảng sát na, thấu nhập Kim Cang Càn Huệ Địa, nên được hoát nhiên Vô Ngại. Cảnh giới Ngộ này, thì ngôn ngữ, nghĩ suy không thể đến được.

    Xưa, Thượng Thơ Mạc Tương khi làm quan xứ Tây Thục, ra mắt thiền sư Nam Đường Tỉnh, hỏi chỗ tâm yếu. Tổ bảo hãy hướng về chỗ tốt mà tỉnh thức. Vừa bước vào cầu tiêu, bỗng nghe mùi hôi, vội lấy tay bịt mũi, bèn chợt tỉnh ngộ. Liền trình bài kệ :

    “Xưa ngay cốt cách thích phong lưu

    Cười cho ai đó hướng ngoài cầu

    Muôn sai ngàn khác, không đâu kiếm

    Đắc cái xưa nay ở mũi đầu”.


    Tổ Nam Đường đáp rằng :

    “Một pháp vừa thông, pháp pháp Như

    Dọc ngang diệu dụng còn tìm đâu

    Rắn xanh khỏi hộp, quân ma nép

    Bích nhãn Hồ Tăng cười gật đầu”.


    Đây cũng là xoay hơi thở theo về Không, mà bỗng nhiên chứng nhập. Có thể cùng thầy Tỳ Kheo tụng chữ “Chổi” thấy mặt nhau!



  12. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    dieunghiem (09-23-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •