Kinh:
- Các vị là Đại Trí Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Câu Si La, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Tu Bồ Đề, Ưu Ba Ni Sa Đà làm Thượng Thủ. Lại có vô số các vị Bích Chi Vô Học và Sơ Tâm đồng đến chỗ Phật giảng đạo. Nhằm ngày các vị tỳ khưu mãn hạ Tự Tứ, các vị Bồ Tát từ mười phương đến, xin Phật giải quyết nghi hoặc, kính vâng Đức Từ Nghiêm, thỉnh cầu Nghĩa Thâm Mật.
Đức Như Lai trải pháp tọa, ngồi khoan thai, vì cả Pháp Hội mà tỏ bày cái mật nhiệm sâu xa. Chúng hội trong sạch, được việc chưa từng có.
Thông rằng: Đây là nói về chỗ bắt đầu của kinh. Nói là các vị Bồ Tát thỉnh cầu Mật Nghĩa, mà chẳng có nói: Cái Gì Là Mật. Nói đức Phật tỏ bày cái thâm áo, mà chẳng nói: Cái Gì Là Thâm Áo, thì làm sao chúng hội thanh tịnh lại được chỗ chưa từng có?
Xưa, Đức Thế Tôn một hôm lên tòa pháp. Đức Văn Thù bạch chùy rằng:
- Hãy xem rõ Pháp Vương Pháp. Pháp Vương Pháp như thế. Đức Thế Tôn bèn xuống pháp tòa. Tổ Thiên Đồng tụng:
Một đoạn của nhà có thấy không,
Miên man trời đất chạy thoi nhanh.
Gấm cổ dệt thành, bao Xuân sắc,
Ngại gì tiết lộ bởi Đông Quân.
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:
Thánh chúng đương nhiên ắt hiểu ngay,
Pháp Vương, Pháp Lệnh chẳng như đây.
Hội này mà có Thiền gia khách,
Văn Thù nào phải hạ một chùy.
Nếu đối với chỗ Đức Thế Tôn lên tòa yên ngồi mà đã rõ thông tin tức, mới thật diệu khế cái Áo Mật, mà chẳng cần nhờ đến lời lẽ phiền phức vậy.
Hàng Bích Chi, còn có hạng Sơ Phát Tâm là học trò của hàng Bích Chi.
Hưu Hạ Tự Tứ là trong Luật có dạy ba ngày ra Hạ là Mười Bốn, Mười Lăm và Mười Sáu tháng Bảy.
Kinh:
- Tiếng của Phật hòa nhã như tiếng chim Ca Lăng Tần Già, vang khắp mười phương. Hằng sa Bồ Tát đến chốn đạo tràng, có Ngài Văn Thù Sư Lợi làm Thượng Thủ.
Thông rằng: Chim Ca Lăng Tần Già khi còn trong trứng đã đủ tiếng hay, các loài chim khác không so sánh kịp. Thí dụ cho Đốn Giáo vào ngay dòng giống Phật, không cần mượn tu tập, Tam Thừa không bì kịp. Phật dùng âm thanh này để dạy cho hàng căn cơ Đốn Ngộ.
Thuở xưa, có lần Ngài Mục Kiền Liên muốn cùng tột âm thanh của Phật, dùng hết thần lực, đi qua hằng sa cõi, đến một cõi Phật có Báo Thân rất lớn. Ngài chống trượng đi trên miệng bát cơm của chư vị cõi đó. Các đệ tử ở đấy đều thưa với đức Phật cõi đó:
- Tại sao lại có loại trùng giống hệt con người?
Đức Phật kia đáp:
- Đó là Mục Kiền Liên, đệ tử của phật Thích Ca ở cõi Ta Bà. Chớ thấy hình vóc nhỏ nhoi mà xem thường! Rồi đức Phật hỏi Ngài Mục Kiền Liên đến đây làm gì.
- Ngài trả lời là muốn cùng tột âm thanh của Phật.
Đức Phật dạy:
- Âm thanh của Phật vô tận, ông không thể cùng tột được đâu. Ngài Mục Kiền Liên bèn trở về.
Nên nói:
- Khắp Hết Mười Phương, là đúng vậy.
Hằng sa Bồ Tát mỗi mỗi đều có chỗ ở, như những cõi kể trong kinh Hoa Nghiêm, vũ trụ vô cùng, chỗ nào mà chẳng phải là Trụ Xứ của Bồ Tát? Nay nghe âm thanh Phật, các Bồ Tát đi đến với Phật.
Văn Thù tức là Diệu Đức, để bày tỏ cái Thiệt Trí. Mở bày Đốn Giáo thì đúng là Cơ của Ngài, nên Ngài làm Thượng Thủ. Xưa, Ngài Vô Trước Văn Hỷ thiền sư đến động Kim Cương ở núi Ngũ Đài chiêm bái Đức Văn Thù. Ngài gặp một ông già đang dắt trâu đi và mời Ngài vào chùa.
Ông già gọi:
- Sa di!
Thì có một đồng tử ứng tiếng dạ, chạy ra tiếp. Ông già thả trâu đi, dắt thiền sư lên nhà khách. Nhà cửa đều chói lọi ánh vàng. Ông già ngồi lên giường, chỉ một cái đôn gấm mời Ngài ngồi.
Ông nói:
- Ông từ đâu tới? Sư Văn Hỷ đáp:
- Phương Nam. Ông hỏi:
- Phật Pháp ở phương Nam trụ trì thế nào? Sư đáp:
- Đời mạt Pháp các Tỳ Kheo ít phụng trì Giới Luật. Ông hỏi:
- Chúng nhiều ít? Sư đáp:
- Hoặc ba trăm, hoặc năm trăm. Sư Văn Hỹ trở lại hỏi:
- Phật Pháp ở đây trụ trì thế nào? Ông già trả lời:
- Rồng rắn lẫn lộn, phàm Thánh ở chung. Sư hỏi:
- Chúng nhiều ít? Ông đáp:
- Trước ba ba, sau ba ba. Ông kêu đồng tử đem trà và váng sữa lại. Sư dùng xong, tâm ý thông suốt. Ông già cầm chén pha lê lên hỏi:
- Phương Nam có thứ này không? Sư đáp:
- Không có. Ông hỏi:
- Bình thường lấy gì uống trà? Sư không đáp được. (Tiếc thay! Đang khi ấy chỉ nên đập nát nghiến cái chén pha lê! ) Văn Hỷ thấy trời đã tối, bèn hỏi ông ở lại một đêm được chăng. Ông già nói:
- Ông còn cái tâm chấp không thể ở lại. Sư nói:
- Tôi đâu có tâm câu chấp. Ông già hỏi:
- Ông đã thọ Giới chưa? Sư đáp:
- Thọ Giới đã lâu. Ông già nói:
- Nếu không có cái tâm chấp, thì thọ Giới để làm gì? Sư cáo từ. Ông già bảo đồng tử tiễn Ngài về. Ngài hỏi đồng tử:
- Trước ba ba, sau ba ba là nhiều ít? Đồng tử gọi lớn:
- Đại Đức! Sư ứng tiếng dạ. Đồng tử nói:
- Đó là nhiều ít? Sư Hỷ lại hỏi:
- Đây là chỗ nào?
Đáp rằng:
- Đây là động Kim Cương, chùa Bát Nhã. Sư Văn Hỷ mới tỉnh ngộ ra rằng ông già tức là Văn Thù vậy. Không thể ra mắt trở lại được nữa, bèn cúi đầu trước đồng tử, xin một lời nói để từ biệt.
Đồng tử đọc bài kệ:
Trên mặt không sân _ đồ cúng dường,
Trong miệng không sân _ xuất Diệu Hương.
Trong tâm không sân _ là châu báu,
Không dơ, không nhiễm _ tức Chân Thường.
Nói xong, cả người lẫn chùa đều ẩn mất.
Thầy Hỷ sau tham học với Tổ Ngưỡng Sơn, chóng ngộ tâm khế, giữ chức Điển Tòa. Khi nấu ăn, Đức Văn Thù thường hiện hình trên nồi cháo. Sư Văn Hỷ lấy cái đũa tre quậy cháo đánh mà nói rằng:
- Văn Thù tự mặc Văn Thù. Văn Hỷ tự mặc Văn Hỷ.
Đức Văn Thù bèn nói bài kệ:
Bầu đắng rễ cũng đắng,
Dưa ngọt tận cuống ngọt.
Tu hành ba đại kiếp,
Lại bị lão tăng từ (chối).
Thấu đến Trong Ấy lại còn nói có tâm câu chấp nữa ư?
Tổ Tuyết Đậu tụng rằng:
Ngàn đỉnh nhấp nhô một màu lam,
Ai là Văn Thù để đối đàm.
Nực cười Thanh Lương nhiều ít chúng,
Trước ba ba sau cũng ba ba.
Chỗ này mà thấu thoát được mới cho gặp mặt Đức Văn Thù.