DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 55/59 ĐầuĐầu ... 5455354555657 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 541 tới 550 của 588
  1. #541
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Tâm ưa ngao du phóng đãng, tham cầu dạo chơi thì giống Bạt Quỉ có tập quán dâm dục, lâu năm thành Ma gá vào, nói và biến hóa những pháp tà kiến để mê hoặc. Tâm ưa thầm hợp, tham cầu được khế hợp thì giống Mỵ Quỉ có tập quán dối trá lâu năm thành Ma gá vào, nói và khai mở các pháp tha tâm và túc mạng thông để mê hoặc. Tâm ưa biết cội gốc, tham cầu phân biệt chia chẻ thì giống Cổ Độc Quỉ có tập quán lừa dối lâu năm thành Ma gá vào, nói rằng hiện tiền là Phật để mê hoặc. Tâm ưa sự cảm ứng huyền nhiệm, tham cầu sự cảm ứng linh nhiệm thì giống Lệ Quỉ có tập quán giận dữ, lâu năm thành Ma gá vào, nói các pháp linh ứng huyền nhiệm độ thoát để mê hoặc. Tâm ưa sự thâm nhập, thích ở chỗ vắng vẻ thì giống Đại Lực Quỉ có tập quán kiêu mạn lâu năm thành Ma gá vào, nói các pháp nhân quả vị lai để mê hoặc. Tâm ưa tri kiến, tham cầu túc mạng thì giống quỉ núi rừng, thổ địa, thành hoàng, sông núi có thói quen dòm ngó lâu năm thành Ma, nói các pháp châu báu kỳ dị để mê hoặc. Tâm ưa thần thông, nghiên cứu nguồn gốc biến hóa thì giống Quỉ nương theo người có thói quen tranh tụng, tất cả loài tinh mỵ của núi sông, cây cỏ đã sống nhiều kiếp và loài tiên đến số chết bị loài quái bám vào, những loài ấy lâu năm thành Ma gá vào, nói các pháp thần thông nắm ánh sáng, đi trên nước, đi qua vách, vào trong hũ... để mê hoặc. Tâm ưa nhập diệt, tham cầu cái rỗng không sâu nhiệm thì giống hưu trưng có tập quán cong vạy, giống tinh khí của nhật, nguyệt, giống vàng ngọc, chi thảo, giống lân, phụng, quy, hạc không chết thành linh, lâu năm thành Ma, gá vào nói các thứ thuyết không nhân quả, ra vào hư không... để mê hoặc. Tâm ưa sự sống lâu, tham cầu sống mãi, muốn bỏ cái thân phần đoạn để cầu cái tướng biến dịch vi tế cho là thường trụ, bèn đoạn trừ Kiến Hoặc và Tư Hoặc mà sanh sang cõi Pháp Tánh Thổ. Ma của thế gian không thể mê hoặc được, nên Thiên Ma Trụ Thế Tự Tại ở cõi Trời thứ sáu của Dục Giới sai các quyến thuộc Tỳ Xá, Giá Văn Trà đến khuấy phá người tu. Trong đám Tỳ Xá Giá, nếu đã phát tâm thì hộ trì chánh, còn chưa phát tâm thi ăn tinh khí của người cho đến hiện thân làm gái đẹp khiến cho não, tủy của người khô kiệt, cũng thật ghê gớm vậy. Ấy là Đạo càng cao thì Ma càng thịnh, cho nên sự đề phòng không thể không nghiêm mật.



  2. #542
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Phàm thiện xảo viên minh, du lịch cõi Phật, miên mật khế chứng, biện rõ cội nguồn, cảm ứng u huyền, thâm nhập tịch tĩnh, biết suốt túc mạng, thần thông vô ngại, vào Diệt Tận Định, vĩnh kiếp chẳng hoại, đều là việc trong phận sự của người chân tu. Ở những điều đó mà cứu xét tinh tường cũng chẳng có gì là lỗi lầm, nhưng chỉ vì bắt đầu thì ưa, kế đó lại tham cầu, nên tâm có chỗ vướng mắc, có vướng mắc tức là Dục.

    Bởi thế, Ma nhân cái ưa này thỏa mãn cái tham cầu này mà dẫn dắt bằng sự dâm dục, cho đến nỗi phá Luật Nghi chẳng hề lưu ý. Ma cũng để tâm nghiên cứu Niết Bàn, mà chỉ vì không thể đoạn Dâm, nên lạc vào tà định của quỉ thần mà lấy việc phá hại người tu hành chánh đạo làm việc của mình. Hại người tu chánh đạo để họ về phe đảng của Ma, chẳng muốn chánh đạo thành tựu vì chánh đạo mà thành tựu thì Ý và Tưởng đều diệt, cung điện của loài Ma kia bị đổ vỡ hết, há chẳng trăm mưu ngàn kế để phá ư ?

    Ngài Anan sau khi chọn lựa pháp viên thông nguyện độ hết thảy chúng sanh đời Mạt Pháp, Ngài suy nghĩ sâu xa rằng đời Mạt Pháp hạng tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng, nên thừa hỏi cách an lập đạo tràng, lìa các Ma Sự, trong Bồ Đề Tâm được không lui sụt, khuất phục. Đến đây Đức Thế Tôn chỉ rõ về tất cả các Ma Sự, khiến cho những ai đã phát nguyện cứu độ chúng sanh đời Mạt Pháp khởi tâm đại từ bi khiến cho chúng sanh chẳng bị mắc vào tà ma, đắc Chánh Tri Kiến. Đinh ninh dặn kỹ về Giới Dâm, vì sợ rằng cơ Dâm khó đoạn trừ vậy.

    Như Cô Ma Đăng Già sức yếu, dùng loại thần chú Phạm Thiên cũng chưa có gì là độc đáo mà còn suýt phá Luật Nghi Phật, suýt hủy một Giới, huống gì loại Ma cho tinh thần gá vào người, hiện ra đủ thứ thần biến thì há chẳng dễ bị mê hoặc ư ? Đại khái, Ma chỉ có Ngũ Thông mà thôi, mê hoặc bằng Ngũ Thông, mà cốt yếu là khen ngợi Dâm Dục, tài nghề chỉ có vậy. Nếu phá Tưởng Ấm, chứng Lậu Tận Thông, trong không có gì ứng theo, thì ngoài có thể làm gì được ?

    Như thế, Ma còn không thể nhìn thẳng mặt há dám khuấy rối ư ?

    Thiền sư Thiên Y Hoài khai thị đại chúng rằng : “Hai ngàn năm trước, Đức Đại Giác Thế Tôn muốn đem các Thánh Chúng lên cõi Trời Thứ Sáu để nói kinh Đại Tập, ra lệnh cho tất cả Quỉ Thần hung ác ở phương kia hay cõi này, dù nơi nhân gian hay trên trời đều đến tụ hội để nhận sự phó chúc của Phật mà ủng hộ Chánh Pháp. Nếu có ai không đến thì bốn vị Thiên Vương cỡi bánh xe sắt lửa bay đi tìm bắt đến nhóm hội. Khi đã tụ hội rồi, không có ai không theo lệnh của Phật, mỗi vị đều phát nguyện rộng lớn ủng hộ Chánh Pháp.



  3. #543
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    “Chỉ có một vị Ma Vương nói với Thế Tôn : “Ngài Cù Đàm ! Tôi đợi tất cả chúng sanh thành Phật hết rồi, cõi giới chúng sanh không còn, không còn cả cái danh từ chúng sanh, tôi mới phát Bồ Đề Tâm”.

    “Lâm nguy chẳng đổi, chánh thật đại trượng phu !

    “Này các nhân giả ! Làm sao nói được một chuyển ngữ cho ông lão Cù Đàm mặt vàng hả hơi ?

    Cái thần thông diệu dụng, trí huệ biện tài hàng ngày đến chỗ này đều xài chẳng được ! Người khắp cõi Diêm Phù đại địa chẳng có ai không thích Phật. Đến trong ấy, cái gì là Phật ? Cái gì là Ma ? Liệu có ai biện ra được không ?”

    Giây lâu, Ngài nói : “Muốn rõ Ma ư ? Mở mắt thấy sáng. Muốn rõ Phật ư ? Nhắm mắt thấy tối. Ma với lại Phật, lấy cây trụ trượng xuyên suốt lỗ mũi cùng một lúc !” Ngài Diệu Hỷ thay thế nói một chuyển ngữ : “Xém nữa gọi lầm ông là Ma Vương !” Câu này có hai cửa phụ, có người nào chỉ điểm ra được, hứa cho là đủ con mắt của ông tăng tu Thiền!

    Hòa Thượng Bí Ma Nham ở Ngũ Đài Sơn thường cầm một cây gậy chảng hai, khi thấy vị tăng nào đến lễ bái liền lấy chảng hai kẹp cổ mà nói : “Con Ma Quỷ nào dạy ông xuất gia ? Con Ma Quỷ nào dạy ông hành cước ? Nói được thì xỉa chết tươi, nói không được cũng xỉa chết tươi. Nói mau, nói mau !” Đám học trò ít ai đối đáp được.

    Ngài Pháp Nhãn thay thế nói rằng : “Xin tha mạng !”

    Ngài Pháp Đăng thay thế nói : “Chỉ cần đưa cổ ra dạy cho !”

    Ngài Huyền Giác thay thế nói : “Này ông già, ném cây chảng hai đi được rồi đấy !”

    Hòa Thượng Hoắc Sơn Thông đến thăm Hòa Thượng Bí Ma Nham, vừa thấy chẳng lễ bái, liền ném tuốt cây chảng hai vào trong bọc.

    Ngài Nham vỗ lưng Ngài Thông ba cái.

    Ngài Thông đứng lên, vỗ tay, nói : “Sư huynh ngoài ba ngàn dặm gạt tôi, nhé ! Ngoài ba ngàn dặm gạt tôi, nhé !” Rồi bỏ ra về.

    Ở đây, các vị tôn túc hiển lộng thần thông, ngay đó mà khiến Ma nhìn không ra.

    Một hôm, Tổ Quy Sơn hỏi Ngài Ngưỡng Sơn : “Kinh Niết Bàn bốn mươi quyển, nhiều ít là Phật nói, nhiều ít là Ma nói”.

    Ngài Ngưỡng : “Đều là Ma nói”.

    Tổ Quy nói : “Về sau không có người nào chịu ông cho nổi”.

    Ngài Ngưỡng : “Huệ Tịch tức là chuyện một lần, đi đứng tại chỗ nào ?”

    Tổ Quy nói : “Chỉ quý trọng con mắt ngay chánh của ông, chẳng nói sự đi đứng của ông !”

    Cho nên nếu có thể có đủ con mắt pháp phân biệt thì không lo gì việc Ma vậy.



  4. #544
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    E. PHẠM VI CỦA HÀNH ẤM



    Kinh :

    “Anan, thiện nam tử kia, tu Tam Ma Đề, khi Tưởng Ấm hết rồi thì những mộng tưởng bình thường của người ấy tiêu diệt. Thức, ngủ là một, tánh Giác Minh rỗng lặng như hư không trong trẻo, không còn những sự tướng tiền trần thô trọng. Xem những núi sông, đất liền của thế gian như gương soi sáng, đến không chỗ dính, đi không dấu vết, rỗng thọ chiếu ứng, rõ ràng không còn các tập khí, chỉ thuần một tính Tinh Chân.

    “Căn nguyên của Sanh Diệt từ đó phơi lộ ra, thấy được mười hai loài chúng sanh mười phương, rõ hết các loài. Tuy chưa thông suốt manh mối của mỗi chúng sanh nhưng đã thấy cái cơ sở sanh diệt chung, giống như bóng dã mã, vùn vụt lăng xăng sơ tượng hiện ra, làm cái then chốt phát sanh của Phù căn trần. Đây gọi là phạm vi của Hành Ấm.

    “Nếu cái nguồn gốc của những chớp nhoáng lăng xăng đó nhập vào tánh lặng trong bản lai, những tập khí nguồn gốc lặng trong thành một phiến, như sóng mòi diệt hóa thành nước đứng, thì gọi là Hành Ấm hết. Người đó liền vượt khỏi Chúng Sanh Trược. Xét lại nguyên do, cội gốc là Vọng Tưởng u ẩn.

    “Anan, ông nên biết rằng các thiện nam tử được sự Chánh Tri trong Tam Ma Đề thì Chánh Tâm đứng lặng sáng suốt, mười loài Thiên Ma không còn được dịp khuấy phá, mới được cứu xét cùng tột cái cội gốc sanh loại. Nơi cái cội gốc sanh loại, nguồn gốc sự sống bày lộ ra. Xét cái cội nguồn máy động lăng xăng tròn khắp giản phác u ẩn kia ở trong Tánh vốn toàn vẹn lại mống tâm so đo suy diễn, thì người đó rơi lọt vào hai thứ luận Vô Nhân.

    “Một là, người đó thấy cái gốc vốn không có Nhân. Vì sao thế ? Người đó đã phá lộ hoàn toàn được cơ quan của Sanh Diệt, nương theo tám trăm công đức của Nhãn Căn, thấy được trong tám muôn kiếp tất cả chúng sanh đều do dòng nghiệp lực mà xoay vần, chết đây sanh kia. Chỉ thấy chúng sanh luân hồi trong đó, ngoài tám muôn kiếp thì mờ mịt không thấy gì, bèn khởi tâm suy diễn rằng những loài chúng sanh mười phương trong thế gian này trước tám vạn kiếp không có Nhân, mà tự có. Do sự suy diễn này, bỏ mất Chánh Biến Tri, rơi lạc vào ngoại đạo, mê lầm Tánh Bồ Đề.

    “Hai là, người đó thấy cái ngọn không có Nhân. Vì sao thế ? Người đó nơi sự Sanh Diệt đã thấy cội gốc, biết rằng người sanh người, rõ chim sanh chim, quạ xưa nay đen, hộc xưa nay trắng, người, trời thì thân đứng, súc sanh thì thân ngang, màu trắng không phải do tẩy mà thành, màu đen chẳng phải do nhuộm mà ra. Suốt tám muôn kiếp không hề dời đổi, sống hết đời này cũng lại vẫn vậy, mà mình xưa nay chẳng thấy Bồ Đề, làm sao có chuyện thành tựu Bồ Đề, rồi cho rằng tất cả sự vật ngày nay đều vốn không có Nhân. “Do so đo suy diễn như vậy, bỏ mất Chánh Biến Tri, rơi lạc vào ngoại đạo, mê lầm Tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Nhất, lập ra luận Vô Nhân.




  5. #545
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Tưởng Ấm chưa hết thì khi thức bám lấy hình tướng, khi ngủ thành ra mộng mị, bởi thế đuổi theo bóng dáng tiền trần thô trọng. Tưởng Ấm đã hết, bên trong giữ lấy sự yên tĩnh, vắng vẻ, thức ngủ là một, sự giác minh rỗng lặng như gương soi sáng, tuy không có dấu vết tới lui, vẫn còn có bóng dáng quang minh, vẫn còn là việc bên phía pháp trần. Trước đây, tiền trần ám che quấy nhiễu, chỉ tùy sanh diệt mà trôi lăn, chẳng thấy cái gốc nguồn, nay đã rỗng thọ chiếu ứng, chỉ thuần một tính Tinh Chân, Sanh diệt đã dừng, do đó mà cái căn nguyên hiển lộ, thấy được cái cơ sở Sanh Diệt chung, miên miên mật mật, đổi dời vi tế, ấy là sóng lăn tăn mà không gió.

    Dã mã là bụi lăng xăng, vùn vụt là chớp nhoáng vậy. Hành Ấm vi tế giống như bụi lăng xăng khi mặt trời chiếu qua khe cửa. Vùn vụt chớp nhoáng thì rõ là không có tướng trụ, chợt sanh chợt diệt, không còn ảnh tướng nặng nề nên gọi là lăng xăng sơ tượng (thanh nhiễu). Bốn Đại, cái lăng xăng sơ tượng là căn nguyên của phù căn tứ trần, thể của nó vốn không, là cái then chốt phát sanh, thật là ở chỗ này. Dính che tánh lặng trong mà phát khởi, thì có sáu Căn.

    Từ người, trời cho đến trùng, kiến, không loài nào không có bốn Đại, sáu Căn, nên cái lăng xăng sơ tượng của bốn Đại là cơ sở Sanh Diệt chung của mười hai loài chúng sanh. Đây gọi là phạm vi của Hành Ấm. Nếu thông đạt được biệt tướng thì có thể thấy mối manh của chúng sanh, Huệ Phước chẳng đồng đều vì do nhiều đời tích tập chủng tử mà phát hiện ra. Đó thuộc về phía Thức Ấm, cho nên mới đến Hành Ấm thì không có lăng xăng, nên nói là nguyên tánh. Cái chỗ không thể không bị nhiễu loạn ấy là do tập khí nhiều đời vậy, nên gọi là tập khí nguồn gốc.

    Tập khí không thể làm lặng đứng tập khí, chỉ có tánh về nguồn thì có thể lắng trong, dùng cái tánh lắng trong mà lắng đứng tập khí nguồn gốc thì sự trôi lăn dứt hết, như không có gió thì sóng lăn tăn diệt, liền hóa thành nước đứng vậy. Nước đứng yên cho đến chỗ lắng trong chẳng chao động thì gọi là Hành Ấm hết, người ấy liền siêu việt Chúng Sanh Trược. Chúng Sanh Trược nghĩa là sanh diệt chẳng dừng, dòng nghiệp thường trôi dời. Nay cái chẳng dừng đã dừng, chỗ thường trôi dời ấy chẳng trôi dời nữa, hầu như vào Diệt Tận Định, nên là siêu việt. Nhưng Hành Ấm âm thầm dời đổi, chưa từng là Giác Ngộ, lấy cái Vọng Tưởng u ẩn làm gốc. Ở chỗ u nhàn ẩn mật mà phá trừ được, chẳng phải là người triệt ngộ thì không thể làm nổi. Người đó thức ngủ là một, đó là được Chánh Tri, cũng như ở trước, Động tĩnh chẳng dời, nhớ quên như một, trụ ngay chỗ ấy mà vào Tam Ma Đề, cùng một đường mạch. Dùng đó làm tầng bậc phát ngộ thì nên, còn nắm giữ mà cho là thật chứng thì không nên.

    Bởi thế, Tưởng Ấm hết thì chánh tâm lặng sáng, các tà lự tự chúng không từ đâu mà sanh, ắt mười loại Thiên Ma cũng không có cơ duyên gì để vào. Thiên Ma chưa từng rời tà tưởng mà hiện được thần biến, nay Tưởng Ấm hết sạch, xem xét thấy cái cội nguồn lay động u ẩn giản phác là đã vào cõi trời Vô Tưởng vậy.

    Thiên Ma của sáu cõi trời Dục Giới chẳng thể trộm thấy được. U ẩn giản phác là vốn không có chỗ động. Lăng xăng tròn khắp là động mà chưa từng động vậy, nên gọi là cội nguồn máy động. Cái cội nguồn máy động tuy là tròn khắp mà chẳng là sanh diệt, nên ở đây mà suy diễn thì đều là ở trong sanh diệt mà suy diễn ra sự Vô Nhân vậy.

    Một là, thấy cái gốc vốn không có Nhân, chẳng ngộ được nghiệp duyên thiện ác là duy Thức tạo ra. Chỉ bằng vào cái sanh tướng tạm thời không có mà cái Hành Ấm trôi chảy chẳng ngừng, ở trong Định này phát ra Túc Mạng Thông, thấy trong tám vạn kiếp chúng sanh luân hồi như chiếc vòng không có đầu mối, bèn cho chúng sanh là không có Nhân, tự nhiên mà có. Ngoài tám vạn kiếp mờ mịt không thấy gì, nên chẳng biết Bồ Đề là Chánh Nhân vậy.

    Hai là, thấy cái ngọn không có Nhân, chẳng ngộ được nghiệp quả thiện ác là do Tâm chiêu cảm. Chỉ cậy vào sức thần thông có thể thấy sau tám vạn kiếp, mà cái tướng chưa dời đổi của nghiệp quả lâu dài, bèn cho rằng người, vật, đen, trắng, dọc, ngang xưa nay như vậy, chẳng phải do tu mà được, nên không biết Bồ Đề là cực quả. Mê lầm tánh Bồ Đề thì chẳng gọi là Chánh Tri. Chỉ biết trước sau tám vạn kiếp thì chẳng gọi là Biến Tri. Ngoại đạo Mạt Già Lê nói rằng khổ vui của chúng sanh không do hành vi mà được, đều tự nhiên như vậy, chính là kiến giải này.

    Hai cái thuyết Vô Nhân này chỉ thấy đến chỗ Thức Thứ Bảy không có gốc, nên sự truyền tống vào Thức Thứ Tám tạm ngừng mà sanh ra sự so đo này. Vì Thức Thứ Bảy bên trong chỉ nương theo Thức Thứ Tám, sanh mà không có gốc, nên cho là gốc vốn không Nhân. Vì Thức Thứ Bảy bên ngoài chỉ nương theo Thức Thứ Sáu, nên cho là vô dụng, bèn bảo là ngọn không có Nhân. Chỉ thấy sự trôi chảy không ngừng của Thức Thứ Bảy, bèn cho rằng tự nhiên như vậy.

    Thầy Kính Thanh hỏi Tổ Linh Vân : “Hỗn độn chưa phân thì thế nào ?”
    Tổ Vân nói : “Cây lộ trụ mang thai !”
    Thầy Thanh : “Phân rồi thì thế nào ?”
    Tổ Vân nói : “Như điểm mây trong bầu trời”.
    Thầy Thanh : “Thế thì bầu trời có bị chấm không ?”
    Tổ Vân không đáp.
    Thầy Thanh rằng : “Như thế thì cả hàm linh chẳng có đến vậy ?”
    Tổ Vân cũng không đáp.
    Thầy Thanh : “Ngay đây được ròng trong không một điểm thì thế nào ?”
    Tổ Vân nói : “Vẫn còn là cái chân thường trôi chảy”.
    Thầy Thanh : “Như sao là chân thường trôi chảy”.
    Tổ Vân : “Tương tự gương thường sáng”.
    Thầy Thanh : “Hướng thượng lại có việc gì chăng?”
    Tổ Vân : “Có”.
    Thầy Thanh : “Như sao là việc hướng thượng ?”
    Tổ Vân : “Đập vỡ gương rồi; cùng ông tương kiến!” Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng :

    “Phân với chưa phân : khung cửi ngọc ban đêm động. Điểm với chẳng điểm : thoi vàng trong tối vất. Dầu là một sắc vàng ròng trong, chưa được mười phần yên ổn. Hãy nói đập vỡ gương rồi hướng về đâu tương kiến ? Có hiểu chăng ? “Thỏ ngọc mất rồi trời thu sáng Nước trong rồng thoát cốt tức thời”.

    Cái chân thường trôi chảy nhặt nhiệm này vừa vặn phù hợp với Hành Ấm, Tương tự gương thường sáng, cũng là Gương soi sáng của Kinh không khác. Nếu đập vỡ gương đi mà tương kiến, như rồng nơi nước trong thoát cốt mà ra thì chuyển ngay thành Trí vậy. Đâu phải chỉ phá Hành Ấm mà thôi ư ?



  6. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    cunconmocoi (02-22-2016)

  7. #546
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Anan, trong Tam Ma Đề đó, các thiện nam tử chánh tâm lặng trong, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, trong Tánh Viên Thường lại khởi lên so tính thì người ấy sa vào bốn cái Luận Biến Thường.

    “Một là, người ấy xét cùng tánh của Tâm Cảnh, cả hai đều không có Nhân. Tu tập biết được trong hai vạn kiếp mười phương chúng sanh, chỗ có sanh diệt đều là xoay vần, chưa hề tan mất, nên chấp đó là Thường.

    “Hai là, người ấy xét cùng nguồn gốc tứ Đại, thấy bốn Đại thường trụ. Tu tập biết được trong bốn vạn kiếp, mười phương chúng sanh, chỗ có sanh diệt đều nằm trong bản thể thường hằng, chưa hề tan mất, nên chấp đó là Thường.

    “Ba là, người ấy xét cùng sáu Căn, trong Tâm, Ý và Thức của Mạt Na Thức chấp thọ thì thấy cái gốc gác nguyên do tánh vẫn thường hằng. Tu tập biết được trong tám vạn kiếp, tất cả chúng sanh xoay vần chẳng mất, bản lai thường trụ. Xét cùng cái tánh chẳng mất đó, chấp ấy là Thường.

    “Bốn là, người ấy đã hết Tưởng Ấm, cái lẽ sanh diệt không còn, sự trôi chuyển dừng lặng, tâm tưởng sanh diệt nay đã vĩnh viễn diệt dứt. Trong lý tự nhiên thành ra cái chẳng sanh diệt. Do tâm so tính mà chấp đó là Thường.

    “Do những sự Chấp Thường ấy, bỏ mất Chánh Biến Tri, sa vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Hai, lập ra những luận Viên Thường.



  8. #547
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Lập ra luận Vô Nhân là vì thấy Đoạn, lập ra luận Viên Thường là do thấy Thường. Suy ra Cũng Đoạn cũng Thường, chẳng phải Đoạn, chẳng phải Thường đều không ra khỏi tà kiến Đoạn-Thường. Cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại cho đến cội nguồn máy động thì thấy nó hư rỗng mà càng phát ra, động mà chẳng cùng, bèn chấp là Thường. Từ rộng đến hẹp, từ thô đến tinh, đại khái có thứ lớp : Một là, thông đạt rằng năm Ấm, bốn Đại, Tâm Cảnh cả hai đều không có Nhân mà tự có, tuần hoàn chẳng mất. Hai là, chỉ thấy cái tánh của bốn Đại thanh tịnh, có thể thành cái Sắc Ấm của chúng sanh, thể thường bất biến. Ba là, chỉ thấy Tâm Thức, sáu Căn nương vào Thức Thứ Bảy Mạt Na, chấp thọ là Tâm, chấp thọ là Ý, chấp thọ là Thức. Bổn nguyên của các thứ này là Hành Ấm. Chúng sanh tuy có tuần hoàn mà Hành Ấm chẳng mất, thì cái Thức Thứ Bảy này là tánh thường trụ. Như nhìn nước chảy xiết mà cho là đứng yên. Đây chính là Vô thủy đến nay, nguồn sanh tử. Người si lại gọi Bổn Lai Nhân.

    Bốn là, nhận lầm Hành Ấm là lý Tự Nhiên, cho rằng cái tâm tưởng sanh diệt đã diệt hết, thì chỗ diệt dứt vĩnh viễn đó tự nhiên thành cái chẳng sanh diệt. Vậy là ở trong sanh diệt mà chấp là chẳng sanh diệt. Ví như thấy hư không bèn cho là Thường Trụ, chẳng biết hư không cũng có thể diệt. Lại nữa, nhân nơi tâm mà so tính cho là thường, thì chẳng thể so sánh với cái thấy chân thật cái Thường vậy.

    Bốn cái chấp này còn chưa thấy được sự trôi chảy thường hằng của Thức Thứ Tám, huống là chuyển Thức để thấy Tánh Bồ Đề ư ?

    Thầy Thụy Nham hỏi Tổ Nham Đầu : “Như sao là lý bổn thường ?”
    Tổ Đầu nói : “Động”.
    Thầy Nham : “Khi động thì sao ?”
    Tổ Đầu : “Chẳng thấy lý bổn thường !”
    Thầy Nham dừng lại suy nghĩ.
    Tổ Đầu nói : “Chịu thì chẳng thoát căn trần. Không chịu thì mãi chìm sanh tử”.
    Thầy Nham lễ bái.
    Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

    “Viên châu (ngọc) chẳng xoi lỗ
    Ngọc khối chẳng phải mài
    Đạo nhân vốn quý không góc cạnh
    Khẳng định vất đi, căn trần không
    Thoát thể vô y, đời tự tại”.


    Đây là chỗ xưa nay thường trụ, thấy cái cực chân. Một chữ Khẳng(01) còn vất bỏ đi, huống là so đo chấp thọ Thần Ngã để sa vào hang tối Viên Thường, rốt rồi chìm đắm, há có thể Thường được ư ?



  9. #548
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, trong Tam Ma Đề, các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại khởi tâm so tính ra cái Ta và cái khác Ta, thì người ấy sa vào bốn Kiến Chấp điên đảo, là những luận Một phần Vô Thường, một phần Thường.
    “Một là, người ấy xét thấy cái tâm diệu minh lặng nhiên khắp mười phương cõi, cho là Thần Ngã rốt ráo. Từ đó suy diễn rằng Ta khắp cả mười phương, lặng sáng chẳng động, còn tất cả chúng sanh, ở trong tâm Ta tự sanh tự chết. Vậy thì tâm tánh của Ta gọi là Thường, còn các thứ sanh diệt kia là tánh Vô Thường.

    “Hai là, người ấy không xét xem cái tâm, lại xét xem khắp mười phương hằng sa cõi nước, thấy chỗ kiếp hoại thì cho là chủng tánh rốt ráo Vô Thường, còn chỗ kiếp chẳng hoại thì gọi là rốt ráo Thường.

    “Ba là, người ấy xét xem riêng cái Tâm mình, thấy nó tinh tế nhỏ nhiệm giống như vi trần, lưu chuyển mười phương, tính không dời đổi. Có thể khiến thân này liền sanh liền diệt. Cho cái tánh chẳng hoại đó là tính Thường của mình, còn tất cả sự sanh tử từ tánh ấy sanh ra thì gọi là tánh Vô Thường.

    “Bốn là, người ấy biết Tưởng Ấm hết, thấy dòng Hành Ấm, chấp rằng sự trôi chuyển không ngừng của Hành Ấm là tánh Thường, còn Sắc, Thọ, Tưởng nay đã diệt hết thì cho là Vô Thường.

    “Do sự so tính Một phần Vô Thường, một phần Thường đó mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Ba, lập ra những luận Một Phần Thường.



  10. #549
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Đây là kiến chấp Cũng Thường, cũng Vô Thường vậy. Cái Tâm vốn diệu minh, khắp cả mười phương cõi chưa từng chẳng phải, chỉ vì chấp đó là Thần Ngã thì liền chẳng phải vậy. Riêng chấp đó là Ngã, chính là cái Ý Thức chấp thọ vào Mạt Na Thức, tuy nói là lặng sáng chẳng động mà thật ra trong đó trôi chảy nhỏ nhiệm, ấy là chủng tử sanh diệt lại chẳng tự hay biết. Đã lấy cái tâm tánh tạm thời chẳng động mà cho là Thường, lại lấy sự sanh diệt của tất cả chúng sanh mà cho là Tánh Vô Thường, bèn cái cùng khắp mười phương ấy hóa ra có hai cái Ngã, há chẳng điên đảo ư ?

    Không luận Tâm Tánh, chỉ luận về cõi nước, thì Tam Thiền trở xuống còn chịu Tam Tai nên cho là Vô Thường. Tứ Thiền trở lên chẳng còn Tam Tai nên cho là rốt ráo Thường.

    Không luận về cõi nước, chỉ luận Tâm Tánh, thì tánh không dời đổi cho đó là tánh Thường của mình. Chết đây, sanh kia thì cho là tánh Vô Thường.

    Ban đầu, hợp cái Ta và cái khác Ta gồm lại mà so tính Thường với Vô Thường. Rồi phân cái Ta và cái khác Ta để mỗi cái cho là Thường, Vô Thường. Rồi lại lấy Hành Ấm làm cái Ta, Sắc, Thọ, Tưởng làm cái khác Ta. Hành Ấm thường trôi chuyển, bèn cho là tánh Thường. Sắc, Thọ, Tưởng đã diệt hết thì cho là tánh Vô Thường. Ở trong Nhất Tâm mà phân ra Thường với Vô Thường, thế là Tâm có hai vậy. Há chẳng điên đảo ư ? Ở đây so với luận Viên Thường ở trước thì sự không câu chấp ít hơn, nhưng cái Đầu Nguồn (Nguyên Đầu) chẳng rõ nên đều thuộc về sự so tính lầm lẫn.

    Quốc sư Huệ Trung hỏi nhà sư : “Phương nào đến ?”

    Đáp rằng : “Phương Nam đến”.

    Quốc sư rằng : “Tri thức phương Nam dạy người như thế nào ?”

    Nhà sư đáp : “Tri thức phương kia chỉ bày cho người học Đạo ngay đây tức Tâm tức Phật. Phật là nghĩa Giác. Hiện nay các ông hẳn sẵn đủ cái tánh của thấy, nghe, hay, biết. Cái Tánh này đây thiệt hay nhướng mày, nháy mắt, vận dụng tới lui khắp ở trong thân. Chạm đầu, đầu biết; chạm chân, chân hay nên gọi là Chánh Biến Tri. Lìa ngoài cái ấy không còn Phật nào khác. Thân này thì có sanh diệt, còn Tâm Tánh vô thủy đến nay chưa từng sanh diệt. Thân sanh diệt thì như rồng thay cốt, rắn đổi da, người ra nhà cũ. Tức thân là Vô Thường, Tánh ấy là Thường vậy. Lời dạy phương Nam đại khái là thế”.

    Quốc sư nói : “Nếu vậy, thì khác gì Tiên Ni ngoại đạo đâu ? - Họ nói rằng : Trong thân này của ta có một Thần Tánh. Tánh này hay biết đau, ngứa. Khi thân hoại rồi, cái Thần ắt ra đi, như nhà bị cháy thì chủ ra. Nhà thì vô thường, chủ nhà thì thường.

    “Xét xem như vậy, thì tà chánh chẳng biện, gì là phải đây ? Ta từng du phương, thấy nhiều loại này, gần đây lại càng thịnh hành. Nhóm lại năm, ba trăm chúng, mắt thấy mơ hồ, bảo đó là “Tông Chỉ Nam Phương”. Lấy cuốn Đàn Kinh kia mà sửa đổi, thêm thắt lộn xộn, bỏ tiêu Thánh ý, làm cho lầm loạn người hậu học, há thành lời chỉ dạy ư ? Khổ thay cho Tông Chỉ nhà ta lấp vùi đó vậy. Nếu cho thấy, nghe, hay, biết là Phật Tánh thì lẽ ra Đức Tịnh Danh chẳng có nói “Pháp lìa thấy, nghe, hay, biết. Nếu hành thấy, nghe, hay, biết thì chỉ là thấy, nghe, hay, biết chẳng phải thật là cầu pháp””.

    Nhà sư lại hỏi : “Kinh Pháp Hoa Liễu Nghĩa khai Phật Tri Kiến, đó lại là tại sao ?”

    Quốc sư rằng : “Đấy nói “Khai Phật Tri Kiến, chẳng nói Bồ Tát, Nhị Thừa”, thì há có thể lấy chuyện si mê điên đảo của chúng sanh mà cho là đồng Tri Kiến của Phật ư ?”

    Thầy Hành Xương hỏi Đức Lục Tổ : “Đệ tử thường xem kinh Niết Bàn mà chưa hiểu nghĩa Thường với Vô Thường. Xin thầy giải thích cho”.

    Tổ nói : “Vô Thường đó, tức là Phật Tánh vậy. Hữu Thường đó, tức là hết thảy các pháp thiện, ác của tâm phân biệt vậy”.

    Bạch rằng : “Chỗ nói của Hòa Thượng rất trái với kinh văn”.

    Tổ nói : “Ta truyền tâm ấn Phật, đâu dám trái kinh Phật”.

    Bạch rằng : “Kinh nói “Phật Tánh là “Thường”, Hòa Thượng lại nói là “Vô Thường”. “Các pháp thiện ác cho đến Bồ Đề Tâm đều là Vô Thường”, Hòa Thượng lại nói là “Thường”. Thế là trái nhau, khiến cho học nhơn này càng thêm nghi hoặc”.

    Tổ nói : “Kinh Niết Bàn ta đã nghe ni cô Vô Tận Tạng đọc tụng một lần, bèn giảng nói cho nghe, không một chữ, một nghĩa nào chẳng hợp với kinh văn. Đến nay vì ông cũng không nói khác”.
    Bạch rằng : “Chỗ biết của học nhân cạn cợt tối tăm, mong Hòa Thượng chỉ bày tường tận”.

    Tổ nói : “Ông biết không ? Phật Tánh nếu Thường thì còn nói gì các pháp thiện ác, vì cho đến cùng kiếp cũng chẳng có một người nào phát Bồ Đề Tâm, cho nên ta nói Vô Thường, chính là cái mà Phật nói là Đạo Chân Thường vậy. Lại nữa, tất cả các pháp nếu Vô Thường thì mỗi vật đều có Tự Tánh, dung chứa sự sanh tử thì cái tánh Chân Thường có chỗ chẳng cùng khắp, cho nên ta nói Thường, chính là cái mà Phật nói là nghĩa Chân Vô Thường vậy. Xưa, Phật vì hàng phàm phu ngoại đạo chấp vào cái Tà Thường, hàng Nhị Thừa ở nơi Thường lại cho là Vô Thường, cộng lại thành Bát Đảo. Nên trong kinh Niết Bàn Liễu Nghĩa, phá các Biên Kiến kia mà hiển bày cái Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh.

    “Ông nay nghịch với nghĩa kinh, lấy cái Vô Thường đoạn diệt với cái Tử Thường cố định mà hiểu lầm lời dạy tinh tế viên diệu sau cùng của Phật. Dẫu có xem cả ngàn lần, phỏng có ích gì ?”
    Thầy Hành Xương hốt nhiên đại ngộ, bèn đọc bài kệ :

    “Bởi giữ Vô Thường Tâm
    “Phật nói Hữu Thường Tánh
    “Chẳng biết pháp phương tiện
    “Dường lượm sỏi ao xuân
    “Giờ chẳng phải thi công
    “Mà Phật Tánh hiện tiền
    “Chẳng phải thầy trao cho
    “Tôi cũng không chỗ đắc”.


    Tổ nói : “Giờ ông đã thấu triệt, nên gọi là Chí Triệt”.

    Thầy Hành Xương lễ tạ, lui ra.

    Cái nghĩa Thường, Vô Thường rất sâu xa như thế này, thì các hàng ngoại đạo cũng chưa hề mộng thấy.



  11. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    thubuon (02-24-2016)

  12. #550
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại sanh so tính về phận vị, thì người ấy sa vào bốn cái luận Hữu Biên.

    “Một là, người ấy so tính cái cội nguồn Sanh Diệt lưu chuyển không ngừng, chấp quá khứ, vị lai là Hữu Biên, còn cái tâm tương tục là Vô Biên.

    “Hai là, người ấy xét xem trong tám vạn kiếp thì thấy chúng sanh, còn trước tám vạn kiếp thì bặt không thấy nghe gì, rồi gọi chỗ không thấy nghe gì là Vô Biên, còn chỗ có chúng sanh là Hữu Biên.

    “Ba là, người ấy cho rằng mình biết cùng khắp là được cái tánh Vô Biên, còn tất cả các người kia hiện ra trong cái biết của mình mà mình không hề biết cái tánh biết của họ, vậy thì họ không được cái tâm Vô Biên, chỉ có tánh Hữu Biên.

    “Bốn là, người ấy xét cùng Hành Ấm là Không, dùng chỗ thấy biết của mình mà so lường, trù tính rằng trong một thân của tất cả chúng sanh đều là nửa phần sanh, nửa phần diệt, và chấp rằng tất cả sự vật có ra trong thế giới đều một nửa là Hữu Biên, một nửa là Vô Biên.

    “Do sự suy tính Hữu Biên, Vô Biên này mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Tư, lập ra những luận Hữu Biên.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •