QUYỂN I

TỰA CHUNG

Kinh:

- Như thế, tôi được nghe, một thời Phật ở tịnh xá Kỳ Hoàn, thành Thất La Phiệt, cùng với chúng đại Tỳ kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là bậc Vô Lậu Đại A La Hán.

Thông rằng: Tất cả các kinh đều mở đầu bằng: "Như thị ngã văn nhất thời". Đây là Đức A Nan tuân theo ý chỉ của Đức Phật, kết tập các kinh, trước xướng sáu chữ này, giải tan mọi nghi ngờ. Như Thị, Như Thị ấy là chỉ có thể tự tin lấy, không cần ngôn thuyết. Nếu hiểu được cái Pháp Như Thị, là chỗ phó chúc bí mật của Phật Tổ, tức là những lời lòng vòng sau này, đều là lời cước chú chua thêm vậy.

Có vị tăng vào tham lễ quốc sư Huệ Trung, sư hỏi:

- Làm sự nghiệp gì?

Tăng đáp:

- Giảng kinh Kim Cang.

Sư hỏi:

- Hai chữ đầu hết là cái gì?

Đáp:

- Như thị .

Sư hỏi:

- Đó là cái gì?

Tăng không đáp được.

Sư bảo:

- Than ôi! Vậy thì lấy gì mà giảng kinh?

Lại còn thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn hỏi một vị tòa chủ:

- Hai chữ Như Thị là tất cả khoa văn, vậy thì bản văn là làm sao?

Vị tòa chủ không đáp được.

Đức Ngũ Vân đáp thay rằng:

- Lại chia làm ba đoạn rồi.

Hãy nói chỗ Đức Ngũ Vân mở lời, là khoa văn hay là bản văn?

Chữ Tỳ Kheo có ba nghĩa: Khất Sĩ; là Phá Ác; là Bố Ma (làm cho ma sợ).

Chữ A La Hán cũng có ba nghĩa là Ứng Cúng, là Sát tặc (giết giặc), là Vô Sanh.

Đại là để phân với Tiểu.

Lậu cũng có ba loại: Vô Minh Lậu, Dục Lậu và Hữu Lậu.

Kinh nói:

- Ông thường nghe trong Luật của Ta có ba nghĩa quyết định tu hành, đó là Nhiếp Tâm làm Giới, do Giới sanh Định, nhờ Định phát Huệ. Đó là ba môn Vô Lậu Học. Cấm Răn (Giới) tức là không lọt ra cái Ham Muốn Dâm Dục (Dục Lậu), Yên Tĩnh (Định) ắt không có Phiền Não (Hữu Lậu), sáng tâm (Huệ) ắt không có Vô Minh Phiền Não. Ba món Vô Lậu này gọi là nghĩa quyết định. Tựa hồ lấy Huệ làm chỗ cực tắc.

Nên Đức Động Sơn nói với Ngài Tào Sơn rằng:

- Ở thời mạt pháp, người ta phần nhiều là Huệ Khô Khan (Càn Huệ). Để phân biệt thiệt hay giả, thì có ba loại rỉ chảy (sấm lậu): Một là, Kiến( )sấm lậu: chưa lìa phàm phu, sa vào trong biển độc. Hai là, Tình sấm lậu: vướng mắc vào thuận nghịch, chỗ thấy không được quân bình. Ba là, Ngữ sấm lậu: cứu xét chỗ huyền diệu mà mất đi Tông chỉ, sau trước Cơ Trí đều mê muội tối tăm, trí dơ lưu chuyển. Đối với ba loại này, thầy phải nên biết.

Trong cái Càn Huệ, lại chia làm ba thứ này, nếu không có con Mắt Pháp phân biệt thì không thể chiếu phá. Do đó, bậc A La Hán hồi hướng về Đại Thừa, hẳn phải tư duy quán xét lời dạy của Ngài Động Sơn, thì mới đầy đủ cái nghĩa Vô Lậu vậy.

Kinh:

- Các vị Phật Tử trụ trì, khéo vượt lên các Hữu. Ở các quốc độ, thành tựu uy nghi. Theo Phật chuyển pháp luân, kham lãnh xứng đáng di chúc của Phật. Nghiêm tịnh Giới Luật để mở rộng khuôn phép cho ba cõi. Hiện thân vô số, cứu thoát chúng sanh, tột đời vị lai, khỏi các Trần ràng buộc.

Thông rằng:

-Trụ Trì: là cái Giác Tánh Thường Trụ, (hằng còn), hay nắm giữ (trì) vạn Pháp. Đoạn kinh này chỉ mười mấy chữ, thật bao quát hết ý chỉ của cả bộ kinh.

Nói rằng:

- Khéo Vượt Lên Các Hữu, tức là Ngũ Ấm, Lục Nhập, Mười Hai Xứ, Mười Tám Giới, cho đến bảy Đại đều chẳng có thể làm chướng ngại, thì nghĩa Phá Vọng đã đầy đủ hết.

Nói rằng:

- Thành Tựu Uy Nghi, tức là dựng lập Đạo Tràng, ba món tiệm thứ. Năm mươi lăm địa vị, tức là con đường Bồ Đề, thì nghĩa Hiển Chơn đã đầy đủ.

Nói rằng:

- Diệu Kham Di Chúc, thì hai mươi lăm pháp môn viên thông đều chứng Tự Tánh, đồng kham thọ ký thành Phật, mà cái tông chỉ Kiến Tánh tự còn.

Nói rằng:

- Mở Rộng Khuôn Phép Trong Ba Cõi, thì bộ kinh này phù trì Giới Luật, dặn dò cẩn thận bốn Cấm Giới, Thập Thiện và chín loại Định để nêu rõ quy tắc cho ba cõi. Ngài A Nan thị hiện dâm sự để mở đầu bộ kinh là cũng vì vậy.

Nói rằng:

- Ứng Thân Vô Lượng, là dạy các vị Bồ Tát và A La Hán hiện thân trong đời mạt pháp, hóa làm đủ thứ hình dạng, cứu vớt các chúng sanh luân hồi vậy. Vì phòng ngừa cho chúng sanh đời mạt pháp khỏi các ma sự, Siêu Khỏi Các Trần Ràng Buộc, chứng đến chỗ viên thông. Thật là lời dặn dò khuôn mẫu sau chót của Như Lai vậy.

Ngài Phong Huyệt Chiểu thiền sư có lời dạy rằng:

- Nếu lập một mảy trần, dẫu nước nhà đang hưng thịnh, lão quê này cũng buồn rầu. Không lập một mảy trần, dẫu nước nhà sụp đổ, lão quê này cũng vui ca.

Ngài Tuyết Đậu dựng cây trụ trượng lên mà nói:

- Lại còn có vị tăng cùng sống cùng chết nào không? Ý chỗ lập trần là ở đó.

Tụng rằng:

- Lão tăng dạy dỗ chẳng nhướng mày.
Mong cho nhà nước vững nền ngay.
Mưu thần dũng tướng giờ đâu tá.
Vạn dặm gió trong, chỉ tự hay.


Ngài Tuyết Đậu ở trong cửa Phật sự, chẳng bỏ một Pháp. Ngài Thiên Đồng ở nơi Thực Tướng chẳng thọ một mảy trần. Hai Pháp song hành bình đẳng, cùng một chỗ xuất ra.

Tụng rằng:

Sông Vị trắng trong thả nhợ câu,
Nào giống Di Tề chết đói đâu.
Chỉ tại mảy trần sanh lắm vẻ,
Nghiệp tốt, danh cao, khó bỏ thay.


Lại còn Tổ Trường Khánh nói rằng:

Mọi chuyện giống như ngày nay là bởi Lão Hồ có chỗ cho người ta ngưỡng vọng.

Tổ Bảo Phước nói:

- Mọi sự giống như ngày nay là vì Lão Hồ tuyệt hết mọi chỗ cho người ta ngưỡng vọng. Ngài Thiên Đồng dạy thêm:

- Giàu, ngàn miệng ăn vẫn cho là ít. Nghèo, một thân này vẫn hận là nhiều. Xét chỗ khai thị của các vị tôn túc, tất cả đều vì người, nào có khác với tâm cứu độ chúng sanh đời sau của Phật, Tổ. Nên sao chép lại để làm cái pháp Trụ Trì.