Thông rằng :

Tánh của thế gian không ra ngoài tánh của mười hai loài sanh diệt. Cái Hành Ấm giản phác u ẩn máy động thì tuy không có tướng sanh diệt thô, nhưng cái cội nguồn máy động mỗi mỗi chẳng ngừng. Đó là then chốt chung sinh ra các loài. Hành Ấm hết thì cái then chốt này tan nát. Gọi là then chốt (cơ) vì sâu xa không thể thấy, vi tế không thể chỉ ra, như giềng mối của lưới, như bâu cổ của áo. Cái giềng mối then chốt này là căn nguyên của sanh diệt. Ngã Thể chúng sanh (Bổ Đặc Già La) là cái thân trung ấm hướng theo các nẻo, đền nhân trả quả, mạch lạc cảm ứng, mảy tóc không sai. Nay thì cái then chốt sanh khởi nát tan thì nghiệp nhân đã tiêu mất, lấy gì dẫn quả ? Đã không có báo thân, lấy gì đền nhân ? Nhân, quả đều mất, cảm ứng dứt bặt, ấy là tuyệt mất cái mạch ngầm sâu xa vi tế truyền tống chủng tử vậy. Sự chuyển động của mạch ngầm rất là vi tế. Mạch ngầm không dứt thì Mệnh Căn chẳng đoạn. Mạch dứt, then chốt tiêu vong, mới có thể vào cảnh Vô Sanh vậy.

Ở trước, ba Ấm hết thì như gà mới gáy, chưa phân sắc tinh quang, vẫn còn tối tăm. Ở đây, Hành Ấm hết thì như gà gáy lần chót, ngắm về phương Đông đã có sắc sáng. Thấu vào cái Thức Ấm này, sáu căn liền rỗng sạch, không còn cái tướng giong ruổi khởi động, trong lặng sáng suốt im phắc suốt ngần. Nhập vào lại vào thêm, sâu xa lại sâu thêm, cho đến nhập vào cái Không Chỗ Nhập, thẳng thấu đến chỗ bổn nguyên. Bởi thế, ở trước thì chưa rõ cái mối manh của mỗi sanh mạng, chỉ mới thấy cái then chốt sanh khởi chung. Nay thì rõ thông cái nguyên do thọ mạng của mười hai loài. Ấy là đã thấy cái Đồng mà chưa thấy cái sanh khởi. Xét thấy nguyên do nắm lấy cội nguồn, chẳng cho dời đổi, chẳng để giong ruổi. Đây đã không đầu mối, thì kia tự chẳng hấp dẫn. Hết cả mười phương cõi, duy Tâm duy Thức mà thôi. Còn đâu có được cái chẳng đồng ?

Đã được tánh Đồng, thì trời đất cùng ta đồng gốc, vạn vật như ta một Thể, thuần nhiên một Biển Tạng Thức vậy. Ngắm qua cái sắc tinh sáng, không đến nổi mờ chìm (hôn trầm). Ắt chẳng thấy, chẳng nghe gọi là cùng cực huyền áo; không tiếng, không mùi gọi là cùng cực thâm mật. Ở đây, dần dần phát hiện lộ bày. Tuy phát hiện mà chưa đến chỗ trong suốt sáng rỡ, còn bị Thức Ấm ngăn che, nên gọi là phạm vi của Thức Ấm.

Nếu ở chỗ nguyên do thọ sanh của mười hai loài mà đã được tánh Đồng, lại dùng cái sức Định Huệ làm tiêu tan sáu căn, khiến cho sự phân chia có thể hợp lại, sự nghẽn che có thể mở ra. Mở chia, đóng hợp tự do, sáng sạch chẳng nương theo căn, cái thấy ấy, cái nghe ấy gần với chỗ viên thông thì sáu căn thanh tịnh, có thể dùng thay nhau. Đó là chỗ ở trước nói “Ngược dòng toàn nhất, sáu Dụng chẳng hành, ngay đây mười phương cõi nước rỡ ràng thanh tịnh, như ngọc lưu ly, ở trong treo trăng sáng”. Ở đây cũng nói “Mười phương thế giới cùng với thân tâm như ngọc lưu ly”. Đó là trứng vàng của loài chim Kim Xí, trong trẻo sáng suốt rỡ ràng như kim cương, không thể phá hoại vậy.

Trong là thân tâm, ngoài là thế giới đã trong ngần sáng suốt, thì không những cái sắc tinh sáng phát hiện ra, mà cái Mật Viên Tịnh Diệu của hết thảy Như Lai đều hiện ra trong đó. Người ấy liền được Vô Sanh Pháp Nhẫn, tức là chỗ gọi là Càn Huệ Địa. Thức Ấm mà chưa hết thì chẳng thể đến đây được. Thức Ấm là cái tế vi khó đoạn, tức là cái Mạng Căn, nguyên do thọ sanh đều bắt đầu ở đó. Nay Thức Ấm hết, ắt căn nguồn đều hết. Các loài không còn kêu mời đến được, bèn cùng với cái không-thể-mời mà vong mất. Mười phương đều đồng, bèn cùng với tính Đồng mà hết mất. Bởi thế, có thể siêu vượt Mệnh Trược vậy.

Các vị thầy xưa lấy Hơi Thở, Hơi Nóng và Thức, ba cái hòa hợp thành Mạng Căn. Lúc thọ sanh thì Thức Ấm đến trước hết. Còn Thức đã ra khỏi thì Hơi Thở và Hơi Nóng diệt theo. Cái việc Thức ra khỏi thì mạng chung này phàm phu đều vậy, đâu có thể gọi là siêu vượt Mệnh Trược được ư ?

Nói “Thức Ấm hết” là đã không còn cái Thức đến trước đi sau. Nói “Vượt khỏi Mệnh Trược” là đã chứng quả A La Hán, không còn chịu thân sau, đâu có thể bàn bạc mơ hồ ư ?

Trước thì Thân Trung Ấm hướng theo các nẻo, mỗi mỗi tùy theo loại, Hành Ấm hết thì đã dứt cái mạch này. Còn cái mạng mạch của Thức Ấm lại càng vi tế, nên gọi là ảo tượng rỗng không. Ảo là hình như không. Tượng là hình như có. Hình như có, hình như không, lại rốt ráo rỗng không. Rỗng không chẳng sanh chẳng diệt là cái thể Chân Như vậy. Ảo tượng là cái bóng dáng sanh diệt trong tám Thức. Thế nên, y theo Chân Như thì gọi là Chánh Giác, y vào Thức Thứ Tám liền hệ lụy với vọng giác. Trái Giác, hợp Trần nên gọi là vọng tưởng điên đảo. Thức Ấm hết sạch tức là chuyển Thức thành Trí, chuyển sanh diệt mà trụ nơi chẳng sanh diệt. Trừ cái Vọng Tưởng điên đảo vi tế Ảo tượng rỗng không này đâu có dễ gì ư ?

Nhà sư hỏi Tổ Hương Nham : “Như sao là Đạo ?”
Tổ Nham nói : “Rồng ngâm nga trong cây khô”.
Hỏi rằng : “Như sao là người trong Đạo ?”
Tổ Nham rằng : “Con ngươi ở trong sọ khô”.
Nhà sư đem hỏi Tổ Thạch Sương : “Như sao là “Rồng ngâm trong cây khô” ?”
Tổ Sương nói : “Còn đeo cái vui trong ấy”.
Hỏi rằng : “Như sao là “con ngươi trong sọ khô”?”
Tổ Sương nói : “Còn mang cái thức trong ấy”.
Nhà sư lại hỏi Tổ Tào Sơn : “Như sao là “Rồng ngâm trong cây khô” ?”
Tổ Sơn nói : “Huyết mạch chẳng đoạn”.
Hỏi rằng : “Như sao là con ngươi trong sọ khô ?”
Tổ Sơn nói : “Chưa khô hết !”
Hỏi : “Chưa rõ lại có người được nghe chăng ?”
Tổ Sơn nói : “Khắp đại địa chưa có một ai chẳng nghe”.
Hỏi : “Chưa rõ Rồng ngâm là chương cú gì ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng cần biết đó là chương cú gì, người nghe qua đều chết mất”.
Tổ Sơn lại dùng bài kệ chỉ dạy cho :

“Cây khô rồng ngâm, thật thấy Đạo
Sọ khô không Thức, mắt tinh mơ
Vui, Thức hết rồi, tin tức hết
Đâu người để biện sạch trong dơ ?”.


Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Vua ở trong cửa, thần chẳng ra ngoài, nên cái vui, Thức đều hết, ắt con về với cha”.

Gọi là “Khô ráo hết” tức là Thức Ấm hết. Chẳng có chương cú như vậy làm sao rõ được chương cú này?