DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 52/59 ĐầuĐầu ... 2425051525354 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 511 tới 520 của 588
  1. #511
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, Anan, nếu các chúng sanh đó chẳng phá Luật Nghi, phạm Bồ Tát Giới, hủy báng Niết Bàn của Phật mà chỉ phạm những tạp nghiệp khác thì sau nhiều kiếp bị thiêu đốt, đền hết tội rồi thì chịu những hình quỉ. “Nếu nơi bản nhân do tham vật mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp vật thành hình gọi là Quái Quỉ. Do tham sắc mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp gió thành hình gọi là Bạt Quỉ. Do tham dối trá mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp súc vật thành hình gọi là Mỵ Quỉ. Do tham hận mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp sân thành hình, gọi là Cổ Độc Quỉ. Do tham ghi nhớ mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp sự suy tàn thành hình, gọi là Lệ Quỉ. Do tham ngạo mạn mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp khí thành hình, gọi là Ngạ Quỉ. Do tham lừa gạt mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp u uẩn thành hình gọi là Áp Quỉ. Do tham vạch bày mà làm nên tội thì khi đền tội xong, gặp tinh hoa thành hình, gọi là Vọng Lượng Quỉ. Do tham thành tựu mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp bóng sáng thành hình, gọi là Dịch Sử Quỉ. Do tham bè đảng mà gây nên tội thì khi đền tội xong, gặp con người thành hình, gọi là Truyền Tống Quỉ. “Anan, những người ấy đều do thuần Tình mà đọa lạc, khi lửa nghiệp đốt khô rồi thì lên làm Quỉ. Các thứ ấy đều do cái nghiệp tự vọng tưởng chiêu dẫn tới; nếu ngộ được Bồ Đề thì trong tánh Diệu Viên Minh, vốn nào đâu có.

    Thông rằng :

    Thuần Tình, Nghiệp nặng ắt là đọa lạc. Lửa nghiệp thiêu khô, thần thức chẳng mê muội nên lại đới nghiệp mà lạc vào nẻo Quỉ. Ái nhiễm thì sanh Tình, Tình bắt đầu ở Tham nên mười Tập Nhân đều lấy tham mà nói vậy. Tham vật thì làm Quái Quỉ, vì lấy chẳng đúng lý. Đời Tấn, có Thạch Ngôn, Vật Bằng là đó vậy.

    Tham sắc thì là Bạt Quỉ, gió dâm càn quét làm tiêu tan mây, mưa. Đất Trung Châu gặp hạn hán thì cầu khắp Bạt Quỉ ở mồ mả, đầu lớn hơn cái đấu. Tham dối trá thì làm Mỵ Quỉ, thói quen gian trá chưa quên nên biến hiện dáng dấp đẹp đẽ để lừa người. Tham hận thì làm Cổ Độc Quỉ, kết oán hờn nơi ý nên chịu làm loài rắn độc để phun nọc độc. Ở Vân Nam, Quý Chân có nhiều, chỉ có điều là theo ý người. Tham ghi nhớ thì làm Lệ Quỉ, giận hờn chẳng bỏ, khắc sâu vào cốt tủy, luôn luôn chờ người suy vi mà báo thù. Tham ngạo mạn thì làm Ngạ Quỉ, trong không có Đức, bụng rỗng mà lòng cống cao, ấy là trước tự khinh dối lấy mình vậy. Tham lừa gạt thì làm Áp Quỉ, thói quen dối trá lừa người, giống như dối gạt người ngủ say. Tham vạch tội chỉ trích thì làm Vọng Lượng Quỉ, mỗi chấp lấy tà kiến của mình, làm yêu tinh ở núi, đầm, giống như Ngũ Hành hóa thành yêu quái. Tham thành tựu thì làm Dịch Sử Quỉ, thói quen lao tâm uổng phí, để thành lỗi cho người, cứ mãi miết không thôi. Tham bè đảng thì làm Truyền Tống Quỉ, thói quen kiện tụng úp mở, đưa lời chuyển lẽ, quả báo ở loài Quỉ mà còn nương nơi người để báo đền họa phước. Mọi thứ này đều là nghiệp báo tự mình chuốc lấy. Như ngộ được Bồ Đề thì giống như mộng bỗng tỉnh, đâu có lời nói mớ, nên nói là “Vốn không có gì”.

    Có nhà sư hỏi thiền sư Linh Ẩn Phật Hải : “Xưa, có một ông Tú Tài làm xong bài luận Không có Quỉ thì có một con Quỉ quát rằng : “Còn ta thì sao ?” Ý ra làm sao ?” Ngài lấy tay gãi trán, nói : “Đâu giống !” Nhà sư hỏi : “Còn như Ngũ Tổ lấy tay làm mỏ chim Bột Cưu mà kêu : “Cúc cu cu !” lại là thế nào ?” Ngài nói : “Tự đốc xuất đấy. Tuy vậy chẳng đặng cứ một bề”. Xưa, thị giả Hữu Ngộ thấy chỗ củi cháy tàn, có sự tỉnh ngộ, bèn đến phương trượng báo chỗ tỏ ngộ với Lặc Đàm Thâm thiền sư. Tổ hét đuổi ra. Hữu Ngộ vì thế thất chí, tự đến nhà cầu của Tổ Diên Thọ Đường, sau đó không ra nữa. Đại chúng lấy làm lạ. Thiền sư Trạm Đường Chuẩn nghe được, một mình đến nhà cầu, vừa mới cởi áo thì Hữu Ngộ liền đưa nước sạch đến. Tổ Chuẩn nói : “Chờ ta cởi áo đã !” Cởi áo xong, Hữu Ngộ lại đến, chốc lát lại dâng cây chùi đít. Tổ Chuẩn rửa sạch xong, kêu đem thùng nước đi. Hữu Ngộ vừa cầm lấy, Tổ Chuẩn nắm lấy tay, nói : “Ông là Ngộ thị giả đấy ư ?” Đáp rằng : “Dạ, phải”. Tổ Chuẩn nói : “Có phải là khi ở liêu tri khách, ông thấy khươi củi đỏ mà có chỗ ngộ đấy không ? Chuyện tham thiền học Đạo chỉ cốt yếu là biết chỗ an trụ của bổn mệnh nguyên thần. Ông gượng ép làm vậy thì khó thành tựu. Khi ông ở tàng điện, dời giày của vị Thủ Tọa, há chẳng phải là sự ngộ đắc ngay lúc ấy ư ? Mỗi đêm ông ở đây xách nước, đưa cây, há chẳng phải là sự ngộ đắc ngay lúc ấy ư ? Do đâu mà không biết chỗ an trụ ấy ? Lại ở trong cái ấy mà làm phiền rối đại chúng !” Tổ Chuẩn xô mạnh, tan tác như vách đổ. Từ đó không còn thấy nữa. Chỗ tay Ngài nắm nổi lằn, hơn nửa tháng mới hết. Đây là chưa vào địa ngục mà làm Quỉ, vốn không có cái nhân địa ngục nên địa ngục chẳng nhận ! Được thứ đại cam lồ đây mà uống thì liền vãng sanh tùy ý nguyện. Như Tổ Trạm Đường Chuẩn thì không chỉ biết tình trạng của Quỉ Thần mà lại còn có thể vì chúng Quỉ mà thuyết pháp cho nữa.



  2. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    sonha (01-26-2016)

  3. #512
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, Anan, nghiệp Quỉ đã hết thì hai thứ Tình và Tưởng đều không, mới ở thế gian cùng người nợ cũ oán đối gặp nhau, thân làm súc sanh, để trả nợ xưa.

    “Loài Quái Quỉ thì khi vật tiêu tan, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm chim Cưu. Loài Bạt Quỉ thì khi gió tiêu tan, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài báo điềm kỳ dị. Loài Mỵ Quỉ thì khi súc chết, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chồn, cáo. Loài Cổ Quỉ thì khi sâu bọ diệt, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài có độc. Loài Lệ Quỉ thì khi sự suy dứt, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài giun. Loài Ngạ Quỉ thì khi khí tiêu, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài bị ăn thịt. Loài Áp Quỉ thì khi u uẩn tiêu, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cung cấp đồ mặc. Loài Vọng Lượng Quỉ thì khi tinh hoa tiêu, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm chim mùa. Loài Dịch Sử Quỉ thì khi bóng sáng diệt, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài báo điềm lành. Loài Truyền Tống Quỉ thì khi người chết, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài thuần hóa.

    “Anan, các loài ấy đều do lửa nghiệp đốt xong, sanh làm súc vật để trả nợ cũ. Hết thảy cũng đều tự hư vọng chiêu dẫn lấy nghiệp mà ra. Nhưng ngộ Bồ Đề thì các vọng duyên ấy vốn không chỗ có !



  4. #513
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng : Tình, Tưởng đã không, đáng ra không còn chỗ vướng mắc, vượt ngoài sự vật, nhưng chẳng khỏi làm súc vật vì trả nợ cũ vậy. Đây là chỗ nói “Rõ, liền nghiệp chướng bổn lai không; chưa rõ, bèn đền xong nợ cũ”.

    Bởi do lửa Nghiệp thiêu khô nên Tình, Tưởng tạm thời chẳng sanh. Giống như người vác nặng đi xa, khí lực kiệt quệ nên muôn mối lo nghĩ đều không, cái ấy chưa thật là Không vậy.

    Chim Cưu nương cục đất cho là con, chẳng lìa nơi Quái, đều do tham vật mà ra. Loài báo điềm xấu như chim Thương Dương báo về thủy tai, con Hạt Vũ báo về hạn hán. Bạt Quỉ quạt gió dâm cũng là thứ không lành, nên làm loài báo điềm xấu. Mỵ Quỉ thường nương chồn, cáo nên làm chồn, chồn nhiều xảo trá vì thói quen còn sót vậy. Cổ Quỉ nhóm tụ nhiều trùng độc mà ra, nên làm loài có độc, sự oán độc sâu xa nên nhiều lần biến đổi mà chẳng quên. Lệ Quỉ dựa tai, nương họa, vào trong thân người chuyển làm loài giun sán nương tựa trong thân, là sự sót lại của sân hận vậy. Ngạ Quỉ thì chịu đói, chuyển làm loài bị ăn thịt đó là do thói quen ngạo vật kiêu mạn, nên làm cái cho người nhai. Áp Quỉ nương tựa người, nên sanh làm trâu, ngựa hay tằm kén để người may mặc, rốt cuộc biểu lộ sự lừa dối tai mắt vậy. Vọng Lượng Quỉ là do thói vạch lỗi hòa với khí ở núi, đầm thì sanh làm loài chim mùa, như chim Xả Yến, Hàm Hồng, ứng với thời tiết bốn mùa, mỗi thứ cũng có cái Sở Kiến riêng vậy. Dịch Sử Quỉ cớ sao làm loài báo điềm lành ? Ấy là do ban đầu Điên Đảo thị phi, cái tâm thị phi chẳng phải là không sáng soi, nên khi tình chấp, hư dối hết thì tâm chân thật sanh. Nay làm loài báo điềm lành bởi vì chấm dứt sự nhọc nhằm bị sai sử vậy. Truyền Tống Quỉ vì sao phần nhiều làm loài thuần hóa ? Vì trước nương người nên thường thuận theo người, nay quả báo có trí khôn, có thể nuôi dạy, ấy cũng là cái tâm tranh cạnh mà cam chịu nghe lời vậy.

    Các thứ vọng duyên này do Vọng Kiến sanh. Như ngộ Bồ Đề, như mắt không nhặm thì đâu có bóng lòa, nên nói rằng “Vốn không chỗ có”.

    Tổ Huyền Sa thượng đường : “Ông đã có cái chỗ xuất thân rỡ ràng hiện giờ kỳ đặc như thế, sao chẳng phát minh lấy ? Vì đâu lại theo phía khác để hướng trong miếng thân ngũ uẩn, trong chốn nẻo Quỉ làm kế sanh nhai ? Ngay đây mà tự lừa dối rồi đó ! Bỗng nhiên Quỉ Vô Thường giết hại đến đây thì với cái mắt mũi lừa dối, thân kiến, mạng kiến làm sao đảm đương cho nổi. Khác nào đang sống mà đòi thoát khỏi mu rùa, khổ thay !

    “Này các nhân giả ! Chớ có nắm giữ cái kiến giải ngủ gật đó, ông có biết không ? Ba cõi không yên, giống như nhà lửa, vả chăng ông chưa phải là người đã an lạc, chỉ rặt ròng gây nhóm, tạo bầy, liên can đến đời người khác, bay đi mé này, mé kia, khác nào nai hoang chỉ tìm ăn mặc. Nếu như vậy là tranh giành vương đạo của người khác, biết chăng ?

    “Quốc Vương, đại thần chẳng bó buộc ông; cha mẹ để cho ông xuất gia; mười phương thí chủ cúng dường các ông cơm áo; Thổ Địa, Long Thần la mắng, giữ gìn ông. Vậy cần đủ hổ thẹn, biết ơn mới được. Chớ cô phụ lòng tốt của người, cứ mãi xếp hàng trên sàng, bám níu, rục rã mà cho là an lạc. Chưa ở trong đó thì đều là hạng được nuôi cơm cháo để tương tự như trái bầu lông chín héo.

    “Thay đổi đi ! Chôn xuống đất đi thôi ! Nghiệp thức mang mang, không gốc gác để nương nhờ. Sa Môn mà do sao đến nỗi thế này ? Chỉ giống như sâu bọ loi nhoi trên đất, tôi gọi là đời ở địa ngục !

    “Như nay mà chẳng rõ, mai kia mốt nọ vào trong thai lừa, bụng ngựa, xỏ mũi kéo cày, mang yên đóng hàm, cối đâm chày giã, nước lửa nấu thiêu, không dễ gì chịu nổi, phải biết khủng khiếp. Ấy là tự ông làm lụy, biết chăng ?

    “Như rõ được ấy, thì liền đây vĩnh viễn chẳng nói với mấy ông có các chuyện ấy. Còn không rõ cái ấy thì nhân duyên phiền não, ác nghiệp chẳng phải một hai kiếp là hết đâu, mà còn sống thọ như thể kim cương của chính các ông, biết chăng ?”

    Tổ Huyền Sa đại từ bi, chẳng tiếc khô miệng, đủ để làm vị lương dược cứu trị đời mạt pháp, đáng để cho người ta chép mà để bên phải chỗ ngồi vậy.

    Ngài Mật Sư Bá đang cùng đi với Tổ Động Sơn, thấy con thỏ trắng chạy qua trước mặt.
    Ngài Mật nói : “Giỏi thay !”
    Tổ Sơn rằng : “Là sao ?”
    Ngài Mật : “Giống như thường dân mà được bái tướng(57)”.
    Tổ Sơn : “Bậc già cả mà nói lời lẽ ấy !”
    Ngài Mật : “Thế ông thì sao ?”
    Tổ Sơn : “Lâu đời quý phái, tạm thời bơ vơ”.
    Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

    “Sức bằng sương tuyết
    Nhẹ bước núi mây
    Hạ Huệ bỏ nước
    Tương Như qua cầu
    Túc(59), Tào(60), mưu lược nên nhà Hán

    Sào(61), Hứa(62) thân tâm muốn tránh Nghiêu
    Vinh nhục bỏ rồi, thêm tự tín
    Chân tình theo dấu lão ngư, tiều”.

    Đại để, chỗ thấy của Ngài Mật là cần phải mượn sự tích lũy tu hành. Chỗ thấy của Tổ Động Sơn là riêng bày tỏ chỗ bổn lai tôn quý. Người xưa ngay nơi vật mà minh tâm, thường thường như thế.

    Lại như Tổ Tuyết Phong đang cùng đi với Ngài Tam Thánh, thấy một bầy khỉ.
    Tổ Phong nói : “Bầy khỉ này, mỗi con đều là bề trái của một mặt gương xưa !”
    Ngài Thánh nói : “Bao kiếp vô minh, sao cho đó rõ ràng là gương xưa ?”
    Tổ Phong nói : “Tỳ vết sanh ra rồi vậy”.
    Ngài Thánh : “Thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà cái thoại đầu cũng không biết”.
    Tổ Phong : “Việc trụ trì của lão tăng này phức tạp lắm !”
    Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Ngay khi ấy mà thấy Tuyết Phong nói : “Tỳ vết sanh ra rồi” thì hãy đến gần trước mặt mà nói : “Dạ, dạ”. Hãy nói cớ sao như thế ? Tranh thì chẳng đủ, nhường thì có dư !”

    Xem đây thì biết cơ dụng của nhà Thiền, há lấy chuyện mạnh yếu mà luận sự hơn thua ư ?



  5. #514
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Như lời ông nói, nhóm Bảo Liên Hương, Lưu Ly Vương và Tỳ Kheo Thiện Tinh đều vốn tự mình bày đặt ra nghiệp dữ. Nghiệp ấy chẳng từ trời rơi xuống, cũng chẳng từ đất chui lên, mà cũng chẳng phải do ai trao tặng. Chính là tự hư vọng rước lấy rồi tự lãnh nhận. Trong Tâm Bồ Đề chúng đều là hư huyễn vọng tưởng ngưng kết.

    “Lại nữa, Anan, các súc sanh ấy đều trả nợ trước mà nếu trong lúc trả nợ, trả quá nợ cũ thì những chúng sanh ấy trở lại làm người đòi lại chỗ dư. Nếu bên kia có sức lại có cả phúc đức thì ở trong loài người không rời bỏ thân người mà hoàn lại chỗ thừa đó, còn nếu không có phúc đức thì phải làm súc sanh để đền lại chỗ thừa.

    “Anan, ông nên biết, nếu dùng tiền của hoặc sức người ta thì đền đủ là xong, còn như trong ấy có giết thân mạng, hoặc ăn thịt, như vậy trải qua nhiều kiếp ăn nhau, giết nhau, giống như bánh xe quay hoài, chỗ cao thấp thay đổi nhau liên hồi không nghỉ. Trừ pháp Xa Ma Tha hoặc gặp Phật ra đời chứ chẳng thể nào thôi nghỉ được.



  6. #515
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Lưu Ly Vương phạm tội giết hại, Đức Thế Tôn bảo rằng sau bảy ngày sẽ chịu lửa đốt mà vào ngục Vô Gián, ông bèn trốn trên nước, lửa từ trong nước bốc lên mà cháy tiêu. Đây là quả báo của lửa Sân.

    Tỳ kheo ni Bửu Liên Hương phạm dâm, nơi nữ căn bèn sanh ngọn lửa lớn, sau đó mỗi khúc đốt đều bị thiêu cháy. Đây là quả báo của lửa Dục.

    Tỳ kheo Thiện Tinh phạm đại vọng ngữ, tuy có thể nói mười hai bộ kinh, được bốn thiền quả nhưng bác bỏ nhân quả, nói rằng Lưu Ly Vương giết hại giòng Cù Đàm mà chắc không có quả báo. Ấy là quá sức bất nhân nên ngay thân đang sống mà đọa vào địa ngục A Tỳ. Đó là chẳng từ trời rơi xuống, cũng chẳng từ đất chui lên, hay người đem cho, mà do tự hư vọng rước lấy vậy. Trong tâm Bồ Đề, xưa nay vô sự. Chỉ vì vọng tưởng ngưng kết, ngưng kết mà chẳng chuyển hóa, đó là cái nhân chịu nghiệp. Mười phần ngưng kết thì chịu mười phần quả báo, càng giảm thì càng nhẹ đi. Xuống đến làm súc vật để trả đền nợ trước, trả quá số nợ lại đòi chỗ dư. Nếu ăn nhau chưa xong thì rốt cuộc không có kỳ ra khỏi, trừ phi tự có định lực Xa Ma Tha, thoáng thấy mặt mũi Bồ Đề, thì sự ngưng kết đó mới hóa tiêu. Lại được gặp Phật ra đời, phát minh đại sự, ắt nghiệp chứa trữ phải tự tiêu tan. Chẳng như thế thì xoay vần mãi nơi ba cõi không hề ngưng nghỉ.

    Kinh Kim Cương nói “Nếu bị người khinh khi thì với các nghiệp đời trước, người đó đáng lẽ đọa vào đường ác mà nay bị người khinh khi nên các tội nghiệp đời trước ắt bị tiêu diệt”.
    Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

    “Minh châu nơi tay
    Có công thì thưởng !
    Hán, Hồ chẳng đến
    Trọn không tài nghề !
    Tài khéo đã không
    Ba Tuần hết lối
    Cù Đàm, Cù Đàm !
    Biết ta không nhỉ ?”.

    Ngài lại nói : “Khám phá rồi vậy”.
    Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

    “Mắc míu công tội
    Dính liền nhân quả
    Ngoài gương, điên chạy Diễn Nhã Đa
    Đầu trượng đánh tan ông bếp rớt(63)
    Bếp rớt tan, đến chúc nhau
    Lại nói trước đây cô phụ tớ !”.


    Bài tụng trước là “Bị người khinh tiện, ít kẻ biết ta”.
    Bài tụng sau là “Tội nghiệp tiêu trừ, cốt là Đốn Ngộ”. Công phu tu tập cũng chẳng quí vậy.
    Hãy theo bài kệ của Ngài Phó Đại Sĩ mà điểm hóa ra.
    Tụng rằng :

    “Thân trước có báo chướng
    Ngày nay thọ trì kinh
    Tạm bị người khinh rẻ
    Chuyển nặng thành ra nhẹ
    Rõ được Y Tha Khởi
    Liền trừ Biến Kế Chấp
    Thường y Bát Nhã quán
    Chỗ nào chẳng Viên Thành ?”


    Có nhà sư hỏi Tổ Vân Cư : “Kinh giáo có nói : Với tội nghiệp đời trước lẽ ra người ấy phải đọa vào đường ác, nay đời này bị người khinh khi nên tội nghiệp đời trước được tiêu diệt. Ý này là sao ?”

    Tổ Vân Cư nói : “Động thì phải đọa đường ác, tịnh thì bị người khinh khi”.

    Tổ Sùng Thọ Trì nói : “Ngoài tâm có pháp, phải đọa đường ác. Trụ giữ tự kỷ, bị người khinh khi”.
    Các vị tôn túc đều khéo chuyển kinh thay ! Ý chỉ cùng đoạn này đồng, nên trích ra cho đủ.



  7. #516
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Nay ông nên biết, loài chim Cưu kia, trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngoan cố. Giống Cửu Trưng kia, trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng quái dị. Loài chồn kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngu dại. Những loài có độc kia, trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng nham hiểm. Những loài giun kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng hèn nhát. Những loại bị ăn thịt kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng nhu nhược. Những loài cung cấp đồ mặc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng lao nhọc. Những loài chim mùa kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng văn hoa. Những loài đem điềm lành kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông minh. Những loài thuần hóa phải trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông đạt.

    “Anan, các chúng sanh đó đều do trả hết nợ cũ, trở lại hình của cõi người đều do từ vô thủy đến nay Điên Đảo mà gây nghiệp, sanh sát lẫn nhau, chẳng gặp Như Lai, chẳng nghe Chánh Pháp, ở trong trần lao cứ vậy mà xoay vần. Chúng ấy gọi là đáng thương xót vậy.



    Thông rằng :

    Chúng sanh không nghe Chánh Pháp thì đều gọi là ăn giết lẫn nhau, số phận hẳn nhiên là thế. Không chỉ nghĩ đến chuyện Tào Tháo gạt người cô quả, xem như thiït dọn trên bàn ; về sau bị Tư Mã Ý trả báo, như cầm giấy nợ xét đòi, tơ hào chẳng sai lọt. Mượn người một con trâu thì trả lại người một con ngựa, trong chỗ u vi há cho kẻ ác chung thân đắc chí mà khỏi đền nợ sao ? Bởi thế, oán đối gặp nhau thì ắt phải trả đền. Trả hết thì trở lại hình người mà thói quen còn sót chưa chuyển hóa nên hạng mê muội, ngu si thì nhiều mà hạng thông minh sáng suốt thì ít, tham hợp tùy hạng loại.

    Loài chim Cưu hẳn làm hạng ngoan cố, vì tham vật, nương hòn đất mà ăn nhau, suốt đời ngu ngoan bất nghĩa. Loài báo điềm dữ hẳn làm hạng quái dị, vì thói quen dâm bôn, phóng đảng, tập quán còn sót nên làm hạng yêu dị vậy. Loài cáo, chồn hẳn làm hạng ngu hèn, tráo trở, không có trí, chưa có kiến thức cao siêu. Loài có độc hẳn làm hạng nham hiểm, oán hận có dư, nên truyền độc chẳng cùng. Loài giun sân hận cớ sao làm hạng hèn nhát, vì khí giận tiêu tan mất hết vậy. Loài bị ăn thịt kiêu mạn cớ sao làm hạng nhu nhược, bởi vì đã làm cao thì bị hạ thấp vậy. Loài cung cấp đồ mặc cớ sao làm hạng lao nhọc, bởi vì uổng phí tâm thần nhọc mệt không ngớt vậy. Loài chim mùa kiến chấp cớ sao làm hạng văn hoa, vì theo khí hậu mùa màng mà có vẻ đẹp đẽ vậy. Loài báo điềm lành mà hợp vào hạng thông minh, bởi vì cong vạy hết thì trở lại ngay thẳng, nên tánh linh chẳng u ám. Loài thuần hóa mà hợp vào hạng thông đạt vì kiện tụng phân biệt họa phước nên thông đạt không vướng mắc.

    Nói rằng tham hợp là tham hợp với cội nguồn, theo nẻo người mà sanh vậy. Các loài ấy theo nẻo người sanh ra : Tình, Tưởng tuy ngang nhau mà chẳng phải không có thông minh và ngu muội. Nay từ trong ba nẻo Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh mà ra, thì hợp với cái Tình u mê có đến tám phần mười, tham dự với cái Tưởng là hai phần mười.

    Vị tăng Thiên Trúc là Ngài Kỳ Vực, đời Tấn Huệ Vương vào đất Lạc Dương, các vị Tỳ Kheo làm lễ, Ngài ngồi ngay thẳng mà nhận, rồi chỉ nhà sư tên Pháp Uyên, nói rằng : “Xứ này cả vạn vị tăng, nhưng vị Bồ Tát này từ loài dê đến”.

    Ngài lại chỉ nhà sư người Thiên Trúc tên Pháp Hưng mà nói : “Vị Bồ Tát này từ cõi Trời đến”.
    Ngài nhìn ra xa, thấy lâu đài, nói rằng : “Cũng giống như trời Đao Lợi, nhưng chốn kia do đạo lực mà đến, còn cõi này là do sức tịnh nghiệp của chúng sanh thành tựu”.

    Ngài bảo với vị Sa Môn tên là Kỳ Xà Mật : “Người làm cung điện này từ cõi trời Đao Lợi xuống, thành việc rồi thì về trời. Dưới mái ngói, trên rường nhà, hẳn có đồ nghề !”.

    Tìm ở đó quả thật có một ngàn năm trăm món đồ.

    Ngài Kỳ Vực biết người thợ cả là từ cõi trời đến thì bảo Pháp Hưng là từ trời xuống, Pháp Uyên từ loài dê đến ắt hẳn không lầm.

    Nhà sư Đàm Dực, hông có lông chim Trĩ, nên tên là Dực(64), nhân nghe kinh Pháp Hoa mà được độ thoát.

    Lại có cô họ Vương tên Trĩ nghe kinh Pháp Hoa gần nửa bộ mà được độ thoát. Đều là từ loài chim Trĩ mà đến. Trĩ là loài văn minh, sanh trong nhơn đạo, bèn có thể chứng quả.



  8. #517
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    IV. KHÔNG TU THEO CHÁNH GIÁC : THÀNH CÁC THỨ TIÊN


    Kinh :

    “Anan, lại có chúng sanh từ loài người, không nương theo Chánh Giác tu pháp Tam Ma Đề, mà riêng tu vọng niệm tồn giữ tư tưởng, củng cố hình hài, đi vào rừng núi, người chẳng đến được, thành mười loại Tiên.

    “Anan, các chúng sanh kia bền gắng dùng đồ bổ không ngừng nghỉ, khi đạo ăn được thành tựu, gọi là Địa Hành Tiên.

    “Bền gắng dùng cỏ cây không ngừng nghỉ, khi đạo thuốc được thành tựu, gọi là Phi Hành Tiên.

    “Bền gắng dùng kim thạch không ngừng nghỉ, khi đạo hóa chất được thành tựu, gọi là Du Hành Tiên.

    “Bền gắng làm những động tác không ngừng nghỉ, khi đạo khí tinh được thành tựu, gọi là Không Hành Tiên.

    “Bền gắng luyện nuớc bọt không ngừng nghỉ, khi nhuận đức đã thành tựu, gọi là Thiên Hành Tiên.

    “Bền gắng hấp thụ tinh hoa không ngừng nghỉ, khi hấp thụ tinh túy thành tựu, gọi là Thông Hành Tiên.

    “Bền gắng làm chú thuật không ngừng nghỉ, khi thuật pháp được thành tựu, gọi là Đạo Hành Tiên.

    “Bền gắng chuyên chú tâm niệm không ngừng nghỉ, khi chuyên niệm được thành tựu, gọi là Chiếu Hành Tiên.

    “Bền gắng về thủy hỏa giao cấu không ngừng nghỉ, khi cảm ứng được thành tựu, gọi là Tinh Hành Tiên.

    “Bền gắng tập luyện biến hóa không ngừng nghỉ, khi tỉnh giác được thành tựu, gọi là Tuyệt Hành Tiên.

    “Anan, những người này đều ở trong loài người mà luyện tâm, chẳng tu theo Chánh Giác, chỉ riêng được sanh lý, thọ ngàn vạn năm, nhàn nghỉ trong núi sâu hay trên hoang đảo giữa đại dương, dứt tuyệt với cảnh người. Đó cũng là ở trong vọng tưởng trôi lăn của sự luân hồi. Chẳng tu pháp Tam Muội nên khi quả báo hết thì trở lại tản vào trong sáu nẻo.




  9. #518
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Từ Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh mà đến thì dư nghiệp chưa hết, chỉ tu theo Nhân Đạo là đủ rồi. Lại có hạng từ Nhân Đạo đến thì sáng suốt, không còn dám tập nhiễm ác nghiệp, họ cũng biết chỗ nên tu luyện là cái Tâm Tánh xưa nay, nhưng chẳng nương theo Chánh Giác Như Lai mà vào Tam Ma Địa, lại chỉ tu riêng theo vọng niệm, tồn giữ tư tưởng, củng cố hình hài thành ra ngoại đạo. Do đó mà có mười thứ Tiên.

    Tiên nghĩa là thay đổi, có thể khiến hình hài thay đổi mà không chết, cho là có Thần Ngã. Thần Ngã là Thần Thức, đó là chủng tử sanh diệt từ vô thủy đến nay; cho nên dầu có thọ ngàn vạn năm mà khi quả báo hết thì lại tản vào trong sáu nẻo. Chánh Giác Như Lai y vào cái bất sanh bất diệt làm Nhân Địa Căn Bản, năm Ấm đều Không, đốn siêu ba cõi, dù cõi trời Phi Phi Tưởng cũng chẳng trụ huống gì là Tiên ư ?

    Mười loại Tiên là : Một là, ăn thuốc bổ như thu thạch, hồng nguyên... chỉ có thể sống lâu mà không thể bay nên làm Địa Hành Tiên.

    Hai là, ăn tùng bá, phục linh, hoàng tinh, thương truật... lâu ngày thân thể nhẹ nhàng nên có thể phi hành.

    Ba là, luyện kim thạch, diên hống, chuyển hóa chín lần thành Đan, có thể điểm hóa, đẩy nhà bay đi nên làm Du Hành Tiên.

    Bốn là, nương theo động tĩnh của Âm Dương, Hùng Kinh, Điểu Thân(65) để điều Khí, cố Tinh. Lâu ngày Tinh hóa thành Khí, Khí hóa Thần, Thần hoàn hư, dời thân trên không trung, nên gọi là Không Hành Tiên.

    Năm là, nhai nuốt nước miếng, Thủy thăng lên, Hỏa giáng xuống, da dẻ như băng tuyết, mềm mại như trẻ thơ, chẳng có giao hòa với thế dục, không khác gì người trời, nên gọi là Thiên Hành Tiên.

    Sáu là, hút nuốt tinh hoa, ăn ráng uống mây, thâu thái tinh hoa Nhật Nguyệt, âm thầm thông với cái Khí tinh túy nên có thể đi suốt qua, xuyên núi, qua đá không bị ngăn ngại. Loài giả mô(66) hút cái tinh hoa của mặt trăng, ở chân mày có cục hột cóc nên ẩn lánh giỏi. Được cái Khí ấy còn có thể thông giỏi như thế huống là cái khí tinh hoa của trời đất ? Gọi là Thông Hành Tiên.

    Bảy là, kiên trì Chú Thuật, ngưng Thần chẳng loạn, Chú ấy hẳn linh hiển, cũng có thể bay cao. Tây Vực(67) hay truyền Chú này, ở trong giếng trì tụng ba năm thì tự có thể bay ra khỏi. Về nơi tự nhiên không thể nghĩ bàn, nên gọi là Đạo Hành.


    Tám là, bền gắng chuyên niệm, âm thầm chầu về Thượng Đế, hoặc để tâm tưởng vào đỉnh môn, buộc tâm nơi rún, chỉ mà hay chiếu, chỉ dùng cái tâm soi chiếu mà chứng quả nên gọi là Chiếu Hành Tiên.

    Chín là, phối hiệp Khảm Ly (Thủy Hỏa), Âm Dương giao cấu, trong ấy có Tinh mà chẳng phải là phàm Tinh. Kia cho rằng thu thái khí Âm để trợ cho Dương, mà tự mất của báu nhà mình là sai lầm. Ở đây cảm ứng một cách tự nhiên, trong khoảng khảy móng tay liền có thể sanh ra thuốc để thành Đan, ấy là khó gặp mà dễ thành vậy, nên gọi là Tinh Hành Tiên.

    Mười là, tồn giữ cái Tưởng về thế gian thì đều thành ra biến hóa, chỉ chuyên tịch lặng chẳng biến đổi, bèn là một vị thanh tịnh, tâm tĩnh thân khô, hành vi dứt tuyệt thế gian, hơi tương tự như Duyên Giác, Nhị thừa nên nói là Tĩnh Giác. Tây Vực phần nhiều tu tập theo lối này, sanh lên cõi trời Phi Phi Tưởng.

    Tóm cả lại, đều chẳng ngộ Chánh Giác, đều quy về Vọng Tưởng mà thôi.

    Lữ Nham, tự là Động Tân, người Kinh Xuyên, sống vào cuối nhà Đường, ba lần đi thi không đỗ, ngẫu nhiên ở Trường An gặp Chung Ly Quyền trong quán rượu, được trao cho thuật trường sanh, thường dạo chơi chùa Quy Tông ở Lư Sơn, viết lên vách lầu chuông rằng :

    “Một ngày thanh nhàn tự tại thân
    Lục Thần hòa hiệp, ấy bình an
    Đan điền có báu, thôi tìm Đạo
    Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền”.


    Sau đó không lâu, dạo qua núi Hoàng Long thấy khí màu tía tỏa thành lọng, nghi có dị nhân, bèn vào ra mắt, gặp lúc Tổ Hoàng Long cho đánh trống lên tòa thuyết pháp.

    Tổ Long thấy, biết là Lữ Động Tân, bèn lớn tiếng rằng : “Cạnh pháp tòa có kẻ trộm pháp”.

    Lữ nghiêm nghị bước ra, hỏi rằng : “Trong một hột dẻ chứa thế giới, nồi thịt nửa thăng nấu núi sông”. Hãy nói ý này như thế nào ?”

    Tổ chỉ ra rằng : “Ấy là quỷ giữ thây ma”.

    Ông Lữ nói : “Nào ngại, trong túi có thuốc trường sanh bất tử !”
    Tổ Long nói : “Dầu trải tám vạn kiếp, rốt cuộc cũng lạc không vong”.
    Ông Lữ coi thường, phóng gươm vào hông, mà kiếm không đụng được, bèn làm lễ xin chỉ dạy.
    Tổ Long hỏi vặn : “Nồi thịt nửa thăng nấu núi sông, thì chẳng hỏi, như sao là Trong một hạt dẻ chứa thế giới ?”

    Ông Lữ ngay lời nói liền khế hợp, làm bài kệ :

    “Vất quách túi bầu, đập đàn cầm
    Như nay hết khoái Hống Trung Kim(68)
    Từ lần gặp được Hoàng Long đó
    Mới rõ trước giờ lạc dụng tâm !”.


    Tổ dặn dò gắng giữ gìn nghiêm mật.

    Sau, ông ra mắt thiền sư Trí Độ Giác ở Đàm Châu, có nói rằng : “Tôi ngao du Sâm Huyện ở Thiền Châu, hướng Đông xuống đến sông Tương, nay gặp Tổ Giác, thấy Ngài thiền học tinh minh, nguồn tánh thuần khiết, xếp gối tĩnh tọa, thu quang nội chiếu, ngoài một cái áo thô không còn áo nào khác, ngoài một bình bát không còn thức gì khác, đến bờ bên kia sanh tử, đập nát võ phiền não.

    “Nay đây y(69) Phật lặng bặt, hề, không truyền. Thiền lý diệu huyền, hề, đâu tuyệt. Giữ gìn hưng vượng, ở thầy tôi chăng ?”
    Bèn làm một bài ký rằng :

    “Người đạt, đổi tâm mới cứu đời
    Thánh hiền truyền pháp chẳng rời Chân
    Thỉnh thầy khai nói Tây lai ý
    Đến nay thất tổ vẫn không người”.


    Như Ông Lữ đã nhờ Tổ Hoàng Long chỉ bày, bèn y Chánh Giác tu Tam Ma Địa, không đến nổi làm vị khách của mười hai loại Tiên vậy.



  10. #519
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    V. CÁC CÕI TRỜI

    Kinh :

    “Anan, các người thế gian chẳng cầu cái thường trụ, chưa thể lìa bỏ được thê thiếp, ân ái, nhưng tâm không buông lung trong tà dâm. Do lắng trong sanh ra sáng suốt, sau khi mạng chung, gần với mặt trời, mặt trăng. Hạng như vậy gọi là Tứ Thiên Vương Thiên.

    “Đối với vợ nhà, dâm ái ít ỏi, trong khi tịnh cư chưa được toàn vẹn mùi vị. Sau khi mạng chung, vượt sức sáng của mặt trời, mặt trăng, ở trên đỉnh của nhân gian. Một hạng như vậy, gọi là Đao Lợi Thiên (Tam Thập Tam Thiên).

    “Gặp cảnh dục tạm theo, qua rồi không nghĩ nhớ, ở trong cõi nhân gian động ít tĩnh nhiều. Sau khi mạng chung, an trụ sáng rỡ ở trong hư không. Ánh sáng mặt trời, mặt trăng soi chiếu chẳng bằng. Các người ấy tự có ánh sáng. Một hạng như vậy, gọi là Tu Diệm Ma Thiên (Thời Phân).

    “Luôn luôn yên tĩnh, nhưng khi có cảm xúc đến, chưa thể nghịch hẳn. Sau khi mạng chung, bay lên cõi tinh vi, không giao tiếp với các cảnh nhân-thiên cõi dưới cho đến thời kiếp hoại, tam tai cũng không đến được. Một hạng như vậy gọi là Đâu Suất Đà Thiên (Tri Túc).

    “Chính mình không có lòng dâm, đáp ứng với người mà hành sự, trong lúc phô diễn vô vị như sáp. Sau khi mạng chung, sanh vượt vào cõi biến hóa. Một hạng như vậy, gọi là Lạc Biến Hóa Thiên.

    “Không có tâm thế gian, chỉ đồng theo thế gian mà hành sự, trong khi làm việc ấy, suốt thông siêu việt. Sau khi mạng chung, vượt trên tất cả cảnh biến hóa và không biến hóa. Một hạng như vậy, gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên.

    “Anan, sáu cõi trời như vậy thì hình thức tuy ra khỏi Động, nhưng tâm tính còn dính mắc. Từ các cõi ấy trở xuống gọi là Dục Giới.




  11. #520
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Cõi trời Tứ Thiên Vương ở nửa chừng núi Tu Di, nhô lên khỏi biển bốn vạn do tuần. Mặt trời, mặt trăng mọc ở trước cung, xoay quanh chiếu bốn cõi thiên hạ, trên tới cõi trời Đao Lợi. Lên bốn vạn do tuần là đỉnh núi Tu Di, bốn góc, mỗi góc về tám cõi trời, gồm ba mươi hai cõi trời, do Đế Thích làm chủ tể. Hai cõi trời này gọi là Địa Cư Thiên.

    Bốn cõi trên gọi là Không Cư Thiên, chẳng cần mặt trời, mặt trăng mà vẫn thường sáng, do hoa sen nở khép mà phân ngày đêm, nên gọi là Thời Phân. Do phước đức cảm ứng mà sanh lên cõi Đâu Suất, gọi là Tri Túc hay là Hỉ Túc, hoặc là Diệu Túc.

    Sanh lên cõi trời này, thì sau bảy ngày, Đức Di Lặc phóng quang mưa hoa, dẫn vào điện Tiểu Ma Ni của Ngoại Viện, thuyết pháp cho để phát khởi sức tinh tấn. Sau đó dẫn cho vào Nội Viện. Ngoài hai Viện, còn có trời Tổng Báo do nghiệp quả hữu lậu mà thành. Người tu thập thiện nghiệp đã sanh lên đó, đây là chỗ Tam Tai có thể hoại diệt được.

    Còn ở đây nói “Tam Tai không đến được” là chỉ chỗ Đức Di Lặc ở, là cung điện do Hậu Đắc Trí của thánh giả biến hóa ra. Từ Tổng Báo Thiên mà mong đến Ngoại Viện thì còn cách xa như Tiên và tục, huống gì đến Nội Viện ư ? Ngoài chỗ này đều thuộc cảnh giới quả báo, trên đến cõi trời Lạc Biến Hoá, hễ có cần gì thì tùy theo niệm mà đến, vượt hẳn cõi trời ở dưới, nên gọi là Việt Hóa.

    Lên đến Tha Hóa Tự Tại Thiên thì các cảnh dục lạc khỏi phải nhọc sức tự biến hóa, mà đều do chỗ khác biến hóa ra (tha hóa) mà tự tại dùng. Sáu cõi này tuy vượt khỏi nhân thế, nhưng chưa thể lìa Dục. Luận Câu Xá tụng rằng : “Sáu cõi hưởng dục, ôm nhau, nắm tay, cười, nhìn là dâm”. Lòng Dục càng nhẹ thì quả báo càng lên cao, bởi vì Dục Ái dễ đọa lạc vậy. Hễ có Dính Bám tức là Dục. Bởi thế, ngay khi ứng xúc hành sự, suốt thông siêu việt, không một mảy may tưởng vướng mới được tự tại. Đâu chỉ có riêng Dâm mà thôi.

    Theo Tông Thiên Thai thì nghiệp báo của sáu cõi trước đều lấy Thập Thiện làm gốc. Nếu kiêm thêm tâm hộ pháp là nghiệp Tứ Thiên Vương Thiên. Nếu kiêm thêm lòng Từ hóa độ người, là nghiệp Đao Lợi Thiên. Nếu kiêm thêm lòng chẳng não hại chúng sanh, thiện xảo thuần thục, là nghiệp Diệm Ma Thiên. Nếu kiêm thêm thiền định, thô trụ và tế trụ, là nghiệp Đâu Suất Thiên. Dục Giới Định là nghiệp Biến Hóa Thiên. Vị Đáo Định là nghiệp Tha Hóa Thiên.

    Đây đều là chẳng cầu Chân Tâm thường trụ, chưa rời nhân quả hữu vi, phước báo tuy khác nhau, nhưng chẳng thể nói là Đại Giải Thoát vậy.

    Tổ Thứ Hai Mươi Ba là Tôn Giả Hạc Lặc, đi giáo hóa đến miền Trung Ấn Độ, Vua nước ấy là Vô Úy Hải sùng tín đạo Phật. Tổ đang thuyết pháp cho vua nghe, bỗng có hai người mặc áo lụa đào, lụa trắng lễ lạy Tổ.

    Vua hỏi : “Ấy là ai vậy ?”

    Tổ nói : “Đó là Thiên Tử Nhật, Nguyệt, xưa tôi đã từng thuyết pháp cho nên đến lễ bái”.

    Giây lát không thấy nữa, chỉ còn nghe thấy mùi hương dị thường.

    Nhà vua hỏi : “Cõi nước Nhật, Nguyệt được bao lớn ?”

    Tổ đáp : “Là thế giới của ngàn Đức Phật Thích Ca hóa độ, mỗi cõi có trăm ức Tu Di mặt trời, mặt trăng. Tôi nói rộng ra thì không thể hết”.

    Bồ Tát Thiên Thân từ Nội Viện của Đức Di Lặc xuống.

    Bồ Tát Vô Trước hỏi rằng : “Bốn trăm năm tại nhân gian thì cõi kia chỉ là một ngày đêm. Đức Di Lặc ở trong một thời thành tựu cho năm trăm ức vị Thiên Tử chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, chưa rõ là thuyết pháp gì thế ?”

    Bồ Tát Thiên Thân nói : “Chỉ là cái Pháp Ấy, chỉ là Phạm Âm thanh nhã khiến người vui nghe !”

    Như mà tin được “Chỉ là cái Pháp Ấy”, ở trên trời, khắp dưới đất vốn không dơ sạch thì thường trụ Chân Tâm, có chỗ nào mà chẳng Giải Thoát ư ?



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •