DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 41/59 ĐầuĐầu ... 31394041424351 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 401 tới 410 của 588
  1. #401
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Nếu quán tánh Phong Đại

    “Động, tĩnh là đối đãi

    “Đối, chẳng (là) Vô Thượng Giác

    “Làm sao được Viên Thông?

    Thông rằng:

    Tánh của các thứ động này, đến không từ đâu, đi không về đâu, nguyên chẳng có chỗ đối đãi. Quán sát sức Gió không chỗ nương, ngộ Bồ Đề Tâm tức là Vô Thượng Giác, nào đến đỗi có hai tướng động tĩnh gì đâu? Chỉ vì người sơ cơ, ở trong cái động, biết cái Tánh chẳng động, phân ra động với bất động, hai tướng đã có, tức là có đối đãi. Đã là đối đãi, tức sanh diệt pháp, thì xa Bồ Đề Vô Thượng lắm vậy.

    Tổ Thứ Mười Bảy, Ngài Tăng Ca Nan Đề, độ cho Đồng Tử Trì Giám, đặt tên lại là Già Da Xá Đa. Một hôm, nghe tiếng linh [Chuông nhỏ] gió thổi rung trên điện.

    Tổ hỏi rằng: “Linh kêu ư, gió kêu ư?”

    Xá Đa nói: “Chẳng phải gió, linh kêu, tâm mình kêu vậy”.

    Tổ nói: “Tâm là chi vậy?”

    Xá Đa nói: “Đều tịch tĩnh vậy”.

    Tổ nói: “Hay thay, hay thay! Kế tục đạo ta, không ông thì ai”.

    Về sau, Lục Tổ nhân hai nhà sư bàn luận nghĩa gió với phướn.

    Một người nói: “Gió động”.

    Người kia nói: “Phướn động”.

    Định luận chẳng dứt.

    Tổ bước tới nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm các vị động”.

    Cùng với lời Ngài Xá Đa, như từ một miệng.

    Tổ Tuyết Phong nêu lên lời của Lục Tổ “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm quý vị động”. Bèn nói: “Tổ Sư lớn bé, đầu rồng đuôi rắn, đáng cho hai mươi gậy!”

    Khi ấy, Thượng Tọa Đại Nguyên Phu đứng hầu bất giác nghiến răng.

    Tổ Phong nói: “Vừa rồi tôi nói thế cũng đáng ăn hai mươi gậy!”

    Thiều Quốc Sư thượng đường: “Phương tiện cổ Thánh dường như hà sa. Tổ Sư nói “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm quý vị động”. Đây mới là pháp môn tâm ấn vô thượng.

    “Bọn chúng ta là khách môn hạ của Tổ Sư, liệu làm sao am hiểu ý Tổ Sư? Chớ nói: Gió, phướn chẳng động, tâm ông vọng động! Chớ nói : Chỗ động của gió phướn là ở đâu? Hoặc nói: Nương vật rõ Tâm, chẳng cần nhận vật. Hoặc nói: Sắc tức là Không. Hoặc nói: Chẳng phải gió, phướn động; phải nên nhiệm mầu am hiểu. Am hiểu như thế thì cùng với ý Tổ Sư có gì giao thiệp? Chẳng thể chịu cho kiểu am hiểu như thế.

    “Các vị Thượng Tọa, nên biết rốt ráo. Như ở Trong Ấy tỏ ngộ rốt ráo, thì pháp môn nào chẳng rõ? Trăm ngàn phương tiện của Chư Phật nhất thời hiểu suốt, còn có chút nghi tình nào. Bởi thế, cổ nhân nói “Một rõ ngàn thông, một mê muôn lầm”. Này các Thượng Tọa, đâu phải là ngày nay hiểu được một đoạn, ngày mai lại hiểu nữa. Chẳng phải là có một phần chuyện hướng thượng khó hiểu, có một phần phàm phu yếu kém chẳng hiểu được. Cái kiến giải như vậy thì có trải qua số kiếp nhiều như bụi cũng chỉ tự mệt thần khổ trí. Làm gì có chuyện ấy!”

    Thiều Quốc Sư nói thế, sánh với Tổ Tuyết Phong ít nhiều, cũng nên cho ăn hai chục gậy!



  2. #402
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Nếu quán tánh Không Đại

    “Không-trơ, chẳng phải Giác

    “Không biết, khác Bồ Đề

    “Làm sao được Viên Thông?

    Thông rằng:

    Nghiêng về cái không ắt trơ độn chẳng phải Giác. Cái Chơn Không thì tức Giác, tức Không. Người sơ cơ định luận cái Không thật dễ lầm đường, nên cần phải xét biện.

    Tổ Huyền Sa thượng đường: “Người đời nay chẳng tỏ ngộ cái lý Trung Đạo, vọng tự kết dính với sự, kết dính với trần, chốn chốn nhiễm trước, mỗi mỗi buộc trói. Dầu có chỗ tỉnh ngộ, mà trần cảnh phân vân, danh tướng chẳng thiệt. Bèn định ngưng tâm thâu niệm, nhiếp sự về không, nhắm con mắt, chứa tinh thần, vừa có khởi niệm, lập tức phá trừ, mống tưởng vừa sanh, bèn liền đè tiệt. Như kiến giải này tức là rơi vào cái Không-trơ của ngoại đạo, người chết mà hồn chẳng tan, mờ mờ mịt mịt, vô giác vô tri, bịt tai mà trộm chuông, uổng tự khinh, dối.

    “Trong Ấy rõ ràng thì chẳng như vậy, chẳng cà rà ngoài cửa, chẳng lẩn lút bên song. Lời lời hiện tiền, không có chỗ để thương lượng, chẳng quan hệ đến văn tự. Vốn tuyệt trần cảnh, vốn không vị thứ: tạm gọi là kẻ xuất gia, rốt ráo không tung tích. Nào là Chân Như, phàm Thánh, địa ngục, trời người, chỉ là phương thức chữa bệnh cho gã cuồng. Hư không còn chẳng cải biến, Đại Đạo há có thăng trầm? Ngộ thì dọc ngang chẳng rời Bổn Tánh. Đến vào Trong Ấy, phàm Thánh cũng chẳng có chỗ lập. Nếu hướng trong câu khởi ý, ắt chìm đắm chết người. Nếu hướng ngoài rông cầu, lại sa vào Ma cõi. Như như hướng thượng, tuyệt dấu an bài. Vừa vặn lò lửa, chẳng chứa muỗi mòng.

    “Cái Ấy xưa nay vốn bằng phẳng, nào dùng sự tỉa trừ. Động tĩnh, nhướng mày chính là Chân Giải Thoát Đạo. Chẳng gượng suy tính, dựng lập là trái Chân. Như đến vào Trong Ấy, mảy lông chẳng thọ, bày ý tức sai. Dầu cho ngàn Thánh ra đời, bày ra một chữ cũng chẳng được. Trân trọng”.

    Như rõ được lời Huyền Sa tức thấu đạt ý chỉ Chân Không. Cái Vô Thượng Bồ Đề cũng gượng đặt tên đó thôi. Há chẳng Viên Thông hiện tiền ư?



  3. #403
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Nếu quán tánh Thức Đại

    “Thức chẳng phải thường trụ

    “Giữ tâm là hư vọng

    “Làm sao được Viên Thông?


    Thông rằng:

    Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh tức là Đệ Bát Thức, vốn chẳng phải là hư vọng. Người chưa thấy Tánh chẳng thể chuyển Thức, chỉ bị Thức chuyển, bèn dùng sự quán tưởng soi xét, thì quán cũng là Thức, niệm niệm sanh diệt, chẳng phải thường trụ. Dầu cho có thể giữ tâm lắng trong chẳng động, ấy là do lực quán tưởng trì giữ, cũng thuộc về hư vọng. Há cái Diệu Trạm Tổng Trì, vốn tự vô tâm, chẳng đợi giữ cho còn mà tự không đâu chẳng còn đấy ư?

    Tổ Thứ Mười Sáu, Ngài La Hầu Đa La đến chỗ Ông Tăng Già Nan Đề, gặp ông nhập định. Tổ cùng chúng chờ xem, trải qua hai mươi mốt ngày mới từ định dậy.

    Tổ hỏi rằng: “Thân ông định hay tâm ông định?”

    Thầy Đề đáp: “Thân tâm đều định”.

    Tổ nói: “Thân tâm đều định, sao có vào ra?”

    Thầy Đề đáp: “Tuy có ra vào, chẳng mất định tướng, như vàng trong giếng, thể vàng thường tịch”.

    Tổ nói: “Như vàng trong giếng, như vàng khỏi giếng, vàng không động tĩnh, thì vật gì ra vào?”

    Thầy Đề nói: “Chỉ có lời nói vàng là động tĩnh, đâu có vật ra vào. Chỉ có lời nói vàng ra vào, mà vàng chẳng phải động tĩnh”.

    Tổ nói: “Nếu vàng trong giếng, thì ra khỏi giếng là vàng nào? Vàng nếu ra khỏi giếng, thì ở lại là vật gì?”

    Thầy Đề đáp: “Vàng như khỏi giếng, ở giếng chẳng phải vàng. Như vàng ở giếng, khỏi giếng chẳng phải vật”.

    Tổ nói: “Nghĩa này chẳng phải”.

    Thầy Đề nói: “Nghĩa kia chẳng rõ”.

    Tổ nói: “Nghĩa này phải rớt”.

    Thầy Đề nói: “Nghĩa kia chẳng thành”.

    Tổ nói: “Nghĩa kia chẳng thành, nghĩa cái ta thành vậy”.

    Thầy Đề nói: “Nghĩa cái Ta tuy thành, pháp chẳng phải cái Ta vậy”.

    Tổ nói: “Nghĩa Ta đã thành, Ta không Ta vậy.

    Thầy Đề nói: “Ta không ta thì lại thành nghĩa gì?”

    Tổ nói: “Ta mà không ta, nên thành nghĩa của ông”.

    Thầy Đề nói: “Thầy nhân giả là ai, mà đắc vô ngã ấy?”

    Tổ nói: “Thầy ta là Già Na Đề Bà, chứng Vô Ngã ấy”.

    Thầy Đề dùng kệ ca ngợi rằng:

    “Kính lễ Đề Bà sư

    Nhân giả ra từ đó

    Nhân giả vô ngã vậy

    Tôi muốn người làm thầy”.


    Tổ dùng kệ đáp rằng:

    “Bởi vì ta vốn là vô ngã

    Ông cần thấy cái Ngã của ta

    Ông nếu muốn coi ta là Thầy

    Biết ta chẳng phải Ngã của ta”.


    Thầy Nan Đề tâm ý rỗng nhiên, bèn cầu độ thoát.

    Tổ nói: “Tâm ông vốn tự tại, chẳng ràng buộc Ngã-Sở”.

    Rồi phó bài kệ Chánh Pháp Nhãn rằng:

    “Trong Pháp, thật không chứng

    Chẳng giữ cũng chẳng lìa

    Pháp chẳng tướng Hữu Vô

    Trong ngoài chỗ nào khởi”.


    Thế nên, biết chuyển Thức thành Trí thì trong khoảng mảy tơ. Còn không thấy cái Chân Thật, rốt cũng là hư vọng.



  4. #404
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Các hành đều vô thường

    “Tưởng niệm vốn sanh diệt

    “Nhân quả nay khác biệt

    “Làm sao được Viên Thông?


    Thông rằng:

    Căn cứ theo pháp môn niệm Phật thì niệm tức là Phật, hành tức là Phật, độc chỉ Tâm là Phật, độc chỉ Tâm làm Phật. Quả và Nhân là một. Vốn chẳng phải khác biệt. Nay Ngài Văn Thù chỉ quy về một đường hướng thượng, nên cho hành là vô thường, niệm thuộc sanh diệt, lấy đó mà cầu quả Phật thường trụ, chắc chẳng thể được.

    Thiền sư Tề Kỷ nhân đạo hữu của Hội Liên Xã mời, thượng đường, nói: “Dần dần tóc bạc da mồi, cha trẻ mà con già! Xem coi bước đi suy yếu, nghi chết Thượng Tọa ngốc! Dầu cho vàng ngọc đầy nhà, coi chừng giặc vô hình! Há khỏi suy tàn, già bệnh, hãy nên rất lưu ý! Mặc ngươi ngàn chuyện khoái vui, hắn ta vẫn được tự do! Vô thường rốt cuộc lại đến, về nhà uống trà đi thôi. Chỉ có nẻo tắt tu hành, y cũ đi vòng quanh! Chỉ niệm A Di Đà Phật, niệm được chẳng nên chuyện!”

    Lại nói : “Ái chà! Cái con đường sống ấy đã bị Thiện Đạo Hòa Thượng chỉ thẳng rõ ràng ra rồi vậy. Chính các ông sáng tối qua lại trong con đường tắt, vì sao ngay trước mặt mà lầm đi qua A Di Đà Phật. Trong ấy tiến cử được, bèn hay trừ cái chướng mê mờ điên đảo, nhổ mũi tên dụ dự, cắt lưới nghi lầm, dứt sông si ái, chặt phá rừng tâm rậm, rửa tâm uế trược, làm thẳng ngay tâm tà vạy, dứt tuyệt tâm sanh tử. Rồi sau chuyển nhập mé kia, dỡ cao chân, hướng về chỗ Phật Tổ dẫm bước chẳng tới mà tiến một bước! Mở miệng ra, hướng về chỗ Phật Tổ dạy dỗ chẳng tới mà nói một câu! Gọi trở lại Thiện Đạo Hòa Thượng, riêng cầu nẻo tắt tu hành! Nếu mà cứ y theo trước, bỏ cha chạy trốn, lưu lạc phương người, đụng Đông chạm Tây, khổ thay A Di Đà Phật!”

    Lại còn Tổ Huỳnh Long Tân, thượng đường rằng: “Ngọc Thanh Châu bỏ vào nước đục, nước đục chẳng thể chẳng trong. Niệm Phật để vào trong tâm rối loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng Phật. Phật đã chẳng loạn, nước đục tự trong. Nước đục đã trong, công quy về đâu?”

    Chập lâu, nói: “Mấy độ hắc phong tràn biển lớn, chưa từng nghe nói lật thuyền câu!

    “Phàm trọn thu nhiếp sáu Căn, tu pháp môn niệm Phật, là còn dùng nẻo đường công cán. Một phen lột thoát, nơi cái Thấy này xoay cái Nghe thẳng thấu nguồn Tánh, bèn xa lầm lỗi”.

    Thật là cái cơ tu chứng Viên Thông Tối Thượng vậy.



  5. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    sonha (11-28-2015)

  6. #405
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    IV. NHĨ CĂN VIÊN THÔNG HƠN HẾT



    Kinh:

    “Tôi nay bạch Thế Tôn

    “Phật xuất cõi Ta Bà

    “Phương này, chân giáo thể

    “Thanh tịnh tại nghe thanh

    “Muốn vào Tam Ma Đề

    “Thật do cái Nghe nhập

    Thông rằng:

    Thánh nhân thiết lập giáo pháp, tùy chốn chẳng đồng. Hoặc có chỗ dùng ánh sáng mà làm Phật sự, hoặc có chỗ dùng cây Bồ Đề của Phật mà làm Phật sự, cho đến dùng vườn rừng đài cao, hoặc dùng hư không, hoặc dùng sự lặng lẽ không nói, không chỉ bày, như ở cõi Phật Hương Tích, không có lời nói văn tự, chỉ lấy hư không, khiến cho người-trời được vào Luật, Hạnh. Cái giáo thể ở phương này, độc tại chỗ Nghe tiếng. Chẳng lẫn lộn với trần cấu, cực kỳ trong sạch. Thuần là trong sạch nên dễ dàng khế nhập Tam Ma Đề. Thế giới Ta Bà này dùng cái Nghe làm đương cơ vậy.

    Nhà sư hỏi Tổ Huyền Sa: “Kẻ học nhân mới vào rừng Thiền, xin thầy chỉ con đường vào”.

    Tổ Sa nói: “Có nghe tiếng nước suối Yển chăng?”

    Đáp: “Nghe”.

    Tổ Sa nói: “Theo trong ấy vào”.

    Đáng gọi là chỉ bày thẳng suốt vậy.



  7. #406
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Lìa khổ được Giải Thoát

    “Lành thay Quán Thế Âm

    “Trong hằng sa số kiếp

    “Vào cõi Phật vi trần

    “Đắc sức đại tự tại

    “Vô Úy Thí chúng sanh

    “Diệu Âm, Quán Thế Âm

    “Phạm Âm, Hải Triều Âm

    “Cứu thế, yên lành thảy

    “Xuất thế, hằng thường trụ

    Thông rằng:

    Lành thay Đức Quán Thế Âm, đã lìa khổ não nên hay cứu đời ắt thảy yên lành, đã giải thoát đó nên hay khiến cho người xuất thế được thường trụ. Trong hằng sa kiếp vào cõi nước nhiều như số bụi nhỏ, ba mươi hai Ứng Thân không đâu chẳng khắp. Bố thí mười bốn pháp Vô Úy, đắc lực Đại Tự Tại, thì bốn diệu Đức không thể nghĩ bàn. Tâm Nghe chí diệu, như tiếng qua vách, thảy hóa thành một Diệu Âm vậy. Diệu ở chỗ Thanh Tịnh, tức gọi là tiếng Phạm Âm, Diệu ở chỗ Hưởng Ứng, tức gọi là Triều Âm, Diệu ở chỗ Tìm Thanh (Cứu Khổ), tức gọi là Quán Thế Âm, âm thanh thế gian chẳng thể so sánh, mà là âm thanh mầu nhiệm của Tự Tánh vậy.

    Có nhà sư hỏi Tổ Quy Tông: “Như thế nào là Huyền Chỉ?”

    Tổ Tông nói: “Không người hiểu được”.

    Hỏi: “Hướng đến thì thế nào?”

    Tổ Tông nói: “Có hướng liền sai”.

    Hỏi: “Không hướng đến thì thế nào?”

    Tổ Tông nói : “Ai cầu Huyền Chỉ?”

    Lại nói: “Đi đi! Không có chỗ cho ông dùng tâm”.

    Hỏi: “Há không có cửa phương tiện khiến học nhân được vào?”

    Tổ Tông nói: “Quán Âm trí lực mầu. Hay cứu thế gian khổ”.

    Hỏi: “Như sao là Quán Âm trí lực mầu?”

    Tổ Tông gõ nắp đỉnh lư ba cái, hỏi: “Ông có nghe chăng?”

    Đáp : “Nghe”.

    Tổ Tông nói: “Sao ta chẳng nghe?”

    Nhà sư không có lời đáp.

    Tổ Tông dùng gậy đuổi xuống.

    Hôm khác, thượng đường : “Hôm nay ta muốn nói Thiền!”

    Các đệ tử đều đến gần phía trước.

    Tổ Tông nói: “Hãy nghe hạnh Quán Âm ứng khắp các nơi chốn!”

    Hỏi: “Như sao là hạnh Quán Âm?”

    Tổ Tông liền khảy móng tay, nói : “Các ông lại nghe chăng?”

    Đáp rằng: “Nghe”.

    Tổ Tông nói: “Cái lũ này, hướng Trong Ấy kiếm cái gì?”

    Tổ Quy Tông thấy rõ, một đoạn diệu âm an nhiên thường trụ của mọi người, chẳng tiếc mà trùng trùng chỉ ra, thật quá đổi từ bi.



  8. #407
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Nay kính bạch Như Lai

    “Như Quan Âm đã nói

    “Ví như người ở yên

    “Mười phương đều nổi tiếng

    “Mười chốn đồng thời nghe

    “Đó là Viên Chân Thật


    Thông rằng:

    Tam Muội vẹn tròn soi chiếu của Đức Quán Âm không khởi không làm, nên như người ở yên lặng, mười phương đánh trống, mười chốn đều nghe. Đâu phải bốn phần thiếu mất nửa phần. Đây là ở cảnh hiện bày đầy đủ cái Viên này vậy.

    Thiền sư Hoàng Bá Duy Thắng ngẫu nhiên dùng cây quạt vỗ vào song cửa thành tiếng, bỗng nhớ lại trong kinh nói, “Mười phương đều nổi trống. Mười chốn đồng thời nghe”, nhân đó đại ngộ.

    Về sau, Thái Thú Thoại Châu phó thác cho Tổ Hoàng Long chọn lựa người trụ trì chùa Hoàng Bá.

    Tổ Long nhóm chúng, nói rằng: “Lên lầu chuông niệm tán [Ca ngợi]. Dưới chân sàng trồng rau”. Người nào nói được, sang đấy trụ trì”.

    Ngài Duy Thắng bước ra nói rằng: “Mãnh hổ giữa đường ngồi”.

    Tổ Long rất khoái ý, bèn khiến sang đó.

    Như Ngài Duy Thắng, có thể nói là tự thân chứng cái Viên Chân Thật vậy.



  9. #408
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Tánh âm thanh, động tĩnh

    “Trong (cái) Nghe là có, không

    “Không tiếng, gọi (là) không nghe

    “Chẳng thật không Tánh Nghe

    “Không tiếng, đã không diệt

    “Có tiếng cũng chẳng sanh

    “Sanh diệt đều trọn lìa

    “Đó là Thường Chân Thật

    “Dầu cho trong mộng tưởng

    “Không nghĩ nhưng chẳng không

    “Tánh Nghe ngoài suy nghĩ

    “Thân tâm không bằng được

    Thông rằng:

    Âm thanh có động có tĩnh, nên sự Nghe khi có khi không. Tánh Nghe thì thường trụ, chẳng do tiếng mà có sanh, chẳng phải không tiếng mà diệt mất. Lấy đâu mà nghiệm xét? Trong mộng tưởng nghe tiếng chày giã gạo mà cho là tiếng chuông trống, khi ngủ cũng như khi thức, chẳng có mượn đến nghĩ suy. Cái Biết này đối với cái biết chẳng thường hằng có khác, nên trong sự ghi nhớ có thể thấy là nó thường hằng. Năm Căn kia ở trong mộng cũng thấy cảnh rõ ràng, nhưng chưa chắc đối với cảnh trước mắt mà biết, phải có suy nghĩ mới kết thành. Nên năm Căn kia suy nghĩ thì có, không suy nghĩ thì không, khi thức tỉnh đối cảnh ắt có, khi ngủ mộng đối cảnh ắt không, vướng trệ nơi thân tâm, bị Căn Trần trói buộc. Độc chỉ Tánh của Nhĩ Thức chẳng đợi khi thức rồi suy nghĩ mới có, chẳng chờ khi mộng mà chẳng suy nghĩ thì không. Tánh ấy siêu việt khỏi ngoài sự suy nghĩ và chẳng suy nghĩ. Bởi thế, Tánh Giác Quán của sự xoay lại cái Nghe lìa ngoài nghĩ suy và chẳng nghĩ suy, khác hẳn với cái quán chiếu thông thường sử dụng đến suy nghĩ. Đã ra ngoài cảnh giới của nghĩ suy, nên nơi Căn mà lìa Căn, nên thân chẳng đến được vậy. Ở nơi Thức mà lìa Thức, nên tâm chẳng đến được vậy. Đây là “Sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền”, chẳng gọi cái ấy là Phật Tánh Chân Thường sao?

    Ông Trương Vô Cấu nói với Tổ Đại Huệ rằng: “Con mỗi khi trong mộng thì thấy đọc Luận Ngữ, Mạnh Tử, như vậy là sao?”

    Tổ Huệ lấy từ kinh Viên Giác, nói: “Do bởi lặng dứt, nên Tâm Chư Như Lai mười phương thế giới trong đó hiển hiện, như bóng trong gương”.

    Ông Vô Cấu nói: “Chẳng phải là lão sư thì không thể nghe được luận này”.

    Ông Vô Cấu trong chiêm bao dường như tập khí chưa trừ. Tổ Đại Huệ chỉ ra Đại Viên Cảnh Trí chẳng ngại gì tập khí lăng xăng khởi diệt. Đáng gọi là thấu suốt rốt ráo cái “Một đường chân thường”.



  10. #409
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Nay cõi Ta Bà này

    “Thanh luận được tỏ rõ

    “Chúng sanh mê gốc Nghe

    “Theo thanh nên lưu chuyển

    “Anan tuy nhớ kỹ

    “Chẳng khỏi lạc tưởng tà

    “Há chẳng tùy chỗ đắm

    “Xoay dòng được Thường Chân

    “Anan, ông nghe kỹ :

    “Tôi nương oai lực Phật

    “Tuyên nói Kim Cang Vương

    “Như huyễn, chẳng nghĩ bàn

    “Phật Mẫu, chân Tam Muội

    “Ông nghe hằng sa Phật

    “Tất cả pháp bí mầu

    “Trước chẳng trừ dục lậu

    “Chứa nghe thành lầm lỗi

    “Dùng Nghe trì Pháp Phật

    “Sao chẳng nghe (cái) tự nghe ?

    Thông rằng:

    Luận cái căn cơ của cõi này, nên chẳng rõ Tâm Tánh, phải nương theo tiếng luận giải mà được tỏ rõ, nghĩa là nhân lời nói mà ngộ Đạo, đó là sự thường vậy. Nhưng chúng sanh chẳng thấu đạt bổn nguyên, theo tiếng mà lưu chuyển, gọi đó là mê. Thế đó, chạy theo vật là tà, về gốc là chánh. Nếu có thể ngược dòng đến tột nguồn, đến chỗ chẳng sanh diệt, đó là xoay cái Nghe mà chứng Chân Thường, chẳng theo dòng chìm đắm. Đây là pháp môn một đường Niết Bàn của hằng sa Phật vậy. Tam Muội Kim Cang Văn Huân Văn Tu gọi là như huyễn, vì không nguyện, không làm vậy. Không nguyện, không làm, thông suốt gốc Nghe, Chư Phật đều do đó mà xuất. Nếu có nguyện, có làm là dục lậu chẳng trừ, tuy rộng giữ các pháp môn bí mật, cũng đổi thành lầm lỗi. Chẳng phải chỉ tâm ô nhiễm, tình thức còn mới gọi là dục lậu, mà chỉ lòa mắt khởi lên niệm thấy Phật cũng gọi là tà. Nên xoay cái Nghe, nghe vào Tự Tánh mới là cơ đệ nhất đối trị bệnh đa văn vậy.

    Vua Tống Hiến Tông hỏi nhà sư Thiên Trúc rằng: “Đã là “Ngọn núi bay đến [Phi Lai Phong, tên riêng]” sao chẳng bay về?”

    Đáp rằng: “Một động chẳng bằng một tĩnh”.

    Lại hỏi: “Đức Quán Âm trong tay lần chuỗi niệm gì?”

    Đáp rằng: “Niệm Đức Quan Thế Âm Bồ Tát”.

    Lại hỏi: “Tự niệm danh hiệu mình làm gì?”

    Đáp rằng: “Cầu người chẳng bằng cầu mình!”

    Có nhà sư hỏi thiền sư Chí Siêu: “Như sao là Phật?”

    Tổ Siêu nói: “Ông là người nào?”

    Nói rằng: “Há chẳng phải “Bèn là [Tiện thị]” hay sao?”

    Tổ Siêu nói: ““Bèn là” tức mất giao thiệp!”

    Hai tắc này đều hợp với ý chỉ “Nghe cái tự nghe”.



  11. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    sonha (12-01-2015)

  12. #410
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Cái Nghe chẳng tự nhiên sanh

    “Nhân Thanh có danh tự

    “Xoay Nghe thoát khỏi Tiếng

    “Giải Thoát đâu có danh

    “Một Căn đã về nguồn

    “Sáu Căn thành Giải Thoát

    “Thấy, Nghe như lòa, huyễn

    “Ba cõi là không-hoa

    “Nghe lại, gốc lòa trừ

    “Trần tiêu, Giác tròn sạch

    “Sạch tột, quang thông suốt

    “Lặng chiếu trùm hư không

    Thông rằng:

    Dưới đây nói rõ đường vào bằng cách tự nghe cái Tánh Nghe.

    Trước cần xét định cái Tánh Nghe này. Từ Nhân Duyên sanh ư? Từ Tự Nhiên sanh ư? Tánh Nghe vốn chẳng phải sanh, nên chẳng phải Nhân Duyên hay Tự Nhiên sanh, đặc biệt nhân có âm thanh thì hiển nên lập ra cái tên “Nghe”. Nếu quay lại với cơ Phản Văn thì đến chỗ chẳng sanh diệt. Đã không có người nghe, tự không có chỗ nghe, hẳn nhiên với âm thanh chẳng quan hệ gì nhau. Cái ấy vốn thoát khỏi âm thanh, không thể trở lại gọi là cái Nghe vậy. Gọi là gì ư? Cái ấy đặt tên cho tất cả mà tất cả không thể đặt tên cho cái ấy. Chỉ có thể ví cái đó như nguồn cội mà thôi. Cho nên quay về nguồn, trở về cội, thì cái Tánh Nghe còn không có tên, lấy gì làm ràng buộc? Tức ngay một Căn ấy, đương thể giải thoát, nên sáu Căn nhất thời trong sạch vậy. Sáu Căn vốn tự trong sạch, bỗng dấy lên cái Thấy, Nghe mà làm cái Năng, giống như trừng mắt nhìn thì sanh lòa huyễn; bỗng thấy ba cõi mà làm cái Sở, như mắt lòa thấy hoa đốm giữa hư không.

    Lòa huyễn, không-hoa vốn tự chẳng có, mà đuổi theo dòng quên trở lại, chẳng biết là hư vọng. Giờ nghe trở lại cái gốc nghe, căn lòa trước hết diệt mất, ắt sáu Trần tan biến, mà cái Bổn Giác thường hằng tròn sạch. Như mắt sáng thì hoa đốm chỗ nào nảy sanh? Cái gọi là vẹn tròn trong sạch là chẳng dẹp bỏ muôn tượng mà Căn và Trần đồng đều trong sạch. Trong sạch cùng cực, thấy suốt mười phương, như ngọc lưu ly trong ngần, ngậm mặt trăng báu ở trong, thì ánh sáng có chỗ nào không thấu suốt? Đó là ở trong sáng sạch phát ra ánh sáng, lặng mà khắp soi, tức chỗ gọi là sự chiếu soi của Nguyên Minh. Chiếu soi mà chẳng sanh cái Sở, ắt lặng khắp hư không. Như mảnh mây tại khoảng trời xanh, mà biển Giác toàn vẹn lắng trong, được cái gốc nguyên diệu vậy. Muốn đại giải thoát bèn xoay lại cái Nghe thì xong rồi vậy.

    Tổ Hoàng Bá nói: “Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, tức là Bồ Đề. Tâm Bổn Nguyên Thanh Tịnh đây cùng với chúng sanh, Chư Phật, núi sông thế giới, có tướng, không tướng, khắp mười phương cõi, cả thảy bình đẳng, không có tướng kia, đây. Cái Tâm Bổn Nguyên Thanh Tịnh này thường tự tròn sáng, soi khắp.

    “Người đời chẳng ngộ, chỉ nhận Thấy, Nghe, Hay, Biết làm Tâm, bị Thấy Nghe, Hay Biết ngăn che, vì đó mà chẳng thấy cái Bản Thể thuần túy sáng suốt. Chỉ ngay đấy vô tâm, Bản Thể tự hiện. Như vầng mặt trời lớn mọc lên giữa hư không, soi chiếu khắp mười phương, suốt không chướng ngại. Thế nên, người học Đạo chỉ nhận thức nơi cái Thấy, Nghe, Hay, Biết động tác nhỏ nhặt. Dẹp đi cái Thấy, Nghe, Hay, Biết thì nẻo tâm bặt chẳng có chỗ vào. Chỉ ngay nơi chỗ Thấy, Nghe, Hay, Biết nhận là Bổn Tâm, nhưng Bổn Tâm chẳng thuộc Thấy, Nghe, Hay, Biết cũng chẳng lìa ngoài Thấy, Nghe, Hay, Biết. Chỉ chớ ở trong Thấy, Nghe, Hay, Biết mà khởi kiến giải, chớ ở trên Thấy, Nghe, Hay, Biết mà động niệm, cũng chẳng lìa Thấy, Nghe, Hay, Biết mà giữ pháp. Chẳng Tức, chẳng Ly, chẳng trụ, chẳng bám, dọc ngang tự tại, không đâu chẳng đạo tràng”.

    Như lời Tổ Hoàng Bá, liền nơi bệnh lòa cạo chùi hết ráo. Đó cũng là một sự giúp trở lại nguồn.



  13. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    sonha (12-01-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •