DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 56/59 ĐầuĐầu ... 6465455565758 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 551 tới 560 của 588
  1. #551
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Đây là ở nơi Thường, Vô Thường theo đó mà khởi ra cái Hữu Biên, Vô Biên. Luận về Thường, Vô Thường thì dùng cái Tánh mà nói, thuộc về Kiến Phần. Về Hữu Biên, Vô Biên thì dùng phận vị mà nói, thuộc Tướng Phần. Một là, phận vị ba đời. Hai là phận vị Thấy, Nghe. Ba là, phận vị Ta-Người. Bốn là phận vị Sanh Diệt. Tất cả đều giới hạn trong phận vị của Hành Ấm mà vọng sanh ra so tính.

    Một là, do Hành Ấm lưu chuyển không ngừng nên cho sự lưu chuyển là tam tế quá khứ, hiện tại, vị lai mà gọi là Hữu Biên. Còn cho sự không ngừng là tiếp nối không có bờ mé, mà gọi là Vô Biên.

    Hai là, chỉ so tính trong chỗ thấy, nghe được chúng sanh trong tám vạn kiếp mà gọi là Hữu Biên, còn ngoài tám vạn kiếp không thấy, nghe gì nên gọi là Vô Biên.

    Ba là, cho rằng mình biết cùng khắp tất cả chúng sanh, đó là tính Vô Biên, còn Tánh Biết của chúng sanh có cùng khắp hay không thì chỉ họ tự biết, chứ mình chẳng hề biết. Vậy chúng sanh bị hạn cuộc nơi sự tự biết, chẳng thể thông tiếp với mình, nên chỉ có tánh Hữu Biên.

    Bốn là, xét cùng Hành Ấm là Không, thấy rằng trước có mà nay không. Do đó, so tính rằng Chánh Báo của chúng sanh nửa sanh, nửa diệt, thế giới Y Báo cũng nửa sanh, nửa diệt. Nửa sanh là Hữu Biên, nửa diệt là Vô Biên.

    Bốn cái luận Hữu Biên này đều không ra khỏi sự tuần hoàn sanh diệt của chúng sanh và các kiến chấp kiếp hoại hay chẳng hoại nói ở trước, chỉ đặc biệt so tính về hữu biên và vô biên.

    Có nhà sư hỏi Quốc Sư Huệ Trung (tiếp theo đoạn trước) : “Có vị trí thức chỉ bày kẻ học nhân này rằng : “Chỉ tự biết Tánh. Khi rõ Vô Thường, ném bỏ cái xác phiền não một bên rồi, cái chỗ cao linh trí tánh, rỗng rang mà lui về, gọi là giải thoát”. Theo đây thì thế nào ?”

    Quốc sư nói : “Trước đã nói rồi, vẫn còn là cái hạn lượng của hàng Nhị Thừa, ngoại đạo. Nhị Thừa chán ghét sanh tử, ưa thích Niết Bàn. Ngoại đạo cũng nói “Ta có hoạn nạn lớn, vì ta có thân”, bèn vui về Minh Đế. Tu Đà Hoàn buộc vào tám vạn kiếp, ba quả kia buộc vào sáu, bốn, hai vạn kiếp. Bậc Bích Chi Phật trụ trong Không định một vạn kiếp. Ngoại đạo trụ trong Phi Phi Tưởng tám vạn kiếp. Nhị Thừa hết kiếp còn có thể hồi tâm hướng Đại Thừa, còn ngoại đạo liền trở lại luân hồi”.

    Hỏi rằng : “Phật Tánh một giống hay khác ?”

    Quốc sư nói : “Chẳng thể một giống”.

    Hỏi rằng : “Sao vậy ?”

    Quốc sư nói : “Hoặc có thứ toàn chẳng sanh diệt, hoặc nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.
    Hỏi rằng : “Vì sao mà giải thích như vậy ?”

    Quốc sư nói : “Phật Tánh ngay đây của tôi hoàn toàn không có sanh diệt, Phật Tánh phương Nam của ông thì nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.

    Hỏi rằng : “Phân biệt chỗ nào ?”

    Quốc sư nói : “Đây thì thân tâm nhất như, ngoài thân không có gì khác, thế nên toàn vẹn chẳng sanh diệt. Còn phương Nam của ông thì thân là Vô Thường, Thần Tánh là Thường, bởi thế mà nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.

    Hỏi rằng : “Cái sắc thân của Hòa Thượng há đồng được với Pháp Thân chẳng sanh diệt ư ?”
    Quốc sư nói : “Sao ông lại vào tà đạo thế ?”

    Thưa rằng : “Học nhơn này sao mà vào tà đạo ?”

    Quốc sư nói : “Ông chẳng thấy kinh Kim Cương nói “Thấy sắc, cầu thanh đều là hành tà đạo” ư ? Nay chỗ thấy của ông chẳng phải vậy sao ?”

    Thưa rằng : “Tôi đã từng đọc giáo lý Đại Thừa, Tiểu Thừa, cũng thấy có nói cái chỗ Trung Đạo chánh tánh chẳng sanh chẳng diệt, cũng thấy có nói rằng ấm này diệt, ấm kia sanh, thân có đổi thay mà Thần Tánh chẳng diệt. Đâu có thể bác bỏ hết giống như hai kiến chấp Đoạn, Thường của ngoại đạo ?”

    Quốc sư nói : “Ông học cái đạo chân chánh xuất thế Vô Thượng hay là học hai cái kiến chấp Đoạn, Thường sanh tử của thế gian ? Ông há chẳng thấy Tổ Triệu Công nói “Nói chân thì ngược tục, theo tục thì ngược chân” ư ? Ngược với Chân nên mê Tánh mà chẳng quay lại. Nghịch với Tục nên lời nói đạm bạc không mùi vị. Hạng Trung Căn nghe thì như nhớ như quên. Hạng Hạ Căn nghe thì vỗ tay mà cười. Nay ông muốn học theo người hạ liệt mà cười Đại Đạo ư ?”

    Đáp rằng : “Thầy cũng nói “Tức Tâm là Phật”, bậc trí thức phương Nam cũng nói thế, có gì là khác đâu ? Thầy lẽ ra chớ nên cho mình phải mà họ quấy”.

    Quốc sư nói : “Hoặc là tên khác, thể đồng; hoặc là tên đồng mà thể khác. Bởi đó mà lầm lộn. Chỉ như Bồ Đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật Tánh thì danh khác mà Thể đồng. Còn Chân Tâm, Vọng Tâm, Phật Trí, Thế Trí thì tên đồng mà thể khác. Vì phương Nam lầm đem cái Vọng Tâm mà cho là Chân Tâm : nhận giặc làm con. Nắm giữ cái Thế Trí mà xưng là Phật Trí, giống như mắt cá mà lầm lộn với ngọc minh châu. Không thể phụ họa theo được, cần phải phân biệt đúng sai rõ ràng”.

    Hỏi rằng : “Làm sao lìa được lỗi ấy ?”

    Quốc sư nói : “Ông chỉ khéo quan sát rõ ràng trở lại Ấm, Giới, Nhập, Xứ, mỗi mỗi đều tìm xem tận cùng, còn có được mảy tơ hào nào chăng ?”

    Thưa rằng : “Rõ ràng quan sát đó, chẳng thấy có một cái gì khá được”.

    Quốc sư nói : “Ông phá hoại tướng thân tâm ư ?”
    Đáp rằng : “Thân tâm tánh lìa, có gì để hoại ?”
    Quốc sư nói : “Ngoài thân lại có vật chăng ?”
    Đáp rằng : “Thân tâm không có ngoài, đâu lại có vật ư ?”
    Quốc sư nói : “Ông phá hoại tướng thế gian ư ?”
    Đáp rằng : “Thế gian tướng chính là vô tướng, nào dùng đến chuyện hoại”.
    Quốc sư nói : “Như thế đó, tức lìa lỗi vậy. Kinh Hoa Nghiêm nói “Một niệm quán khắp vô lượng kiếp, không đi, không đến, cũng không trụ. Như thế rõ biết sự ba đời, siêu các phương tiện thành thập lực””.
    Đây là chỗ nói “Tự, Tha chẳng cách hở mảy lông, thủy chung chẳng rời ngay đương niệm”. Chẳng biết cái kiến giải Hữu Biên, Vô Biên do đâu mà kiến lập ?



  2. #552
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, trong chỗ tri kiến lại khởi sanh so tính thì người đó sa lạc vào bốn thứ luận hư vọng Biến Kế Điên Đảo, Bất Tử Càn Loạn.

    “Một là, người ấy quan sát cái cội nguồn biến hóa, thấy chỗ dời đổi thì gọi là Biến, thấy chỗ tương tục thì gọi là Thường. Thấy chỗ thấy được thì gọi là Sanh, chỗ không thấy được thì gọi là Diệt. Chỗ các nhân tương tục, không có gián đoạn thì gọi là Tăng, chính trong tương tục, chỗ rời nhau ở giữa thì gọi là Giảm. Chỗ sanh ra của mỗi cái thì gọi là Có, chỗ mất đi của mỗi cái thì gọi là Không. Dùng lý quán sát tất cả, dụng tâm thấy riêng biệt nhau. Có người cầu pháp đến hỏi nghĩa lý thì đáp rằng “Ta nay cũng sanh, cũng diệt, cũng có, cũng không, cũng tăng, cũng giảm”. Trong mọi thời đều nói năng lộn xộn, khiến cho người nghe lầm loạn chữ nghĩa.

    “Hai là, người ấy quán kỹ cái tâm đắp đổi không nơi chốn, nhân cái Không mà cho là chứng, có người đến hỏi, chỉ đáp một chữ, chỉ nói là Không. Ngoài chữ Không ra không nói gì cả.

    “Ba là, người ấy quán kỹ cái tâm mỗi mỗi đều có chỗ, nhân cái Có mà cho là chứng, có người đến hỏi, chỉ đáp một chữ, chỉ nói là Phải. Trừ chữ Phải ra, không nói gì cả.

    “Bốn là, người ấy chấp cả Có và Không. Cái cảnh đã phân chia như vậy thì cái tâm cũng lộn xộn. Có người đến hỏi thì đáp rằng : Cũng Có tức là cũng Không, trong cái Cũng Không chẳng phải là Cũng Có. Tất cả đều càn loạn, không thể nói hết được.

    “Do những so tính, càn loạn trống rỗng như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Năm, lập ra bốn thứ luận hư vọng Biến Kế Điên Đảo, Bất Tử Càn Loạn.



  3. #553
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng
    :

    Đây vẫn là kiến chấp Cũng Có cũng Không vậy. Ở trên nói “Thường, Vô Thường”, “Hữu Biên, Vô Biên” thì còn có phân biệt, chưa đến nổi lộn xộn. Ở đây thì nói “Tức Thường, tức Vô Thường”, “Tức Hữu Biên, tức Vô Biên” tất cả đều càn loạn, không thể nói cho cùng. Thật là một thứ lý luận hư vô hoang đường, quá sức điên đảo vậy.

    Theo sự trôi dời của chỗ Hữu Biên ở trên thì gọi là Biến, chỗ Vô Biên tương tục thì gọi là Thường, chỗ thấy trong tám vạn kiếp thì gọi là Sanh, chỗ không thấy ở ngoài tám vạn kiếp thì gọi là Diệt. Lại ở trong chỗ tương tục không gián đoạn so tính cho là Tăng như mặt trăng mọc đầy dần lên, ở trong chỗ lìa nhau thì cho là Giảm như mặt trăng khuyết lần lần. Lại ở nơi chỗ sanh ra của mỗi vật mà gọi là Có, chỗ mất đi mà gọi là Không.

    Ở nơi sự sanh diệt của một cái Hành Ấm mà phân làm tám nghĩa. Dùng lý quán sát tất cả thì cả hai đều đúng, không thể xác định manh mối, nên trong mọi lúc, nói năng lộn xộn. Chìm đắm trong Hành Ấm, không thể siêu vượt ra khỏi Hành Ấm nên bị sự sanh diệt làm trôi lăn vậy.

    Lại nữa, do từ cái Có, Không mà phân ra, ở chỗ niệm niệm diệt mà cho là chứng thì chỉ nói là Không; còn ở chỗ niệm niệm sanh mà cho là chứng thì chỉ nói là Phải. Lại nữa, từ Hữu Vô mà hợp lại thì nói “Cũng Có tức là cũng Không, cũng Không tức là cũng Có, trong cái cũng Có chẳng phải là cũng Không, trong cái cũng Không chẳng phải là cũng Có”.

    Lời nói thì thấy giống, nhưng so với trước có sai khác.
    Ở trước thì hai bên đều bày ra hết nên không thể xác quyết, còn đây thì chỉ đề ra một bên mà cả hai bên đều có trong đó. Nói rằng “Cũng Có tức là cũng Không” thì không chỉ một bề nói Không. Nói rằng “Trong cái cũng Không chẳng phải là cũng Có” thì không chỉ một bề nói Phải. Chỗ tri kiến lầm lộn, chẳng thể quyết đoán, mơ hồ lung tung, rốt rồi lầm lạc.

    Ngoại đạo cho rằng trời là thường trụ, gọi là bất tử, cho rằng đáp được chẳng lầm loạn thì sanh về cõi trời đó. Nếu quả thật chẳng biết mà trả lời thì e thành càn loạn. Phật quở trách rằng : “Đó thật là nghị luận càn loạn”. Cho nên gọi là thứ Luận hư vọng “Biến Kế Điên Đảo, Bất Tử Càn Loạn”.

    Gọi là Biến Kế, nghĩa là so tính khắp cả, nào là Có-Không, Sanh-Diệt, Tăng-Giảm, Thường-Biến, thật vô ích cho sự tu chứng, đều là hý luận cả. Tuy nhiên, bậc thông suốt nhà nghề thì nói Có cũng được, nói Không cũng được, chốn chốn đều có nẻo xuất thân.

    Nhà sư hỏi Tổ Triệu Châu : “Con chó lại có Phật Tánh không ?”
    Tổ Châu nói : “Có”.
    Hỏi rằng : “Đã có thì sao lại chun vào cái bì da kia ?”
    Tổ Châu nói : “Vì vẫn biết mà cố phạm”.
    Lại có nhà sư hỏi Tổ Triệu Châu : “Con chó lại có Phật Tánh không ?”
    Tổ Châu nói : “Không”.
    Thưa rằng : “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, con chó vì sao lại không có ?”
    Tổ Châu nói : “Vì ở y có nghiệp thức”.
    Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

    “Con chó, Phật Tánh có
    Con chó, Phật Tánh không
    Đi câu mà cầu tha mạng cá
    Theo gió tìm hương, khách nước-mây
    Om sòm, loạn xạ phân quen lạ
    Bằng an trải khắp, thư thả rộng bày
    Chớ lạ nhà nông chẳng biết lo
    Chỉ ra vết ngọc lại đoạt châu
    Vua Tần chẳng biết Tương Như Lạn !”.

    Lại có bài tụng khác rằng :

    “Triệu Châu nói có, Triệu Châu nói không
    Con chó, Phật Tánh thiên hạ phân chia
    Mặt đỏ chẳng bằng nói thẳng
    Lòng ngay ắt hẳn lời thô
    Cái lão thiền sư bảy trăm chúng
    Cứt ngựa gặp người hóa nhãn châu(02)”.

    Lại có nhà sư hỏi thiền sư Duy Khoan : “Con chó lại có Phật Tánh chăng ?”
    Sư nói : “Có”.
    Hỏi : “Hòa Thượng lại có chăng ?”
    Sư đáp : “Ta không có”.
    Hỏi : “Cả thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, vì sao chỉ một mình Hòa Thượng lại không có ?”
    Sư nói : “Ta chẳng phải là cả thảy chúng sanh !”
    Hỏi : “Đã chẳng phải chúng sanh thì chắc là Phật ?”
    Sư nói : “Chẳng phải Phật”.
    Hỏi : “Rốt ráo là vật gì ?”
    Sư nói : “Cũng chẳng phải vật”.
    Hỏi : “Thấy được, nghĩ được không ?”
    Sư nói : “Nghĩ chẳng tới, bàn chẳng được, nên gọi là không thể nghĩ bàn”.
    Hàng ngoại đạo thì ở chỗ có thể suy nghĩ, có thể luận bàn mà muốn so đo, lập luận, há chẳng điên đảo ư ?



  4. #554
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, ở nơi dòng sanh diệt vô tận khởi sanh so đo thì người ấy sa vào cái chấp điên đảo là sau khi chết có tướng.

    “Hoặc tự củng cố sắc thân, bảo Sắc là Ta. Hoặc thấy cái Ta tròn đầy, bao trùm khắp các cõi nước, bảo ta có sắc. Hoặc thấy các tiền trần kia theo ta mà xoay trở lại, bảo sắc thuộc về Ta. Hoặc thấy cái Ta nương trong Hành Ấm mà tương tục, bảo Ta ở nơi sắc. Họ đều so tính mà cho rằng sau khi chết có tướng, tuần hoàn như vậy có đến mười sáu tướng.

    “Từ đó mà suy tính rằng rốt ráo phiền não và rốt ráo Bồ Đề, hai tánh đó đi song song, không tiếp xúc nhau.

    “Do sự so tính chấp rằng sau khi chết có tướng như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Sáu, lập ra những Luận điên đảo Trong năm Ấm, sau khi chết có tướng.




    Thông rằng :

    Năm sự suy tính ở trước thì hoặc Có, hoặc Không, hoặc Cũng Có cũng Không, chưa ra khỏi ba cú, chưa thấy cả hai đều chẳng phải, còn mắc vướng trong Hành Ấm. Nên ở đây thì so tính việc sau khi chết có Tướng hay không có Tướng, và Có, Không đều chẳng phải. Rồi lại ở sau Có và Không, khởi lên hai kiến chấp về Niết Bàn đoạn diệt. Ấy là Hành Ấm đã gần không nên trộm thấy Thức Ấm vậy. Bởi đến thì trước, đi thì sau, chỉ do Thức làm chủ, nên chỗ này nói cả năm Ấm.

    Đức Long Thắng nói : “Chúng sanh trong năm đường do nhân duyên của lực Thân Kiến mà thấy có bốn thứ Ta : Sắc hợp là Ta, Sắc là Ta, Ta trong Sắc, Sắc trong Ta. Hợp lại mà nói : Chỉ duy Sắc là Ta, chỉ duy lìa Sắc là Ta, Ta ở trong Sắc, Sắc ở trong Ta. Suy tìm như thế, rốt ráo chẳng thể đắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức lại cũng như vậy”.

    Thế mà ngoại đạo lại chấp là có tướng. Hoặc tự củng cố cái thân, tức Sắc là Ta vậy. Hoặc Trùm khắp cõi nước, tức là Sắc ở trong Ta. Hoặc các tiền trần xoay trở lại, ấy là Lìa Sắc là Ta. Hoặc nương theo Hành Ấm tương tục, tức là Ta ở trong Sắc vậy. Nương theo bốn lối suy tính này thì Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều vậy cả. Cho đến chỗ Hành là Ta, lìa Hành là Ta, Ta ở trong Hành, Hành ở trong Ta. Cái suy tính đó là Ta, tức là Thức Ấm vậy. Thảy đều suy tính rằng sau khi chết lại có mà thành ra mười sáu tướng(03). Phiền não do Ấm mà sanh, Bồ Đề do Ta mà chứng. Hai tánh Bồ Đề, phiền não song hành cho đến đời vị lai, đều rốt ráo là có, thế nên nói là lập ra luận điên đảo Trong năm Ấm, sau khi chết có Tướng. Đây là theo mỗi mỗi chỗ có, rồi nhân có mà cho là chứng, nên lập ra các Luận này.

    Thủ Tọa Bổn Am Đạo Quỳnh từng nêu lên câu chuyện “Một chiếc dép đi về Tây(04)”, rồi nói với đại chúng : “Ngồi chết, đứng tịch, chổng ngược đầu mà hóa thì chẳng phải không có. Nhưng chưa có ai tịch rồi mà sau lại để lại chiếc dép. Vậy là con cháu đời sau không bằng Tổ Sư hay là Tổ Sư có thừa một chiếc ấy ?”

    Rồi cười lớn mà rằng : “Con chồn già !”

    Mùa Đông Canh Thân, đời Thiệu Hưng được đón về kinh nhưng không đi, để lại bài kệ cho đệ tử đắc pháp là Huệ Sơn rằng :

    “Miệng mồm chẳng trúng lão già lành
    Thích hướng tùng lâm dóng thị phi
    Dặn dò Tuyết Phong ông Thủ Tọa
    Vì ta nhiếc mắng chớ tha y !”.


    Quay về vị sứ giả đến đón, nói rằng : “Nói với quan Thị Lang giùm tôi rằng việc đi vội quá, không kịp bồi đáp !”

    Dứt tiếng thì hóa.

    Có nhà sư hỏi Tổ Động Sơn : “Nhà sư sau khi tịch rồi thì đi đâu vậy ?”
    Tổ Sơn nói : “Cháy rồi một cọng tranh !”
    Ngài Đầu Tử tụng rằng :

    “Khi lửa đồng thiêu, thêm đổi mới
    Đến nay khí nóng khó mưa, mây
    Đất hạn sen hồng che nhật nguyệt
    Không rễ, xanh hoài, mát bóng cây”.


    Nếu biết cái “hữu tướng” này thì tuy nói là có tướng cũng chẳng sao.



  5. #555
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, ở trong các Ấm : Sắc, Thọ, Tưởng đã diệt ở trước khởi sanh so tính, người ấy sa vào những tư tưởng điên đảo là sau khi chết không có Tướng.
    “Người ấy thấy Sắc Ấm diệt, hình hài không nhân vào đâu. Xét Tưởng Ấm diệt, tâm không ràng buộc vào đâu. Biết Thọ Ấm diệt, không còn dính dáng. Tánh các Ấm được tiêu tan, dù có sanh lý mà không có Thọ, Tưởng : đồng như cỏ cây. Cái hình chất hiện tiền còn không thể nắm được, vậy sau khi chết làm sao còn có các Tướng ? Do vậy mà cho rằng sau khi chết không có Tướng. Xoay vần như vậy mà có tám thứ Vô Tướng.

    “Từ đó mà suy tính rằng : Niết Bàn, Nhân Quả, tất cả đều Không, chỉ có danh tự suông, chứ rốt ráo là Đoạn Diệt.

    “Do sự suy tính, chấp sau khi chết không có Tướng này mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Bảy, lập ra những luận điên đảo Trong ngũ Ấm, sau khi chết không có Tướng.




    Thông rằng :

    Cái Đoạn Kiến này là căn cứ nơi sự tiêu diệt của các Ấm Sắc, Thọ, Tưởng mà suy tính rằng cái sanh lý của Hành Ấm về sau sẽ rốt ráo đoạn diệt. Hành Ấm diệt thì quy về Biển Tạng Thức. Chỗ so đo của người ấy chưa là vô kiến, nhưng cái Tạng Thức chẳng thể diệt. Người ấy chỉ thấy cái diệt bèn cho rằng Niết Bàn, nhân quả tất cả đều không, rốt ráo Đoạn Diệt, mà chẳng biết rằng cái Vô Tướng này không phải là không có sanh lý. Bởi thế, ước đoán cái nhân đã mất của bốn Ấm hiện tại mà cho rằng quả tương lai sẽ tiêu diệt, hợp lại thành ra tám thứ Vô Tướng, bèn lập ra những luận điên đảo Trong Ngũ Ấm, sau khi chết không có Tướng. Đây cũng là theo cái tâm Đắp đổi không nơi chốn, nhân cái Không mà cho là Chứng, mà tạo ra luận này.

    Tổ Trường Sa Cảnh Sầm nhân có vị tăng qua đời, lấy tay rờ mà nói : “Này đại chúng ! Vị tăng này lại chánh thực vì các ông mà đề khởi cương yếu, thương lượng đó ! Hiểu không ?”
    Rồi đọc bài kệ :

    “Trước mắt không một pháp
    “Hiện đây cũng không người
    “Rỗng rang Kim Cương Thể
    “Chẳng vọng cũng chẳng chân !”.


    Lại nói :

    “Chẳng rõ Kim Cương Thể
    “Lại gọi ấy duyên sanh
    “Mười phương : Chân Tịch Diệt
    “Ai trụ, lại ai hành ?”.


    Tổ Động Sơn sắp viên tịch, nói với đại chúng : “Ta có cái tên tuổi suông ở đời, người nào vì ta dẹp được ?”

    Đại chúng đều không đáp được.

    Khi ấy, có vị Sa Di bước ra, nói : “Xin cái pháp hiệu của Hòa Thượng”.

    Tổ Sơn nói : “Cái danh tiếng suông của ta đã rụng rồi !”
    Tổ Thạch Sương nói : “Không có người để kẻ khác chấp nhận”.
    Tổ Vân Cư nói : “Nếu có danh tiếng suông thì chẳng phải là Tiên Sư của tôi”.
    Tổ Tào Sơn nói : “Từ xưa đến nay, không người biện được”.
    Tổ Sớ Sơn nói : “Rồng có cách ra khỏi nước, không người biện được”.
    Thầy Đại Dương Minh An hỏi Tổ Lương Sơn : “Như sao là đạo tràng vô tướng ?”
    Tổ Sơn chỉ tượng Quan Âm, nói : “Đây là bức họa của Ngô cư sĩ”.
    Thầy An định nói, Tổ liền hỏi : “Cái đó là cái hữu tướng, như sao là cái vô tướng ?”
    Thầy An ngay lời nói có tỉnh ngộ, làm lễ rồi quay về chỗ đứng.
    Tổ Sơn nói : “Sao không nói lấy một câu !”
    Thầy An : “Nói thì chẳng từ chối, chỉ e lấm giấy mực !”
    Tổ Sơn cười lớn, nói : “Lời này gắn trên đá rồi !”
    Về sau quả đã khắc trên bia.
    Ngài Đầu Tử nêu rằng :

    “Đạo suốt cổ kim
    Bộ hành khó trải
    Núi cao hiểm tuyệt
    Leo không chỗ nương
    Hoặc chẳng phát minh dấu trước
    Thuở nào dẫm bước được đâu
    Thế nên ngộ ở tự mình
    Ấn chứng nhờ nơi thầy
    Thay nhau chứng minh
    Nối Phật huệ mạng
    Nơi đây tột đường hỏi lối, sức tận để chỉ bày
    Vách ngất trời không cửa, sức hết chỗ tới lui
    Rồng vàng đã mất nước, cánh mầu cất cánh mau !
    Thấu qua sóng lớn, lại về bổn vị”.


    “Này các nhân giả, chính đang lúc ấy, lại có biết chỗ thoái vị của người xưa không ? Như biết được, thì có thể nói là núi muôn trượng đổ, ngàn sóng hết gầm. Long cung và cõi Trời chung mái, cung điện cùng tinh tú hợp vẻ. Nham Tùng lồng đẹp, giòng móc (mưa móc) cỏ thơm. Chẳng phạm đến hóa môn mà ngàn núi đều lộ ra hẳn. Bằng chẳng biết chỗ về thì hang rộng không người hỏi, rồng buồn biển cả sâu”.
    Tụng rằng :

    “Vách núi cùng đường hỏi sơn ông
    Lại chỉ ngọn Tây ngọn cận Đông
    Định tiến, móc rơi thêm khí núi
    Quay đầu bỗng thấy mặt trời hồng”.


    Nếu ở chỗ Vô Tướng này mà được cái tin tức, thì tuy nói không có Tướng cũng chẳng hề gì.



  6. #556
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, trong chỗ Hành Ấm còn tồn tại và Thọ, Tưởng Ấm đã diệt, lại so tính cả cái Có và Không, tự thể phá nhau, thì người ấy lọt vào những luận điên đảo Sau khi chết, Có và Không đều chẳng phải.

    “Người ấy trong Sắc, Thọ, Tưởng thấy Có mà chẳng phải Có, trong Hành Ấm chuyển biến thấy Không mà chẳng phải Không. Xoay vần như vậy cùng tột các Ấm thành ra tám Tướng Đều chẳng phải. Tùy gặp duyên gì đều nói sau khi chết có Tướng, không Tướng.

    “Lại suy tính Hành Ấm tánh nó dời đổi nên tâm phát ra thông tỏ, cho rằng Có, Không đều chẳng phải, hư thật lộn lạo. Do sự so tính, chấp “Sau khi chết, Có và Không đều chẳng phải” mà việc về sau tối tăm mù mịt, không còn lối đi, sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Tám, lập luận điên đảo : Trong ngũ Ấm, sau khi chết, Có và Không đều chẳng phải.




    Thông rằng :

    Đây là kiến chấp Chẳng phải Có, chẳng phải Không vậy. Đó là do nơi sự so tính cả Có lẫn Không, tự thể của chúng phá nhau. Không chỉ Sắc, Thọ, Tưởng Ấm diệt nên cho là Có tức chẳng phải Có mà Hành Ấm dời đổi cũng cho là Không tức chẳng Không. Ở chỗ này mà xoay vần lui tới xét xem thì thấy cái đã diệt (Sắc, Thọ, Tưởng) trước đây đã từng có, nên tuy là Không mà chẳng Không. Cái hiện tồn tại (Hành) thì rốt rồi cũng diệt, thì tuy Có mà chẳng phải Có. Do so tính nước đôi về bốn Ấm như vậy nên thành ra tám thứ Chẳng Phải. Tùy nêu ra duyên gì đều đủ cả có Tướng và không Tướng. Đây chỉ ở nơi duyên mà xem thấy sự Có-Không của Tướng, chưa phải là tinh vi vậy.

    Lại ở trong sự dời đổi sanh diệt của tánh Hành Ấm, thấy trong sanh tức có diệt, nên chẳng phải Có, thấy trong diệt tức có sanh, nên chẳng phải Không vậy. Ở trên tánh Hành Ấm mà quán xét để thấy Có, Không đều chẳng phải thì chẳng phải là người tâm đã phát thông tỏ làm sao thấy được. Có mà chẳng Có, đó là Diệu Hữu. Không mà chẳng Không, đó là Chân Không. Đó mới là Đệ Nhất Nghĩa Đế Diệu Chân Như Tánh vậy.

    Người ấy chỉ ở nơi tánh Hành Ấm thấy Có và Không đều chẳng phải, còn Thức Ấm ở sau vẫn còn mù mịt không thấy gì, nên hư thực lộn lạo chẳng biết chỗ về. Đã không có chỗ quay về an nghỉ thì không thể trọn xong cái Đạo. Tuy muốn phát huy cái cảnh giới Chẳng phải Sanh, chẳng phải Diệt của Tạng Thức, cũng không thể được, huống nữa là cái Chân Lý bất sanh bất diệt của Chân Như Đệ Nhất Nghĩa Đế ư ? Cái gọi là thông tỏ của người ấy thì gần giống với cái ngộ của bậc Duyên Giác, chứ chưa có thể nói là Chánh Ngộ.

    Thứ luận Có, Không đều chẳng phải này cũng từ lối nói càn loạn ở trước : Cũng Có tức là cũng Không, trong cái cũng Không chẳng phải là cũng Có. Suy tính cùng cực về việc sau khi chết mà sáng lập ra luận này, đều gọi là điên đảo.

    Ngoại đạo hỏi Phật : “Chẳng hỏi Hữu Ngôn, chẳng hỏi Vô Ngôn”.

    Đức Thế Tôn im lặng chập lâu.

    Ngoại đạo tán thán rằng : “Thế Tôn đại từ đại bi, mở vẹt đám mây mê mờ cho tôi, khiến được thể nhập !”

    Sau khi ngoại đạo đi rồi, Ông Anan hỏi Phật : “Bạch, ngoại đạo chứng chỗ gì mà nói là được nhập ?”

    Đức Phật nói : “Như ngựa hay trong đời, thấy bóng roi mà chạy !”

    Đức Thế Tôn ví người ngoại đạo với con ngựa hay, vì tâm ấy cũng phát thông tỏ vậy.
    Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

    “Máy tạo chưa từng chuyển
    Chuyển ắt chạy hai đầu
    Gương sáng bỗng trên đài
    Ngay đó phân đẹp xấu
    Đẹp xấu phân, hề, mây mê vẹt
    Cửa Từ sanh bụi chốn nào đâu ?
    Nhân đây ngựa giỏi theo roi bóng
    Lướt gió dặm ngàn kêu được về
    Kêu được về, búng tay ba tiếng !”


    Có nhà sư hỏi Tổ Pháp Nhãn : “Như sao là nhà sư tịch, trước mặt chạm mắt là Bồ Đề ?”
    Tổ Nhãn nói : “Đó là trước mặt ông !”
    Lại hỏi : “Nhà sư tịch thiên hóa về chốn nào ?”
    Tổ Nhãn nói : “Nhà sư tịch thiên hóa hồi nào ?”
    Nhà sư hỏi : “Thế bây giờ thì sao ?”
    Tổ Nhãn nói : “Ông chẳng biết nhà sư tịch”.
    Tổ Pháp Nhãn tận lực hô hoán mà chẳng biết quay đầu ở đây mà tỉnh ra thì có thể nói “Tứ cú đều lìa, linh căn độc lộ”



  7. #557
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, sanh ra so tính rằng về sau này là Không, thì người ấy lọt vào bảy thứ luận Đoạn Diệt.

    “Hoặc chấp Thân này là diệt, hoặc chấp hết Dục là diệt, hoặc hết Khổ là diệt, hoặc Cực Lạc là diệt, hoặc Tột Xả là diệt. Xoay vần như vậy cùng tột bảy cách, cho rằng hiện tiền là tiêu diệt, diệt rồi không trở lại nữa. Do sự so tính “Sau khi chết là đoạn diệt” như vậy, sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Chín lập ra luận điên đảo “Sau khi chết là Đoạn Diệt”.




    Thông rằng :

    Ở trước thì thấy có Hành Ấm mà không có Thọ, Tưởng; ở đây thì Hành Ấm cũng không, nên nói rằng “Về sau này là Không”. Ở trước là sau khi chết Vô Tướng, chỉ thuộc về một cách Thân diệt. Ở đây cùng tột bảy cách, diệt chẳng sanh lại.

    Thân thuộc về cõi Dục, gồm người và trời. Hết Dục thuộc về Sơ Thiền, hết Khổ thuộc về Nhị Thiền. Cực Vui thuộc về Tam thiền. Hết Xả thuộc về Tứ Thiền và Vô Sắc. Tuy nói năm thứ Diệt, thật ra gồm bảy Cách. Đây là vào ngoại đạo Vô Tưởng Thiên, đại khái đồng một đoạn kiến như Tỳ Kheo Vô Văn, cho rằng đã chứng quả chẳng thọ Thân đời sau, nên lập cái luận Sau khi chết là đoạn diệt.

    Thiền sư Khai Tiên Chiếu thượng đường nói rằng : “Quy củ tùng lâm, gia phong cổ Phật, một tham một hỏi, một cháo một cơm. Hãy nói huỵch toẹt ra là cái gì vậy ? Chỉ như các ông, tâm tâm chẳng dừng, niệm niệm chẳng trụ. Bằng như khéo dừng ở chỗ chẳng dừng, vô niệm ngay trong chỗ niệm, bèn tự hợp lý Vô Sanh. Nói thế này thì cười bể miệng người khác. Tham đi !”
    Nhà sư hỏi Tổ Vân Môn : “Không khởi một niệm, lại còn có lỗi không ?”

    Tổ Môn nói : “Núi Tu Di !”
    Ngài Bạch Vân Đoan tụng rằng :

    “Núi Tu Di, hề, nghẽn vũ trụ
    Đại bi ngàn mắt nhìn không qua
    Trừ phi tự biết cỡi ngược trâu
    Một đời khỏi phải theo sau đít”.


    Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

    “Chẳng khởi một niệm, núi Tu Di !
    Thiều Dương thí pháp không lưu giữ
    Chịu đến, hai tay phân phó cho
    Định đi, ngàn tìm, không thể bám
    Biển xanh rộng, mây trắng nhàn
    Chớ đem mảy tóc đặt trong đây
    Giả tiếng gà kia khó gạt ta
    Chưa chịu mơ màng cho qua ải !”


    Hai bài tụng này quả có phân biệt. Nếu bám níu “Chẳng khởi một niệm”, không biết tin tức “Cỡi ngược trâu” thì tức là “Giả tiếng gà gáy”, chẳng khỏi “Theo sau đít người” vậy, sao có thể thấu qua cái cửa ải hướng thượng ư ?



  8. #558
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng vững chắc, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại sanh ra so tính rằng sau này là Có, thì người ấy sa vào năm luận Niết Bàn.

    “Hoặc lấy Dục Giới làm cái chuyển y chánh thật, do xem thấy sáng suốt vẹn khắp mà sanh yêu mến vậy. Hoặc lấy Sơ Thiền làm cái chuyển y chánh thật, vì thấy tánh cõi này không có Lo Âu. Hoặc lấy Nhị Thiền, vì tánh nó không có Khổ. Hoặc lấy Tam Thiền, vì rất Vui Đẹp. Hoặc lấy Tứ Thiền, vì Khổ Vui đều hết, chẳng chịu luân hồi sanh diệt. Vậy là mê lầm cõi trời Hữu Lậu là tánh Vô Vi, cho rằng năm chỗ yên ẩn trên là nơi quả báo thù thẳng thanh tịnh. Xoay vần như vậy cùng tột có năm chỗ.

    “Do suy tính chấp trước năm thứ Niết Bàn hiện có như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

    “Đây gọi là ngoại đạo Thứ Mười, lập ra những luận điên đảo : Trong năm Ấm có năm thứ Niết Bàn hiện có.

    “Anan, mười thứ cuồng giải Thiền Na như vậy đều do Hành Ấm và tâm dụng công xen nhau, nên hiện ra những nhận thức đó. Chúng sanh mê dại, không biết tự lượng xét, gặp các cái đó hiện ra, lấy mê làm ngộ, tự cho là chứng Thánh, thành tội Đại Vọng Ngữ mà đọa ngục Vô Gián.

    “Các ông quyết phải đem lời của Như Lai, sau khi Ta diệt độ rồi, truyền dạy cho đời Mạt Pháp, khắp giúp chúng sanh hiểu rõ nghĩa này, không để cho Tâm-Ma tự gây nên những tội lỗi sâu nặng, giữ gìn che chở cho chúng sanh tiêu diệt các tà kiến, dạy cho thân tâm họ khai mở giác ngộ Chân Nghĩa, không mắc vào các đường rẽ trong Đạo Vô Thượng. Chớ để họ được một ít đã cho là đủ, và nêu ra lời chỉ dạy thanh tịnh của vị Đại Giác.



  9. #559
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Đã nói “Về sau Không” rồi sao trở lại “Về sau Có” vậy nhỉ ? Bởi vì, cái cội nguồn trong trẻo thường máy động kia là cái diệt chẳng được. Chẳng phải đắc đạo tràng tịch diệt chân thật, ở chỗ diệt mà vọng thấy có sự chứng đắc, nên gọi là “Về sau Có”. Bởi vì, Hành Ấm trong sát na tạm dừng, cái sáng suốt vẹn khắp thoáng hiện bày, bèn cho đó là Vô Sanh Diệt, là Niết Bàn. Rồi ở năm chỗ suy tính là quả Niết Bàn, khiến Niết Bàn mà có năm thứ, thế thì có thể gọi là Niết Bàn ư ?

    Bảy cách trên đã diệt hết, lại lập ra năm thứ Niết Bàn, yêu mến sự sáng suốt vẹn khắp. Đó là chỗ chung của người và trời, khổ vui đều hết, chẳng chịu sanh diệt. Tứ Thiền cùng cõi trời Vô Sắc đồng nhau. Năm chỗ yên ẩn này không ra khỏi ba cõi, ba thứ Dục Lậu, Hữu Lậu, Vô Minh Lậu vẫn ẩn náu như cũ, đó chỉ là do cái công dụng hữu vi, thuần thục mà thành tựu. Kia chỉ mới chứng Vô Tưởng Định mà cho là được quả Vô Vi, trong chốn hữu lậu mê lầm mà không tự biết, hết kiếp lại rơi vào luân hồi, há cho là Niết Bàn chân thật được ư ?

    Thầy Chí Đạo cầu hỏi Đức Lục Tổ rằng : “Kẻ học nhân này từ khi xuất gia, đọc kinh Niết Bàn có hơn mười năm mà chưa rõ đại ý, xin Hòa Thượng chỉ dạy”.

    Tổ nói : “Ông chưa rõ chỗ nào ?”

    Bạch rằng : “Các Hành vô thường. Là sanh diệt pháp. Sanh diệt diệt rồi. Tịch Diệt là vui” - Dạ, nghi hoặc chỗ đó”.

    Tổ nói : “Ông nghi làm sao ?”

    Bạch rằng : “Tất cả chúng sanh đều có hai Thân, đó là Sắc Thân và Pháp Thân. Sắc Thân thì vô thường, có sanh có diệt. Pháp Thân thì hữu thường, vô tri vô giác. Kinh nói “Sanh diệt diệt rồi. Tịch diệt là vui” thì chưa rõ thân nào tịch diệt, Thân nào hưởng vui. Nếu là sắc thân thì khi sắc thân diệt, bốn đại phân tán, hoàn toàn là khổ, khổ không thể nào nói là vui. Nếu Pháp Thân tịch diệt thì đồng với cỏ cây, ngói đá, ai hưởng vui đây ? Lại nữa, Pháp Tánh là thể của sanh diệt, năm Ấm là dụng của sanh diệt. Một thể năm dụng, sanh diệt là thường. Sanh thì từ thể khởi ra dụng, Diệt thì thu nhiếp dụng về thể. Nếu cho là sanh trở lại thì loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu chẳng cho là sanh trở lại, thì vĩnh viễn quy về tịch diệt, đồng với vật vô tình. Như thế thì tất cả các pháp đều bị Niết Bàn ngăn cấm, sanh còn không được, làm sao có vui ?”

    Tổ nói : “Ông là con nhà Phật, sao lại huân tập tà kiến đoạn thường của ngoại đạo mà luận bàn pháp Tối Thượng Thừa ! Cứ như ông nói thì ngoài sắc thân lại riêng có Pháp Thân. Lìa sanh diệt mà cầu tịch diệt. Lại từ chối Niết Bàn vốn thường lạc, nói là có riêng cái Thân để thọ dụng. Đó là tiếc rẻ sanh tử, đắm mê cái vui của đời.

    “Giờ đây, ông phải biết : Phật vì tất cả những người mê lầm, họ nhận lấy năm ấm hòa hiệp cho là tướng tự thể, lại phân biệt tất cả pháp làm ra trần tướng bên ngoài, thế rồi tham sống ghét chết, niệm niệm trôi dời mà chẳng biết là mộng huyễn hư giả, để uổng chịu luân hồi. Lấy Niết Bàn thường vui đổi ra cho là tướng khổ, suốt ngày tìm kiếm bôn ba. Phật thương xót mà chỉ bày cái Niết Bàn chân lạc, không sát na nào có tướng sanh, không sát na nào có tướng diệt, lại không có sanh diệt nào khá diệt, đó là Tịch Diệt hiện tiền. Ngay đang hiện tiền cũng không có cái lượng hiện tiền, mới là thường lạc. Cái Lạc này không có cái thọ, mà chẳng không có cái gì chẳng thọ. Há có cái tên “Một Thể Năm Dụng”, huống lại còn nói “Niết Bàn trừ diệt các pháp, khiến cho vĩnh viễn chẳng sanh ?” Nói vậy là chê Phật, phá Pháp. Hãy nghe kệ của ta :

    “Vô Thượng Đại Niết Bàn
    Sáng đầy hằng lặng chiếu
    Người phàm cho là chết
    Ngoại đạo chấp là Đoạn
    Các người cầu Nhị Thừa
    Thấy đấy là vô tác
    Thảy theo tình suy nghĩ
    Gốc sáu hai tà kiến
    Vọng lập danh hư giả
    Dính dáng gì nghĩa chơn
    Chỉ người vượt suy lượng
    Thấu suốt, không nắm bỏ
    Vì biết pháp Năm Uẩn
    Và cái Ta trong Ấm
    Ngoài hiện các sắc tượng
    Mỗi mỗi tướng âm thanh
    Bình đẳng như mộng huyễn
    Chẳng khởi thấy Thánh, phàm
    Chẳng thành Niết Bàn giải (hiểu)
    Nhị biên, tam tế dứt
    Thường ứng (thành) dụng (của) các căn
    Mà chẳng khởi dụng tưởng
    Phân biệt tất cả pháp
    Chẳng khởi tưởng phân biệt
    Kiếp hỏa thiêu đáy biển
    Gió thổi núi chạm nhau
    Chân thường tịch diệt lạc
    Niết Bàn là như vậy
    Ta nay miễn cưởng nói
    Khiến ông xả tà kiến
    Ông chớ theo lời hiểu
    Cho ông biết ít phần”.


    Thầy Chí Đạo nghe kệ xong đại ngộ, làm lễ rồi lui ra.

    Như chỗ luận của Đức Lục Tổ, chỉ thẳng chân nghĩa, thật nêu ra lời chỉ dạy thanh tịnh của bậc Đại Giác Vương. Khế hợp được lời nói này thì các kiến chấp rẽ nhánh chẳng sanh, tâm ma tự hết, ngõ hầu phá được Hành Ấm mà vượt khỏi chúng sanh trược vậy.



  10. #560
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    F. PHẠM VI CỦA THỨC ẤM




    Kinh :

    “Anan, thiện nam tử ấy tu Tam Ma Đề, Hành Ấm hết rồi thì cái then chốt chung u ẩn giản phác máy động sanh ra các loài thế gian bỗng chốc nát tan. Giềng mối vi tế, mạch ngầm gây nghiệp chịu quả báo của ngã thể chúng sanh, cảm ứng đều dứt bặt. Người ấy hầu như sắp đại minh ngộ trong bầu trời Niết Bàn, ví như gà gáy lần chót, ngắm về phương Đông đã có sắc tinh sáng. Sáu Căn rỗng sạch, không còn rong ruổi, trong ngoài trong lặng sáng suốt, nhập vào cái Không Chỗ Vào. Thấu suốt nguyên do nắm lấy cội nguồn, các loài không còn hấp dẫn được. Nơi mười phương thế giới đã được tính Đồng. Cái sắc tinh sáng chẳng chìm, phát hiện u ẩn bí mật. Đây gọi là phạm vi của Thức Ấm.

    “Nếu trong tính Đồng đã chứng được của các loài mà tiêu tan sáu căn, khi hợp, khi chia được thành tựu, thấy nghe thông nhau, dùng thay lẫn nhau một cách thanh tịnh, mười phương thế giới cùng với thân tâm như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt thì gọi là Thức Ấm hết. Người ấy có thể siêu vượt Mệnh Trược. Xét lại nguyên do, cội gốc là vọng tưởng điên đảo, ảo tượng rỗng không.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •