KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 543__________________________________________________ ______________________________________
Lại đem sự tùy hỷ tương ưng với các việc phước nghiệp và ban cho hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nguyện đem căn lành này cùng loài hữu tình đồng hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Như vậy, việc phát khởi tùy hỷ hồi hướng và các việc phước nghiệp được phát sanh khác là tối tôn, là thù thắng, là tôn quí, là cao đẹp, là nhiệm mầu, là vi diệu, là vô thượng, là trên hết, không gì hơn, không gì sánh bằng. Ý ông thế nào? Đại Bồ-tát kia duyên theo việc như vậy mà khởi lên hành động tương ưng với tâm tùy hỷ hồi hướng là có sở duyên, có thể đắc, có giống như sự chấp tướng của Bồ-tát kia không?
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Từ Thị trả lời cụ thọ Thiện Hiện:
- Đại Bồ-tát kia duyên theo sự việc như vậy mà khởi lên hành động tương ưng với tâm tùy hỷ hồi hướng này, thật sự không có sở duyên có thể đắc, như tướng mà Bồ-tát đã chấp thủ.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo Bồ-tát Từ Thị:
- Nếu không có các việc sở duyên như Bồ-tát kia đã chấp lấy tướng, thì các Bồ-tát kia tùy hỷ hồi hướng đâu chẳng thành tưởng, tâm, kiến điên đảo. Vì sao? Vì như có người tham đắm việc vô sở hữu: Vô thường cho là thường, thật sự khổ cho là vui, vô ngã bảo là ngã, bất tịnh cho là tịnh, liền phát khởi tưởng, tâm, kiến điên đảo. Như việc sở duyên thật sự vô sở hữu. Bồ-đề và tâm cũng lại như vậy, tất cả pháp và tất cả cảnh giới cũng như vậy. Nếu tất cả chủng loại đều vô sở hữu, không sai khác thì những gì là việc sở duyên, những gì là tâm tùy hỷ, những gì là Bồ-đề, những gì là hồi hướng? Tại sao Đại Bồ-tát này duyên việc như vậy mà khởi tâm tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Bồ-tát Từ Thị trả lời với Thiện Hiện:
- Đã khởi lên sự tùy hỷ hồi hướng như vậy thì không nên đối trước các Bồ-tát mới học Đại thừa kia mà nói. Vì sao? Vì người kia nghe tất cả sự tùy hỷ hồi hướng như vậy thì tâm tin ưa, cung kính sẽ mất ngay. Như vậy, pháp tùy hỷ hồi hướng nên vì Đại Bồ-tát Bất thối chuyển, hoặc người đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đã phát nguyện lớn, gieo trồng nhiều căn lành lâu dài, đã được nhiều bạn lành hộ trì mà khai thị phân biệt. Vì sao? Vì những người kia nghe được sự tùy hỷ hồi hướng này chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng lui, chẳng mất.
Các Đại Bồ-tát nên đem sự tùy hỷ tương ưng với các việc phước nghiệp hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Chính lúc bấy giờ, nên nghĩ: Phải dụng tâm tùy hỷ hồi hướng, sự dụng tâm này đã tận diệt ly biến. Việc sở duyên này và các căn lành cũng đều như tâm tận diệt ly biến. Trong đây những gì là chỗ dụng tâm? Và lấy những gì làm việc sở duyên và các căn lành mà nói tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? Đúng lý thì tâm này đối với tâm không có sự tùy hỷ hồi hướng, vì không có hai tâm đồng thời khởi lên. Tâm cũng không thể tùy hỷ hồi hướng tự tánh tâm. Vì thế nên tâm tùy hỷ hồi hướng và việc sở duyên đều bất khả đắc.