Năm Thần Long nguyên niên 705, vua Trung Tông ban chiếu:

“Trẫm đã thỉnh hai thầy An và Tú vào trong cung cúng dường, mỗi khi rỗi rảnh trong muôn một mà tham cứu Nhất thừa".

Hai thầy đều khiêm tốn từ nhượng:

“Phương Nam có thiền sư Huệ Năng mật thọ y pháp từ Nhẫn Đại sư, bệ hạ nên mời người đó đến thưa hỏi”.

Vua sai nội thị Tiết Giản đem chiếu nghênh thỉnh : "Mong Sư thương nghĩ mau phó thượng kinh.”

Sư dâng biểu thác bệnh để từ chối, nguyện được hết đời ở chốn núi rừng.

Tiết Giản thưa:

- Các vị thiền đức ở kinh thành đều nói: “Muốn hội được đạo ắt phải tọa thiền tập định, nếu không nhờ thiền định mà được giải thoát thì chưa có chuyện đó”. Chưa biết Sư nói pháp như thế nào?

Sư nói:

- Đạo do ngộ tâm, há do ngồi đâu? Kinh nói: “Nếu thấy Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm, người đó hành tà đạo"(nhược kiến như lai nhược toạ nhược ngoạ thị hành tà đạo). Tại sao vậy? "Như Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu” (vô sở tùng lai diệc vô sở khứ). Thế thì, không sanh diệt là Như Lai thanh tịnh thiền, chư pháp không tịch là Như Lai thanh tịnh tọa, rốt ráo không có chứng đắc, huống chi là ngồi ư?

Giản thưa:

- Đệ tử trở về chúa thượng ắt hỏi, xin hòa thượng từ bi chỉ dạy tâm yếu.

Sư nói:

- Đạo không có sáng tối, sáng tối là nghĩa đắp đổi nhau. Sáng, sáng hoài cũng có lúc hết.

Giản nói:

- Sáng dụ cho trí tuệ, tối dụ cho phiền não. Người tu đạo nếu không đem trí tuệ chiếu phá phiền não thì sanh tử từ vô thủy nhờ đâu mà xuất ly được?

Sư nói:

- Nếu đem trí tuệ chiếu phá phiền não thì đó là căn cơ nhỏ của hàng nhị thừa, xe dê nai … Hàng đại căn thượng trí đều không như thế.

Giản hỏi:

- Thế nào là kiến giải đại thừa?

Sư nói:

- Minh và vô minh tánh chúng không hai, tánh không hai tức là thật tánh. Tánh thật đó nơi phàm ngu mà không giảm, ở thánh hiền mà không tăng, ở phiền não mà không loạn, trong thiền định mà không lặng. Không đoạn không thường, không đến không đi, không ở trung gian cùng với trong ngoài, chẳng sanh chẳng diệt tánh tướng như như, thường trụ không đổi đời. Đó gọi là đạo.

Giản nói:

- Sư nói chẳng sanh chẳng diệt có khác gì ngoại đạo?

Sư dạy:

- Cái mà ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt, là đem cái diệt ngăn cái sanh, lấy cái sanh làm rõ cái diệt; diệt cũng như chẳng diệt, (cũng như) sanh nói là không sanh. Cái mà ta nói chẳng sanh chẳng diệt, là xưa vốn không sanh nay cũng không diệt, vì thế chẳng đồng ngoại đạo.Ông muốn biết tâm yếu, chỉ cần tất cả việc thiện ác đều chớ nghĩ suy, tự nhiên được vào tâm thể thanh tịnh, trạm nhiên (trong trẻo) thường tịch mà diệu dụng như hằng sa.

Giản nhờ chỉ dạy hoát nhiên (thông suốt) đại ngộ.

Lễ từ trở về cửa khuyết, dâng biểu tâu lên lời Sư nói. Vua ban chiếu cảm tạ Sư và ban tặng Y ca sa ma nạp, 500 xấp lụa và một bảo bát. Ngày 19 tháng chạp ban sắc đổi tên Bảo Lâm cổ tự thành chùa Trung Hưng.

Ngày 18 tháng 11 năm Thần Long thứ ba 707, vua lệnh thứ sử Thiều Châu (Vi Cừ) sửa sang xây cất và trang trí thêm chùa Trung Hưng, ban biển ngạch là Pháp Tuyền Tự. Và chùa tại quê nhà Sư ở Tân Châu là Quốc Ân Tự.

Một hôm Sư dạy chúng:

- Này các thiện tri thức, mỗi người các ông hãy tịnh tâm lắng nghe ta thuyết pháp. Tự tâm mỗi người các ông là Phật, chớ nên hồ nghi, ngoài tự tâm không một vật nào có thể kiến lập, muôn thứ pháp đều do bổn tâm sanh. Thế nên Kinh nói: “Tâm sanh các thứ pháp sanh, tâm diệt các thứ pháp diệt”. Nếu muốn thành tựu chủng trí, phải đạt nhất tướng tam muội và nhất hạnh tam muội. Nếu đối với tất cả chỗ mà không trụ tướng, nơi tướng ấy chẳng sanh ưa ghét cũng không lấy bỏ, không nghĩ đến các việc lợi ích thành hoại … mà an nhàn điềm tĩnh hư dung đạm bạc, đó gọi là nhất tướng tam muội. Nếu ở mọi nơi đi đứng nằm ngồi, hành trực tâm thuần nhất thì chỗ nào cũng là đạo tràng bất động, mới thành chơn tịnh độ, đó gọi là nhất hạnh tam muội.Nếu người gồm đủ hai thứ tam muội này, tợ như đất có sẵn hạt giống, chỉ hay gìn giữ trưởng dưỡng sẽ thành tựu cái thật kia, nhất tướng và nhất hạnh cũng giống như vậy. Nay ta thuyết pháp như trời mưa thấm nhuần khắp cả đại địa, Phật tánh các ông dụ như những hạt giống, gặp mưa thấm ướt đều được phát sanh. Ai theo ý chỉ ta quyết định được bồ đề, y theo ta dạy mà hành nhất định chứng diệu quả.

Năm Tiên Thiên nguyên niên (cuối năm 712 – Đường Huyền Tông), Sư báo đồ chúng:

- Ta luống thẹn thọ y pháp Nhẫn Đại sư, nay thuyết pháp cho các ông mà không truyền y. Bởi vì tín căn các ông đã thuần thục, nhất định không nghi, kham nhận đại sự. Hãy nghe ta nói kệ:

心地含諸種  
普雨悉皆生

頓悟華情已  
菩提果自成


Tâm địa hàm chư chủng,
Phổ vũ tất giai sanh.
Đốn ngộ hoa tình dĩ,
Bồ đề quả tự thành.


(Tâm địa chứa các giống,
Gặp mưa ắt nảy mầm.
Đốn ngộ hoa tình rồi,
Quả Bồ đề tự thành).


Sư thuyết kệ xong, lại nói:

- Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy. Đạo ấy thanh tịnh cũng không có các tướng, các ông cẩn thận đừng quán tâm ấy là tịnh và không ngơ. Tâm vốn tịnh đó không thể lấy hay bỏ được. Mỗi người hãy tự nỗ lực tùy duyên đi nhé.