KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 518__________________________________________________ ______________________________________
Thiện Hiện nên biết! Những người được ác ma khen ngợi ẩn cư nơi núi rừng, đồng trống, thanh vắng, không dùng ngọa cụ tốt, ngồi tư duy. Đó chẳng phải là các Bồ-tát hạnh chơn viễn ly. Vì sao? Vì hạnh viễn ly đó còn có huyên náo. Nghĩa là họ còn xen phiền não nghiệp ác, hoặc xen lẫn tác ý Thanh văn, Ðộc giác. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không tinh cần tin thọ tu học, không thể viên mãn trí nhất thiết trí.
Thiện Hiện nên biết! Có Đại Bồ-tát chỉ thích tu hành pháp hạnh viễn ly mà ma khen ngợi nên có tâm kiêu mạn chẳng thanh tịnh, khinh khi, chê bai các chúng Đại Bồ-tát khác. Nghĩa là có chúng Đại Bồ-tát mặc dù ở thành ấp, xóm làng, vương đô, nhưng tâm thanh tịnh không xen tạp phiền não nghiệp ác và tác ý Thanh văn, Ðộc giác, tinh tấn tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình. Tuy ở nơi ồn náo mà tâm vẫn tịch tĩnh, luôn tinh cần tu tập hạnh chơn viễn ly. Đối với chúng Đại Bồ-tát chơn tịnh như vậy, mà vị kia sanh tâm kiêu mạn khinh khi chê bai, mắng chửi.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát ấy đã xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, vì không có phương tiện thiện xảo, nên tuy ở đồng trống một trăm do-tuần, nhưng nơi ấy tuyệt đối không có cầm thú hung dữ, rắn độc, giặc cướp, chỉ có quỷ thần, la-sát v.v... dạo chơi, cư ngụ trong đó. Người ở nơi thanh vắng kia mặc dù trải qua một năm, năm năm, mười năm, hoặc cho đến trăm ngàn ức năm, hoặc hơn số đó nữa, tu hạnh viễn ly nhưng không biết rõ về hạnh chơn viễn ly. Nghĩa là các chúng Đại Bồ-tát tuy ở chỗ ồn ào mà tâm tịch tĩnh, tránh xa các phiền não nghiệp ác và các tác ý Thanh văn, Ðộc giác, phát tâm hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát tuy ở mãi nơi đồng trống lại xen tạp tác ý địa vị Thanh văn, Ðộc giác, rất ưa thích mà chấp trước vào hai địa ấy, nương theo pháp hai địa ấy mà tu hạnh viễn ly, lại sanh tâm đắm chìm vào hạnh này. Người này mặc dù tu hạnh viễn ly nhưng không thuận theo tâm của chư Phật.
Thiện Hiện nên biết! Ta khen ngợi các Đại Bồ-tát chơn hạnh viễn ly nhưng các Bồ-tát đó không thành tựu. Trong hạnh chơn viễn ly, Ta không thấy vị ấy có hành tướng tương tợ như vậy. Vì sao? Vì đối với hạnh chơn viễn ly đó, vị ấy không ưa thích, chỉ thích siêng năng tu hạnh viễn ly của Thanh văn, Ðộc giác.