KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 501
__________________________________________________ ______________________________________


Kiều-thi-ca! Đại Bồ-tát này tự có thể viễn ly, chấm dứt sanh mạng, cũng có thể khuyến hóa người khác viễn ly, chấm dứt sanh mạng. Không ca ngợi một cách điên đảo về pháp chống trái sự viễn ly, chấm dứt sanh mạng. Hoan hỷ tán thán người viễn ly, chấm dứt sanh mạng. Như vậy cho đến tự xa lìa tà kiến, cũng khuyên người khác xa lìa tà kiến. Không ca ngợi một cách điên đảo về pháp xa lìa tà kiến, hoan hỷ tán thán người xa lìa tà kiến.

Kiều-thi-ca! Đại Bồ-tát này tự hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng khuyên người khác hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không ca ngợi một cách điên đảo pháp chống trái hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Hoan hỷ tán thán người hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến tự tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, cũng khuyên người khác tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Không ca ngợi một cách điên đảo pháp chống trái tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Hoan hỷ tán thán người tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Kiều-thi-ca! Đại Bồ-tát này tu hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đại Bồ-tát này thường suy nghĩ: Nếu ta không tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, sẽ sanh vào hạng bần cùng, hạ tiện. Nếu ta không tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa, thì cánh cửa cõi người, trời sẽ đóng kín và rơi vào các đường ác. Nếu ta không tu hành an nhẫn Ba-la-mật-đa, thì các căn sẽ thiếu xót, hình dung xấu xí, không đầy đủ sắc thân viên mãn của Bồ-tát. Nếu ta không tu hành tinh tấn Ba-la-mật-đa, thì chẳng thể tu đạo Bồ-tát, tâm thường giải đãi, các việc không thành. Nếu ta không tu hành tịnh lự Ba-la-mật-đa, thì không thể tu thắng định của Bồ-tát, tâm luôn tán loạn, mong muốn điều gì cũng không thành. Nếu ta không tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì không thể được phương tiện thiện xảo, vượt các bậc Thanh văn, Độc giác v.v... Nếu có các việc bần cùng v.v… như vậy thì không đủ thế lực giáo hóa hữu tình, cũng không thể trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, huống gì đắc trí nhất thiết trí.

Đại Bồ-tát này thường suy nghĩ: Ta không nên theo lệ thuộc thế lực của sự xan tham. Nếu lệ thuộc thế lực ấy thì việc bố thí Ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự phá giới, nếu lệ thuộc thế lực ấy thì tịnh giới Ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự sân giận, nếu lệ thuộc thế lực ấy thì an nhẫn Ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự giải đãi, nếu lệ thuộc thế lực ấy thì tinh tấn Ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự tán loạn, nếu lệ thuộc thế lực ấy thì tịnh lự Ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự ngu si, nếu lệ thuộc thế lực ấy thì Bát-nhã ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Nếu sáu pháp Ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn, thì hoàn toàn không thể đắc trí nhất thiết trí, không làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình.