KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 491
__________________________________________________ ______________________________________


Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát an trụ ở địa thứ mười hướng đến Như Lai địa như thế nào?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đại Bồ-tát này dùng phương tiện thiện xảo thực hành sáu Ba-la-mật-đa, tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, đầy đủ tất cả trí nhất thiết, trí nhất thiết tướng. Vượt qua Tịnh quán địa, Chủng tánh địa, Đệ bát địa, Cụ kiến địa, Bạc địa, Ly dục địa, Dĩ biện địa, Độc giác địa và Bồ-tát địa. Lại đoạn trừ hẳn sự tương tục tất cả phiền não tập khí, liền thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, và an trụ Như Lai địa.

Thiện Hiện! Đại Bồ-tát như vậy là an trụ ở địa thứ mười hướng đến Như Lai địa. Như vậy, Thiện Hiện nên biết: Đó là các Đại Bồ-tát phát tâm hướng đến Đại thừa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ông có thể hỏi tiếp như vầy: Đại thừa từ đâu ra, và đến an trụ ở đâu.

Thiện Hiện nên biết: Đại thừa từ trong tam giới ra, và đến an trụ trong trí nhất thiết trí. Lại dùng pháp môn bất nhị làm phương tiện cho nên không xuất cũng không trụ. Vì sao? Vì nếu Đại thừa hoặc trí nhất thiết trí, hai pháp như vậy không hợp cũng không tan, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều đồng một tướng gọi là vô tướng. Pháp của vô tướng không xuất không trụ. Vì sao? Vì pháp vô tướng chẳng phải đã xuất đã trụ, chẳng phải sẽ xuất, sẽ trụ, chẳng phải đang xuất, đang trụ.

Thiện Hiện nên biết: Có người muốn làm cho pháp vô tướng có xuất có trụ, chỉ vì muốn chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì cũng có xuất có trụ. Vì sao? Vì chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì đều không có thể ra ngoài tam giới, cũng không có thể đến an trụ nơi trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì chơn như, tự tánh chơn như là Không, cho đến cảnh giới bất tư nghì, tự tánh cảnh giới bất tư nghì là Không.