KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 477
__________________________________________________ ______________________________________


Này Thiện Hiện! Ta nói tánh bình đẳng của bốn Thánh đế tức là Niết-bàn. Như vậy Niết-bàn không do khổ, tập, diệt, đạo đế mà được, không do trí khổ, tập, diệt, đạo đế mà được. Chỉ do Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng tánh bình đẳng mới gọi là được Niết-bàn.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là tánh bình đẳng khổ, tập, diệt, đạo?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đối với nơi nào không có khổ, tập, diệt, đạo đế, không có trí khổ, tập, diệt, đạo thì gọi là tánh bình đẳng của bốn Thánh đế. Tánh bình đẳng này tức là bốn Thánh đế. Tất cả chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, Phật xuất hiện ra đời hoặc không xuất hiện ra đời, thì tánh tướng ấy vẫn thường trụ, không hư hoại, không biến đổi. Như vậy gọi là tánh bình đẳng của khổ, tập, diệt, đạo. Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, vì muốn hiểu rõ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này, nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Khi hiểu rõ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này thì gọi là hiểu rõ chơn chánh về tất cả Thánh đế, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, vì muốn giác ngộ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Nếu khi biết rõ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này gọi là giác ngộ chơn chánh về tất cả Thánh đế, không rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác mà lại nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát?