KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 473
__________________________________________________ ______________________________________


Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là phương tiện thiện xảo của các Đại Bồ-tát, khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nhờ lực phương tiện thiện xảo này nên an lập hữu tình, khiến trụ thật tế, mà không hoại tướng thật tế?

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy. Do lực phương tiện thiện xảo này, nên an lập hữu tình, khiến trụ bố thí. Sau khi an lập xong, vì họ mà nói tướng trước, sau, giữa của sự bố thí không có khác nhau. Nghĩa là nói bố thí như vậy thì trước, sau, giữa hoàn toàn đều là không. Người thí, người thọ thí và kết quả thí được cũng đều là không. Tất cả pháp như vậy ở trong thật tế, đều vô sở hữu, đều chẳng thể đắc. Các ông chớ cho rằng sự bố thí, người thí, người thọ thí và quả thí, mỗi mỗi khác nhau. Nếu các ông không chấp sự bố thí, người thí, người thọ thí và quả thí đều khác nhau thì việc tu thí phước sẽ hướng đến cam lồ, được quả cam lồ, nhất định lấy cam lồ làm hậu biên.

Lại nói như vầy: Các ông dụng pháp tu bố thí này, chớ nắm giữ sắc cho đến thức; chớ nắm giữ nhãn xứ cho đến ý xứ; chớ nắm giữ sắc xứ cho đến pháp xứ; chớ nắm giữ nhãn giới cho đến ý giới; chớ nắm giữ sắc giới cho đến pháp giới; chớ nắm giữ nhãn thức giới cho đến ý thức giới; chớ nắm giữ nhãn xúc cho đến ý xúc; chớ nắm giữ nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ; chớ nắm giữ địa giới cho đến thức giới; chớ nắm giữ nhân duyên cho đến tăng thượng duyên; chớ nắm giữ từ duyên sanh ra các pháp; chớ nắm giữ vô minh cho đến lão tử; chớ nắm giữ bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; chớ nắm giữ bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, ốn định vô sắc; chớ nắm giữ bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; chớ nắm giữ giải thoát môn không, vô tướng, vô nguyện; chớ nắm giữ nội Không cho đến vô tính tự tính Không; chớ nắm giữ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì; chớ nắm giữ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; chớ nắm giữ tám giải thoát cho đến mười biến xứ; chớ nắm giữ Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; chớ nắm giữ Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; chớ nắm giữ tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; chớ nắm giữ năm loại mắt, sáu thần thông; chớ nắm giữ mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; chớ nắm giữ ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp; chớ nắm giữ pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; chớ nắm giữ trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chớ nắm giữ quả Dự lưu cho đến quả Độc giác; chớ nắm giữ tất cả hạnh Đại Bồ-tát; chớ nắm giữ Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; chớ nắm giữ pháp thiện, pháp ác; chớ nắm giữ pháp hữu ký, vô ký; chớ nắm giữ pháp hữu lậu, vô lậu; chớ nắm giữ pháp thế gian, xuất thế gian; chớ nắm giữ pháp hữu vi, vô vi. Vì sao vậy? Vì tất cả sự bố thí, tánh bố thí đều không. Tất cả người thí, tánh người thí đều không. Tất cả quả thí, tánh quả thí đều không. Trong không ấy, sự thí, người thí, người thọ thí và các quả thí đều chẳng thể được. Vì sao vậy? Vì tự tánh sai biệt của các pháp như vậy, hoàn toàn không. Trong không rốt ráo ấy, các pháp như vậy đều không thể được. Do các pháp đây chẳng thể được, nên nắm giữ pháp khác cũng chẳng thể được.